Monday, 25 June 2012

Quyền lực của các đệ nhất phu nhân nhìn từ Âu sang Á

Chủ nhật 24 Tháng Sáu 2012
Bà Valérie Trierweiler bên cạnh Tổng thống François Hollande trong dịp tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân quốc xã ở Tulle, Pháp ngày 09/06/2012.
Bà Valérie Trierweiler bên cạnh Tổng thống François Hollande trong dịp tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân quốc xã ở Tulle, Pháp ngày 09/06/2012.
REUTERS/Bertrand Langlois/Pool
*

Lê Phước
Ít ai bàn về quyền lực thật sự của người chung chăn sẻ gối với các nguyên thủ quốc gia. Dù không được bầu chọn một cách chính thức như người bạn đời của mình, nhưng vai trò và ảnh hưởng của họ đôi khi rất lớn. Để thông tin chi tiết về chủ đề này, tuần san Courrier International dành hẳn một hồ sơ dài chạy dòng tựa khá ấn tượng : « Các đệ nhất phu nhân có ảnh hưởng thật sự hay chỉ là chiếc bình để trưng bày? ».

Hoa Kỳ : Đệ nhất phu nhân bị ràng buộc nhiều trong truyền thống
Đầu tiên đến với nước Mỹ, Courrier International trích lại bài của tờ The Washington Post với hàng tựa là một lời kêu gọi : « Hãy đập tan xiềng xích ».
Xiềng xích nào đây ? Đó chính là sự bó buộc vô hình của xã hội dành cho người phụ nữ. Tờ báo thừa nhận, dù xã hội Hoa Kỳ đã tiến bộ rất nhiều, dù ngày càng có nhiều phụ nữ giữ những vị trí cao trong xã hội, ngay cả ở nghị viện, trong chính phủ hoặc lãnh đạo các doanh nghiệp, thế nhưng người phụ nữ vẫn bị gò bó trong cái quan niệm lâu đời « phụ nữ là để làm mẹ và làm vợ ».
Đã làm mẹ và làm vợ thì phải làm cho trọn vẹn những nghĩa vụ tương ứng. Người bình dân trong xã hội đã thế, huống gì là phu nhân tổng thống. Dù muốn hay không họ cũng phải cố làm gương để xã hội soi vào. Theo tờ báo, trong nhiều gia đình Mỹ, phần lớn trách nhiệm điều trút lên đầu phụ nữ. Tuy nhiên, tờ báo cũng nói thêm, đối với những cặp vợ chồng có trình độ học vấn tương đương, thì sự sẻ chia được đảm bảo. Tức giữa hai vợ chồng có một « quan hệ đối tác bình đẳng». Tờ báo kêu gọi, đối với vợ chồng tổng thống, cũng đã đến lúc có kiểu quan hệ đối tác như vậy.
Tuy nhiên, không phải tất cả các đệ nhất phu nhân đều cam phận. Tờ báo ghi nhận, có nhiều đệ nhất phu nhân Mỹ đã « quật khởi » để có được tiếng nói thật sự có trọng lượng trên trường chính trị, như bà Ellen, phu nhân Tổng thống Woodrow Wilson (1913-1921), bà Lou phu nhân Tổng thống Herbert Hoover (1929-1923), hay Ngoại trưởng Hillary, phu nhân Tổng thống Bill Clinton (1993-2001). Đối với đương kim đệ nhất phu nhân Michelle Obama, một nhà báo Mỹ kể rằng, bà từng yêu cầu các quan chức đừng ngại « sử dụng » bà khi cần thiết.

Anh : Đệ nhất phu quân không hạnh phúc
Đến với vương quốc Anh, Courrier International trích dẫn bài viết của tờ The Independent tại Luân Đôn để bàn về phu quân của nữ hoàng Elisabeth. Bài viết chạy tựa : « Vừa là quận công vừa là ông vua vụng về ».
Đệ nhất phu quân Anh hiện tại là Quận công (chồng của nữ hoàng) Philip Mounbatten. Ông này thường bị báo giới cho là có những ứng xử không phù hợp với vị trí của mình.
Tờ báo nhắc lại một số điều đáng trách của ông. Chẳng hạn như việc vào năm 1963 ông đã đi thăm nhà độc tài Alfredo Stroessner tại Paraguay, người từng bị Liên Hiệp Quốc kết tội diệt chủng. Hay việc vào năm 1980 trong cao trào thất nghiệp ở Anh, ông lại có lời lẽ mỉa mai người thất nghiệp. Rồi việc ông được nhà cầm quyền ca ngợi là có quyết tâm bảo vệ thiên nhiên, là chủ tịch danh dự của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF), thế mà trong đời thường, tờ báo cho biết, ông lại là người rất thích săn bắn các loài động vật quý hiếm. Tờ báo mỉa mai, sự việc đến mức ngay cả một con tê giác cũng phải phì cười.
Tuy vậy, tờ báo cũng thông cảm cho quận công Philip. Ông vốn xuất thân từ quân đội. Khi nữ hoàng Elisabeth lên ngôi, ông buộc phải rời quân ngũ để ép mình vào vị trí mới. Theo tờ báo, có lẽ như vậy mà ông luôn có những ứng xử hơi kỳ hoặc để thể hiện phần nào sự bất bình.

Ý : Vợ chồng Thủ tướng « tương kính như tân »
Đối với bà Elisa Antonioli, vợ đương kim Thủ tướng Mario Monti, Courrier International trích lại bài của tờ La Republica tại Roma với hàng tít : « Bản sao của Thủ tướng Monti ».Tờ báo dùng từ « bản sao », bởi cho rằng, hai người thật sự hợp nhau, thật sự là tri âm tri kỷ của nhau. Ông lo việc chính phủ, bà lao vào công việc nhân đạo. Họ lấy nhau từ 40 năm nay, và hiện tại bà Elisa đã 69 tuổi.
Tờ báo cho biết, bà Elisa hòa nhã và dễ gần. Hơn 20 năm nay, bà tham gia công tác y tế tình nguyện cho một tổ chức Hồng Thập Tự. Bà cũng là người tích cực trong việc quyên góp. Mải miết với công việc xã hội thì dĩ nhiên chểnh mảng chuyện nhà. Tuy nhiên, bà tâm sự : « Bận rộn từ sáng tới tối nên tủ lạnh nhà cứ trống rỗng. Nhưng may thay, chồng tôi là người rất rộng lượng ».

Cameroun : Đệ nhất phu nhân làm mưa làm gió
Tại Cameroun, Tổng thống Paul Biya đã lãnh đạo đất nước từ năm 1981. Ông là người ít nói, tuy nhiên vợ ông, bà Chantal, dường như ngự trị cac diễn đàn công cộng và được cả xã hội ca tụng. Courrier International phản ánh sự việc qua bài viết dẫn lại của tờ Le Jour tại Yaoundé với tựa đề : « Nguồn cảm ứng của dân tộc và những người bợ đỡ ».
Tờ báo cho biết, thật không thể nào kể hết những sự kiện, từ âm nhạc đến thể thao hay các cuộc thi hoa hậu, được tổ chức dưới sự chủ trì hoặc hỗ trợ của đệ nhất phu nhân Chantal. Ai cũng tranh thủ dựa vào uy thế của bà để kiếm lợi.
Trong lĩnh vực âm nhạc, ca sĩ thi nhau ca tụng bà bằng việc cố gắng tối đa dành một bài ca ngợi bà trong album mới của mình. Họ dùng những mỹ từ không thể nào đẹp hơn nữa để ca tụng bà. Họ ca ngợi một cách thẳng thừng, chẳng hạn như lời sau đây của một bài hát mà tờ báo dẫn lại: « Chantal, người có tấm lòng quảng đại. Người rời khỏi ngai vàng để hạ mình hòa đồng với người cùng khổ ». Còn trong văn học, bà Chantal cũng là « một nguồn cảm hứng ». Các nhà văn ca ngợi bà hết mực, đến mức cho bà là « Mẹ Teresa của Châu Phi ».
Thế nhưng, có đi có lại, tờ báo cho biết, các ca sĩ đua nhau ca tụng bà, bởi đã có không ít người nhờ ca tụng quá mức mà đã được đệ nhất phu nhân hậu ái. Còn trong văn học, các quyển sách ca ngợi bà đều được nhờ thế bà mà bán chạy vô cùng.

Iran : Đệ nhất phu nhân nghiêm cẩn tuân thủ luật Hồi Giáo
Đến với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Courrier International tóm lược lại bài viết của một số tờ báo ở Iran cho biết, vợ Tổng thống Ahmadinejad rất biết giữ truyền thống Hồi giáo của đất nước.
Bà Azam Al-Sadat Farahi, phu nhân Tổng thống Ahmadinejad, rất ít xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế, chủ yếu bà xuất hiện trước công chúng chỉ trên lãnh thổ Iran. Phát biểu ở các hiệp hội phụ nữ, đệ nhất phu nhân Iran luôn kêu gọi bảo vệ « các giá trị của phụ nữ Hồi giáo ». Bà than phiền, nhiều phụ nữ Iran hiện tại không tôn trọng qui định trang phục đạo Hồi. Bà khẳng định : « Phương Tây sợ sức mạnh biểu trưng của chiếc khăn trùm Hồi giáo ».
Nói là làm, bản thân phu nhân Tổng thống cũng tuân thủ nghiêm chỉnh quy định về y phục dành cho phụ nữ Hồi giáo : bà luôn trùm khăn đen che kín cả người (khăn trùm của phụ nữ Hồi giáo dòng Chiite), ngay cả khi xuất hiện trên diễn đàn quốc tế. Một nhà báo người Mỹ nhận định, "bà Farahi đại diện cho tất cả những gì mà chính phủ nước cộng hòa Hồi Giáo Iran muốn có ở người phụ nữ».

Trung Quốc : Đệ nhất phu nhân tương lai biết đánh bóng hình ảnh cho chồng
Dù chưa chính thức, nhưng tất cả như đã chắc chắn rằng, trong kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mùa thu này, ông Tập Cận Bình sẽ thay vị trí của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Vợ ông, bà Bành Lệ Viên, là người thế nào ? Courrier International dẫn lại bài của tờ The Wall Street Journal tại New York để giải mã về vị đệ nhất phu nhân Trung Quốc tương lai này. Bài viết có tựa đề là một câu hỏi: « Ai mới thật sự là ngôi sao ? ».
Tờ báo đặt câu hỏi như thế, bởi bà Bành Lệ Viên hiện là một ca sĩ trứ danh tại Trung Quốc, đã mang nghệ thuật ca hát của Trung Quốc đến giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Bà có thể được xem là « thanh sắc lưỡng toàn ». Còn trong quân đội, bà mang đến hàm thiếu tướng. Tài năng và danh tiếng đến mức có khả năng làm lu mờ hình ảnh của ông Tập Cận Bình.
Tờ báo nhắc lại, mấy năm gần đây, bà Lệ Viên đã từng bước bước ra khỏi cái bóng của chồng mình trên trường chính trị. Chẳng hạn như việc năm 2011, bà trở thành đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới. Khi thảm họa động đất xảy đến với tỉnh Tứ Xuyên năm 2008, bà Lệ Viên cũng đứng ra tổ chức nhiều buổi trình diễn để quyên góp cứu trợ nạn nhân.
Hiểu được việc xã hội Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một đệ nhất phu nhân quá nổi tiếng về mặt truyền thông, bà Lệ Viên đã bắt đầu chọn cho mình cách xuất hiện trước công chúng trong thời gian gần đây với trang phục bình dị của quân đội, trái ngược với hình ảnh thường thấy là trang phục lộng lẫy, son phấn đậm màu.
Một điểm đáng lưu ý khác, là bà cũng bắt đầu biết cách tạo hình ảnh đẹp cho chồng. Bà không ngần ngại kể về tình cảm giữa hai vợ chồng với công chúng, nhưng trong các buổi nói chuyện ấy, bà luôn không thiếu lời hoa mỹ để ca ngợi chồng mình.

Bắc Triều Tiên : Vợ ông Kim Jong-il được ca ngợi đảm đang
Hôm 10/6 này, chính phủ Bình Nhưỡng đã cho công chiếu một đoạn phim tài liệu về vợ của nhà lãnh đạo quá cố của Bắc Triều Tiên, bà Ko Young Hee, trong đó bà được ca tụng là tận tụy với chồng con. Tờ Mainichi Sumbun của Nhật Bản đăng bài về bộ phim, được Courier International dẫn lại với hàng tựa : « Người vợ lẻ được đưa ra ánh sáng ».
Bộ Phim dài 90 phút, ca tụng ba người phụ nữ được họ gọi là « Những người mẹ vĩ đại » đó là : mẹ nhà sáng lập chế độ Kim Nhật Thành, mẹ ông Kim Jong Il và mẹ nhà lãnh đạo hiện tại của Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un.
Riêng đối với mẹ của ông Kim Jong Un, bà Ko Young Hee, thì đây là lần đầu tiên bà được xuất hiện với tư cách đầy đủ là một thành viên của nhà họ Kim. Trong phim, người ta thấy hình ảnh của bà trước kia, dù chưa được chính thức là đệ nhất phu nhân, nhưng bà đã sống với tư cách đó. Chẳng hạn như việc bà luôn tháp tùng cùng chồng trong các chuyến thị sát tình hình ở các nhà máy, hay thậm chí các cuộc thao diễn quân sự.
Bà luôn sát cách hỗ trợ, động viên ông Kim Jong Il trong buổi đầu chồng bà kế vị, vào những năm 1990, lúc xảy ra nạn đói kinh hoàng làm nhiều triệu người thiệt mạng. Bà cũng tự mình nghĩ ra những món ăn ít tốn tiền để quảng bá trong quần chúng. Còn đối với con trai Kim Jong Un, hình ảnh trong phim cho thấy, bà tận tụy cùng con, bên cạnh chăm sóc cho con ăn học.

Pháp : « Lệnh ông không bằng cồng bà »
Liên quan đến vợ chồng tổng Pháp, tuần san L’Express đặt câu hỏi : « Ai mới là sếp thật sự ? ».
Bàn về quyền lực của đệ nhất phu nhân, có lẽ không đâu mà cái quyền lực này mạnh đến thế, nó mạnh đến mức không chỉ làm khuynh đảo cấp dưới mà còn làm nghiêng ngửa cả Tổng thống. Đó chính là trường hợp của bà Valérie Trierweiler, người vợ không hôn thú đang sống cùng đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Theo tờ báo, sự ghen tuông, đấu đá lẫn nhau giữa người vợ trước của ông Hollande là bà Ségolene Royal và bà Trierweiler đã âm ỉ từ lâu, thế nhưng bỗng chốc bùng nổ dữ dội trước vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vừa qua. Khi ấy, bà Royal đang đối mặt với nguy cơ bị đánh bại ở vòng hai. Trong khi Tổng thống Hollande và lãnh đạo đảng Xã hội đều ủng hộ bà Royal, thì trên trang Twitter cá nhân của mình, bà Trierweiler đã lên tiếng ủng hộ đối thủ của bà Royal. L’Express nhận định : Tổng thống không muốn lẫn lộn giữa đời tư và việc chung, thế mà đã thất bại.
Thêm vào đó, tờ báo có bài phân tích thật dài mang tên « Người khiếm nhã bất đắc dĩ », cho biết, ông Hollande dù luôn muốn giữ kín đáo cho đời sống riêng tư, nhưng rốt cuộc đời tư của ông lại bị báo giới săm soi tỉ mỉ. Nguyên nhân do đâu? Do bà Trierweiler. Tờ báo kể lại nhiều việc làm của bà gây ảnh hưởng đến ông Hollande, trong đó có việc lạm dụng ảnh hưởng để gạt bỏ những người mà bà không thích.
Thậm chí, tờ báo còn đăng thật to một bức ảnh ghi lại cảnh bà Trierweiler đang ghì ông Hollande vào để hôn môi thắm thiết trước mặt bàn dân thiên hạ trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng của ông ngày 6/5 rồi.

Miến Điện : Bà Aung San Suu Kyi vẫn kiên trì lý tưởng
« Người phụ nữ đối lập muôn thuở », đó là tựa đề bài viết đăng trên Le Nouvel Observateur nhận định về bà Aung San Suu Kyi sau hai chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, một đến Thái Lan, một đến châu Âu.
Bàn về chuyến công du châu Âu, tờ báo đặc biệt chú ý đến điểm dừng chân Oslo, nơi bà San Suu Kyi đọc diễn văn chính thức về giải Nobel Hòa bình mà bà đã được vinh danh cách đây 21 năm. Trong bài diễn văn này, bà không ngần ngại đề cập tỉ mỉ đến việc ở Miến Điện còn nhiều tù nhân chính trị và tình trạng xung đột tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra trong nước. Bà cũng tỏ ra chưa chắc chắn về quá trình cải tổ hiện tại của chính phủ Tổng thống Thein Sein. Còn trong chuyến thăm Thái Lan, tại Bangkok, bà cũng tỏ ra nghi ngờ quá trình cải cách này, đến mức gây phẫn nộ cho giới cầm quyền Miến Điện.
Tóm lại, theo tờ báo, bà luôn lo âu cho tương lai đất nước và luôn sẵn sàng dấn thân, như lời trong một bức thư bà gửi cho chồng trước khi hai người kết hôn : « Nếu nhân dân cần đến em, thì anh hãy để em ra đi làm tròn bổn phận của mình ».

Thi tú tài : Pháp cấm lướt web, Đan Mạch cho lên mạng
Trong lĩnh vực giáo dục, tuần san Le Monde mang đến một thông tin đáng chú ý với bài viết : « Ở Đan Mạch, thi tú tài bằng cách lên mạng ».
Trong các kỳ thi tú tài, Bộ Giáo dục Pháp triển khai hàng loạt biện pháp cấm thí sinh sử dụng điện thoại thông minh vì lo ngại sẽ dùng nó để lên mạng. Thế mà ở Đan Mạch, từ năm 2010 đến nay, Bộ Giáo dục nước này đã bắt đầu thí điểm cho phép thí sinh lên mạng trong khi làm bài thi tú tài.
Trước đó, học sinh cấp ba của Đan Mạch cũng đã được phép lên mạng khi làm bài kiểm tra tiếng Đan Mạch, toán và các môn khoa học xã hội. Còn sinh viên ở các trường thương mại Đan Mạch trước đó cũng được phép sử dụng internet trong khi làm bài thi các môn marketing, kinh tế quốc tế. Năm nay, Bộ Giáo dục Đan Mạch đã cho phép thêm năm môn mới.Đương nhiên, khi cho phép lên mạng thì cũng có một số chế tài kèm theo: cấm sử dụng các trang mạng xã hội, giáo viên sử dụng phần mềm chống sao chép...
Nói về lợi ích của biện pháp này, những người thực hiện cho rằng, nó giúp cho người học biết phân biệt thế nào là « sao chép » và « trích dẫn ». Họ cho rằng, dùng đầu óc để suy nghĩ quý hơn là học thuộc lòng. Một điểm quan trọng nữa mà những người ủng hộ nhấn mạnh, đó chính là việc hằng ngày học sinh đã có thói quan lên mạng, vậy nên đưa các kỳ thi cử lại gần hơn với đời sống thường nhật của học sinh.
Xin nhắc lại rằng, ở Đan Mạch, từ 20 năm nay, sinh viên được phép sử dụng tài liệu để làm bài thi.

RFI

No comments:

Post a Comment