Hoàng Việt (Danlambao) - Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam lần thứ hai (lần một là chiến tranh Biên giới năm 1979) từ lâu rồi, mặc dù ban lãnh đạo đảng CSVN cố tình che đậy trước cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam nhưng một cuộc xâm lược không tuyên chiến, không khói súng của Trung Quốc đang diễn ra hàng ngày và mỗi một ngày trôi đi chủ quyền đất nước lại bị gặm nhấm một chút, tài nguyên đất nước, các sản phẩm của nền kinh tế do nhân dân làm ra lại bị Trung Quốc cướp đi và phá hoại, trong sự khiếp nhược của Ban lãnh đạo ĐCSVN và nguy cơ cho một cuộc xâm lược Việt Nam toàn diện của Trung Quốc đã hiển hiện trước mặt. Khi mà Trung Quốc đã hoàn thiện công tác chuẩn bị và thời cơ đã chín mùi.
1- Trói chặt, vô hiệu hóa ban lãnh đạo CSVN
Trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay về mặt ngoại giao có tính chất công bố chính thức thì Tuyên bố chung ngày 15 tháng 10 năm 2011 giữa Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào tại Bắc Kinh là nền tảng, và chuẩn mực cao nhất cho quan hệ toàn diện giữa hai nước trong hiện tại và tương lai.
Các nội dung chính trong tuyên bố chung được tóm tắt như sau:
- Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
- Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Đi sâu hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước; tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng; thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ; triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường hợp tác trong các mặt như tàu hải quân hai nước thăm nhau.
- Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Nội dung trên của tuyên bố chung được hiểu như thế nào?
Một là: Quan hệ Trung - Việt là quan hệ được đặt ưu tiên cao nhất trong các quan hệ khác (quan hệ với bên thứ ba hoặc các bên) và là lợi ích của hai bên, với nội dung này Việt Nam đã bị Trung Quốc trói chặt và lệ thuộc hoàn toàn không thể chủ động trong các quan hệ có tầm chiến lược với các đối tác khác nếu các quan hệ này ảnh hưởng đến lợi ích của Trung quốc.
Khi ký vào tuyên bố chung này VN đã bị đẩy vào tình thế cô lập do sự thiếu tin cậy và nghi ngờ của các nước thứ ba, và các bên vì thái độ nhất bên trọng nhất bên khinh trong đường lối ngoại giao của VN.
Một điểm bất lợi trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc qua bản tuyên bố chung là quan hệ giữa hai nước bao giờ cũng gắn với quan hệ hai Đảng điều đó vô hình dung đã đẩy VN kẻ yếu thế ra khỏi sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế vì tuyên bố chung này được các lãnh đạo Đảng CS cầm quyền hai nước ký cho nên khó có tính chính danh thuyết phục như một tuyên bố chung cấp nhà nước, và đẩy mọi tranh chấp giữa hai bên thì hai bên tự giải quyết mà khó có thể quốc tế hóa hay đa phương hóa, điều mà Trung Quốc luôn phản đối với các bên tranh chấp với Trung Quốc.
Hai là: Tuyên bố chung tuy thể hiện sự thống nhất về quan điểm giữa hai bên, nghe ra thì rất công bằng và tôn trọng lẫn nhau nhưng thực ra để thực hiện được tuyên bố chung thì nó phụ thuộc vào rất nhiều vị thế và sức mạnh của mỗi bên. Việt Nam là nước nhỏ và yếu khi đã bị ràng buộc vào thỏa thuận với Trung Quốc thì rất khó phủi tay và đi với các đối tác khác mà không bị Trung Quốc trừng phạt, nhưng Trung Quốc là nước lớn thì việc thực hiện thỏa thuận, hay không là quyền của họ.
Có một chi tiết rất đáng lưu tâm trong đoạn: tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Thông thường những vấn đề về quan hệ mang tính chất quốc gia, nhà nước và để có căn cứ pháp lý thì đó là công việc của Bộ ngoại giao tại sao lại giao cho bộ quốc phòng và chỉ rõ là cấp thứ trưởng thực hiện, điều đó cho thấy Trung Quốc không muốn bản tuyên bố chung và các vấn đề nảy sinh mang tính pháp lý và chuẩn mực ngoại giao để tránh xảy ra tranh chấp pháp lý tại các tòa án quốc tế cũng như Liên hiệp quốc. Và có phải chăng việc Nguyễn Chí Vịnh đã được Trung Quốc ngấm ngầm chỉ định trong đàm phán và trao đổi như là một con tin để khống chế các lãnh đạo CSVN hay không, thì cho đến bây giờ đã rõ như ban ngày không phải bàn cãi gì nữa.
Ba là: Tuyên bố chung ngoài việc đẩy VN vào thế cô lập hóa trước cộng đồng quốc tế, trong Tuyên bố chung Việt Nam cũng bị Trung Quốc ép đến tận cùng trong chính sách đối nội, khi đòi hỏi giải quyết và xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng đến quan hệ hệ giữa hai Đảng, hai nước, không đế các thế lực thù địch phá hoại, tức là giải quyết các vấn đề là công việc của lãnh đạo đảng hai nước, không có sự tham gia của nhân dân, của các tổ chức và đoàn thể chính trị khác. Bất kỳ mọi sự phản ứng nào tự phát, hay có tổ chức tham gia dưới mọi hình thức đều coi như là vi phạm thỏa thuận chung cần được coi như là các thế lực thù địch và phải ngăn chặn, đàn áp.
Sự thâm độc của Trung Quốc là đẩy ban lãnh đạo CSVN trở thành công cụ đàn áp nhân dân khi họ phản kháng sự xâm lược của Trung Quốc.
Rõ ràng là tuyên bố chung được Nguyễn Phú Trọng ký với Bắc kinh đã như một tờ cam kết của lãnh đạo đảng CSVN trong chính sách với Trung Quốc, đã bị Trung quốc trói buộc đẩy VN vào thế cô lập trên trường quốc tế, rất bất lợi khi xảy ra các tranh chấp và sẽ là cái cớ để Trung Quốc đẩy các tranh chấp lên cao trào khi lãnh đạo đảng CSVN vi phạm các thỏa thuận này, thậm trí là phát động chiến tranh xâm lược toàn diện mà cuộc chiến tranh biên giới 1979 còn là một bài học đắt giá.
2- Đánh phá tan nát cơ sở hạ tầng
Trong khi một mặt phải vô hiệu hóa ban lãnh đạo ĐCSVN bằng nhiều hình thức để hợp pháp hóa các hành động xâm lược bành trướng của mình trước cộng đồng quốc tế, mặt kia Trung quốc đã rất tích cực hành động trên thực tiễn.
- Tuyên bố chủ quyền tại các vùng Trung Quốc cho là tranh chấp, đồng thời với thủ tục hóa hành chính, xây dựng cơ sở vật chất, điều động bộ máy nhân lực,tài sản,phương tiện để khai thác, và chiếm đóng vĩnh viễn.
- Gây áp lực bằng vũ lực theo kiểu hành chính và dân sự hóa tại các vùng tranh chấp và các vùng Việt Nam không kiểm soát được theo một áp lực tăng dần, với áp lực từ chính trị.
- Tha hóa bộ máy cán bộ công quyền từ thấp đến cao trong Đảng và chính quyền bằng các thủ đoạn hối lộ, mua chuộc… thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, giao nhận thầu... để lũng đọan bộ máy, phá hoại kinh tế, khai thác tài nguyên và mục đích cuối cùng là trói buộc họ bán rẻ luơng tâm, bán rẻ đất nước.
- Xây dựng đội quân thứ ba theo nhiều mũi ăn sâu vào nhiều ngả của nền kinh tế để phá hoại và khai thác tài nguyên gây ra sự xáo trộn thị trường, bất ổn về an ninh trật tự. Dùng đội quân thứ ba để đưa tiền giả, vũ khí, hàng cấm, hàng độc hại, tung tin thất thiệt... vào thị trường một mặt phá hoại kinh tế, nhưng cũng tạo ra một XH bất ổn không thể phát triển được.
Với chủ trương và biện pháp này Trung Quốc đã biến Việt Nam là một thị trường của Trung Quốc, một cuộc chiến tranh kinh tế không cân sức đã bóp chết nền SX hàng hóa của VN gây rất nhiều sự mất ổn định về kinh tế, an ninh, xã hội mà hậu quả là một nước Việt Nam đã bị suy yếu toàn diện trong cuộc xâm lược không tuyên chiến và khói súng này, sẽ khởi đầu cho một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc là không còn bao xa.
Theo như định nghĩa trong từ điển Việt Nam thì "xâm lược" là: Xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt chủ quyền của nước khác bằng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn chính trị, kinh tế. Thì Việt nam đang bị Trung Quốc xâm lược lần hai là một điều không phải không có cơ sở.
Hoàng Việt
No comments:
Post a Comment