Friday, 2 December 2011

Khủng hoảng niềm tin từ đời sống đến văn hóa

Văn Quang - Saigon 12/11/2011

Ngồi ở quán cà phê đầu ngõ, ở tiệm cắt tóc đàn ông, làm tóc đàn bà, quán ăn trưa gọi là “cơm văn phòng” ở Sài Gòn và các thành phố lớn, bây giờ người ta chỉ bàn đến chuyện tín dụng đen. Mỗi buổi sáng, đọc báo hàng ngày, không dưới 10 cái tin giật gân về chuyện vỡ nợ. Nào là “đại gia” bỏ trốn, nào là bà chủ hãng gas cuốn gói đi mất tiêu, nào là vợ chồng chủ hiệu buôn bán xe gắn máy biến mất, bỏ lại căn nhà thuê trống huơ trống hoác. Để lại những thảm cảnh hết sức đau lòng, thậm chí có gia đình tan nát và có người đã tự tử. Không chỉ ở thành phố lớn, tín dụng đen đã tràn về cả thôn quê


Toàn dân cùng đánh bạc
     Một cuộc khủng hoảng thật sự đang đến hồi gay go nhất giữa thời buổi lạm phát và bão giá. Cơn bão giá đang có dấu hiệu gia tăng bởi những ngày Tết gần kề. Dù chính phủ VN đã có rất nhiều nỗ lực làm giảm áp lực của cơn bão giá này, nhưng hệ thống tài chánh không vững vàng làm các ngân hàng lao đao, nhất là các ngân hàng nhỏ cứ bấn xúc xích vì khách hàng rút tiền ngày càng nhiều chuyển sang ngân hàng lớn hơn hoặc gửi vào các nơi khác có lời và có vẻ an toàn hơn. Nhưng không nơi nào là an toàn tuyệt đối cả, ngay cả sự an toàn tương đối cũng không có.

     Xin chứng minh:

     - Ông Phạm Huy Hùng - chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN, chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Vietin-bank - cho hay: “Hiện nay sự rủi ro trong nhiều ngân hàng ở VN lên rất cao. Nhiều ngân hàng hoạt động không đúng nội dung ngân hàng, chất lượng quản trị rất kém. Huy động mười đồng xài chín đồng rưỡi thì làm sao an toàn được”.

     - Là chuyên gia về tài chính ngân hàng, ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu của TP. Sài Gòn) cho rằng “rất nhiều người dân VN vẫn đang ngộ nhận gửi tiền vào ngân hàng là tuyệt đối an toàn, ngay cả khi phá sản Nhà nước cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế quy định đã rõ: khi gửi tiền mà ngân hàng phá sản, người VN chỉ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng. Đây chính là thực tế cần cảnh báo”.

     Ngân hàng lời nhiều, họ hưởng, nhưng ngân hàng phá sản thì dân chịu. Theo ông Ngân, ở các nước, Luật bảo hiểm tiền gửi thường xuất hiện sau khủng hoảng tài chính với nhu cầu bảo vệ người dân gửi tiền. Ông Phạm Huy Hùng bình luận rằng: “Tôi gửi 100 tỉ mà nhận bảo hiểm 50 triệu thì khác nào tiền mua gạo, mua rau”.

     - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết ở Mỹ mức chi trả là 200.000 USD, ở Hàn Quốc chi trả tương đương khoảng 2 tỉ đồng VN. Ông Ngân thì cho hay ở nhiều nước, người ta quy định mức này gấp 5-10 lần GDP bình quân…

     Chính phủ không bảo hiểm cho vàng và đôla, ngay đến tiền Việt Nam cũng chỉ được bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng, dù anh gửi 10 tỉ hay một tỉ cũng thế thôi. Nhà nước còn dè chừng như thế thì dân tin làm sao được các ngân hàng. Cho nên người dân có tí tiền tiết kiệm cứ loay hoay, không biết xoay xở thế nào. Gửi ở đâu cũng sợ bị mất, bị quỵt, bị lừa. Không còn nơi nào đáng tin cả. Niềm tin không còn chỗ đứng, thế thì đành phải liều, được ngày nào biết ngày ấy, gửi chỗ nào có lời nhất thì gửi. Không khác gì trò đánh bạc, đỏ đen nhờ Trời thôi. Thế là “toàn dân cùng phải đánh bạc”.

     Còn nhiều vụ vỡ nợ ngầm

     Chỉ tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, “thủ đô yêu quý” đã liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ. Công an đang điều tra vụ ở Đan Phượng với số nợ lên gần 300 tỷ đồng; vụ ở Hà Đông cũng lên đến vài trăm tỷ; ở huyện Phú Xuyên khoảng 300-400 tỷ đồng. Gần đây nhất, ở quận Cầu Giấy có vụ xù nợ trên dưới 100 tỷ đồng. Các vụ này có điểm chung là con nợ vay vốn của dân hứa trả với lãi suất cao, rồi bỏ trốn. Còn nhiều vụ khác, người dân vẫn chưa biết vì những kẻ lừa đảo dùng nhiều hình thức che giấu. Kiểu lừa thường gặp là làm ra vẻ “đại gia” đi xe đắt tiền, nhà đẹp, đeo đầy vàng trên người, ba hoa chích choè, làm nhiều người dân hoa mắt. Hoặc các con nợ núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp, xây dựng trụ sở, và khoe khoang rằng mình có cuộc sống xa hoa giàu có để lấy lòng tin của dân. Họ lấy tiền của dân để mua xe đắt tiền. Tiêu biểu như vụ ở Phú Xuyên, con nợ mua xe đến 5-6 tỷ đồng, rồi vợ chồng Quang-Quyên ở Đan Phượng cũng đi xe đến 4-5 tỷ đồng, thực chất chỉ để khoe mẽ đi lừa.

     Trong màn dạo đầu, họ trả tiền lời rất cao và sòng phẳng, rồi màn thứ hai là khất nợ, sau đó là “tắt đài” tức là không nghe điện thoại, màn cuối là đóng cửa hàng. Có khi người dân biết mình bị lừa, nhưng sợ báo công an thì con nợ sẽ bỏ trốn, khó lấy lại được tài sản, cứ ngấm ngầm tìm mọi cách đòi nợ dù chỉ còn một chút hy vọng mong manh. Vậy là ngoài những vụ đã nổ ra vẫn còn những quả bom nằm chờ sắp nổ. Màn kịch tín dụng đen chưa dừng lại ở đây, sẽ còn bi thảm hơn nhiều thực tế hiện nay.

     Thị trường chứng khoán, địa ốc chết đứng

     Mặt khác, thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc đang bừng bừng khí thế, bỗng chốc rơi vào cảnh ảm đạm, chỉ có anh nhảy ra, chứ không ai nhảy vô. Tất cả chỉ vì thiếu tiền. Doanh nghiệp bán đổ bán tháo lấy tiền trả nợ, chạy làng cũng chẳng xong. Cụ thể buổi bốc thăm mua nhà giảm giá của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) dự định tổ chức hôm 8-11 vừa qua đã bị huỷ vì chỉ có 2 khách tham dự. Theo quy định của PVL, phải có ít nhất 25 khách hàng ghi tên tham dự mới có thể tổ chức bốc thăm. Có thể thấy chiêu quảng cáo, làm giá của PVL đã bị khách hàng bắt bài nên đã quay lưng lại với căn nhà đại hạ giá ảo như nói trên. Buổi bốc thăm cũng phá sản!

     Hiện có hàng trăm dự án đóng băng, nằm trên bàn giấy, hàng ngàn căn nhà trên các “cao ốc hoành tráng bề ngoài” không bán được. Đặc biệt năm 2009-2010, giá bất động sản bị thổi lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả, cung và cầu không gặp nhau dẫn đến các khu đô thị có hàng trăm biệt thự bị bỏ hoang. Ngoài ra, thị trường chứng khoán trước đây giống như một quả bong bóng bị "thổi" lên không đúng với giá trị thực tế và đến bây giờ mới sụt xuống. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã rút khỏi hai thị trường này, chỉ còn người dân bị mắc kẹt. Đây là nguyên nhân chính.

     Lách lãi suất là việc làm sống còn của hầu hết ngân hàng

     Hiện nay, rất nhiều người đã rút tiền từ ngân hàng ra, nghe tin “tín dụng đen” hoành hành dữ dội đã lại thu tiền về, đành gửi tạm lại ngân hàng, chỉ là tạm thời vì lãi suất quá thấp. Cái vòng luẩn quẩn như chui trong rọ. Dĩ nhiên họ chọn ngân hàng lớn để… may ra còn tin tưởng được. Các ngân hàng (NH) lại đưa ra hàng trăm “chiêu” lách lãi suất. Có những chiêu thức lách rất quái dị. Ngân hàng Quân Đội (MB) đưa ra lãi suất 13,98% một năm đối với các kỳ hạn tháng. Tại NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tại NH Á Châu (ACB)… cũng có chương trình tiết kiệm dự thưởng… Tôi không thể kể hết những mánh lới lách lãi suất “đúng luật” hay không đúng luật này. Người dân ngẩn ngơ vì những kiểu khuyến mãi và thật sự chẳng ai kiểm soát nổi hàng ngày mình có trúng thưởng hay không.

     Với tình hình này, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) lại phải tính đến việc ra các quy định để phòng ngừa việc lách trần huy động bằng quay số trúng thưởng như đã làm với các “chiêu”, các trò trước đây. Nó như một cuộc đuổi bắt rất hào hứng giữa cảnh sát và kẻ trộm. Cuộc đuổi bắt này sẽ còn vã mồ hôi vì “anh lách luật” rất thông minh, "siết" chiêu này tung chiêu khác, dẹp trò này thì trò kia nảy sinh, cho thấy biện pháp hành chính đã thực sự “quá tải”, thực sự bất lực và không thể kham nổi gánh nặng giải quyết vấn đề lãi suất trên thị trường hiện nay. Bởi xét cho cùng, biện pháp hành chính là để giải quyết tình thế, không thể kéo dài năm này qua năm khác như ông NHNN đang làm. Đã đến lúc, NHNN phải đưa vào các giải pháp hợp lý hơn, phù hợp với cả hai lợi ích của dân và của NH. Nếu chưa thấy được những hậu quả thì nay đã thấy. Một mức ép lãi suất đầu vào hợp lý, như có đề nghị đã đưa ra là 15 đến 15,5% là người gửi tiền có thể chấp nhận được và NH cũng vẫn có lời nếu cho vay sản xuất 17-18% và phi sản xuất là 20%.

     Ai tạo cơ hội cho tín dụng đen tung hoành?

     Câu hỏi đặt ra là, tại sao những tổ chức tín dụng chính thống khó khăn trong việc huy động vốn thì một nguồn vốn lớn từ dân chúng lại chảy vào tín dụng đen bất chấp các rủi ro đã được cảnh báo? Câu trả lời là do mất lòng tin. Trong khi, chỉ huy động người dân với lãi suất 14% thì các ngân hàng vẫn cho vay lẫn nhau với lãi suất 20%-25%, thậm chí trên 30% trên thị trường liên ngân hàng. Huy động áp trần 14% nhưng lãi suất cho vay thả nổi, tạo cửa cho các tổ chức tín dụng thoải mái "bắt chẹt" doanh nghiệp với lãi suất cao; kinh tế khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn... Thật khó để biện hộ cho những con số cũng như các vấn đề nói trên. Đó cũng là lý do khiến nhiều người tìm đến tín dụng đen. Tạo cơ hội cho tín dụng đen thả sức tung hoành, tràn lan từ các thành phố lớn cho đến cả các vùng quê yên bình.

     Tham siêu lợi nhuận, hàng loạt doanh nghiệp "nhảy" vào kinh doanh bất động sản; tham lợi lớn, hầu hết các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phi sản xuất; tham lãi suất cao, nhiều người dân tìm đến tín dụng đen... Tất cả những điều này liên quan mật thiết với nhau nên khi một thị trường gặp khó khăn sẽ kéo theo các sự rủi ro của những thị trường còn lại. Chưa biết hiệu ứng domino này sẽ đưa dẫn tới đâu.

     Tôi nhớ hồi còn nhỏ, làng tôi đã xảy ra cảnh người dân phải vác cả một cái bao tải tiền đi mua một con trâu. Chúng ta hãy chờ xem, liệu có bao giờ trở lại với cái hình ảnh này không?

     Nói chuyện văn hoá cho đỡ nhức đầu

     Nói mãi chuyện tín dụng đen, tín dụng đỏ nhức đầu quá, phải không bạn? Xin đề cập đến một lãnh vực khác nhẹ nhàng hơn. Đó là chuyện văn hoá. Ở VN lại đang có nhiều đề tài bàn tán sôi nổi giữa các ông nhà văn nhà thơ, nhà xuất bản. Chuyện đáng nói trước hết, có một nhà văn, vừa là bác sĩ, vừa là đại biểu quốc hội đã đưa ra đề nghị quốc hội thảo luận một luật mới gọi là “Luật nhà văn”. Đó là ông nhà văn, bác sĩ, dân biểu Nguyễn Minh Hồng. Thú thật với bạn đọc tôi chưa được đọc tác phẩm nào của nhà văn này nên chưa thể kể tên, khi nào được đọc tôi xin nêu tên sau.

     Của tôi mà không phải của tôi

     Khi được báo chí phỏng vấn, ông Nguyễn Minh Hồng nói (xin tường thuật nguyên văn):

     * Phóng viên: Theo ông, Luật nhà văn nên điều chỉnh những gì?

     - Ô. NMH: Luật này điều chỉnh rất nhiều. Nào là các tác phẩm được xuất bản, các quy định đối với nhà văn ra sao, chế độ nhuận bút và các chế độ chính sách khác thế nào, chế độ thẩm định rồi quy định viết về cá nhân, viết về lịch sử phải thế nào...

     Nhưng khi được hỏi:
 Chuyện chưa biết nhiều Về dự án Bauxit Tây Nguyên
Bài 1:  Việc triển khai dự án gặp nhiều trục trặc
Lê Trung Thành - 13/11/2011
* Ông là người kiến nghị làm luật này, vậy ông có sẵn sàng trình dự án luật ra Quốc hội không?
     - Sáng kiến này không phải của tôi. Đó là trong một hội nghị của Hội Nhà văn, đồng chí Hữu Thỉnh đề xuất và tôi có hứa sẽ trình trước Quốc hội. Vì vậy tôi chỉ là người làm cầu nối để trình ý tưởng của Hội Nhà văn thôi.

     Như vậy là nhà văn này chỉ làm theo ý của ông nhà văn Hữu Thỉnh chứ không phải của ông. Tuy nhiên ngay tại quốc hội, ông nhà văn bác sĩ này cũng đã không được nhiều “đồng viện” của ông đồng tình. Ông Nguyễn Đình Quyền (phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp) thẳng thắn bác bỏ: “Luật nhà văn không cần thiết. Theo tôi, cần xem xét lại việc đưa dự thảo Luật nhà văn vào chương trình làm luật của Quốc hội. Hiện những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà văn cơ bản đã được thể hiện và quy định, điều chỉnh ở Luật báo chí”.

     Lề trái, lề phải cùng phản ứng quyết liệt

     Còn về phía các nhà văn nhà thơ thì hàng loạt những cây viết, cả lề trái và lề phải, đả kích khá dữ dội. Trong đó phải kể đến hai ông có tên tuổi và có tác phẩm được nhiều độc giả yêu thích.

     Nhà thơ Đỗ Trung Quân vốn là Thanh niên Xung phong từ năm 1979, có bài thơ dài và khá hay là bài Tạ Lỗi Trường Sơn làm từ năm 1982, nhưng lại được nhiều người biết đến qua bài thơ Quê Hương được ông Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Ông vừa cho ra một bài thơ nhại lại bài thơ được phổ nhạc rất nổi tiếng của chính ông, ông gọi là “Quê Hương bis”. Bài thơ có đoạn vào như sau: “Quê hương làm gì có luật/ Nên ta luồn lách mỗi ngày/ Quê hương mình thường lách luật/ Huề tiền lắm vụ hay hay…”

     Và, ông Trần Mạnh Hảo vốn là nhà văn, nhà thơ “cách mạng” từ chiến khu ra. Nhưng đã từ lâu, ông bước sang lề trái, với nhiều bài viết “nảy lửa”. Nhân dịp này, ông có bài viết rất mỉa mai, diễu cợt và rất thẳng thắn (*). Tôi không muốn trích ngang trích dọc những câu chữ của ông. Tôi chỉ xin phép trích đoạn cuối như câu kết trong bài của ông Trần Mạnh Hảo để bạn đọc có thể thấy được “văn phong” của ông:

     …Hiện nay, việc các bà vợ (hoặc tình nhân) ghen tuông cắt mất chim các ông chồng đang là chuyện phổ biến, một vấn nạn quốc gia, gây ra sự khiếp hãi cho đàn ông khi vào việc chăn gối. Mà như các vị quốc hội biết đấy, khi vào chuyện ái ân hạnh phúc kia mà đàn ông lo sợ bị mất của quý, thì chúng tôi xin cam đoan với quốc hội là trăm phần trăm trên bảo dưới không nghe. Nếu cánh đàn ông khi vào cuộc chăn gối mà trên bảo dưới không nghe vì sợ vợ làm liều, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong dân tộc, thưa quốc hội. Việc này dễ gây ra diệt chủng lắm, thưa các vị dân biểu đáng kính.

     Nên chúng tôi xin kiến nghị lên quốc hội hãy thương xót nhân dân mà cho ra một đạo luật cấm vợ hay tình nhân cắt đứt chim chồng vì ghen tuông, lấy tên rất dễ hiểu là LUẬT CẤM CẮT CHIM thì có phải là nhân đạo vô cùng, là cứu nguy dân tộc, là mở đường hiếu sinh cho các thế hệ tương lai, hơn là đưa ra đạo luật nhà thơ rất vui nhộn ra bàn, bị ông nghị Trần Du Lịch chê là ấm ớ hay không?...

     Câu chuyện về văn hoá còn khá dài và còn nhiều chuyện đang lùng bùng nữa, nhưng trang báo có hạn, xin để kỳ khác bàn tiếp.˜˜˜˜˜

     Từ ngày 30-11 đến ngày 4-12-2001, ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam –Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc theo lời mời của ông Giang Trạch Dân –Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Một bản tuyên bố chung được ký kết cùng với một Hiệp định khung giữa hai Chính phủ trong đó có câu: “Sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông”.

     Ngay sau khi chuyến đi của ông Nông Đức Mạnh kết thúc, từ năm 2002 Tổng công ty Than Việt Nam được giao nhiệm vụ quan hệ với các đối tác Trung Quốc để tìm công nghệ và nguồn vốn đầu tư khai thác bauxite. Tới ngày 14-12-2005, tại thủ đô Bắc Kinh, ông Đoàn Văn Kiển –Tổng giám đốc Tập đoàn Than Việt Nam (VINACOAL) và ông Tiêu Á Khánh –Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (CHALCO) đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác khai thác mỏ Bauxite tại tỉnh Đắc Nông. Sau khi có văn bản này, phía Trung Quốc tiến hành các cuộc vận động chuẩn bị vốn đầu tư vào các dự án bauxite Tây Nguyên.

     Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, vào dịp ông Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước CHND Trung Hoa thăm chính thức VN trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Châu Á–Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Hà Nội, trong bản tuyên bố chung ký ngày 17-11-2006 có đoạn: “Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xít Đắc Nông”…

     Mấy hôm sau, trên trang web Mining Top News có bài “VietNam, China in 1,6 bin Bauxite/Alumina deal–Việt Nam và Trung Quốc giao kết khai thác bauxite/alumina với 1,6 tỷ đôla”. Bài báo dẫn rằng “bauxite sẽ được khai thác tại vùng cao nguyên của tỉnh Đắc Nông để sản xuất 1,9 triệu tấn alumina trong giai đoạn đầu và tiếp theo, dự đoán sẽ sản xuất 4 triệu tấn alumina hàng năm”. Ngoài việc đầu tư 1,6 tỷ USD, Tập đoàn công nghiệp Nhôm TQ (CHALCO) hứa sẽ vận động Chính phủ TQ cho vay vốn ưu đãi để TKV đầu tư xây dựng tuyến đường sắt và cảng chuyên dùng vận tải và bốc xếp alumina.

     Dựa trên nội dung thông báo số 72TB/TW ngày 9-5-2007 của Bộ Chính trị về quy hoạch các dự án bauxite Tây Nguyên và sắt Thạch Khê–Hà Tĩnh và những dữ liệu điều tra, TKV đã lập kế hoạch thăm dò, khai thác bauxite trình Thủ tướng chính phủ. Vào ngày 1-11-2007, ông Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 167/2007 QĐ-TTG chính thức phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007–2015 có xét đến năm 2025”.

     Theo quyết định này, vùng khai thác bauxite và sản xuất alumina quy mô công nghiệp gồm các vùng Đắc Nông, Bảo Lộc–Di Linh, Konplon–Kanak và Phước Long. Nhà máy Alumin Tân Rai–Bảo Lộc do Tập đoàn TKV làm chủ đầu tư. Và tất nhiên, vì phía TQ chú ý nhiều nhất tới vùng Đắc Nông nên ngay trong giai đoạn 2007–2015 dự kiến xây dựng Nhà máy Alumin Đắc Nhân Cơ từ 0,3 đến 0,6 triệu tấn/năm. Nhà máy Đắc Nông 2 là 1,5–2 triệu tấn/năm. Đắc Nông 3 công suất 1,5–2 triệu tấn/ năm. Đắc Nông 4 công suất 1,5–2 triệu tấn/năm và đều do TKV làm chủ đầu tư. Giai đoạn từ 2016–2025 sẽ tùy thuộc khả năng thị trường để mở rộng Nhà máy Nhân Cơ lên 1,2 triệu tấn/năm, các dự án khác tăng lên 3–4 triệu tấn/năm. Vốn đầu tư các dự án cộng với đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đơn khổ 1,435 m giai đoạn 1, cảng biển ở Bình Thuận và xây dựng nhà máy điện, nhà máy điện phân nhôm… cần tới 11,8 đến 15,6 tỷ USD. Lúc ấy, Chính phủ VN hy vọng sẽ huy động từ các nguồn vốn cổ phần của các cổ đông VN và quốc tế, vốn vay các ngân hàng thương mại VN và quốc tế, Chính phủ sẽ xem xét bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài và vốn huy động từ thị trường chứng khoán, trái phiếu công trình… Đối với các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng (khoảng 1,9 tỷ USD) còn trông vào nguồn vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước,vốn tham gia của doanh nghiệp.

     Những việc làm trước đó của TKV triển khai dự án Tân Rai–Bảo Lộc và quyết định này có vẻ làm hài lòng Chính phủ Trung Quốc nên trong bản Tuyên bố chung ký ngày 2-6-2008 nhân chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Nông Đức Mạnh, câu chữ vẫn để giống như bản tuyên bố năm 2006, chỉ khẳng định “Hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như bauxite Đắc Nông”.

     Vậy việc triển khai dự án Alumin Tân Rai diễn ra như thế nào?

     TKV âm thầm phối hợp với đối tác Trung Quốc lập báo cáo khả thi dự án tổ hợp bauxite–alumin Tân Rai với số vốn ban đầu khoảng 8.000 tỷ đồng và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng thời điểm đó, TKV phát tin sơ tuyển các nhà thầu tham gia đấu thầu quốc tế gói số 9 –xây dựng nhà máy theo hình thức EPC–chìa khóa trao tay. Từ ngày 20-6 đến ngày 16-7-2007 có 30 nhà thầu tới nghiên cứu và tìm hiểu nhưng chỉ có 7 nhà thầu tham dự. TKV chọn được 3 hồ sơ đưa vào “danh sách ngắn” là Chalieco (tên đầy đủ là Công ty TNHH công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc –một công ty thành viên của Tập đoàn Nhôm TQ), Tập đoàn luyện kim Vân Nam và Liên doanh NFC–CNTIC.

     Kết quả của cuộc bỏ thầu tương lai đã rõ phần thắng thuộc về Chali-eco nên ngày 16-4-2008, TKV phê duyệt Chalieco trúng thầu. Ngày 14-7-2008, TKV tổ chức ký hợp đồng gói thầu EPC tại Hà Nội trị giá 466 triệu USD xây dựng trong 24 tháng kể từ ngày TKV giao mặt bằng cho nhà thầu. Các quan chức của Bộ Công thương và TKV có mặt đông đủ. Còn trước đó, về phía Lâm Đồng, ngày 16-11-2007, ông Huỳnh Đức Hòa –Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án tổ hợp bauxite nhôm cho TKV trên diện tích 142 ha, hoạt động theo hình thức xây dựng – sở hữu – kinh doanh (B.O.O). Dự án có số vốn 8.000 tỷ đầu tư vào vùng đất này lớn nhất từ trước đến nay nên được ưu ái hết sức. Đó là miễn tiền thuế đất 11 năm kể từ ngày hoàn thành, được miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động kinh doanh.

     Ngày 26-7-2008, lễ khởi công dự án Tân Rai được tổ chức, ông Hoàng Trung Hải –Phó Thủ tướng tới dự và phát lệnh khởi công. Tổ hợp dự án có tổng số vốn đầu tư là 687 triệu USD và sử dụng tới 2297 ha đất đang trồng cà phê, chè, cây ăn trái… của các xã Lộc Phú, Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng thuộc huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc.

     Vào thời điểm này, khi dư luận xã hội quan tâm tới việc Chính phủ VN quyết tâm đầu tư khai thác và chế biến bauxite thì buổi hội thảo khoa học đầu tiên được tổ chức vào ngày 22 và 23-10-2008 tại thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắc Nông. Trong 2 ngày này, TKV giới thiệu nội dung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007–2015 và đề cập tới công nghệ khai thác, chế biến Alumina, sản xuất nhôm. Những ý kiến phản biện liên quan tới khoa học và xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, về nguồn nước, tầng văn hóa… đã làm bùng lên một đợt sóng phản đối mạnh mẽ và lan rộng trong dư luận cả nước và quốc tế.

     Trước tình hình đó, ngày 5-1-2009 tại Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về thăm dò, khai thác bauxite. Bốn ông Phó thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, TKV có mặt. Ông Dũng yêu cầu TKV, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và các bên liên quan triển khai thực hiện quy hoạch đã duyệt, giao cho ông Hoàng Trung Hải chủ trì tổ chức Hội thảo và căn dặn Trong thời gian chưa hoàn thành công việc tổ chức hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về ảnh hưởng môi trường trong khai thác, tuyển rửa quặng bauxite, sản xuất Alumin và luyện nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên.

     Tới ngày 9-4-2009, Bộ Công thương phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật VN tổ chức một cuộc hội thảo quan trọng tại khách sạn Melia–Hà Nội, thành phần tham dự bao gồm các nhà khoa học, nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử, dân tộc học…, đại diện văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, đại diện các Bộ Khoa học và công nghệ, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, GTVT, Quốc phòng, Công an, đại diện lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Đaklak, Cao Bằng, Lạng Sơn. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Quyền Chủ tịch Liên hiệp hội Hồ Uy Liêm đồng chủ trì hội thảo.

     Trong kết luận của mình, ông Hoàng Trung Hải khẳng định các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến rất tâm huyết, không thể khai thác bauxite bằng mọi giá nên chỉ tiến hành triển khai thí điểm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Ông cũng cho rằng TKV cần tính toán lại phần lợi nhuận 10%, nếu không lãi không làm…

     Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, có cả bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Chính phủ yêu cầu ngừng thực hiện các dự án bauxite nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn giữ nguyên quyết định triển khai dự án ở Đắc Nông và Lâm Đồng. Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, ông Dũng thừa nhận rằng việc khai thác và chế biến bauxite Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động xấu nhất định tới môi trường. Còn vấn đề an ninh, quốc phòng không đáng lo ngại vì lực lượng lao động và nhân viên kỹ thuật người Trung Quốc sẽ rút toàn bộ về nước sau khi xây dựng và bàn giao công trình.

     Tuy nhiên vấn đề xử lý bùn đỏ và ảnh hưởng của hàng chục triệu tấn “bom bùn” treo lơ lửng trên đất Tây Nguyên ảnh hưởng đến nguồn nước vốn đã hết sức quan trọng với vùng đất đầu nguồn vẫn là đề tài nóng bỏng nhất trên báo chí và nghị trường làm đau đầu những người chỉ đạo và thực hiện dự án.

     Ngày 4-10-2010 sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại nhà máy bauxite Ajka cách thủ đô Budapest –Hungary 160 km làm cho hơn 1 triệu m3 bùn đỏ tràn ngập thị trấn Kolontar, gây ra cái chết và mất tích của 11 người, 122 người khác bị thương, cuốn trôi 270 căn nhà… lại làm dấy lên nhiều lời chỉ trích Dự án Tân Rai, Nhân Cơ, nhiều nhà khoa học một lần nữa lên tiếng đòi ngưng thực hiện dự án Tây Nguyên.

     Hồi chuông báo động dóng lên nhưng đã trót trèo “lên lưng cọp”, các hợp đồng tổng thầu đã ký, đã thực hiện nên Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Alumin Tân Rai, những mong tới đầu năm 2011, mẻ sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng. Tuy nhiên nhà thầu Chalieco đã không hoàn thành theo đúng thời hạn vì nhiều lý do. Cho đến nay, đã gần hết năm mà Chalieco vẫn chưa bàn giao nhà máy cho TKV. Hạng mục được quan tâm, chú ý nhất là hồ chứa bùn đỏ thi công khá chậm chạp bởi lý do thời tiết, mưa nhiều, ảnh hưởng tới toàn bộ dự án. Về phía chủ đầu tư, vốn vay để thực hiện hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ không mấy khả quan sau khi vụ Vinashin đổ nợ quá nặng nề làm mất uy tín của VN trên thị trường tài chính quốc tế nên các khoản vay của TKV gặp khó khăn. Ngày 13-4-2010, TKV vay Citibank 200 triệu USD trong thời hạn 13 năm để trang trải cho dự án Tân Rai. Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh cùng với cơ quan bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản hỗ trợ. Phần còn thiếu, TKV đang tiếp tục đề nghị Chính phủ đứng ra bảo lãnh nhằm bảo đảm nguồn vốn cho 2 dự án trên.

     Trong suốt quá trình chuẩn bị đầu tư, TKV chưa bao giờ đề cập tới nguồn vốn sửa chữa và nâng cấp tuyến đường tạm khi các dự án xây dựng đường sắt và cảng biển còn đang nằm trên giấy. Chính vì vậy, họ tỏ ra hết sức lúng túng trước chuyện các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai kiên quyết không nhượng bộ kế hoạch vận chuyển Alumin và các loại nguyên liệu, nhiên liệu… của TKV khi sử dụng loại xe trọng tải 40 tấn.

     Biết bao lần tổ chức họp hành, thị sát thực địa, từ ông Phó thủ tướng phụ trách đến các cơ quan liên quan đều bóp đầu, vò tai khi bàn thảo nguồn kinh phí sửa chữa hơn 240 km đường từ Tân Rai–Bảo Lộc về tới cảng Gò Dầu tỉnh Đồng Nai. Ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiều lần khẳng định trách nhiệm tìm và cung ứng vốn sửa chữa cầu đường là của TKV nhưng họ tìm mọi cách thoái thác, “đá bóng” sang ngành giao thông vận tải, vì vậy công việc sửa chữa đường cho đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ.

     Chuyện vận chuyển sản phẩm chưa có hồi kết giữa lúc Nhà máy Tân Rai (dù đưa vào hoạt động chậm tiến độ cả năm trời) đang chuẩn bị vận hành khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong văn bản ký ngày 31-10-2011 phải chỉ đạo cho TKV và UBND tỉnh Lâm Đồng lập ngay kế hoạch sửa chữa đường tỉnh ĐT725 từ Nhà máy Tân Rai ra tới ngã ba quốc lộ 20 và cho phép Chủ tịch tỉnh chỉ định nhà thầu thực hiện dự án.


     Phải bỏ tiền ra sửa chữa đường, TKV chắc chắn lãnh đủ khoản lỗ do chi phí vận tải lên quá cao. Như vậy, còn gì là “hiệu quả” lãi 10% như mong muốn ban đầu của TKV? Vì vậy ngay trong cuộc họp với Bộ Công thương ngày 7-11-2011, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV đề nghị giảm thuế xuất khẩu Alumin từ 20% (hiện nay) xuống 5% và 0% (!) để hỗ trợ cho các dự án bauxite “có đà phát triển”.


     Đã không phải trả tiền thuê đất, tiền thuế đất, nay lại đòi giảm tiền thuế xuất khẩu nữa thì TKV đào quặng bauxite lên làm gì nữa???
TDNL

No comments:

Post a Comment