1. Hiện tượng vô cảm
Hằng ngày, hằng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, các trang điện tử cũng như dư luận đưa tin, có rất nhiều cái chết oan uổng, do bị tai nạn, không có tiền chữa trị bệnh tật, đánh nhau trong học đường, nói chung là do sự thờ ơ của đồng loại cứ xảy ra nhan nhản.
Trên các tuyến đường giao thông, xảy ra rất nhiều vụ tai nạn, người thì chết, kẻ bị thương, phương tiện hư hỏng, tổn thất rất nặng nề mà người đi qua, kẻ đi lại, cứ đứng nhìn trơ trơ, rất ít người ra tay cứu giúp. Dịp tết vừa rồi, tôi đang điều khiển xe máy trên đường Quang Trung, thành phố Vinh, tức thì một chiếc xe máy khác do hai cậu thanh niên choai choai chở nhau từ trong hẻm lao ra mà không còi báo gì. Bất ngờ quá, tôi lách xe qua một bên để tránh đụng phải xe của họ, nhưng chẳng may tôi bị ngã, chiếc xe đè lên người, mặt đập vào đường, chân tay bị xước chảy máu. Hai cậu kia không bị gì cả, nhưng không dừng lại đỡ tôi dậy hay hỏi han một câu, mà nhoẻn miệng cười ra vẻ khiêu khích, khoái trá phóng xe bỏ đi…
Cách đây vài năm, ở Sài Gòn có thanh niên bị xe tải tông, cán nát nửa người, anh kêu cứu nhờ người chung quanh gọi điện báo tin cho gia đình nhưng không ai để ý, nên cuối cùng anh chết oan uổng. Hoặc ngày 7/10/2011, một chiếc “xe điên” do bác sĩ lái tông hết người này đến người khác, làm 2 người chết, 17 người bị thương. Nhiều người không cứu mà xông vào hôi của, cướp đồ của nạn nhân. Có nạn nhân chết nhưng mãi đến 3 ngày sau gia đình mới biết. Lý do: Toàn bộ túi xách gồm tiền bạc và giấy tờ tùy thân của chị đã bị cướp mất, nên bệnh viện không biết tên là gì, ở đâu để báo tin cho gia đình.[1] Đó đây, chúng ta nghe chuyện xe ô tô gây tai nạn rồi cố tình quay lại cán hoặc chèn cho người ta chết hẳn để đền một thể, vì họ nghĩ rằng, nếu còn sống mà bị thương tật, họ phải nuôi dưỡng, tổn phí gấp nhiều lần. Tại sao con người lại có suy nghĩ và cách hành xử như vậy? Mạng sống con người là một tuyệt tác của Đấng Hóa Công chứ đâu phải như một món hàng bị hư hỏng, chỉ cần đền mấy chục triệu là xong đâu? Lương tâm con người để ở đâu? Thói vô cảm của con người với những gì chung quanh mình đã vô tình tạo nên những tính toán bẩn thỉu thấp hèn như thế.
Chuyện tài xế điều khiển phương tiện giao thông cán tông người chết bỏ chạy xảy ra nhan nhản trên các tuyến đường. Lẽ ra, nếu lỡ gây tai nạn thì kịp thời đưa bệnh nhân đi cấp cứu trạm y tế gần nhất, thế mà bỏ chạy, mặc bệnh nhân sống chết mặc bay. Đó là hành động thiếu tình người, chưa nói tói lỗi trách nhiệm của người gây tai nạn phải truy cứu hình sự nữa.
Bệnh vô cảm không chỉ ở trong lĩnh vực giao thông mà nó đã len lõi vào trong chốn học đường, vốn được xem là môi trường trong lành nhất, noi rèn đức luyện tài cho những chủ nhân của xã hội, với phương châm giáo dục: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Dư luận đề cập ngày càng nhiều việc đánh nhau trong học đường, gây chấn động rất lớn cho xã hội, và từ đó nhìn lại cách giáo dục của chúng ta như thế nào? Ngành giáo dục dạy cái gì để học sinh trở thành những tay “siêu quậy” đánh người theo kiểu như vậy? Hàng ngày, hàng giờ cứ nghe, thấy chuyện đánh nhau, ta gọi là bạo lực học đường. Điều không ai ngờ tới, không chỉ nam giới mà ngay cả nữ giới cũng kết bè kéo cánh đánh tập thể, đánh hội với những hành động thiếu văn hóa và thô tục, trong lúc đó những học sinh khác, và có khi một số giáo viên, người lớn cứ đứng xem. Đặc biệt, một số học sinh nam và cả nữ giới thấy thế vỗ tay, reo cười cổ vũ nữa.
Ở một số trường mầm non, giáo viên ăn bớt khẩu phần của các em, dùng bột tăng cân của động vật cho trẻ ăn để tăng cân. Nhiều cô giáo đánh đập trẻ một cách tàn nhẫn, nếu trẻ khóc thì lấy băng keo dính miệng các em lại, sẽ không khóc được. Vâng, con người độc ác đến thế là cùng, đã làm rúng động cả một xã hội về sự xuống cấp của ngành giáo dục.
Còn ở bệnh viện thì sao? Dư luận gần đây nóng lên sự vô cảm của nhân viên y tế dẫn đến cái chết oan uổng của người dân không có tiền. Các bác sỹ được truyền thống gọi là “lương y như từ mẫu”, nay đang bị xem “lương y như mẹ ghẻ, như đao phủ”. Cái mỹ từ “Lương y như từ mẫu” ấy, ngày nay chỉ nghe cho sướng tai mà thôi. Các từ mẫu ngày nay đơn giản hết sức. Muốn chữa bệnh thì phải trả tiền trước, và phải có bao bì nặng thì chăm sóc tốt hơn. Cho nên, vào bệnh viện là phải có bao thư, chích thuốc cho êm cũng phải bao thư, thậm chí tái khám lại cũng phải bao thư. Nếu không có bao thư quà cáp thì “sống chết mặc bay”. Bác sỹ cứ ngủ, cứ gọt hoa quả ăn thản nhiên, trong khi bệnh nhân gần chết. Trong lúc chờ đợi phong bì thì mặt nặng mày nhẹ, làm khó dễ cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân.
Tôi còn nhớ, cách đây 5 năm, một lần về thăm quê, tói thăm chị gái đang chăm sóc hai đứa cháu bị ngộ độc thức ăn, đang điều trị tại bệnh viện huyện. Chị tôi lấy chồng đã 5 năm, có hai đứa con. Đứa đầu hơn 3 tuổi, còn đứa thứ hai khoảng 7 tháng tuổi. Anh đi làm ăn xa. Chị đưa cháu vào bệnh viện. Theo chế độ của nhà nước, những cháu từ 6 tuổi trở xuống được nhà nước cấp thuốc men. Vả lại, chúng tôi có người thân đang làm bác sỹ tại bệnh viện ấy, hiện đang đi học nâng cao đã điện về gửi gắm cho các bác sỹ, nhân viên y tế ở đó giúp đỡ hai cháu. Nhưng khi đưa hai cháu vào bệnh viện, họ xem loa qua, không mặn mà gì, như kiểu đang đòi hỏi một cái gì đó. Gia đình tôi lúc đó nghĩ hai cháu đã có chế độ chăm sóc y tế của nhà nước, vả lại người thân của gia đình là bác sỹ trong bệnh viện đó đã gửi gắm cho đồng nghiệp của mình rồi, nên không nghĩ đến chuyện “phong bì nặng, phong bì nhẹ”. Vì thế, họ làm khó dễ hai cháu. Hai cháu cùng một bệnh như nhau. Thế mà họ đòi chuyển một trong hai cháu lên tuyển trên cách 50 km (bệnh viện tỉnh), trong lúc một mẹ trẻ, hai con bệnh thì ai chăm sóc đây? Tôi đi xa về kịp, dù không muốn thế, nhưng tôi biết thời thế như vậy, bảo gia đình phong bì cho họ. Thế là họ vui vẻ, chăm sóc cẩn thận theo chế độ nhà nước, không chuyển viện nữa, chỉ sau đó 1 tuần thì hai cháu được ra viện.
Thế đấy, chỉ một chuyện nhỏ tí tẹo mà cũng đòi phong bì. Bây giờ, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh nhân muốn được chăm sóc chu đáo, phải có phong bì cho bác sỹ, nếu không có tiền thì nằm đó mà chờ chết. Không biết nền y đức ở đâu? Công lý ở đâu?
Sự vô cảm đã trở thành căn bệnh xã hội, không chỉ người dân mà tầng lớp cán bộ được gọi là “Đầy tớ của nhân dân” cũng mắc phải. Người ta thường nói: Cán bộ là cha mẹ của dân, nên phải lo cho dân. Nhưng sự thực thì họ chỉ lo cho bản thân mình, còn dân sống chết thế nào thì không quan tâm. Có nhiều nơi, công an, cán bộ dửng dưng trước nỗi khổ của dân. Năm 2008, Hà Nội bị ngập trong biển nước. Có một số người bị điện giật hay bị nước cuốn trôi. Người dân lâm vào cảnh khó khăn, không có thực phẩm để ăn, nước sạch để uống. Thế mà ông Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội không những không làm gì mà còn lên tiếng trách dân là quen thói ỷ lại, không biết chủ động cứu mình. Lúc ấy, nhiều người chửi ông là con người vô cảm, vô trách nhiệm trước nỗi khổ của người khác.
Năm 2010 vừa qua, vùng Nghệ – Tĩnh – Bình bị lũ lụt nặng nề, người dân chịu khốn khổ, đói rét, thiệt mạng, mất của rất nhiều. Cán bộ địa phương không những không quan tâm cứu dân cách thiết thực mà có khi còn ngăn cản các đoàn từ thiện đến giúp dân, bởi lý do các đoàn từ thiện đến đưa trực tiếp cho dân, không thông qua chính quyền. Vì thế, cán bộ địa phương không kiếm chác được gì, nên không mặn mà tạo điều kiện để các đoàn từ thiện giúp dân. Có những nơi, chính quyền tiếp nhận gạo cứu trợ cho dân từ các tổ chức từ thiện, họ đem ra chợ bán gạo tốt, mua gạo xấu phát cho dân.
Một lần, tôi gặp một vị công an địa phương. Vị đó nói với tôi rằng: Đợt lũ vừa qua, dân ta được nhiều hơn là mất. Tôi hỏi lý do? Ông ta nói rằng: Dân ta có gì đâu, mấy cái nhà tranh vách nứa, chỉ cần nước tới là cuốn trôi đi, trong lúc đó, người ta cho rất nhiều. Tôi nói lại với ông ta rằng: Ông không thể nói như vậy được, nói như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm. Dù rằng, người dân vùng lũ được những người có lòng nhân ái, chia cơm sẻ bánh cho họ trong lúc túng thiếu, hoạn nạn thì rất đáng mừng, nhưng họ vẫn mất nhiều hơn là được. Họ chỉ được cứu giúp tạm thời để ổn định cuộc sống, còn tương lai phía trước đang còn bấp bênh. Có biết bao người ở vùng sâu, vùng xa kêu cứu nhưng nhà nước đâu có đoái hoài, nhiều người thiếu ăn, thiếu mặc, chết đuối trong dòng nước nghiệt ngã, chưa kể nhà cửa trôi, ruộng vườn hư hoại, trâu bò trôi, bệnh tật, ốm đau phát sinh. Học sinh không có quần áo, sách vở đến trường. Biết bao người thức trắng bao ngày đêm không có chỗ ngủ, không có quần áo để che thân …. Lẽ ra, cán bộ phải đến thăm hỏi cứu trợ kịp thời và tìm mọi cách tốt đẹp nhất để cứu dân trong lúc hoạn nạn, còn nói theo kiểu ông cán bộ đó thì “dân chết mặc bay”, đã có người khác lo rồi, và luôn trông chờ lũ lụt để được người khác cứu trợ.
Sự vô cảm của lãnh đạo Việt Nam trước hiện tượng con em đi xuất khẩu lao động, bị bóc lột nặng nề, bị đánh đập dã man. Một số trẻ em và phụ nữ bị bán sang Trung Quốc, Căm pu chia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc… làm nô lệ tình dục, bị bóc lột sưc slao động. Một số tàu thuyền Việt Nam bị Trung Quốc cướp phá, các ngư dân bị bắn chết, hoặc bắt gia đình phải chuộc. Thế mà nhiều nơi chính quyền vẫn im như tờ, không lên tiếng bênh vực bảo vệ, nếu có lên tiếng thì chỉ nói mấy lời cho qua chuyện.
Thời gian qua, truyền hình, báo chí, các trang mạng đưa tin hiện tượng các ông chủ, bà chủ đánh đạp, bỏ đói, quỵt tiền, làm nhục ô sin mà thấy rùng rợn, kinh tởm trước những con người như là lang sói. Chúng ta đã chứng kiến sự độc ác của Trần Thị Minh (chủ nhà) ở Hà Nội hành hạ bà Phương ( người giúp việc): “Do đã có tuổi, làm việc chậm chạp, bà Phương thường xuyên bị bà chủ chửi bới, không cho ăn, dùng tay chân đánh, dùng dép ghè vào mặt, hoặc tiện vớ được cái gì cũng đánh… Thậm chí, có lần bà Phương còn bị bà Minh bắt phải ăn… phân của cháu ngoại bà ta ở trong bỉm. Đỉnh điểm, cách đây khoảng cuối tháng 12/2011, bà Minh bật bình nước nóng rồi ép bà Phương vào nhà tắm, lột sạch quần áo rồi vặn hết cỡ khiến bà Phương bị bỏng nặng”.[1]
Ngày hôm nay, con người vì lợi nhuận kinh tế mà dùng mọi thủ đoạn để làm giàu, còn mạng sống người khác thế nào thì họ không quan tâm. Chẳng hạn, trong thực phẩm, người ta dùng các chất hóa học độc hại để bảo quản các mặt hàng rau quả, thực phẩm, bánh kẹo, đường sữa … kéo dài thời gian sử dụng, vẫn tươi xanh nhưng rất độc hại, nguy hiểm đến tính mạng …Thời gian qua, rộ lên các thông tin báo động về chất Rhodamin B (có khả năng gây ngộ độc, thậm chí ung thư) trong các loại ớt, màu và bột gia vị. Mới đây, phát hiện chất Salbutamol độc hại trong thức ăn chăn nuôi. Theo kết quả kiểm tra hàng loạt mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bày bán trên thị trường TP.HCM và Đồng Nai mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho thấy, có khoảng 17% mẫu TĂCN lợn có chứa chất độc hại Salbutamol. Thậm chí, nhiều mẫu thịt lợn bày bán cũng chứa chất độc bị cấm sử dụng.[1]
2. Nguyên nhân vì sao?
Vâng, vô cảm đã trở thành căn bệnh nan y không chữa trị nổi. Nếu bệnh Sida, ung thư sẽ giết chết thể xác, còn bệnh vô cảm giết chết tâm hồn, lương tri con người, lấy thuốc gì mà chữa trị đây? Vô cảm làm cho lương tâm con người xơ cứng trước nỗi đau của đồng loại, không thiết tha với việc thiện mà luôn tìm cách để làm hại người khác. Nguyên nhân vì sao xảy ra hiện tượng này?
Có rất nhiều nguyên nhân, mỗi hiện tượng có một loại nguyên nhân khác nhau, nhưng trong bài viết này ta nêu một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất là do sợ liên lụy: Khi thấy người khác bị tai nạn, mất của, mình lao vào cứu giúp, thì sợ người khác nghĩ mình có dính dáng đến người bị nạn đó, hoặc sợ bị nạn nhân đánh lừa cướp đoạt của mình. Bởi vì, đã có trường hợp xảy ra như thế. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh (giảng viên Học viện hành chính TP HCM) nói:”Đó là chưa kể xã hội bây giờ quá phức tạp, lừa phỉnh rất nhiều, do đó mọi người chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân. Đơn giản, đó là sự phòng vệ“.
Thứ hai là lối sống thành thị: Trước đây, sống ở nông thôn, người ta tối lửa tắt đèn có nhau.Chính sự đoàn kết này, một phần giúp con người có thêm sức mạnh để khống chế và xua đuổi kẻ ác, một phần khiến kẻ xấu sợ hãi không dám ra tay. Còn ngày nay, đèn nhà ai, nhà ấy rạng, hàng xóm sát vách không biết mặt nhau. Cùng với nó là sự phân hóa giàu nghèo, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính ích kỷ, khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình mà không quan tâm đến người chung quanh.
Thứ ba là sự tham ô, tiêu cực của quan chức khiến người dân mất lòng tin vào cộng đồng, vào cán bộ. Họ sống co cụm, làm những việc cần thiết cho gia đình, không nghĩ đến việc người khác, hoặc có lúc nghĩ rằng, mình có nói gì thì cũng thay đổi được tình hình, vì xã hội này có chức có quyền sẽ thắng, còn người thấp cổ bé miệng thì biết kêu đến ai. Thạc sĩ xã hội Phạm Thị Thúy nói: “Những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy… nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu
Thứ tư là sự tham lam, ích kỷ của con người, sống chỉ biết mình, không có tình thương yêu đồng loại. Tất cả mọi quan hệ dựa trên đồng tiền, coi rẻ tình người, xem con người như là công cụ mình có lợi gì không? Chứ còn chuyện họ sống ra sao thì mặc kệ. Chúng ta cũng đã nhiều lần nghe, đọc dụ ngôn “Ông Lazarô và nhà phú hộ” trong (Lc 16,19-26), với thái độ vô tâm của nhà phú hộ và sự bần cùng của Lazarô, để cuối cùng trong cõi đời sau, hai con người đó, số phận ngược lại với nhau thế nào chúng ta đã rõ.
Thứ năm là do nền giáo dục xuống cấp về đạo đức cũng như về tri thức. Nền giáo dục này bị chi phối của xã hội vô thần, coi sự hưởng thụ của con người là trên hết, mà quên đi đạo lý, tình người, tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội. Những câu ca dao tục ngữ : “Chị ngã em nâng”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hoặc “Lá lành đùm lá rách” xem ra rất xa rời thực tế hôm nay.
3. Giải pháp chữa trị
Như trên đã nói, vô cảm là căn bệnh nan y và ngày càng phát triển làm băng hoại mọi mối quan hệ đạo đức của con người, xói mòn lương tri, không phân biệt phải trái. Với nền giáo dục cũng như lối sống của xã hội Việt Nam hôm nay sẽ không thể chữa trị được, khi mà từ trên xuống dưới hệ thống cán bộ bị xói mòn về đạo đức, sống thiếu lương tâm, với những cách hành xử rất bỉ ổi. Một xã hội vô thần, tìm mọi cách loại bỏ tôn giáo, không cho tôn giáo tham gia trong lãnh vực giáo dục con người, y tế, văn hóa xã hội mà trước đây, một thời họ làm rất tốt và lành mạnh hóa xã hội, làm cho con người sống nhân ái hơn. Chính vì vậy, muốn cho xã hội được lành mạnh hóa, con người sống yêu thương nhau, thì tất yếu phải để các tôn giáo chung tay góp sức trong các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục. Nếu không, thì đại dịch này không diệt được mà còn bùng phát không thể cứu chữa nổi. Mong sao, những người có lương tri phải biết cứu vãn xã hội, nếu một mai không xa, hậu họa chính mỗi người chúng ta và cả xã hội phải gánh lấy. Biết bao bài học đắt giá đang chờ đợi chúng
Thành Vinh, ngày 27/03/2012
Ngàn Thông
No comments:
Post a Comment