- Lê Thương -
Khi đề cập đến phụ nữ Việt Nam, ai ai cũng đều thừa nhận rằng từ ngàn xưa cho đến nay họ là những người đàn bà dịu hiền, thùy mị, đoan trang, đảm đang, trung trinh tiết hạnh, giàu lòng hy sinh. Trong gia đình thì hiếu thảo với cha mẹ, tảo tần lo cho chồng con, ra ngoài là những bậc anh thư liệt nữ. Chính những đức tính đẹp nầy đã nâng cao phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam:
Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,
Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.
Ra ngoài giúp nước, giúp non,
Về nhà tận tụy chồng con một lòng.
Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.
Ra ngoài giúp nước, giúp non,
Về nhà tận tụy chồng con một lòng.
Trong suốt chiều dài của dòng lịch sử và chiều sâu của lòng dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã liệt oanh viết nên những trang sử vàng son làm vẻ vang giống nòi như Bà Trưng, Bà Triệu; nữ tướng Bùi Thị Xuân của Quang Trung; Cô Giang, Cô Bắc của Việt Nam Quốc Dân Đảng... Còn về thi văn, ta có Bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Bà Hồ Xuân Hương, Bà Sương Nguyệt Ánh... đều là những nữ sĩ tài hoa, nức tiếng trên văn đàn, là những cánh hồng tươi thắm trong vườn hoa văn học. Ngoài ra, còn có biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác sống một cuộc sống bình thường, thầm lặng nơi thôn trang, xóm làng mà những nét đẹp về tâm hồn của họ được dân gian ca tụng bằng những áng văn, những vần thơ, điệu hát, câu hò hay qua những vần ca dao phong phú.
Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc và lạc vào rừng ca dao của kho tàng văn học, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam qua những đức tính cao quý của họ.
Nói đến phụ nữ Việt Nam, trước hết phải nói đến lòng hiếu thảo đối với mẹ cha và tiết hạnh đối với bản thân. Không phải chỉ có một nàng Kiều của cụ Nguyễn Du mới biết báo hiếu mà bất cứ người con gái Việt Nam nào cũng đều nhớ đến ơn sinh thành, công lao nuôi dưỡng bao la của đấng song thân:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đó là đối với cha mẹ, còn đối với bản thân thì:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình.
Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình.
Người phụ nữ Việt Nam, ngay từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi biết lật, biết bò lớn dần trong nhịp võng đưa qua tiếng hát của bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em:
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Hay qua điệu hát ầu ơ:
Ầu ơ... Bao giờ Chợ Quán hết vôi,
Thủ Thiêm hết giặc, em thôi đưa đò.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm hết giặc, em thôi đưa đò.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Hoặc qua điệu ru ạ ờ:
Ạ ờ... Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con cá rô, trê,
Tròng cổ lôi về cho cái ngủ ăn...
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con cá rô, trê,
Tròng cổ lôi về cho cái ngủ ăn...
Những vần ca dao mộc mạc, bình dị đã đưa em bé gái Việt Nam vào giấc ngủ an bình và từ ngày nầy qua ngày khác, tiếng ru lắng đọng, thẩm thấu vào tiềm thức của em bé nên sau nầy lớn lên thành chị, thành mẹ, thành bà lại hát để ru em, ru con, ru cháu theo nhip võng đưa kẽo kẹt đều đều.
Hát ru em, hát ầu ơ, ạ ờ là một điệu hát thông dụng được phổ biến từ thôn xóm, làng mạc cho đến thị thành. Hát ru em là một bản trường ca bất tận của kho tàng văn chương Việt Nam. Vào những buổi trưa vắng lặng hay những đêm khuya yên tĩnh, cùng với tiếng võng đưa, giọng hát ầu ơ, ạ ờ dịu dàng, trìu mến của bà, của mẹ, của chị vang mãi trong lòng đứa trẻ ấu thơ. Tiếng võng đưa kẽo kẹt đều đều cùng với tiếng hát đã văng vẳng từ bao thề hệ trên đất nước Việt Nam theo dòng sinh mệnh của dân tộc. Trải qua bao nhiêu thế hệ, trong mọi gia đình, nghèo cũng như giàu, cái nhịp đều đều của tiếng võng đưa không bao gời dứt. Không có người Việt Nam nào không từng hơn một lần nằm võng và tiếng võng đưa hòa cùng tiếng trẻ khóc, tiếng hát ru đã trở thành điệu nhạc muôn đời của dân tộc ta.
Thấm thóat, em bé gái Việt Nam nho nhỏ ngày nào nay đã lớn dần và có thể giúp đỡ mẹ những công việc lặt vặt. Một đôi khi lầm lỗi trong công việc bị mẹ quở mắng hay đánh đòn, em không bao giờ dám oán trách mẹ. Nếu bị quở mắng thì nhỏ nhẹ rằng:
Mẹ ơi đừng mắng con hoài,
Để con bẻ lựu, hái xoài mẹ ăn.
Để con bẻ lựu, hái xoài mẹ ăn.
Còn nếu bị đánh đòn, nàng chỉ thỏ thẻ:
Mẹ ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.
Theo thời gian, cô bé Việt Nam bây giờ đã trở thành thiếu nữ dậy thì, trước khi lấy chồng, một đôi lúc ngồi nhìn những hạt mưa rơi, nàng nghĩ vẩn vơ:
Thân em như hạt mưa rào,
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Hay bâng khuâng tự hỏi:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Ngồi cành trúc, tựa cành mai,
Đông đào , tây liễu biết ai bạn cùng?
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Ngồi cành trúc, tựa cành mai,
Đông đào , tây liễu biết ai bạn cùng?
Đến tuổi dậy thì, phụ nữ Việt Nam trổ mã, đẹp dần lên. Mỗi nàng một vẻ đẹp riêng, người thì đẹp qua đôi mắt, người khác đẹp ở mái tóc, có cô đẹp qua nụ cười, cô khác đẹp bằng hai má lúm đồng tiền, có người đẹp với chiếc eo thon thon, dáng đi yểu điệu, có người đẹp trừu tượng qua tâm hồn... Tóm lại, mỗi người một vẻ để làm rung động hay làm xao xuyến con tim của người khác phái. Những phụ nữ có đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu được ca dao khen rằng:
Những người con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Hay những người có làn da trắng nõn, má lại hồng hồng, môi đỏ thắm:
Ai xui má đỏ, môi hồng,
Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu.
Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu.
Đã đẹp mặt mà còn đẹp về vóc dáng nữa thì “chim phải sa, cà phải lặn” cho nên những phụ nữ có chiếc eo thon thon:
Những người thắt đáy lưng ong,
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
Mái tóc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trang điểm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam:
Tóc em dài em cài bông hoa lý,
Miệng em cười anh để ý anh thương.
Miệng em cười anh để ý anh thương.
Mái tóc dài, đẹp còn làm xao xuyến lòng người:
Tóc đến lưng vừa chừng em bới,
Để chi dài bối rối dạ anh.
Để chi dài bối rối dạ anh.
Nụ cười là nét duyên dáng, nét quyến rũ của người phụ nữ. Từ xưa cho đến nay có rất nhiều đàn ông đã chết vì nụ cười của phái đẹp:
Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng,
Thương em chúm chím cười duyên một mình.
Thương em chúm chím cười duyên một mình.
Cũng thế, ta thường nghe ai đó ngâm hai câu ca dao:
Nàng về nàng nhớ ta chăng,
Nàng về ta nhớ hàm răng nàng cười.
Nàng về ta nhớ hàm răng nàng cười.
Và ca dao cũng không quên ca tụng nét đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt Nam:
Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Người khôn ăn nói dịu dàng dễ thương.
Người khôn ăn nói dịu dàng dễ thương.
Phụ nữ Việt Nam vốn cháu con Quốc Mẫu Âu Cơ, dòng dõi tiên nên nhu mì, thùy mị được tiếng là đẹp, rất đẹp, nhất là trong chiếc áo dài tha thướt với vành nón lá che nghiêng nghiêng mái tóc xõa bờ vai. Có biết bao nhiêu chàng trai đã trồng cây si ở cổng trường Trưng Vương, Gia Long, Đồng Khánh, Sương Nguyệt Ánh, Bùi Thị Xuân... vì những tà áo dài thướt tha nầy và mái trường đã từng là chứng nhân của những mối tình đẹp tựa bài thơ, đẹp như đêm trăng huyền ảo. Trước cái đẹp của phụ nữ Việt Nam, mấy ai thuộc phái nam đã không từng cất giấu trong tim một bóng hồng của thời yêu thương ướt át:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt đưa tình với anh.
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt đưa tình với anh.
Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam còn làm cho trái tim nhà vua đập sai nhịp vì bị “tiếng sét ái tình”:
Kim Luông có gái mỹ miều,
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Dân tộc Việt Nam là dân tộc hiền hậu, hiếu hòa, cần cù nhẫn nại lại trọng đạo lý cho nên khi con cái vừa lớn khôn thì được gia đình, nhà trường, xã hội dạy những bài học luân lý về cung cách ở đời, ăn ở có nhân có nghĩa theo đạo lý làm người và phụ nữ Việt Nam cũng được giáo huấn:
Con ơi mẹ bảo con này,
Học buôn, học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói điêu ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
Học buôn, học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói điêu ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.
Nhờ được giáo huấn cho nên phụ nữ Việt Nam đoan trang, thùy mị, nết na:
Sáng nay tôi đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn.
Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn.
Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Và xa hơn nữa:
Ở nhà còn mẹ, còn cha,
Lẽ đâu tôi dám nguyệt hoa cùng người.
Lẽ đâu tôi dám nguyệt hoa cùng người.
Phụ nữ Việt Nam khi đến tuổi bước vào con đường yêu đương thì yêu nhẹ nhàng, kín đáo. Nhẹ nhàng đến nỗi tình yêu của nàng len lén len lỏi vào tim hồi nào mà chàng trai không hay:
Vói tay ngắt lấy cọng ngò,
Thương anh muốn chết giả đò ngó lơ.
Thương anh muốn chết giả đò ngó lơ.
Giả đò ngó lơ, e thẹn, bẽn lẽn, len lén ngó mà không dám ngó lâu là những cử chỉ yêu đương nhẹ nhàng, kín đáo rất dễ thương của người phụ nữ Việt Nam:
Ngó anh không dám ngó lâu,
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.
Nhưng khi đã yêu thì phụ nữ Việt Nam yêu một cách đứng đắn, yêu đậm đà, tha thiết với tất cả con tim mình:
Qua đình ghé nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Tình yêu của nàng còn sâu đậm hơn nữa:
Yêu chàng lắm lắm chàng ôi,
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.
Khi yêu, ngoài tình yêu đậm đà, tha thiết, phụ nữ Việt Nam lại còn chung tình:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Và chung tình cho đến chết vẫn còn chung tình:
Hồng Hà nước đỏ như son,
Chết thì chịu chết, sống còn yêu anh.
Chết thì chịu chết, sống còn yêu anh.
Trước khi lấy chồng, phụ nữ Việt Nam cũng có thừa thông minh để lựa chọn ý trung nhân:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng lâu nay.
Bõ công trang điểm má hồng lâu nay.
Hay mượn những vần ca dao nhắn nhủ với giới mày râu rằng muốn kết duyên vợ chồng, gá nghĩa trăm năm với phụ nữ Việt Nam thì:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
Đến ngày bước lên xe hoa về nhà chồng, phụ nữ Việt Nam không quên lạy tạ ơn sinh thành của cha mẹ:
Lạy cha ba lạy, một quì,
Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.
Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.
Khi cất bước ra đi về làm dâu nhà chồng, một lần cuối nàng cố ghi lại những kỷ niệm của thời thơ ấu vào tâm khảm:
Ra đi ngó trước, ngó sau,
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.
Rồi lúc đã có chồng, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn tâm niệm:
Chưa chồng đi dọc, đi ngang,
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.
Hay:
Đã thành gia thất thì thôi,
Đèo bòng chi lắm tội Trời ai mang.
Đèo bòng chi lắm tội Trời ai mang.
Lấy chồng, người phụ nữ Việt Nam đẹp duyên cùng chồng:
Trầu vàng ăn với cau xanh,
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.
Và có hình ảnh nào đẹp hơn vợ chồng hạnh phúc trong cảnh thanh bần:
Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
Dù nghèo, thanh bần nhưng phụ nữ Việt Nam học theo triết lý an phận, vẫn chung tình với chồng, không đứng núi nầy trông núi nọ:
Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.
Tinh thần chịu khó, chịu cực và khuyến khích chồng ăn học cho thành tài được diễn đạt qua những vần cao dao làm nổi bật đức tính hy sinh của phụ nữ Việt Nam:
Canh một dọn cửa, dọn nhà.
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Anh ơi dậy học chớ nằm làm chi.
Mốt mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm,
Anh ơi dậy học chớ nằm làm chi.
Mốt mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.
Đã có chồng con, người phụ nữ Việt Nam lại càng đảm đang, vừa lo cho con vừa lo toan mọi công việc nhà chồng:
Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Hoặc:
Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.
Có con, người phụ nữ Việt Nam lại gánh thêm trách nhiệm làm mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy thức đủ năm canh.
Năm canh chầy thức đủ năm canh.
Tình mẫu tử của những bà mẹ Việt Nam bao la như trời bể, luôn luôn bảo bọc, che chở cho con:
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.
Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam còn phải đối diện với cảnh làm dâu nhà chồng. Trước đây, xã hội ta đã quan niệm sai lầm rằng người con dâu phải phục vụ gia đình nhà chồng gần như một người đầy tớ và một số bà mẹ chồng rất khắc nghiệt với nàng dâu gây nên nhiều cảnh thương tâm cho người phụ nữ Việt Nam. Tự Lực Văn Đoàn đã đưa ra nhiều cuốn tiểu thuyết luận đề để đả phá quan niệm sai lầm nầy và ca dao ta cũng lên tiếng thở than dùm cho các nàng dâu Việt Nam:
Làm dâu khổ lắm ai ơi,
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.
Còn nếu đất nước gặp thời chinh chiến, người phụ nữ Việt Nam không bịn rịn mà hăng hái khuyến khích chồng hành trang lên đường trả nợ núi sông:
Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.
Phụ nữ Việt Nam, ngoài những đức tính đảm đang, giàu lòng hy sinh, nết na, thùy mị còn là người con rất mực hiếu thảo:
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang,
Lòng nhớ công ơn cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng của người phụ nữ Việt Nam còn đươc diễn đạt qua mấy câu:
Ân cha lành cao như núi Thái Đức
mẹ hiền sâu tợ biển khơi.
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta.
mẹ hiền sâu tợ biển khơi.
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta.
Những món quà nho nhỏ như buồng cau, đôi giày nhưng nói lên lòng hiếu thảo, lòng nhớ ơn công cha nghĩa mẹ của người phụ nữ Việt Nam:
Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy
Hay là:
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Khi phải đi xa hay lấy chồng xa, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn tưởng nhớ về mẹ cha:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Phụ nữ Việt Nam còn gắn liền với dân tộc và lịch sử vì thế khi tổ quốc lâm nguy, khi sơn hà nguy biến người phụ nữ Việt Nam hăng hái đưa vai gánh vác giang sơn như trường hợp Bà Trưng, Bà Triệu và những vị anh hùng liệt nữ khác.
Hai chị em Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, quê quán làng Cổ Lai, đất Mê Linh. Lúc ấy nước nhà đang bị người Tàu cai trị bằng chính sách hà khắc khiến dân ta vô cùng khốn khổ. Rồi vào năm 40, sau Tây Lịch, Thái Thú Tô Định lại bắt giết ông Thi Sách, chồng Bà Trưng Trắc làm cho nợ nước chồng chất thêm thù nhà cho nên Bà Trưng Trắc cùng em là Bà Trưng Nhị đứng lên chiêu tập binh mã, anh hùng hào kiệt khắp nơi để đánh đuổi quân xâm lăng bạo tàn. Quân binh của Hai Bà chiến đấu rất dũng mãnh, chiếm được 65 thành, đánh đuổi quân Tô Định chạy về Tàu. Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, dân chúng tôn Bà Trưng Trắc lên làm Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Đến năm 42, vua Tàu là Quang Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện kéo quân qua phục thù. Trước địch quân hùng hậu, quân ta chống cự không lại nên Hai Bà đã gieo mình xuống giòng Hát Giang tuẫn tiết. Không có hình ảnh nào vừa hào hùng, vừa lãng mạn cho bằng hình ảnh của hai vị liệt nữ anh hùng gieo mình xuống giòng nước trả nợ núi sông và để lại gương “Thiên thu thanh sử hữu anh thư”. Hai Bà Trưng làm vua được 3 năm, từ năm 40 đến năm 43. Khi vua Tự Đức đọc đoạn sử Hai Bà Trưng, ngài đã ngự phê: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách”. Và Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã ghi lại công nghiệp của Hai Bà bằng những vần ca dao lịch sử:
Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên,
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên,
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.
Còn Bà Triệu, tên thật là Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa vào năm 248, sau Tây Lịch để chống lại quân xâm lăng Đông Ngô của Tàu. Bà còn trẻ nhưng rất can đảm, Bà thường nói: “Tôi muốn cỡi gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém kình ngư ở biển đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân cứu nước chứ không thèm bắt chước người đời còng lưng làm tì thiếp người ta”. Ra trận Bà cỡi voi mặc giáp vàng trông rất oai phong làm quân Ngô khiếp sợ. Nghĩa binh tôn Bà là Nhụy Kiều Tướng Quân. Bà Triệu đã anh dũng đền nợ nước khi Bà mới có 23 tuổi:
Ru con, con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Có Bà Triệu Tướng cỡi voi bành vàng.
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Có Bà Triệu Tướng cỡi voi bành vàng.
Bà Trưng, Bà Triệu là những bậc nữ lưu anh hùng đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Rất lâu về sau nầy nước Pháp mới có nữ anh hùng Jeanne D' Arc nhưng sự nghiệp của Bà Jeanne D' Arc cũng không lẫm liệt bằng công nghiệp to lớn, lẫy lừng của Bà Trưng, Bà Triệu. Thật xứng đáng:
Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho tỏ mặt đàn bà Việt Nam!
Làm cho tỏ mặt đàn bà Việt Nam!
Mẹ tôi là phụ nữ Việt Nam, tôi rất hãnh diện được làm một người con của phụ nữ Việt Nam. Tôi hết lòng kính yêu mẹ tôi và tôi cũng hết lòng kính mến người phụ nữ Việt Nam qua những cái đẹp và những đức tính cao quý của họ.
LÊ THƯƠNG
Richmond - Virginia
E-mail: lethuong2007@hotmail.com
Richmond - Virginia
E-mail: lethuong2007@hotmail.com
No comments:
Post a Comment