Thursday, 28 June 2012

Bí lối, xé rào

28/6/12
Sông Tiền (Danlambao) - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa 5, những vị trí chóp bu hầu như đều là người CS miền Bắc, độc đoán, giáo điều, bảo thủ… Người CS miền Nam có vào TW Đảng cũng trở về làm tư lịnh địa phương - làm lái lúa, lái lính, lái lợn. Mọi chủ trương chính sách do cơ quan đầu não ban ra, các địa phương có phận sự thi hành. 
Gánh miền Nam nghiêng về dân tộc, mặn kinh tế thị trường; gánh miền Bắc nghiêng về giai cấp, mặn kinh tế XHCN theo cơ chế tập trung bao cấp. 
Gánh miền Bắc ngầm xem gánh miền Nam mất lập trường giai cấp, theo chủ nghĩa xét lại – xét lại chủ nghĩa Mác Lê Mao. Gánh miền Nam ngầm xem gánh miền Bắc phong kiến, bảo thủ, giáo điều… 
Trước thực trạng, ngoài khan hiếm hàng tiêu dùng, nạn thiếu lương thực phải nhập bo bo để cầm hơi, một số vị lãnh đạo địa phương miền Nam xé rào. Chẳng hạn: 
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) chủ trương phân tán dân thành phố đến những vùng có nhiều lúa gạo làm mướn sinh sống. Đồng thời ông xúi bà Ba Thi dùng công xa đi các tỉnh đồng bằng Nam Bộ mua chui gạo với giá thỏa thuận về bán lại (không lãi) cho dân TP Hồ Chí Minh. Ông Sáu Kiệt kể việc này cho tôi nghe: “Tao bảo cô Thi dùng công xa đi mua gạo chui, làm được ít chuyến cô ấy than: Làm kiểu này chắc có ngày em đi tù quá anh Sáu! Tao nói: Nếu cô ở tù tôi đem cơm. Thế là cô ấy vui vẻ đi tiếp và làm được việc, gỡ được nạn đói cho thành phố đông dân nhất nước này”. 
Ở tỉnh Long An, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Chín (9 Cần) chủ trương bù giá vào lương rồi thực hiện thuận mua vừa bán, từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp. Việc làm này ngoài gây hưng phấn đối với mọi người, còn tăng nguồn thu đáng kể cho địa phương Long An. 
Ở các tỉnh khác, dần dần xóa bỏ việc cấm chợ ngăn sông, xếp dần các trạm kiểm soát trên các trục giao thông. Nhờ vậy, hàng hóa dần dần đến được với người tiêu dùng theo cơ chế thuận mua vừa bán. 
Biết được việc xé rào này, TW phái những đoàn kiểm tra, thanh tra vào cuộc. Biết rõ cớ sự, TW kết luận: “Đây là những việc làm sai trái, nhưng đã lỡ làm, giải quyết được những khó khăn trước mắt, tạm thời không truy cứu, nhưng xem đây là thí điểm”. 
Được nước, các địa phương bắt chước làm theo, diện mỗi ngày một rộng ra không đợi TW cho phép. Đã chịu bung thì chẳng khác vỡ đê, không lực nào có thể cản nổi. Hơn nữa, cản là trái với quy luật, đi ngược lại lòng dân – đố dám. Hàng hóa lưu thông dễ dàng, được bán theo giá thỏa thuận, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, không mấy chốc hình thành cơ chế thị trường trên phạm vi ngày một rộng. 
Một kiểu lạm phát cố tình, đúng hơn là kiểu ăn gian lộ liễu: Trung ương (TW) chỉ đạo cả nước thực hiện giá, lương, tiền bằng cách đổi tiền (lần 2), đổi theo tỷ lệ 1 mới đổi 10 cũ, rồi cũng liền sau đó TW chủ trương tăng giá hàng hóa lên 10 lần – thế là bằng không (0), giá trị đồng bạc mới như đồng bạc cũ trước khi đổi. Việc làm này gây rối loạn thị trường. Đã thế mà không nhận sai, còn toáng lên: Bọn gian thương đang đầu cơ phá giá thị trường...

Có dịp ra Hà Nội, Ông Chín Tố Hữu, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng rủ tôi và anh Ba Dần tối lại nhà ông chơi. Tôi và anh Dần tới. Trong những chuyện bao đồng qua lại với nhau, ông Tố Hữu than: 
- “Giá cả vọt lên quá…!” 
Tôi hỏi lại ngay: 
- “Giá lên hay tiền xuống? – Xe chạy, người ngồi trên xe nhìn xuống đường thấy đường chạy ngược chiều xe rồi nói đường chạy là thầy chạy! Thử dừng xe lại xem. Vậy giá lên hay tiền xuống?Tiền in phát ra đầy đàng, hàng vắng bóng. Bắt mạch không đúng trị ẩu là chết người. Chính ông và ông Trần Phương bày ra vụ Giá, lương, tiền, còn than cái nỗi gì?” 
Ông Tố Hữu không rầy tôi nhưng ông không vui. Tôi thấy mình nói thẳng như thế là bất kính, xin cáo lui. 
Trước rối loạn về kinh tế, một ai đó nói: “Đổi mới hay là chết”!
Dầu cố nhưng không thể che giấu những bất đồng quan điểm ở cấp cao: phái cấp tiến đa phần ở miền Nam muốn làm cái gì đó khác hơn cái hiện tại để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng về mọi mặt. Phái bảo thủ, đa phần ở miền Bắc, cố vị, bám lấy học thuyết Mác Lê Mao, tranh giành quyền lực. Cả 2 phái bằng mặt chớ không bằng lòng, những cuộc tranh luận gay gắt thường diễn ra bằng khẩu chiến, bút chiến, hoặc “cấm vận” - cho ngồi chơi xơi nước như 5 ông Trần: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Trà , Trần Xuân Bách, Trần Độ chẳng hạn. 
Gánh miền Nam nghi ngờ có ai đó đứng đằng sau nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm 1984 – 1985, Tuấn cho ra đời 3 tiểu thuyết: “Đứng trước biển”, “Những khoảng cách còn lại”, “ Cù lao tràm”. Ba tiểu thuyết này được phương tiện truyền thông Nhà nước loan truyền rộng rãi. Cả 3 tiểu thuyết này đều có nội dung đề cao miền Bắc, đả kích thậm tệ miền Nam. Đặc biệt hơn cả, tiểu thuyết Cù lao tràm cho đăng tải trên báo Nhân dân của TW Đảng Cộng Sản, và nghe đâu người ta định chuyển thể nó thành phim, thành kịch. Tiểu thuyết Cù lao tràm dài 697 trang sách, đâu đâu suốt tập truyện đều có chôm chỉa, châm chích cán bộ miền Nam, nhất là phủ định công lao của họ trong thời điểm kết thúc cuộc chiến. Phần cuối truyện, tác giả câu khách bằng một đoạn: “Thế là tôi đã hoàn thành việc đưa đến tay bạn đọc câu chuyện có thật 99% ở một cù lao miền Tây Nam bộ, còn 1% hư cấu theo yêu cầu của những người trong cuộc”. 
Thử hỏi sự thật chiếm đến 99% thì sao gọi là tiểu thuyết được? Mà gọi thể ký nào đó mới đúng? Đọc qua tiểu thuyết này, đối chiếu với thực tế thì ngược lại – 99% là hư cấu, 1% là sự thật. Chính từ đó mới gây xôn xao trong dư luận xã hội, khiến cho đông đảo cán bộ miền Nam không còn nhịn được nữa. Có người ức quá nói: “Bộ thằng Tuấn này muốn Bắc kỳ hóa Ban Chấp hành TW khóa 6 hay sao ?!” 
Cuối năm 1985, trước thềm Đại hội Đảng CS lần thứ 6, tỉnh Hậu Giang đăng cai mở Hội thảo tác phẩm Cù lao tràm. Đến dự có gần 300 nhà văn, nhà chính trị – trong đó có tôi. Suốt 2 ngày, gần như tất cả các tham luận đều lên án tác phẩm này, đến mức có một ít ngừơi muốn ủng hộ nó nhưng không dám lên diễn đàn. Đài phát thanh, truyền hình tỉnh Hậu Giang phát đi phát lại cuộc Hội thảo này. Cuộc Hội thảo này gây chấn động cả nước, khiến lãnh đạo TW Đảng CS phải vào Sài Gòn tổ chức cuộc họp cấp cao với các tỉnh miền Nam để “thanh minh, thanh nga”, và nói sẽ lệnh cho thu hồi tác phẩm Cù lao tràm này. Ông Lê Phước Thọ (6 Hậu), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang nói: Không thể và không cần thu hồi nó, chúng tôi sẽ cho đăng và phát hành rộng rãi những tham luận trong cuộc Hội thảo về nó. Thế rồi liên tiếp suốt mấy tháng trời, báo Hậu Giang cho đăng tải các tham luận của nhiều cá nhân đã phát trong cuộc Hội thảo về tiểu thuyết Cù lao tràm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. 
27/6/2012 
Sông Tiền 

No comments:

Post a Comment