Việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-il qua đời thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và chính giới Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã mau chóng gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị phát biểu: "Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên trước việc đồng chí Kim Jong-il, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên đã từ trần."
"Chúng tôi tin tưởng nhân dân Triều Tiên sẽ vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước."
Ngay sau tin ông Kim Jong-il qua đời, BBC cũng đã hỏi ý kiến một số người Việt Nam về phản ứng của họ.
Bà Nguyễn Thị Lợi, phu nhân ông Lê Quảng Ba, đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Bình Nhưỡng, đồng thời là chủ tịch Hội phụ nữ ngoại giao đoàn tại Bắc Triều Tiên cho biết là bà được tin này khi đang chuẩn bị đến đặt vòng hoa nhân kỷ niệm sinh nhật của bà Kim Jong-suk, thân mẫu của ông Kim Jong-il.
Bà cho biết cho đến trưa ngày 19/12 thì mọi hoạt động ở Bình Nhưỡng vẫn diễn ra bình thường và Bắc Hàn vẫn đang tiến hành các hoạt động tưởng niệm bà Kim Jong-suk, bao gồm một buổi lễ tưởng niệm tại lễ đài văn hóa Triều Tiên và một buổi hòa nhạc.
Tuy nhiên đến trưa thứ Hai thì tất cả các hoạt động đều bị hủy.
Chìm trong tang thương
“Tất cả người dân Triều Tiên hiện đang rất đau buồn,” bà cho biết, “Đâu đâu cũng thấy than khóc rất thương cảm.”Bà nói là hiện giờ ở Bình Nhưỡng mọi hoạt động đều ngừng hoàn toàn, các chợ, công sở và trường học đều đóng cửa.
“Ngay tại trường con trai tôi học là trường quốc tế, con tôi đi về nói tất cả các thầy cô giáo chỉ có đứng mặc niệm và khóc,” bà nói.
Bà Lợi tin rằng chính phủ Bắc Hàn sẽ để ông Kim Jong-il yên nghỉ trong lăng giống như cha ông là cố Chủ tịch Kim Il-sung.
"Ngay tại trường con trai tôi học là trường quốc tế, con tôi đi về nói tất cả các thầy cô giáo chỉ có đứng mặc niệm và khóc."
Nguyễn Thị Lợi, chủ tịch Hội phụ nữ ngoại giao đoàn tại Bình Nhưỡng
“Hai cha con [Kim Il-sung và Kim Jong-il] đều vĩnh viễn nằm trong trái tim của người dân Triều Tiên dù [Kim Il-sung] đã chết cả chục năm nay,” bà nói và cho biết thêm rằng người dân Triều Tiên cũng có tình cảm tương tự với Kim Jong-un, người sẽ kế vị cha lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Giải thích lý do tại sao Kim Jong-un lại được tôn sùng dù anh ta vẫn còn trẻ và chỉ mới xuất hiện trên chính trường Triều Tiên, bà Lợi nói đó là vì anh ta cùng một gia đình với Kim Il-sung và Kim Jong-il.
“Họ đều cùng một tư tưởng, một ý chí thống nhất từ Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] cho đến cháu,” bà giải thích.
Về tình hình Bắc Hàn sau khi Kim Jong-il qua đời, bà Lợi nói bà tin rằng sẽ ‘không có biến động gì lớn’.
“Tới giờ này dù Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] đã mất từ lâu nhưng toàn bộ ý chí, phương thức lãnh đạo cũng đều như khi [Kim Il-sung] còn sống,” bà nói, “Dù Kim Jong-il mất và Kim Jong-un lên thay thì vẫn thế thôi.”
Bà nói thời gian bà ở Bình Nhưỡng bà đã ‘tận mắt nhìn thấy những thành quả của nhân dân Triều Tiên’.
“Tình hình Triều Tiên vẫn phát triển, rất tốt. Người dân lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chủ tịch [Kim Jong-il].”
Bà nói là dù kinh tế Triều Tiên rất khó khăn nhưng ‘người dân hoàn toàn vô tư’.
“Họ xây dựng một công trình trên 20 tầng chỉ trong vòng một năm mà đã thấy sừng sững,” bà nói, “Tất cả mọi người đều đoàn kết vừa lao động vừa hát.”
Bà Lợi nói bà rất ấn tượng với chương trình biểu diễn nghệ thuật Arirang hoàng tráng mà bà có dịp chứng kiến ở Bình Nhưỡng: kéo dài ròng rã từ tháng 8 đến tháng 9 tại một sân vân động có sức chứa 16 vạn người, tức là lớn gấp đôi sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh.
Bà gọi đó là một chương trình ‘vĩ đại’ và không thể tưởng tượng một đất nước còn gian khổ như Triều Tiên lại làm được như vậy.
Quan hệ không nồng ấm
“Ý chí thống nhất của người Triều Tiên sẽ có cơ hội sáng sủa hơn,” ông nói.
Tuy nhiên ông cho rằng cần phải có thời gian để Bắc Hàn có sự thay đổi gì lớn vì chế độ chính trị ở đây đã rất nhiều năm và ‘phá vỡ cơ cấu như thế cần có thời gian.’
“Cái chết này tạo ra một tình thế, nhưng tận dụng tình thế đó như thế nào tùy thuộc vào người dân [Bắc Hàn],” ông nói.
Ông nói giữa Việt Nam và Triều Tiên cũng có điểm tương đồng nhưng khác biệt lại rất nhiều.
“Hai nước giống nhau ở hai cuộc chiến tranh [chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam], nhưng trong khi Việt Nam đã thống nhất thì Triều Tiên vẫn đang chia cắt và sự cách biệt giữa hai miền quá xa,” ông nhận xét.
Hai chế độ chính trị Việt Nam và Bắc Hàn dù cùng là chủ nghĩa xã hội nhưng ‘bản chất rất khác nhau’, ông nói, và quan hệ giữa hai nước cũng ‘tế nhị’.
"Cái chết này [của Kim Jong-il] tạo ra một tình thế, nhưng tận dụng tình thế đó như thế nào tùy thuộc vào người dân [Bắc Hàn]."
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh cũng nhắc lại việc cố Chủ tịch Kim Il-sung đã từng ủng hộ Pol Pot chống Việt Nam và gọi đó là thời kỳ phai nhạt quan hệ giữa hai nước sau khi Việt Nam thống nhất.
“Họ có vẻ ghen tức với Việt Nam vì không thống nhất được [Triều Tiên],” ông nói, và nhấn mạnh ông Kim Jong-il ‘cũng không mặn mà gì’ đối với Việt Nam vì ông cũng theo đường lối của cha ông.
Quan hệ giữa Việt Nam – Bắc Hàn dưới thời ông Kim Jong-il cũng không phát triển gì dù gần đây Việt Nam có giúp Bắc Hàn gạo để cứu đói cho người dân của họ, ông nói.
“Thế giới đánh giá ông Kim Chính Nhật [Kim Jong-il] không có tài năng gì ghê gớm,” ông nói, “Ông ta để cho nước Triều Tiên đói nhưng vẫn đi làm vũ khí hạt nhân và kinh tế kém nhưng lại rất khoa trương.”
Tướng Vĩnh nói cái chết của Kim Jong-il không có tác động gì đối với Việt Nam cả và bản thân ông không thích kiểu gia đình trị cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên.
Còn về ‘thay đổi’ ở Bắc Hàn sau cái chết này thì ông nói là ‘khó lắm’ vì ‘người ta quản lý chính trị chặt chẽ lắm kể từ ông Kim Nhật Thành.”
“Vui và phấn khởi’
Ông nhận xét chế độ Bắc Hàn là chế độ ‘phong kiến trá hình nhưng khoác áo chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chế độ toàn trị’ này là ‘tệ hại nhất trong các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới’.
Ông nói thay đổi có thể đến với Bắc Triều Tiên nếu ‘các nhà lãnh đạo hiện nay của Đảng Lao động Triều Tiên nhận thấy trở ngại lớn nhất cho việc thay đổi chế độ chính trị hết sức phản động và hết sức tai hại cho đất nước chính là sự cai trị của dòng họ Kim mà Kim Nhật Thành đã tạo ra từ năm 1948 cho đến nay’.
Ông giải thích rằng các nhà lãnh đạo cấp tiến xung quanh Kim Jong-il đã thấy thế giới xung quanh họ ngày nay đã có nhiều thay đổi và họ sẽ không dễ dàng để cho một kẻ vô danh tiểu tốt như Kim Chính Vân [Kim Jong-un] chỉ mới 28 tuổi và chưa có kinh nghiệm chấp chính ‘đè đầu cưỡi cổ’, trong đó có những nhà lãnh đạo cựu trào đã hoạt động cùng thời với ông nội của Kim Jong-un.
Tuy nhiên ông Toàn cũng nhìn nhận ‘cơ hội’ này cũng rất khó khăn vì người dân Bắc Hàn đã sống trong ‘một chế độ hà khắc hết sức chặt chẽ trong hơn 60 năm’ và chế độ Bắc Hàn có sự ‘hậu thuẫn to lớn’ của ‘cộng sản Trung Quốc và cả nước Nga hiện nay’.
“Cả Nga và Trung Quốc đều muốn tạo vùng đệm trên bán đảo Triều Tiên để tạo đối trọng với thế giới dân chủ của Mỹ, Nhật, Hàn,” ông nhận xét.
Về phía giới lãnh đạo chính trị của Việt Nam, ông Toàn dự đoán sẽ phản ứng với sự kiện này ‘một cách khách quan’.
“Giới lãnh đạo Việt Nam cũng mong muốn Bắc Hàn theo gương Trung Quốc và Việt Nam thay đổi về kinh tế và hội nhập với thế giới để không chịu sự sụp đổ như các nước cộng sản [Liên Xô và Đông Âu],” ông nói.
“Nếu có sự thay đổi tan hoang đột ngột khốc liệt ở Bắc Triều Tiên thì sẽ không có lợi gì cho chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam và Trung Quốc,” ông đánh giá.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/12/111219_kim_jong_il_viet_reaction.shtml
No comments:
Post a Comment