Đông Tây Báo (Journal de lOrient et de lOccident) – tờ báo tiếng Việt dưới sự quản lý của ông Nguyễn Xuân Thái được phát hành vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần liền bốn số 85, 86, 87, 89 tháng 7/1938 có đưa các thông tin, bài viết về vấn đề quần đảo Hoàng Sa (1) (trong báo đề cập là Tây Sa –Paracels).
Xin giới thiệu tóm tắt những điểm đáng chú ý tại các số báo này với bạn đọc như một thông tin tham khảo của một thời điểm lịch sử nước ta liên quan đề vấn đề Hoàng Sa.Số báo 85 ngày 11/7/1938 với tiêu đề “Ai là chủ đảo Tây Sa?”, sau khi mô tả vị trí quần đảo Tây Sa, tầm quan trọng an ninh hàng hải, báo cho biết: “Trước khi tàu Mỹ bị mất cướp, người ta không biết Tây Sa là đâu. Hồi cuối thế kỷ trước, một chiếc tàu Mỹ qua đó bị giặc Tàu ô (cướp bể) cướp phá. Người Mỹ kiện, nhưng biết kiện ai bây giờ? Chiếu bản đồ thấy thuộc về Thanh Hải (Mer de Chine) chủ tàu Mỹ bèn trách cứ Thanh triều phải bồi thường. Muốn đổ cho người, Thanh triều bèn hắt tuột cho nước Nam mình mà rằng: “Đảo ấy ngay trước mặt xứ Trung Kỳ, từ trước đến giờ vẫn thuộc nước Nam quản lĩnh. Trung Hoa không biết đó là đâu”.
Theo bài viết, nước Pháp lúc đó đưa ra lập trường “Đảo ấy nước Nam đã cắm cờ từ đầu thế kỷ XIX (1800). Rạo (Dạo) tàu Mỹ mất cướp mới rồi, chính Thanh triều cũng nhận như thế. Lĩnh (Lãnh) thổ toàn cõi Việt Nam đã ký nhượng cho Pháp lẽ tất nhiên Pháp được quản lĩnh tất cả những hòn đảo Việt Nam ấy”.
Số báo 86 ngày 15/7/1938, bài viết với tiêu đề “Một đạo Dụ của đức Bảo Đại sáp nhập đảo Paracels vào tỉnh Thừa Thiên”. Theo bài báo, trước kia vào triều vua Gia Long có Dụ sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và “vừa rồi đức Bảo Đại lại hạ một đạo Dụ cho quần đảo Paracels sáp nhập vào tỉnh Thừa Thiên chứ không sáp nhập tỉnh Quảng Nam nữa. Có lẽ đạo Dụ này sẽ đăng vào công báo Đông Dương”. Bài báo đã dịch thêm một số đoạn trong các cuốn địa dư thuộc các đời vua Minh Mạng (Địa dư năm Minh Mạng 14) và Duy Tân (Đại Nam Nhất Thống Chí) để minh chứng thêm rằng, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về Việt Nam, các vua chúa đã cho quân lính ra đóng giữ, kiếm bảo vật và một điều quan trọng nữa là họ đã từng dựng bia lập đình ở đảo ấy. Sau khi trích dẫn vị trí và lịch sử quần đảo Hoàng Sa trong sách “Trung Hoa Tối tân Hình thế Đồ” của Trung Quốc xuất bản năm 1937…, bài báo nhận định rằng: “Xem như trên thì gót chân người Tàu dẫm trên đảo Paracels, nhất là sáp nhập đảo ấy vào đất liền của Tàu cũng còn làm sau nước Nam, vậy tưởng có thể nói được rằng, lá cờ Việt Nam đã cắm trên đảo Paracels trước nhất cả”.
Số báo 87 ngày 18/7/1938 có bài viết với tiêu đề “Tây Sa một thùng thuốc súng sắp nổ”. Bài báo đưa thông tin về việc khả năng chiến tranh có thể xảy ra giữa phía Pháp – Việt và Nhật Bản, sự quyết tâm của phía Pháp – Việt dù phải chiến tranh. “Lấy lẽ là lãnh thổ của nước Nam, Vua Bảo Đại đã giáng chiếu cho nhà binh phải đem quân lính đặt cuộc phòng thủ trên đảo ấy”. Còn phía Pháp, “Tin điện Ý ngày 12/7 nói rằng, có thêm 5 chiến hạm nữa kéo đến đóng ở Tây Sa. Trong đó có hai chiến hạm chở đầy quân lính và đạn với lương thực rất nhiều. Cũng theo tin giờ chót của bài báo theo báo Nhật ngày 16/7/1938 thì “trước sự cương quyết của Pháp, Chính phủ Nhật vui lòng không sinh sự gì về đảo Tây Sa nữa…” .
Người dân đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Số báo 89 ngày 25/7/1938 với tiêu đề “Quần đảo Tây Sa đối với lịch sử nước Nam” giải thích thêm về cội nguồn lịch sử về sự phát hiện và chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Báo cũng cho độc giả thời đó biết rằng: “Cái tầm mắt về sự phòng thủ của các vua Gia Long và Minh Mạng còn cao siêu và chu đáo hơn chính phủ bảo hộ ngày nay”.
Đỗ Cao Lợi
(Năng lượng Mới số 130, ra thứ Ba ngày 19/6/2012)
_________________________________________________________________________________________________________________________
(1) Trong bài viết này, tác giả dùng Hoàng Sa cho thông dụng với mọi người, còn danh từ Tây Sa hoặc Paracels là phản ánh nội dung trong Đông Tây Báo.
Nguồn: petrotimes.vn
http://www.ttxva.org/van-de-hoang-sa-tren-bao-dong-tay-cua-viet-nam-nam-1938/
No comments:
Post a Comment