Thứ tư, ngày 27 tháng sáu năm 2012
“Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng. Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”. Lời ca trong một nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn làm cho một khoảnh khắc buồn trong tôi trở nên vô tận. Chợt nhìn lên chiếc đồng hồ cũ kỹ, nhấc từng giọt thời gian trôi đi. Tôi chợt ao ước những cây kim đồng hồ quay ngược, để trở lại ngày xưa, tìm lại những gì tôi đã mất. niềm tin???
Tôi được đọc ở đâu nó một câu danh ngôn: “Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả”. Hình như trong tôi, niềm tin đang cạn dần, cạn dần... Thời trai trẻ, người ta đã gieo vào trong tôi những niềm tin về những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người, của một chế độ hạnh phúc đến mức phải gọi đó là thiên đường của xã hội loài người; gieo vào tôi những lý tưởng quá xa vời, khiên cho trái tim bồng bột thời trai trẻ mê muội lao theo như những con thiêu thân.
Và trên con đường “phục vụ nhân dân”, “được đào luyện và lớn lên từ những phong trào cách mạng”, tôi đã từng bước, từng bước một nhận thức từ những căn cứ xác đáng, có cơ sở thuyết phục dựa trên lý luận và thực tiễn, được thử thách và trải nghiệm gần 30 năm đằng đẳng. Cái chân lý mà tôi thờ phượng thuở ấy bây giờ thực chất chỉ là những giáo điều; thần tượng mà tôi tôn thờ hiện nguyên hình thành ra một con quỷ khát máu người, tham lam, tàn nhẫn và độc ác. Hóa ra niềm tin của tôi mấy mươi năm nay đã đặt không đúng chỗ.
Khi niềm tin đã bị bội tín hoặc bị đánh mất bởi những điều phi nghĩa, tôi bị hụt hẫng, não nề và lâm vào hội chứng khủng hoảng niềm tin. Bởi lẽ, khi đối diện với những sự thật diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đất nước này, trong tôi lại giằng xé, đau đáu khi chứng kiến nền luân lý và những giá trị đạo đức đang bị chà đạp; giả dối đã lên ngôi, sự đê tiện, bỉ ổi và xấu xa vẫn đang ngự trị và luôn có đất sống. Trong xã hội này tất cả mọi giá trị đã bị đánh tráo, khiến cho tôi thấy mình chẳng những bị lừa gạt, còn bị mất luôn chí hướng, không còn sinh khí và chẳng còn mong muốn được sống trên cõi đời này nữa.
Nhưng, mỗi khi đối diện với sợi dây thòng lọng, hay chén thuốc trừ sâu, tôi lại nghĩ về những niềm tin. Bởi một câu danh ngôn nào đó đã lay tôi tỉnh dậy. Nếu trên thế gian này dẫu cho còn lại một người tốt, thì tôi vẫn còn kỳ vọng vào ngày mai, vào sự tốt đẹp trong các mối quan hệ giữa người và người.
Nhưng trớ trêu thay, những nghiệt ngã, những phi lý và những nghịch lý trên cuộc đời này đều trút lên đầu những kẻ hiền lương. Đó là những người nông dân mất đất, hoặc đang sống trên những luống cày màu mỡ. Họ tạo ra hạt ngọc cho đời nhưng lại sống trong tận cùng của sự nghèo khó. Đó là những người công nhân “luôn được mệnh danh là giai cấp lãnh đạo” phải sống bằng đồng lương còi cọc, trong những khu nhà trọ ổ chuột, dột nát và tăm tối. Đó là những giai tầng buôn gánh, bán bưng ngày đêm tảo tần, rong ruổi trên những vĩa hè, phố vắng... lời rao vọng lại trong đêm hay tiếng than não nề của những cuộc đời lao đao, lận đận. Đó là những cảnh chạy trường, chạy lớp, chạy bằng... rồi những học sinh phải học đêm, học ngày, học dồn, học cả học kỳ ba... trong một nền giáo dục xuống cấp đến mức thê thảm. Thế hệ ngày nay thừa kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, thừa lý tưởng nhưng thiếu thực tế, thừa “tuân lệnh” nhưng thiếu suy nghĩ, thừa a dua mà thiếu bản lĩnh, thừa sao chép mà thiếu sáng tạo…
Khi đó trong xã hội, những người có chức, có quyền, có tiền thì sống không gương mẫu: tiền tiêu xả láng; rượu thịt, bia bọt tràn lan; gái đẹp, người mẫu chân dài hàng đêm... Lối sống tha hóa đến mức tận cùng của sự bỉ ổi. Ở các cơ quan nhà nước, từ triều đình cho đến tận cơ sở, người ta “nói một đàng làm một nẻo”, chơi trò “ném đá giấu tay”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”... để đấu đá tranh giành quyền lực, mua bằng, mua chức, để có cơ hội tham nhũng, để giàu có bất chính, để được hưởng thụ… Trong cuộc sống thác loạn, vô độ đó, nhiều người đã đánh mất dần nhân tính, vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại.
Những biểu hiện trên cho thấy, không chỉ riêng tôi, giới cầm quyền cũng đang đầu độc giới trẻ ngày nay và lấy cắp niềm tin của những con người thế hệ mai sau. Một bộ phận không nhỏ trong thế hệ 8x, 9x đã và đang bị xoáy mòn lòng tin. Học đòi theo những người lớn “mất dạy”, chúng nói tục, đánh đá nhau trong trường bằng mã tấu, rồi đua xe, thuốc lắc, ma túy, vũ trường thâu đêm suốt sáng. Chúng đã mất niềm tin vào lẽ sống, thực dụng đến mức tôn thờ vật chất và thác loạn như những con thiêu thân không cần biết ngày mai rồi sẽ ra sao.
Rồi một mai, vận mệnh đất nước này, dân tộc này sẽ ra sao khi bắt buộc phải bàn giao cho thế hệ kế thừa mà trong đó có bao nhiêu người đã, đang và sẽ bị lấy cắp niềm tin?
© Trần Việt Hùng
No comments:
Post a Comment