Saturday, 30 June 2012

Con giết cha mẹ: Thủ phạm hay nạn nhân?


SGTT.VN - Một lần nữa, cả xã hội lại bàng hoàng vì tội ác mới của một kẻ thủ ác thuộc giới trẻ khi Lưu Văn Thắng nhẫn tâm giết chết cả cha mẹ ruột của mình, chỉ vì không được cho tiền tiếp tục ăn chơi. Tội ác của giới trẻ đã lên đến đỉnh điểm khi đi từ xã hội vào nhà trường, và bây giờ bắt đầu gõ cửa những ngôi nhà vốn là ốc đảo yên bình của xã hội…Vì sao tội ác lại chất chồng, lại dồn tụ ở một lớp người theo lẽ thường phải là những người mang nhiều lý tưởng, mộng đẹp? 

>> Bé 3 tuổi nghi bị bạo hành, cha ruột thừa nhận
>> 'Nghịch tử sát hại cha mẹ khó thoát án tử'
>> Tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng

Nhiều nhà tội phạm học trên thế giới có cái nhìn thông cảm cho giới trẻ, cho rằng việc phạm tội ở đối tượng vị thành niên được xem như là một tai biến trên đường đời nhiều khi gắn liền với môi trường xung quanh hơn là nhân thân kẻ phạm tội. Tuổi trẻ, ai cũng biết là lứa tuổi mang nhiều hoài bão, nhưng là lứa tuổi bồng bột, nhân cách chưa hoàn chỉnh và cơ chế tự vệ cũng còn non nớt. Jean Piaget đã ghi nhận chùm nét tâm lý tội phạm thanh thiếu niên, đó là duy kỷ về đạo đức, nhạy cảm với cảm xúc gây gổ, và sự lãnh đạm cảm xúc chứng tỏ họ đặc biệt non nớt về tâm lý… Nhiều quá trình gây mầm phạm tội trong xã hội như tình trạng thiếu thốn về kinh tế, nghèo nàn về văn hoá, đẩy tuổi trẻ đi vào hoạt động bạo lực và ma tuý.

Nhà xã hội học John Dewey từng đưa ra nhận định khá nổi tiếng: “Cuộc sống đạo đức không thể tiếp tục mà không có sự trợ giúp của môi trường đạo đức”. Rất nhiều người đã báo động về tình trạng xuống cấp trầm trọng về đạo đức của thế giới người lớn. Đập vào mắt trẻ em hàng ngày chính là những vụ phạm tội của người đang thực hiện nghề nghiệp liên quan đến đạo đức: thầy giáo gạ tình, công an chiếm đoạt vợ bạn, thẩm phán, lương y cưỡng dâm; và nhan nhản những vụ tham nhũng lạm quyền, ăn cắp của công… Vậy nên câu hỏi cuối cùng đầy nghịch lý là rốt cuộc, tội phạm thanh thiếu niên là nạn nhân hay là thủ phạm?
Đoàn Đạt 
http://vn.news.yahoo.com/th%E1%BB%A7-ph%E1%BA%A1m-hay-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-012200508.html

No comments:

Post a Comment