VIỆT NAM (NV) - Từ đầu tháng 6 tới, một chiếc xe hơi ở Việt Nam sẽ gánh tổng cộng 3 loại thuế và 9 loại phí. Số tiền phải nộp của mỗi chiếc xe du lịch một tháng cho các loại “phí chồng phí” này có thể lên tới 450 đôla.
Bài toán kẹt xe ở các thành phố lớn của Việt Nam chưa có lời giải. (Hình: VTC News) |
Theo VTC News, chín loại phí nói trên bao gồm 7 loại đã có trước như trước bạ, bảng số, đăng bạ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, xăng dầu, bình ổn, bảo trì đường bộ và hai loại phí mới sắp thu là phí “hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” và phí “vào nội đô giờ cao điểm” được áp dụng tại Hà Nội và Sài Gòn.
Chỉ riêng loại phí cuối này cũng có thể lên tới 50 triệu đồng, tương đương với 2,500 đô một chiếc xe hơi trong một năm và khoảng 1 triệu đồng, tương đương 50 đô cho mỗi xe gắn máy một năm.
Người ta ước tính chủ mỗi chiếc xe hơi sẽ phải nộp vài chục triệu đồng mỗi năm theo thời giá hiện nay.
Ðó là chưa kể một loại phí phụ được gọi là “bù đắp trượt giá” chiếm 5% tổng số thu các loại phí trên.
Theo VTC News thì “chưa bao giờ người dân Việt đứng trước quá nhiều khó khăn chồng chất như thế.”
Ông Tùng Sơn, cư dân quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Chiếc xe hơi mua trả góp của tôi còn đang đóng mỗi tháng 1.4 triệu đồng tiền bảo trì, tương đương 70 đô. Áp dụng các loại phí chồng phí như thế khiến chúng tôi phải nộp thêm ít nhất từ 6 triệu đến 9 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 300 đến 450 đô.”
Vì thế, theo ông Tùng Sơn cũng như nhiều cư dân khác tại Hà Nội, “giải pháp đối phó với tình hình ‘phí chồng phí’ của nhà nước Việt Nam đổ lên đầu dân như thế là phải... bán đi chiếc xe yêu.”
Các diễn đàn mạng đang đầy dẫy các mẫu quảng cáo bán xe hơi. Ðông người đòi bán xe đồng loạt khiến việc mua bán hầu như chậm lại trên thị trường xe hơi.
Cũng theo VTC News, tình trạng này đã khiến các hãng sản xuất xe hơi sốt vó. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa chính thức yêu cầu Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam hoãn áp dụng chủ trương “phí chồng phí.”
Theo VAMA, tổng cộng các khoản phí tương đương 2,500 đô mỗi năm là quá cao so với lợi tức của người dân Việt Nam hiện nay sẽ là nguy cơ đẩy các nhà sản xuất ô tô đến bờ vực phá sản. Người đại diện VAMA cho rằng “cầu bị triệt tiêu thì xe hơi làm ra không còn bán được cho ai.”
Dư luận ở Việt Nam còn lên án chủ trương thu “phí chồng phí” của chính quyền Hà Nội có thể đẩy tốc độ lạm phát tăng vọt. Mới đây, ông Ðỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Taxi Hà Nội, cho rằng cước taxi sẽ tăng thêm 2,000 đồng, tương đương với 10 cent mỗi cây số.
Theo ông, đây là khoản tiền bù đắp “phí bảo trì” mà giới vận tải taxi phải è cổ ra đóng cho nhà nước. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô Việt Nam thì cảnh cáo rằng khi nhà nước thu “phí chồng phí” như vậy thì “mọi gánh nặng sẽ đổ lên đầu người dân.”
Còn theo báo Pháp Luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chính sách tận thu của chính quyền Hà Nội chắc chắn sẽ không đạt được mục đích chính là giảm nạn kẹt xe. (PL)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146644&zoneid=2
No comments:
Post a Comment