Friday, 2 December 2011

Trần Huỳnh Duy Thức đã làm gì

Trần Huỳnh Duy Thức

Blog Mười Hai Bến Nước 

Một phiên toà phúc thẩm mới kết thúc hôm 5/11/2010, không ai có thể tin tưởng hay hy vọng gì ngoại trừ ông Đại sứ Mỹ ở VN, ông Michael Michalak, hình như người Mỹ luôn có tinh thần lạc quan đôi lúc rất ư là ...ngây ngô, có lẽ thế nếu không thì họ đã không thua ở chiến trường VN trong thế kỷ trước?

Thôi thì ai có thắc mắc tại sao cái ông Trần Huỳnh Duy Thức đã làm gì (để lật đổ chính quyền của nhân dân) mà bị tù tới 16 năm, xin cứ đọc sơ sơ mấy bài sau.  Theo tôi thì trước sau thì ông THDT bị án tù cao như thế chỉ vì tội ...mơ mộng. Mơ mộng quá ở một xứ sở VN thì rất là không nên. Đơn giản chỉ có vậy thôi!!!.  Ai bảo hô hào bắt chước ông Obama đòi thay đổi (Change) làm chi.  Xứ người thì họ muốn thay thế nào cũng được vì dân tộc họ là dân tộc luôn đi tới, không thích thì họ sẵn sàng đập đổ xây lại cái khác, chứ dân tộc mình thì vốn thích đứng yên, đi lùi càng hay :-) Cứ để cho cái nhà VN nó tự mục rồi nó đổ, ai biểu hô hào thay đổi như người thấy mái dột đòi thay ngay mái để mái chưa kịp thay thì có người mời vào ở chỗ chắc hơn khỏi cần thay mái. Thế có khổ không cơ chứ.  Nói gì thì nói THDT từ một người mơ mộng mà một sớm một chiều trở thành một người đấu tranh cho dân chủ rất nổi tiếng.

Nghĩ về Chấn - Thanh Hương 
Tuyên-ngôn-Lạc-hồng-Trần Đông Chấn - bản PDF
KỶ SỬU VÀ VẬN HỘI MỚI CỦA VIỆT NAM - bản PDF
Chính trị -Trần Đông Chấn - bản PDF
Khủng hoảng – cơ hội cuối -Trần Đông Chấn - bản PDF

Blog Mười Hai Bến Nước 


*****************************

Nghĩ về Chấn

Thanh Hương
Đăng ngày 4-9-2009
http://danchimviet.com/articles/1441/1/Ngh--v--Chn/Page1.html

1.
Cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi bài thơ Chấn lạc Hồng (1) viết dưới dạng tuyên ngôn của tác giả Trần Đông Chấn được đưa lên mạng đã nhanh chóng lan rộng trong giới trí thức, học sinh và sinh viên thành phố Hồ Chí Minh, rồi cả nước. Sau đó, “bác” Trần Đông Chấn càng trở nên nổi tiếng bởi các bài viết phân tích sâu sắc về kinh tế Việt Nam, được đánh giá chẳng thua kém là bao so với các chuyên gia kinh tế tầm cỡ của trường đại học Harvard lừng danh. Lúc bấy giờ, khi đọc các entry với dọng văn già cỗi, chín chắn của Trần Đồng Chấn trên Blog cùng tên, nhiều comment đã chọn cách xưng hô bác, cháu với tác giả.

Tôi còn nhớ, cuối năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đang căng phồng như bong bóng. Vào thời điểm đó, mãi lực chứng khoán lần đầu tiên đã len lỏi vào hầu hết các tầng lớp dân chúng Việt Nam. Ngoài công chức, doanh nhân, trong các phiên giao dịch chưa chính thức (OTC) và sàn chứng khoán, người ta thấy sự có mặt của không ít bà nội trợ, các bác nông dân lam lũ. Sự xuất hiện kịp thời bài viết “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ về đâu” (2) của bác Trần Đông Chấn như là một liều thuốc có công dụng giải “say” cho nhiều người đang bị mãi lực chứng khoán cuốn hút. Bên cạnh kiến thức sâu sắc về tài chính và tiền tệ, người đọc còn cảm nhận sự tinh túy của bác Chấn trong việc sử dụng 02 câu sấm Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) (3) để cảnh báo dân chúng về hiểm họa của những cái vòi Bạch Tuộc tài chính quốc tế khi quyết định đầu tư vào chứng khoán. Vì vậy, bài viết của bác Chấn đã vinh dự được sử dụng trong chương trình thời sự của đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) cảnh báo dân chúng vào thời điểm ấy.

Cứ thế, bác Trần Đông Chấn âm thầm trở thành sự kỳ vọng về một ngọn cờ của phong trào dân chủ Việt Nam trong tương lai. Lớp trẻ cầu mong Chấn sớm xuất hiện, đọc vang tuyên ngôn Chấn Lạc Hồng, quy tụ mọi người tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho Dân chủ Việt Nam.

2.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, ngày 19 tháng 8 vừa qua là một ngày đáng nhớ của phong trào dân chủ Việt Nam. Ngày đó, lần đầu tiên, dân chúng được tận mắt nhìn thấy 04 nhà dân chủ, gồm luật sư Lê Công Định, anh Nguyễn Tiến Trung, cựu quân nhân Trần Anh Kim và cả bác Chấn - doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức - xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam trong chương trình thời sự quan trọng. Mọi người đã tận mắt nhìn thấy, nghe các anh nói về những hành vi vi phạm pháp luật và xin được khoan hồng. Dĩ nhiên, có không ít người đã thất vọng về thần tượng của mình, khi các anh tuyên bố rằng các hoạt động dân chủ của mình trong thời gian vừa qua là phạm pháp. Bù lại, qua những gì các anh nói, mọi người hiểu được những gì các anh đã nghĩ, đã làm cho dân chủ Việt Nam. Có thể nói, ý kiến về thời điểm, phương pháp, nhận định lực lượng chính sẽ tạo ra động lực cho sự thay đổi ở Việt Nam của bác Chấn đã gây được chú ý nhiều nhất.

Lần theo bản tự khai của bác Chấn, chúng ta thấy bác ấy chịu ảnh hưởng nhiều bởi sấm Trạng Trình, đã từng chỉ đạo nhân viên dưới quyền của mình lập ra nhóm Chấn để nghiên cứu. Rất có thể, bác ấy dựa vào những câu sấm sau đây để xác định thời điểm đại khủng hoảng kinh tế sẽ diễn ra ở Việt Nam là khoảng tháng 10 năm 2010:
Phân phân tùng bách khởi
Nhiểu nhiểu xuất đông chinh
Bảo sơn thiên tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành


Tôi được biết, năm 2010 là năm mộc, ứng với cây Tùng (Tùng bách khởi); phân phân là lúc thu chuyển sang đông, ứng với khoảng tháng 10 đất nước sẽ rối loạn (nhiểu nhiểu xuất đông chinh). Đó là thời điểm sẽ xuất hiện Minh Quân (Thiên tử) bảo vệ đất nước (bảo sơn). Về phương pháp thay đổi, thiển nghĩ, bác Chấn dựa vào câu bất chiến tự nhiên thành (không cần đánh nhau), tức là kích động nội bộ đánh nhau, sử dụng kế sách dùng Đòai đánh Đoài.

Hoặc, bác Chấn dựa vào 03 câu sấm: “Đào viên đỉnh phất quần dương tranh hùng, cơ nhị ngũ thư hùng vị quyết, đảo Hoàn Sơn tam liệt ngũ phân”. Bởi vì “quần dương” là đánh nhau lớn trên Đại dương, “nhị ngũ” có nghĩa 2 (nhị) lần 5 (ngũ) là 10, ứng với năm 2010; đảo Hoàn sơn ám chỉ Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng việc xác định lực lượng dân chủ của bác Chấn, chắc chắn sẽ gây bất bình cho nhiều người. Bác Chấn khẳng định lực lượng quyết định làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là những người cấp tiến trong đảng CSVN kết hợp với những trí thức ngoài đảng có tâm huyết với vận mệnh đất nước, gọi là lực lượng dân tộc.

Riêng tôi cho rằng, anh Thức đã có cái nhìn rất thực tế, công bằng và đầy đủ hơn so những nhà bất đồng chính kiến như Lê Hồng Hà, Phan Đình Điệu, Lê Đăng Doanh,… Bởi, khác với bác Chấn, họ cho rằng đảng CSVN sẽ tự vỡ, những người cấp tiến trong đảng CSVN sẽ mang lại dân chủ đích thực cho nhân dân. Sứ mạng của phong trào dân chủ là làm sao tác động để quá trình tự vỡ diễn ra nhanh hơn. Rõ ràng, so với anh Thức, họ chưa có cái nhìn thấu đáo về lực lượng trí thức yêu nước không tham gia đảng CSVN như các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long,… Họ là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng trong sứ mạng đưa đất nước hội nhập vào thế giới.

3.
Càng phân tích, càng thấy bác Chấn - doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã nghiên cứu sâu sắc, kết hợp thật hay giữa khoa học tự nhiên với tâm linh, sấm Trạng Trình; giữa cổ và kim; giữa Việt Nam và thời đại, mà cụ thể là Mỹ. Ngay cái tên Trần Đông Chấn, đã chứng tỏ anh Thức có vẻ am tường về tâm linh. Trần là họ, Đông là phương đông là Việt Nam, miễn bàn. Chấn là một trong 8 cung: Chấn, càn, khôn, đoài, ly, tốn, cấn, khảm. Trong đó, Chấn là sấm sét, biểu tượng cho sự thay đổi; Đoài là ao hồ, biểu tượng cho sự bảo thủ, chậm tiến. Về khoa học tự nhiên, sự tân tiến, ngoài việc phân tích các chỉ số sắc sảo về tài chính, tiền tệ, ta thấy bác Chấn rất nhạy bén khi sử dụng khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng của luật sư Barack Obama: Change We Need (Thay đổi - chúng tôi cần) để đặt tên cho Blog của mình. Và rất có thể bác Chấn chịu ảnh hưởng cuốn sách nổi tiếng của ông Barack Obama có tựa đề là Hy vọng táo bạo (The Audacity of Hope) khi quyết định viết sách “Con đường Việt Nam”. Nếu giả thiết này đúng (tôi tin chắc là đúng), quả thực bác Chấn là người cực kỳ nhạy bén về chính trị, tham vọng trở thành Bộ trưởng kinh tế khiên tốn quá. Nếu như Hy vọng táo bạo đã đưa luật sư Barack Obama vào nhà Trắng, trở thành vị Tổng thống da mầu đầu tiên trong lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thì Con đường Việt Nam chưa ra đời đã vội đưa bác Chấn vào trại giam B34.

Thật đáng tiếc. Càng viết, càng nghĩ về Chấn, tôi càng mến mộ doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, tiếc cho anh ấy sớm sập bẫy của những kẻ tiểu nhân đã ráp tâm đẩy anh vào chốn lao tù. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng, sau sự kiện ngày 19 tháng 8 vừa qua, phong trào dân chủ sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chữ tâm trong đấu tranh dân chủ, về phương pháp và lực lượng quyết định tạo ra sự thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Các anh đã lựa chọn đúng hướng đi, nhưng chưa chọn đúng điểm rơi dân chủ, nên tạm thời thất bại. Thất bại cay đắng của các anh hôm nay, chắc chắn sẽ tạo ra chuyển biến cho những “nhà dân chủ Internet”, những kẻ dân chủ cơ hội đang len lỏi trong phong trào dân chủ. Theo đó, phong trào dân chủ Việt Nam như được tiếp thêm sức sống mới.

---------------------------------------------------

(1) Nam Quốc Mộc tinh Chấn Lạc Hồng: Vận thiêng khí hội kiến hòa nhân/ Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ/ Ngoại quốc lân bang kính phục giao
(2) Bài viết đã xuất hiện trên nhiều trang web
(3) Phú qúy hồng trần mộng/ Bần cùng bạch phát sinh

Bài do tác giả gửi đăng. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm cùa BBT Đàn Chim Việt

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2009/09/nghi-ve-tran-ong-chan-tran-huynh-duy.html
*********************************

CHÍNH TRỊ
Đang đọc một cuốn sách rất hay: “TIỂU LUẬN viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932” của Phạm Quỳnh. Tác giả là một nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ 20, đã từng viết nhiều bài báo và tác phẩm văn học có giá trị.
Trong các tiểu luận này, có một bài báo tựa đề “Chính trị” được viết vào năm 1929 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Xin được trích dẫn vài đoạn:
“Vậy chính trị theo định nghĩa ở từ điển là gì? Đó là tất cả những gì liên quan đến công việc cai quản Nhà nước, đến công việc quản lý có hiệu quả mọi công việc công cộng, đến việc bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc.
Vậy thì, vì lẽ gì một công dân xứng với danh hiệu này, cho dù danh hiệu đó đã bị hạ thấp ít nhiều, - và đó chính là trường hợp của kẻ đang muốn trở thành công dân ở xứ Đông Dương hay ở nước Nam – lại có thể không quan tâm đến công việc của đất nước mình, nghĩa là quan tâm đến chính trị, cái chính trị như một nghệ thuật quản lý mọi công việc của đất nước sao cho tốt đẹp?
Vì lẽ gì một người nước Nam biết lo lắng cho sự phồn thịnh và tương lai của tổ quốc mình, lại có thể không tìm hiểu xem tố quốc mình được cai quản như thế nào, lại không tự hỏi liệu các thể thức cai quản hành chính hay cai quản hiện nay có phù hợp với đất nước mình không, và nếu cần, thì phải tiến hành những cải cách, những cải tiến, những sửa đổi hoặc những cải tạo hữu ích hoặc cần thiết nào? Và nếu cái người nước Nam ấy phát hiện thấy có những lạm dụng, những sai sót hoặc những vi phạm, liệu cái người nước Nam ấy có thể tự buộc tội mình không tố cáo chúng ra?
Tất cả những điều đó chính là chính trị, và đó không chỉ là quyền được làm mà còn là nghĩa vụ phải làm của người công dân.
Và nếu, trong khi tranh luận về những vấn đề lợi ích chung này, công dân nước Nam kia chỉ duy nhất bị thúc đẩy bởi ước vọng được có ích cho đất nước và đồng bào mình, nếu như công dân ấy không bao giờ mất bình tĩnh, mất khả năng làm chủ hoàn toàn bản thân, mất cái trung lập về tinh thần hay tính “trung dung” thành thói quen trải qua nhiều thế kỷ văn hóa Khổng giáo, nếu như công dân ấy không đem vào đó bất kỳ định kiến nào, bất kỳ sự nóng nảy nào, và hơn thế nữa, nếu công dân ấy luôn luôn giữ mình trong phạm vi hợp pháp và tôn trọng trật tự, thì có cái chính phủ nào, dù có yếu bóng vía đến mấy, lại có thể coi hành vi và thái độ như thế của công dân kia là một tội ác?
Ngược lại, một chính phủ quan tâm đến việc hoàn tất tốt nhiệm vụ của mình sẽ phải biết ơn những con người có thiện chí này, những người làm hết sức mình để soi tỏ cái niềm tin đó của chính phủ.
Và trong hoàn cảnh này, các bạn lại không muốn người nước Nam làm chính trị hay sao? Như thế chẳng khác nào các bạn muốn họ thờ ơ với số phận của đất nước họ, đến tương lai con cháu họ, đến hạnh phúc gia đình họ, đến cuộc sống của chính họ!
Chính các xã hội mị dân Phương Tây đã truyền bá ra thế giới dạng chính trị này, một dạng chính trị khêu gợi và khai thác các đam mê của dân chúng, chia rẽ dân tộc thành các bè phái đối lập, khích họ chống lại nhau, khơi dậy các bản năng thấp hèn nhất của dân chúng để thỏa mãn các tham vọng của một thiểu số sẵn sàng làm tất cả. Dưới cái cớ kiếm tìm hạnh phúc cho nhân dân, người ta ru ngủ và lừa dối nhân dân bằng các ảo tưởng nguy hiểm hoặc giả trá. Với chiêu bài chính trị này, những kẻ tầm thường nhờ vào những con người tốt đẹp hơn họ để giành lấy chính thắng, những người cuồng nhiệt nhất thì vùng vẫy và đứng ra trục lợi là láu cá nhất hạng hoặc là những kẻ ít biết hổ thẹn hơn cả thì đứng ra trục lợi.
Bọn họ duy trì trong xã hội một tình trạng siêu kích động triền miên thuận lợi cho sự bùng nổ mọi loại hằn thù, oán hận, mọi loại tình cảm xấu vốn đang ngủ yên trong đám đông. Đó chính là chính trị “làm chiêu bài cho đủ điều ngu ngốc, cho mọi thứ tham vọng, và cho mọi chuyện lười nhác” như Alphonse Daudet đã nói. Chính vì thế nó trở thành “chất hòa tan cực mạnh ý thức con người”, trở thành yếu tố làm bại hoại tình cảm và phong tục. Cái thứ chính trị đó luôn luôn đi kèm với những cách thức thực thi ít nhiều được đem dùng phổ biến, bao gồm từ những lời dối trá ngu xuẩn nhất đến những dọa dẫm trơ trẽn nhất, từ các mưu mô xảo quyệt nhất đến hành động mua chuộc công nhiên nhất. Lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, lòng ái quốc, sự hòa hợp xã hội, đó là những lời lẽ được dùng để biện hộ cho sự buông thả mọi dục vọng và mọi thói ích kỷ.
Dạng chính trị này, vốn dĩ mọi người đều có thể tiếp cận được, tự nhiên làm nảy nở mọi sự tầm thường. “Thô bạo, bất công, gây hận thù, và to mồm”, nó làm những con người có giá trị tránh xa, nhưng lại phô ra những nét hấp dẫn đặc biệt cho đám người bất tài, mưu mẹo, tham vọng, ba hoa. Sở thích này bắt đầu lan truyền trong một số giới người nước Nam. Nhưng nếu đồng bào chúng ta được tiếp xúc sâu rộng với loại chính trị này, - và dường như đó là quy luật để “tiến bộ” lên – thì chúng tôi mong muốn sự tiếp xúc để tiến bộ đó càng xảy ra muộn càng tốt.
Kết luận phải rút ra từ sự so sánh như thế giữa hai dạng chính trị là rành rành rồi. Người nước Nam có thể và cần phải làm chính trị, nhưng đó là chính trị theo nghĩa thứ nhất đã đem ra phân tích: cái chính trị của lợi ích chung đòi hỏi một sự toàn tâm toàn ý cho việc công. Ngược lại, người nước Nam phải tránh cái chính trị có xu hướng mị dân, nó ve vãn nhân dân để lừa dối nhân dân, và bất chấp thực tế, khiến nhân dân lao vào các ảo tưởng nguy hiểm và không thể thực hiện được.” (trang 312 – 317)
Bài báo ra đời vào năm 1929, thời điểm mà chính quyền phong kiến và chế độ bảo hộ của thực dân Pháp bước vào giai đoạn suy vong. Đúng 80 năm trôi qua nhưng tình trạng bài báo mô tả chẳng thay đổi là mấy ở nước ta, có phần còn tệ hơn. Lúc đó còn có những tờ báo chính thức đăng tải công khai những bài báo như thế này. Tốt hơn nữa là tác giả của chúng chẳng bị làm sao. Không những thế, 2 năm sau ông còn được triều đình Huế mời vào làm quan, giữ đến chức thượng thư (tức bộ trưởng bây giờ). Chính quyền thực dân cũng chẳng bắt tội ông chút nào vì đã dám mỉa mai đến “mẫu quốc”. Nếu Phạm Quỳnh sống vào thời nay thì chắn chắn các bài báo rất giá trị của ông sẽ bị xem là “lề trái”. Nhưng “may” cho ông là đã không “phải” sống đến bây giờ. Ngay sau cách mạng Tháng 8 ông đã bị bắt và giết chết. Một thời gian dài mấy chục năm sau đó chính quyền xem ông là phần tử xấu.
Nhờ tiến bộ công nghệ của nhân loại, người dân Việt vừa tìm thấy một không gian để bày tỏ quan điểm và mối quan tâm chính trị cho đất nước thì chính quyền nhanh nhạy cho ra thông tư quản lý blog. Cuộc sống khó khăn của dân chúng đang có quá nhiều thứ cần chính quyền nhanh nhạy nhưng các quan chức đều vô cảm với những điều ấy. Hệ thống công quyền này chỉ quan tâm đến những cái họ gọi là nhạy cảm. Ý nghĩa trong sáng của tính từ này khi nói về công chúng là để diễn tà mức độ quan tâm rất lớn của nhiều người, nhưng nó đã bị lạm dụng và chính trị hóa để ngăn chặn sự quan tâm chính đáng của người dân vào chính trị.
Xét cho cùng đó là sự hoảng sợ. Yếu thế nào thì người ta mới sợ đến như vậy.

Trần Đông Chấn

Mùa đông tháng 1, 2009

************************

KHỦNG HOẢNG – CƠ HỘI CUỐI
Trần Đông Chấn

Vào tháng này năm ngoái, quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 theo đề xuất của chính phủ. Mặc dù tình hình lạm phát lúc đó đã đến mức báo động nhưng chính phủ và quốc hội vẫn xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% - 9%. Con số này là một cơ sở để đòi phải tăng cường đầu tư, nghị quyết nêu rõ đầu tư sẽ đạt 42% GDP trong cùng năm tài khóa 2008 - một con số rất cao và tỷ lệ nghịch với chất lượng tăng trưởng nhưng tỷ lệ thuận với giá trị tham nhũng. Kết quả là các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, được rót ngân sách khổng lồ và đầu tư tràn lan vào đủ thứ lĩnh vực. Nguy cơ lạm phát không hề được tháo ngòi nổ từ gốc mà lại còn bị đổ thêm dầu vào lửa bởi nạn đầu tư ăn xổi ở thì này. Hậu quả thì thấy ngay lập tức, lạm phát và nhập siêu phi mã chóng mặt. Chính phủ buộc phải thắt chặt tiền tệ nâng lãi suất lên còn chóng mặt hơn.

Lợi ích công hay tư?
Hậu quả đến giờ ai cũng nhìn thấy. Nông dân lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ điêu đứng, phá sản hàng loạt; sản xuất đình đốn làm sức cung suy giảm nghiêm trọng. Nhưng điều tồi tệ hơn nữa là sức cầu đã và đang tiếp tục suy thoái nặng nề cho dù nhu cầu mong muốn của người dân vẫn tăng. Chính phủ buộc phải nới lỏng tiền tệ. Dù vậy, lãi suất có xuống thêm nữa thì nhu cầu vay để đầu tư cho sản suất cũng không thể phục hồi chỉ trong một vài tháng do lực lượng sản xuất đã thiệt hại nặng nề, không thể gượng dậy ngay được. Trong khi đó, các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư đang được khởi động. Những cái vòng luẩn quẩn đang được lặp lại.
Kỳ họp quốc hội mới đây vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Không hề tìm thấy những phân tích xác định các yếu kém căn nguyên của nền kinh tế và các vấn đề xã hội đang nóng bỏng để đưa ra những biện pháp sửa lỗi căn bản nhằm dần tạo ra sự phát triển bền vững. Thay vào đó, mục tiêu tăng trưởng được đặt khoảng 6,5%, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP là 39,5% (có giảm so với 2008 nhưng vẫn ở mức rất cao). Điều này cho thấy chính quyền vẫn tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, kém chất lượng và không bền vững.
Các mục tiêu này vẫn xoay quanh lợi ích của các nhóm thiểu số và được chi phối bởi động lực của các nhóm này như từ nhiều năm nay, bất chấp những nguy cơ và hậu quả vẫn còn đó của cả nước, bất chấp những bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới. Việt Nam đang cần một sự tăng trưởng mà cơ hội của nó được phân bổ công bằng cho hầu hết dân chúng. Một mức tăng trưởng thấp hơn nhưng chất lượng tốt hơn thì đa số người dân vẫn được hưởng thành quả. Với kiểu tăng trưởng như lâu nay, lợi ích thì các nhóm thiểu số chiếm đoạt nhưng hậu quả thì đa số dân chúng lãnh đủ. Đó là chưa kể tác hại của môi trường bị hủy hoại, kẹt xe tắt đường, v.v…, tất cả đều đè nặng lên đa số người dân.

Thực sự muốn bền vững?
Cũng trong kỳ họp quốc hội vừa rồi, có đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ về chiến lược phát triển bền vững thì được thủ tướng trả lời rằng phần này đã có trong báo cáo vừa mới đọc. Khi xem báo cáo này thì thấy một chiến lược tăng trưởng bền vững được viết trong vài dòng, với ý chung chung là xây dựng trên 3 trụ cột. Tiếng nói của những đại diện dân cử có đủ quyền hạn và tư cách còn bị dễ dàng lướt qua trước nghị trường, trước hàng triệu người dân mà họ đại diện, thì những cảnh báo khác làm sao thắng được sức mạnh của các nhóm lợi ích thiểu số. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam gần một năm nay đã được cảnh báo ngay từ đầu năm 2006. Các phân tích cảnh báo này đã được gửi đến những đại biểu quốc hội với hy vọng họ sẽ tác động cần thiết để tránh những cơn bão cho nền kinh tế. Hy vọng này đã không thành hiện thực.
Bước sang 2007, những nguy cơ này càng trầm trọng hơn nhưng cả nước đang bị làm cho phấn khích với việc gia nhập WTO. Những cảnh báo nguy cơ và kiến nghị giải pháp đã được gửi đến các vị lãnh đạo chính phủ cao nhất với mong muốn nó sẽ được quan tâm để tháo gỡ ngòi nổ cho nền kinh tế. Những vấn đề được đề cập trong các bài “Một năm sau đại hội X – Cảnh báo những nguy cơ quốc gia”“Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu” đều được trình bày rõ ràng kèm những giải pháp gửi cho các vị này. Khi chỉ nhận được sự thờ ơ của họ thì các bài viết này mới được cho công bố rộng rãi. Nhóm vận động này cũng đã tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau thông qua những quan hệ khác nhau nhưng đều vô tác dụng trước sức chi phối của đồng tiền.
Vừa rồi, nhóm vận động này lại đổi cách tiếp cận, muốn thông qua báo chí chính thống trong nước để lên tiếng cảnh báo đến toàn dân nhằm tạo ra sự nhận thức đúng đắn vấn đề. Điều này ngoài việc giúp người dân khả năng tự chống đỡ khó khăn nó còn tạo áp lực lên các chính sách vĩ mô để có được sự điều chỉnh cần thiết, đặc biệt là lúc chính phủ và quốc hội chuẩn bị cho kế hoạch 2009. Kết quả nhận được vẫn là một sự im lặng đồng nhất, trong đó ứng xử có trách nhiệm nhất là “cảm ơn đã gửi bài”. Dù không quá ngạc nhiên nhưng những ai tham gia vào công việc này đều không thể tránh khỏi cảm giác xót xa cho số phận của dân tộc.
Chúng ta đều có thể hiểu được sức ép và sự bị khống chế mà các nhà làm báo gặp phải thời gian qua. Nhưng thái độ cúi đầu quá dễ dàng và nhanh chóng của họ thì thật khó mà tìm được sự đồng tình và thông cảm của người dân. Báo chí bây giờ thích khai thác sự bực dọc, uất hận của dân chúng đối với các sự việc đã gây hậu quả hơn là cung cấp cho họ những thông tin cần thiết để tránh hoặc đối phó với những nguy cơ có thể gây hại. Một khi người dân đủ khả năng tự bảo vệ mình thì những hành động của các tổ chức hoặc nhóm lợi ích muốn trục lợi trên người dân khó mà thực hiện được để có thể gây ra hậu quả.

Bong bóng và thực chất
Một cơ hội nữa lại bị bỏ qua. Vào cuối năm 2007 nếu các nhà hoạch định chính sách vĩ mô biết lắng nghe và đặt quyền lợi của đa số dân chúng lên trên hết thì đã có được những chiến lược đúng đắn để chủ động đối phó với khủng hoảng, giảm đi thiệt hại rất lớn, thay vì rơi vào bị động buộc phải dùng đến những biện pháp gây nhiều hậu quả như ngày nay. Còn bây giờ, cơ hội để tránh được một sự sụp đổ nặng nề cũng đã bị đánh mất khi các chính sách của 2009 được phê chuẩn. Vẫn như từ nhiều năm nay, các chính sách vĩ mô này chủ yếu tập trung sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa. Những thứ này chỉ tạo ra các tác động trong ngắn hạn, nhất thời làm thay đổi giá trị danh nghĩa – tức là một sự thay đổi ở ngọn. Sự thay đổi các giá trị danh nghĩa này nếu không đi kèm với sự gia tăng nguồn lực thì trước sau gì chúng cũng sẽ bị điều chỉnh về giá trị thực.
Các giá trị danh nghĩa ở Việt Nam hiện nay là những bong bóng khổng lồ liên thông nhau. Thời gian qua chúng chưa hề được xả hơi để giảm nguy cơ nổ tung, áp lực từ chỗ này chỉ được chuyển tạm thời qua chỗ khác mà thôi. Chứng khoán và bất động sản bơm hơi qua lạm phát và lãi suất, từ đây bơm tiếp vào tỷ giá. Bây giờ nó đang tìm cách để bơm vòng lại bất động sản, nếu biện pháp “kích cầu” bất động sản lần này không có tác dụng thì quả bóng tỷ giá sẽ nổ tung. Khủng hoảng do bong bóng xảy ra trong tình trạng nội lực suy kiệt như Việt Nam lúc này sẽ gây ra một sự sụp đổ toàn diện.
Nhiều nước trên thế giới cũng đang khủng hoảng, nhưng nước nào có nguồn lực trong nước được chăm sóc tốt và thực chất – tức là có nền tảng vững thì cho dù khủng hoảng có rất nặng nề đi nữa, nền kinh tế nước đó vẫn có khả năng điều chỉnh và nhanh chóng tạo ra cơ hội mới để phát triển. Việt Nam lâu nay luôn thiếu vắng những biện pháp chăm sóc từ gốc làm nó ngày càng mục ruỗng do đó mà nội lực của quốc gia ngày càng suy kiệt. Nguồn lực trong nước không chỉ ít được tạo mới mà còn bị khai thác tràn lan và phí phạm. Nguồn lực quan trọng nhất là con người thì ngày càng kém chất lượng và bị xem thường. Vốn xã hội thì bị xói mòn và xuống cấp. Niềm tin thì bị đem ra chơi trò cút bắt bịt mắt bắt dê. Chúng ta rất muốn lạc quan để vượt qua khó khăn nhưng thật khó để tìm thấy những sở cứ cho nó.

Vẫn theo đuổi ngắn hạn
Vì sao các chính sách vĩ mô thời gian qua chỉ thích ở ngọn thì cũng không khó hiểu. Dù các công cụ tiền tệ và tài khóa này chỉ có tác dụng ngắn hạn nhưng chúng lại dễ làm, và lại rất dễ bị lợi dụng để trục lợi bởi các nhóm lợi ích và cả những người sử sụng công cụ. Hậu quả dài hạn của nó thì người dân “hưởng” trọn. Các biện pháp cải cách hành chính và thể chế là điều vừa khó, lại vừa làm mất đi quyền lực để trục lợi cho nên vẫn ì ạch giậm chân tại chỗ. Vừa rồi có một đại biểu quốc hội chất vấn thủ tướng đại ý là làm sao cải cách hành chính có tiến triển để dân gian không phải kêu hành dân là chính nữa. Người đứng đầu chính phủ thay vì trả lời thì phản bác lại rằng qui kết như thế là không có thực tiễn.

Tuy nhiên điều đáng quan ngại hơn nữa là những phát biểu của các thành viên chính phủ trước kỳ họp quốc hội vừa rồi cho thấy trong những năm kế tiếp chính phủ sẽ vẫn theo đuổi những chính sách ngắn hạn bằng các công cụ tiền tệ và tài khóa; không nhìn nhận tình trạng khủng hoảng để giải quyết tận gốc. Chi phí cho việc duy trì bong bóng này rất tốn kém, làm cho nguồn lực trong nước đã yếu lại càng thiếu hụt, chỉ những kẻ trục lợi và đầu cơ chính sách là hưởng trọn. Dự trữ trong dân bị “xén lông cừu” nên đã vơi cạn bởi những cơn sốt phình lên xẹp xuống của các bong bóng chứng khoán, nhà đất, lạm phát, lãi suất, tỷ giá. Dự trữ ngoại tệ quốc gia được cho biết là có tăng lên chút ít. Tuy vậy, sau lời khẳng định nhiều lần của người đứng đầu chính phủ trước quốc hội và toàn dân về việc người nông dân trồng lúa lời trung bình 60% trong năm 2008, người dân đã có cơ sở để hoài nghi về tất cả những số liệu khác mà chính phủ công bố.

Tin từ việc chuẩn bị hội nghị của chính phủ trong tháng tới để triển khai nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2009 cho hay: các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ lại được dành ưu tiên rất lớn trong việc đầu tư kích cầu và đầu tư đón đầu hậu khủng hoảng. Cho dù quốc hội có yêu cầu xiết chặt quản lý các tập đoàn kinh tế, nhưng sự khẳng định của người đứng đầu chính phủ trước quốc hội về vai trò quan trọng của các doanh nghiệp này trong việc điều tiết vĩ mô và kiềm chế thành công lạm phát vừa rồi, đã cho họ những kim bài miễn tội, thúc đẩy họ tiếp tục đi vào những kế hoạch tai hại. Những kiểu điều hành vĩ mô thế này cho thấy mong muốn phát triển bền vững chỉ là những khẩu hiệu suông.

Bất ổn đang gia tăng
Tình trạng bất ổn xã hội đang gia tăng. Trong cả 2 kế hoạch của 2008 và 2009 đều đặt mục tiêu tạo ra 1,7 triệu việc làm mới mỗi năm. Nếu đây là một tính toán nghiêm túc thì nó thể hiện sự thụt lùi về chất lượng tăng trưởng vì năm 2008 ban đầu được dự kiến sẽ tạo ra 8,5 - 9% tăng trưởng GDP; con số tương tự cho 2009 là 6,5%; số việc làm được tạo mới bằng nhau cho một mức tăng sản lượng thấp hơn, tức năng suất lao động trên đầu người sẽ sụt giảm. Sự tăng trưởng không dựa trên tăng năng suất thì làm sao nói đến phát triển bền vững được. Mà làm sao có được việc làm mới trong khi lực lượng duy nhất làm được điều này trong nhiều năm qua là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hấp hối và đã chết gần một nửa. Thực ra không ít người thừa hiểu rằng những con số mục tiêu về việc làm này được đưa ra để che dấu tình trạng thất nghiệp đã và sẽ còn tăng nhanh và phức tạp trong thời gian tới. Tội phạm và tệ nạn xã hội cũng theo đó mà tăng mạnh.

Với người nông dân thì tương lai trước mắt còn mờ mịt hơn rất nhiều. Lực lượng lao động trong khu vực này ngày càng tăng cả về con số lẫn tỷ lệ. Trong khi đó tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai thì đang bị thu hẹp nhanh chóng, mà đầu tư cho công nghệ để gia tăng năng suất lao động thì gần như bằng không. Chuyển đổi sang việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ thì gặp phải những chiếc bánh vẽ của các kẻ đầu tư để chiếm đất nông nghiệp. Số cầu lao động do các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra hàng năm cho khu vực nông thôn thì bây giờ là một con số âm to tướng. Những công nhân gốc nông dân giờ đây trở về quê với hai bàn tay trắng, không đất không nghề. Mưu sinh với họ là cả một thử thách đạo đức. Hàng tỷ đô-la đầu tư kể cả từ nước ngoài lẫn từ nhà nước thì số dành cho nông nghiệp và nông thôn chỉ là phần thừa đuôi thẹo. Lúa, cá, tôm, cà phê, v.v… giảm giá và ế ẩm đang chồng chất nợ nần lên người nông dân. Doanh nghiệp nếu phá sản còn áp dụng được luật để giải trừ trách nhiệm trả nợ, còn người nông dân thì có chết cũng không hết trách nhiệm do vỡ nợ. Con giun xéo mãi cũng oằn.

Mong qua ngày đoạn tháng
Bức tranh chung thật là u ám. Và điều đáng lo sợ nhất là tư duy đối phó ngắn hạn của những người cầm chèo cầm lái. Người ta vẫn còn trông chờ vào những phép màu nên tiếp tục mua thời gian bằng cách vay mượn tương lai để tạm qua năm tháng hiện tại. Nhưng không ai mua mãi như thế được vì thời gian mua được càng về sau càng ngắn đi do chi phí mua càng tăng lên. Cũng giống như phải chấp nhận vay siêu cao của người sau để trả lãi cao cho người cho vay trước đó vậy, càng ngày càng cụt dần. Nếu trước đây những chính sách ngắn hạn chỉ thấy hậu quả khoảng vài ba năm sau đó, thì bây giờ chỉ vài tháng là hiển hiện.

Năm 2007 tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kém chất lượng vào đầu năm thì cuối năm lạm phát tăng mạnh; giảm thuế nhập khẩu để chống đợt lạm phát này thì ngay lập tức nhập siêu tăng vọt vào đầu năm 2008; kéo theo lạm phát cùng phi mã. Rồi nó lại được chữa trị bằng lãi suất cao, giết chết sản xuất trong nước chỉ vài tháng sau đó. Bị buộc phải cam kết với giới tài phiệt giữ giá tiền đồng cao đến không tưởng nên tất yếu phải nâng lãi suất càng cao hơn nữa để giữ chân dòng vốn đầu cơ không chạy ra ngoài. Nhưng bài học chưa kết thúc. Sau khi đã trục lợi chán chê bằng cách đó thì các dòng vốn này đang được rút dần và gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Cả nước đang gồng mình chịu đựng sức căng của bong bóng tỷ giá. Bây giờ nếu không muốn dòng vốn này chuyển ra khỏi Việt Nam thì phải có những món gì khác rất hời hơn nữa để giữ chân họ lại. Dài hạn hay ngắn hạn, chấp nhận xì hơi bong bóng tỷ giá hay bơm áp lực của nó qua chỗ khác là bài toán đang đợi sự quyết định khôn ngoan lẫn dũng cảm hay không của những người cầm lái. Có rất ít hy vọng để tin cơ hội cuối cùng này sẽ không bị đánh mất. Những kẻ cơ hội và các nhóm lợi ích tư vẫn đang chực chờ vây quanh các tay chèo và bánh lái với hàng trăm biện pháp trục lợi được che dấu dưới những chiêu bài “ổn định kinh tế vĩ mô”.

Dân phải tự cứu mình?
Thiếu tỉnh táo chiến lược lần này sẽ dẫn đến một sự sụp đổ. Hậu quả của nó sẽ rất kinh hoàng và còn phải chịu thêm tác động kép của khủng hoảng thế giới. Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực. Lần này không chỉ dân nghèo, bình dân phải hứng chịu nặng nề, mà thành phần trung lưu thành thị lẫn nông thôn đều sẽ phải chịu đựng những hậu quả kinh khủng, chưa thể lường hết được. Những lúc khó khăn, người dân có quyền trông chờ vào sự ra tay của nhà nước, điều đó không thể gọi là ỷ lại. Nhưng nhà nước sẽ làm gì thì đến giờ vẫn chưa rõ ngoài việc kêu gọi toàn dân cùng chia sẻ khó khăn và làm mọi người lạc quan ảo.

Trong những tình huống như vậy, nếu không có những cam kết thành thật và dẫn hướng từ nhà nước thì dân chúng sẽ hành động ở trạng thái mất niềm tin để tự cứu lấy mình. Đó là lúc rối loạn xã hội sẽ phát triển nhanh chóng. Và những kẻ đầu cơ trên sự rối loạn đó lại xuất hiện đúng lúc.
Chúng ta đều mong điều tốt đẹp, nhưng có lẽ người dân phải dự phòng tình huống xấu nhất để tự lo cho mình.

Trần Đông Chấn Mùa đông tháng 11, 2008

Kỳ sau: Làm gì để vượt qua khó khăn này? Để trả lời tốt nhất câu hỏi này, rất mong các bạn đọc đóng góp ý kiến, giải pháp bằng hộp comment bên dưới hoặc gửi email đến tdc2010@gmail.com. Nhóm nghiên cứu rất hoan nghênh và quan tâm đến tất cả mọi ý kiến xây dựng. Xin cảm ơn.

No comments:

Post a Comment