Lữ Phương -
Các vấn đề được đề nghị nhìn lại ở đây đều xoay quanh hai nhu cầu liên hệ chặt chẽ với nhau trong lịch sử hiện đại của Việt Nam – một “hệ vấn đề” theo cách nói của Nguyễn Kiến Giang – đó là độc lập dân tộc và canh tân xã hội (Nguyễn Kiến Giang: “Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam”, talawas.org, 14.4.2006). “Hệ vấn đề” này hiện nay vẫn còn đè nặng lên số phận đất nước, nhưng xét từ cội nguồn, nó đã bắt đầu từ khi Việt Nam bị thực dân Pháp, một ngoại bang xa lạ, từ thế giới phương Tây đến xâm lược và thống trị, khác hẳn với kẻ xâm lược cũ đến từ phương Bắc quá quen biết từ mấy nghìn năm. Vì thế, như một nghịch lý nhưng là hiện thực, có thể nói rằng quá trình thức tỉnh để sinh tồn của Việt Nam đã bắt đầu từ cuộc đối đầu xương máu đó, để từ đó đặt những bước chân đầu tiên vào thời hiện đại đầy sóng gió, bất trắc. Với ý nghĩa là một cuộc thúc đẩy mò mẫm không tự sinh nhưng lại là tất yếu cho việc hình thành một ý thức mới về lịch sử. 1.
Tuy thời thế đã chuyển biến dữ dội, nhưng do xã hội cổ truyền Việt Nam xây dựng trên mô hình Trung Hoa phong kiến, quen chìm đắm trong cách nhìn nhận thế giới dựa trên hệ thống giá trị tiền hiện đại, nên sự đan cài khắng khít giữa hai vấn đề nói trên chưa được thế hệ những nhà yêu nước chống thực dân buổi ban đầu nhận thức đầy đủ. Chỉ khi phương pháp đấu tranh cũ tỏ ra bất lực, mà kết quả là vô vọng, thì thế hệ những nhà yêu nước kế tiếp mới nhận ra được lý do thất bại của cha anh: thực dân phương Tây không cùng tầm cỡ với người láng giềng phương Bắc “đồng văn” mà là sức mạnh của một hình thái phát triển xã hội đã vượt khỏi chúng ta bằng cả một thời đại, vì đó không thể chiến thắng nó bằng cách huy động vốn liếng cũ, dù dựa trên một lòng yêu nước nồng nàn. Một nhận thức mới cũng đã nẩy sinh từ đó, không nhất quán, rõ rệt nhưng dần dần hình thành với những nét chính sau đây: muốn đánh đổ chủ nghĩa thực dân giành lại độc lập cho đất nước, tất yếu phải hình dung được một thể chế đưa được đất nước phát triển cùng thế giới hiện đại mà nội dung chủ yếu của nó là công nghiệp hoá và dân chủ hoá với những hệ quả về tư duy mà quá trình này mang đến. Mối quan hệ giữa hai vấn đề ấy từ đó đã trở thành cương lĩnh của các phong trào yêu nước về sau: công cuộc giải phóng dân tộc phải mang chở trong bản thân một quá trình canh tân xã hội, làm mới tinh thần.
Đây cũng là các vấn đề mà các quốc gia châu Á phải đối mặt trước sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhưng do nội lực của Việt Nam (cũng như của nhiều nước bấy giờ) thiếu hẳn những nhân tố nội sinh về văn hoá để tự canh tân, dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng về đường lối lãnh đạo, nên lớp người yêu nước của thế hệ mới đều nhất loạt đề xuất phương pháp đi ra ngoài để cầu viện hoặc cần đến một kích động của một hệ thống khác để tư duy của Việt Nam chuyển biến. Phan Châu Trinh hướng về những giá trị tích cực của ngay nước Pháp mà thực dân đã nhân danh để “khai hoá” Việt Nam. Phan Bội Châu quay sang nhờ sự giúp đỡ của nước Nhật đã hoàn thành sớm cuộc canh tân. Nguyễn Ái Quốc lại hướng về nước Nga với viễn cảnh cuộc cách mạng đem lại quyền làm chủ cho những người lao động. Xét về một khía cạnh nào đó, đây chính là điều hay vì là một cuộc hội nhập về tư tưởng có tác dụng phá vỡ bức tường tù hãm của một xã hội khép kín: lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Việt Nam đã có điều kiện để thấy thế giới rộng lớn hơn nhiều lần cái chân trời Trung Hoa mà mình tưởng rằng đó là trung tâm của vũ trụ.
Nhưng tính chất đa phương phức tạp và mới mẻ của thế giới đó cũng đã là nguồn gốc sinh ra nhiều khác biệt trong hàng ngũ những người Việt Nam yêu nước mà mở đầu là cuộc tranh luận giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Cần chú ý rằng ở đây không có vấn đề về tình tự yêu nước, cũng không có bất đồng về sự cần thiết phải canh tân hay không, mà chỉ là sự biện giải khác nhau về các phương pháp đặt ra trong tranh đấu, cụ thể là vào thời điểm bấy giờ, giữa hai vấn đề độc lập và canh tân phải ưu tiên cho vấn đề nào, nhu cầu về dân chủ ở Việt Nam phải đặt ra thế nào trước tình hình yếu kém và bị đô hộ của đất nước, và trong một xã hội đang chuyển mình khó khăn có nên đương đầu trực tiếp với thực dân bằng bạo lực hay không.
Về Phan Châu Trinh, chúng ta đều nhớ những đề xuất táo bạo của ông: không dùng bạo lực chống đối mà ưu tiên cho dân chủ hoá, nâng cao dân trí theo văn minh Tây Âu và để thực hiện nhiệm vụ đó, không cần nhờ vả các nước ngoài xa lạ, mà nên yêu cầu chính quyền thực dân cho tiến hành những cải cách. Những ý kiến của Phan Châu Trinh đã đụng chạm đến tận nền tảng xã hội Việt Nam truyền thống, làm nổi bật lên sự đối lập giữa hai thế giới quan, một phát triển, văn minh, năng động và một chậm tiến, lạc hậu, bưng bít. Dưới những chuẩn mực của các xã hội phát triển tập trung nơi nền văn minh phương Tây, Phan Châu Trinh đã vạch trần một cách không thương tiếc căn bệnh trầm kha của con người Việt Nam thời phong kiến, hủ bại, sùng bái quá khứ, sùng bái Trung Hoa, và cho rằng nếu không biết tập trung tẩy trừ cho hết những tác nhân gây nên căn bệnh ấy mà cứ lao vào chiến đấu bằng bạo lực, kết quả nếu không vô vọng thì dù cho có chiến thắng cuộc chiến thắng cũng vô nghĩa.
Chúng ta cũng biết những ý kiến trên đây có nhiều điều không được Phan Bội Châu hoàn toàn tán đồng. Thí dụ nổi bật nhất là vấn đề dân chủ được Phan Châu Trinh coi là toa thuốc cứu nước vạn năng, nhưng đối với Phan Bội Châu lại không thiết thực bao nhiêu, đơn giản chỉ vì giải pháp ấy thiếu đi một cái nền nâng đỡ mà không có cái nền đó thì dân chủ chỉ là hư vô, không có chỗ tựa. Nước đã mất thì dân không còn. “Dân không còn nữa, mà chủ với ai?” (Phan Bội Châu: “Thư gửi Phan Châu Trinh”1907, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1990, tr. 23).
Chưa kể đến việc thực hiện lại phải đặt quá nhiều kỳ vọng vào thiện chí của chính quyền thực dân, và điều đó đã được Trần Đình Hượu một nhà nghiên cứu sau này cho là không thích hợp:
“Phan Châu Trinh coi dân chủ còn cấp bách hơn độc lập và tưởng rằng có thể dùng luật pháp, cách cai trị có quy củ theo kiểu Âu Mỹ – dù là do thực dân nắm giữ – để quét sạch những rác rưởi thối tha đó (…). Do ảnh hưởng sách vở, ông tin tinh thần “yêu giặc như bạn” của người Pháp, tin “Nã Phá Luân là người sứ giả Trời sai xuống rắc cái hoa tự do” cho Châu Âu. Ông tưởng thực tế cũng giống như trong sách vở, tưởng thực dân cũng tôn trọng tinh thần Cách mạng 1789, sợ hãi không đám vi phạm nó!” (Trần Đình Hượu: Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Chương III, Mục III, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1988).
Sự khác nhau giữa Phan Châu Trinh với Phan Bội Châu là quá cách biệt: một bên “dựa Pháp đánh đổ vua” còn một bên “bài Pháp phục Việt”, chủ trương của Phan Châu Trinh rất cấp tiến nhưng không tránh khỏi ít nhiều mộng tưởng, trong khi đó thì chương trình của Phan Bội Châu, tuy nấn ná hoài cổ nhưng lại có vẻ gần thực tế hơn. Trật tự tam cương ngũ thường vẫn còn là tơ tưởng của nhiều người, bây giờ không phục hồi lại như cũ mà nên noi gương một số nước chuyển sang thể chế quân chủ lập hiến. Lực lượng vũ trang của phong trào Cần vương sau những thất bại thảm hại vẫn còn những tàn dư có thể tập hợp lại phục vụ cho ngọn cờ canh tân do một lớp thanh niên mới đi du học từ Nhật về lãnh đạo.
Nhưng cuộc vận động của ông không tiến triển được thêm bước nào, tất cả đã cũng trở thành ảo tưởng không kém, do Nhật Bản câu kết với thực dân Pháp chận đứng mọi chương trình của ông. Cuối cùng nhà chí sĩ bị trục xuất khỏi Nhật, phải chuyển sang Trung quốc; 1912 lập Việt Nam Quang Phục Hội để tiếp tục hoạt động, đến 1924 mô phỏng Quốc Dân Đảng của Trung Hoa (do Tống Giáo Nhân, một đồng chí của Tôn Dật Tiên thành lập năm 1912), đổi Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Từ quân chủ lập hiến chuyển hẳn sang cộng hoà nhưng tôn chỉ đấu tranh của Phan Bội Châu vẫn như cũ: dùng bạo động gây tiếng vang và tạo sức ép với chính quyền thực dân.
Công việc đang dự định thì giữa năm 1925, ông bị Pháp bắt, bị đưa về Việt Nam kết án và an trí ở Huế, tổ chức mới vừa thành lập cũng tan rã. Nhưng tinh thần của cuộc tranh đấu mà ông phát khởi vẫn được nhiều tổ chức chính trị khác kế thừa, hoặc trong nước hoặc lưu vong, tất cả đều có thiên hướng dùng bạo lực khuấy động trật tự thực dân bằng những cuộc ám sát, ném bom, nổi dậy… thể hiện qua hoạt động của những đảng phái mà sau này người ta thường gọi là “dân tộc chủ nghĩa”, “quốc gia”, “không cộng sản” như Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Cách mệnh Đồng Minh hội của Nguyễn Hải Thần, v.v. hầu hết đều hướng về lý thuyết “tam dân” của Tôn Trung Sơn trong cách mạng Tân Hợi làm nguồn cảm hứng đấu tranh và tổ chức.
Phương thức tranh đấu đó khác hẳn với chủ trương của Phan Châu Trinh được kế thừa và phát triển thành các xu hướng hoạt động nâng cao dân trí bằng những chương trình văn hoá ở các thành thị, hoặc qua các đảng phái chính trị thành lập công khai, chủ trương vận động thay đổi thực tế theo lối cải lương dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân. Chúng ta hãy đọc ý kiến sau đây của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu để hiểu thêm ý nghĩa của nhận xét đó:
“Ở vào thời điểm xuất hiện, tư tưởng cải cách dân chủ của Phan Châu Trinh là yêu nước, chưa thuộc xu hướng cải lương. Ý đồ của ông là “cùng với nhân nhân, chí sĩ ba kỳ thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đông tây sao mà chẳng vỗ nên bộp” (Thư Phan gửi cho Nguyễn Ái Quốc năm 1922). Lúc đó giai cấp tư sản chưa thành một lực lượng, nếu tán thành các chủ trương tư sản hoá thì cũng chỉ là với tư cách quần chúng đi theo các nhà khoa bảng. Lúc đầu thực dân tưởng có thể lợi dụng chủ trương cải cách đề làm đối trọng với phong trào bạo động chống Pháp, gần gũi với Trung Quốc, Nhật Bản. Khi thấy quần chúng đông đảo, thật sự thiết tha với độc lập và dân chủ tham gia, lái phong trào sang cách mạng thực sự thì thực dân Pháp mới can thiệp vừa bắt giam những người yêu nước cầm đầu, vừa tổ chức trường Quy thức, ban Tu thư, hội Khai trí tiến đức, cho ra báo Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí… đề xướng con đường Pháp Việt đề huề, hợp với giai cấp tư sản vừa phát đạt trước sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Đó là chủ nghĩa cải lương. Phan Châu Trinh cũng như các nhà yêu nước khác chống lại chủ trương đó. Nhưng trong tư tưởng “không bạo động, bạo động thì chết” của ông lại có chỗ cho những người thân Pháp và sợ chết dựa vào để chống phong trào yêu nước và cách mạng, biện hộ cho chủ nghĩa cải lương”. (Trần Đình Hượu: như trên) 2.
Có một xu hướng khác xuất phát từ mảnh đất đấu tranh nói trên nhưng cuối cùng đã chuyển sang một con đường mới mẻ hoàn toàn: đó là xu hướng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ xướng. Nguyễn Ái Quốc là người hợp tác chặt chẽ với Phan Châu Trinh khi mới bắt đầu gia nhập đời sống chính trị ở Pháp. Chính người thanh niên này đã cùng nhóm Phan Châu Trinh thảo ra “Yêu sách của nhân dân An Nam” ( còn gọi là “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam”) gồm 8 điểm, tự tay gửi đến hoà hội Versailles (1919) yêu cầu thực thi những đề xuất của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cải cách tình hình chính trị ở các nước thuộc địa, trong đó có những thuộc địa của Pháp tại Đông Nam Á, nhưng chờ đợi không thấy kết quả gì, nên ngả sang con đường mới với mong mỏi tìm được một lực lượng bên ngoài có khả năng giúp được Việt Nam thoát khỏi xiềng xích của thực dân một cách thiết thực và hiệu nghiệm hơn (Xem Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, trong “Đặc trang Lữ Phương”, Viet-Studies).
Lực lượng mới này tuy được gọi chung là “cộng sản” lấy học thuyết Marx làm kim chỉ nam, thống nhất trong việc chống đế quốc tư bản, xây dựng nên một xã hội tương lai không còn cảnh người bóc lột người, nhưng trong thực tế học thuyết đó lại có nhiều biến dạng với nhiều trường phái, cách mạng có, cải lương có, tranh luận nhau bất phân thắng bại. Bây giờ chúng ta biết rõ lý luận mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận thuộc trường phái gọi là “Marx-Lenin”, được những nhà nghiên cứu phân tích như một thứ học thuyết đặc thù về Marx (vốn là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản phương Tây) do Lenin giải thích lại để vận dụng vào việc chống tư bản và xây dựng xã hội mới cho những nước phụ thuộc và thuộc địa, nơi chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển.
Tuy do Đệ Tam quốc tế chỉ đạo dưới sự chi phối của Liên Xô, nhưng qua các Đại hội, qua sự khác biệt về quyền lợi của từng quốc gia, đường lối không phải lúc nào cũng thống nhất, vì đó cũng gây ra chia rẽ, công kích nhau rất căng thẳng. Hồi mới tập tễnh làm chính trị, Nguyễn Ái Quốc không hiểu hết lý luận và những phức tạp của nó nhưng ông vẫn nhanh chóng chấp nhận vì thấy Đệ tam Quốc tế ủng hộ rất tích cực phong trào giải phóng dân tộc, chứ không thờ ơ như những thế lực quốc tế khác. Đây là điểm quan trọng xuyên suốt tiểu sử chính trị của ông: vấn đề giải phóng dân tộc phải được xem là mối quan tâm hàng đầu bên cạnh những vấn đề khác của cách mạng vô sản. Vì thế đặt trong bối cảnh đấu tranh của Việt Nam vào tiền bán thế kỷ 20, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam theo xu hướng của Nguyễn Ái Quốc không khác gì bao nhiêu những tổ chức yêu nước có nội dung canh tân khác.
Đường lối khái quát do Nguyễn Ái Quốc phác hoạ là vào tháng 2 năm 1930 khi ông hợp nhất được các phe phái cộng sản đang xâu xé lẫn nhau, đường lối này – không lâu sau đó bị xu hướng quá khích trong đảng (đại biểu cho Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 6, năm 1928) đem ra chỉ trích nặng nề khiến ông bị giữ lại ở Liên Xô suốt 7 năm, đến 1938 mới được phép trở ra hoạt động lại – nội dung thật sự chỉ là đường lối mà các cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở những nước thuộc địa hoặc phụ thuộc chủ nghĩa thực dân trên thế giới vạch ra: chống đế quốc để giải phóng dân tộc, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng cùng với các quyền tự do dân sự cho một xã hội công dân độc lập.
Như vậy là trong hai vấn đề chống xâm lược và canh tân xã hội, vấn đề thứ nhất đã được Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng ưu tiên, chính diện, không khác gì bao nhiêu với chủ trương của Phan Bội Châu (trong vấn đề đó). Việc sử dụng bạo lực mà Phan Bội Châu đặt ra trong tranh đấu thì được phát triển theo quan điểm cách mạng của đông đảo quần chúng (dù dưới hình thức khởi nghĩa hay chiến tranh) và được kết hợp với nhiều phương thức đấu tranh khác (chính trị, văn hoá…), công khai/bí mật, ôn hoà/bạo lực tuỳ theo tình thế mà ứng biến, chứ không chỉ loay hoay trong những cuộc bạo động gây tiếng vang hoặc chỉ giới hạn cuộc vận động vào từng lớp bên trên như nhiều đảng phái khác.Tính chất dân chủ mà phong trào cộng sản hay nói đến đã được thể hiện qua những biện pháp vận động rộng rãi này.
Những mục tiêu đó đã là cơ sở để Đảng Cộng sản có thể hợp tác với những đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc khác. 1925, từ Nga sang Trung quốc hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã có quan hệ tốt với Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm… là những người đấu tranh chống thực dân theo đường lối Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, lãnh tụ cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc. Ngay cả khi thành lập chính phủ lâm thời năm 1946, vẫn có nhiều thành phần của phe “quốc gia”, đối lập về chính kiến, từ Trung Quốc về nước chia quyền như Nguyễn Hải Thần… trong Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… trong Việt Nam Quốc Dân Đảng … Vì lúc bấy giờ cuộc liên minh giữa các cường quốc (trong đó có Liên Xô) vẫn còn hiệu lực để thực hiện cuộc tấn công cuối cùng đè bẹp chủ nghĩa phát xít và thanh toán tàn dư của nó, nên vấn đề quốc/cộng ở Việt Nam vẫn chưa bùng nổ. Và đó cũng là nguyên nhân làm cho cuộc khởi nghĩa 1945 thành công dễ dàng, trong đó có việc khai thác chính xác kết quả của liên minh chống phát xít trên thế giới khiến Nhật đầu hàng.
Nhưng tất cả đều đảo ngược khi Chiến tranh Thế giới 2 vừa chấm dứt, cho phép quân Tưởng Giới Thạch từ phía Bắc, quân Anh từ phía Nam tràn vào giải giới quân Nhật, tạo điều kiện cho thực dân Pháp giành lại quyền lực đã bị sự chiếm đóng của Nhật vô hiệu hoá từ 1940. Sách lược liên hiệp các thành phần khác nhau thể hiện trong chính phủ lâm thời, trước sự hiện diện của các thế lực quốc tế chống cộng sản và đòi hỏi phục hồi vị thế của thực dân Pháp, kéo dài được một thời gian ngắn ngủi, đã đi đến chỗ tan vỡ hoàn toàn (sự kiện phố Ôn Như Hầu tháng 7.1946). Sau một thời gian thương lượng tìm một giải pháp hoà bình với Pháp không xong, chính phủ Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc khi ra công khai) đã chủ trương rút lui vào bưng biền kháng chiến. Cuộc liên minh chống phát-xít giữa Liên Xô và các cường quốc phương Tây cũng hạ màn, cuối cùng dẫn đến cuộc Chiến tranh Lạnh do Mỹ và Liên Xô cầm đầu, phân chia thế giới thành hai phe theo hai đường lối, hai ý thức hệ đối lập nhau gọi là tư bản và cộng sản.
Thật sự thì Chiến tranh Lạnh đã manh nha trước khi Chiến tranh Thế giới 2 chấm dứt do nhiều bất đồng của các cường quốc phương Tây với Liên Xô, nhưng phải đợi tiếng súng im đi, mới bộc lộ rõ hơn, trong việc phân chia vùng ảnh hưởng và chiếm đóng giữa hai bên, cùng với việc Mỹ viện trợ tái thiết một số nước châu Âu để không rơi vào tay cộng sản, từ đó hình thành học thuyết gọi là “be bờ” (containment) “ngăn chặn làn sóng đỏ” của tổng thống Mỹ Truman năm 1947, khởi đầu từ châu Âu rồi lan khắp thế giới. Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam cũng bị hút vào ngay sau cách mạng 1945, khi Pháp được Mỹ yểm trợ tái lập chế độ thuộc địa. Sự can thiệp của Mỹ càng ngày càng sâu hơn và mạnh mẽ hơn vào Việt Nam khi Mao Trạch Đông đẩy Tưởng Giới Thạch ra biển vào năm 1949 để sau đó đụng độ trực tiếp với Mỹ trong chiến tranh Triều tiên (1950). Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh không có cách nào khác là ngả hẳn về “phe xã hội chủ nghĩa” nhờ chi viện, trong đó Trung Quốc được Stalin giao cho vai trò trực tiếp, để tiếp tục cuộc chiến đấu của ông.
Trung Quốc bấy giờ vẫn liên minh với Liên Xô, nên cũng hết sức giúp đỡ Việt Nam, nhờ đó Việt Nam tạo ra một chiến thắng cuối cùng tại lòng chảo Điện Biên ác liệt. Nhưng chính sự giúp đỡ dần dà của Trung Quốc đưa đến chiến thắng quyết định này đã đẩy Việt Nam vào vòng phụ thuộc “người anh em” của mình hết sức nặng nề. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy bên ngoài danh nghĩa là những nước thuộc cùng một chiến tuyến chống đế quốc, chia sẻ cùng một ý thức hệ quốc tế vô sản, nhưng quyết định chính sách đối ngoại của hai bên vẫn là những quyền lợi thiết thân của một quốc gia và đối với Việt Nam thì Trung Quốc đương nhiên bao giờ cũng là một “đại ca”.
Nhiều tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết khi được mời tham dự hoà hội Genève 1954, vừa chiếm được quyền lực trên lục địa, Trung Quốc đã thông qua việc dàn xếp một cách bất lợi cho Việt Nam để khẳng định sự hiện diện của mình trên chính trường quốc tế. Khi tiếp tục giúp Việt Nam về sau, Trung Quốc vẫn xem Việt Nam như một công cụ để sử dụng vào lúc thích hợp. Theo dư luận trong Đảng, Hồ Chí Minh không phải không biết điều này nhưng mọi thứ đã an bài vì với ông không có gì quan trọng bằng sự đoàn kết “bầu bạn” khắp nơi để giành lại độc lập từ sự thống trị của thực dân. Không biết ông có lường được hết hậu quả hay không, nhưng thực tế cho biết rõ là càng dựa vào “phe xã hội chủ nghĩa” để chống thực dân thì khái niệm này càng ngày càng mất đi ý nghĩa phổ quát mà ông đã hình dung khi lựa chọn để mang những thuộc tính riêng biệt và cụ thể: một mô hình “xã hội chủ nghĩa” đặc trưng mà Mao Trạch Đông đã sáng tạo cho Trung Quốc.
Vì thế, theo một nghĩa nào đó cũng có thể coi sự thành công của cách mạng cộng sản ở Việt Nam chính là kết quả của cuộc nội chiến ở Trung Quốc: nếu Mao Trạch Đông không đánh bại được Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc thì có lẽ tình hình sẽ hoàn toàn có lợi cho phe thân Tưởng nằm phục lâu năm ở đây và số phận của Việt Nam cũng vì đó mà có thể khác đi rất nhiều. Nhưng những gì diễn ra trong lịch sử đã không cho phép chữ nếu này tồn tại. Với sự cận kề về địa lý, phụ thuộc về văn hoá truyền thống, huyễn hoặc về ý thức hệ, dựa vào Mao Trạch Đông để chiến thắng thực dân Pháp, Việt Nam rất khó thoát khỏi sự thao túng của chủ nghĩa cộng sản mao-ít. 3.
Như vậy là từ việc cùng tồn tại chung, qua nhiều lần hợp tác, phân hoá, với nhiều xu hướng chính trị yêu nước khác, phong trào cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo ngày càng chiếm được vai trò chủ đạo trong công cuộc chống thực dân giành chủ quyền cho dân tộc, nhưng ý nghĩa của nó cũng ngày càng phức tạp, không còn đơn giản như lúc ban đầu: điều này đã thể hiện rõ rệt qua hai giai đoạn khác nhau, như chúng ta đã biết, trong quá trình tranh đấu của nó.
Giai đoạn thứ nhất: từ ngày thành lập đến cuộc khởi nghĩa 1945 thành công, thiết lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong giai đoạn này, cương lĩnh tranh đấu tuy do Đảng đề xuất nhưng nội dung chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng tư sản dân quyền theo kiểu Tôn Trung Sơn. Do cương lĩnh có nội dung đó, dù khác nhau hoặc đối lập nhau về tư tưởng, những người cộng sản và các đảng phái phi cộng sản vẫn có thể hợp tác với nhau để hành động chung. Tình hình thế giới thuận lợi cho sự hợp tác đó vì trước hiểm hoạ phát-xít, đã có sự liên minh giữa các cường quốc để chống lại.
Sự hoàn tất của cuộc khởi nghĩa 1945 ở Việt Nam đã diễn ra trong bối cảnh đó với một ghi nhận quan trọng cần được nhấn mạnh: đó là một cuộc cách mạng hoàn toàn tự lực của Việt Nam, không hề có sự giúp đỡ trực tiếp của Đảng Cộng sản Liên Xô lẫn Đảng Cộng sản Trung quốc. Nội dung dân tộc và dân chủ trong đường lối đấu tranh tự lực của của Đảng Cộng sản trong giai đoạn này đã thể hiện rất rõ trong “Tuyên ngôn độc lập” và Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1946 như một cột mốc mang tính bản lề để đất nước vượt qua xã hội cổ truyền, hội nhập thế giới hiện đại và giải quyết những vấn đề căn bản cho một Việt Nam phát triển trong dân chủ mà lịch sử đã đặt ra từ đầu thế kỷ 20.
Giai đoạn hai: từ sau 1949 trở đi, khi cách mạng Trung Quốc thành công, do tình thế bất khả kháng phải dùng chiến tranh để bảo vệ thành quả đã đạt được trong cách mạng 1945, Hồ Chí Minh chuyển hẳn sang dựa dẫm Trung Quốc để chống thực dân. Tính chất dân tộc của cuộc tranh đấu đã bắt đầu nhuốm đậm màu ý thức hệ, không phải là ý thức hệ mác-xít nói chung mà là thứ đặc sản tinh thần mới của Trung Quốc mệnh danh là chủ nghĩa Mao, theo chân các đoàn cố vấn Trung Quốc cùng với súng đạn và lương thực tràn vào Việt Nam. Những cuộc đấu tố cải cách ruộng đất, những cuộc tẩy não tư tưởng diễn ra trong hàng ngũ cán bộ và quân đội ngay trong lúc chiến tranh chống Pháp đang tiếp diễn đã có tác dụng áp đặt cho Việt Nam một đường lối sẽ được khai triển toàn diện về sau này.
Vấn đề cộng sản và không cộng sản, trước đây nhạt nhoà trước nhu cầu chống thực dân, bây giờ đã trở thành tác nhân gây chia rẽ dân tộc, làm phân liệt cả hàng ngũ những người yêu nước chống Pháp, hoặc riêng biệt hoặc hợp tác với cộng sản, từ đó đã đưa cuộc đấu tranh của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, trong giai đoạn này sự chiếm lĩnh độc tôn về quyền lực của một thành phần cục bộ đã được đem ra thay thế cho sự hợp tác giữa những thực thể riêng biệt trong một toàn phần.
Sự rạn nứt đó đã vỡ oà ra cùng với cuộc Chiến tranh Lạnh đang tăng cường độ ở châu Á. Nhân danh chủ nghĩa chống cộng, Mỹ can thiệp vào Việt Nam để giúp thực dân Pháp duy trì thuộc địa càng đẩy Việt Nam rơi sâu vào ảnh hưởng của Trung Quốc, thể hiện ngày càng quyết liệt qua cuộc xung đột giữa hai miền Nam/Bắc sau 1954. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã cản trở Việt Nam thống nhất trong hoà bình. Miền Nam biến thành tiền đồn của “thế giới tự do” để Mỹ thực hiện chính sách ngăn chặn sự bành trướng của phe cộng sản theo học thuyết domino.
Điều đó cũng giả định Việt Nam và Trung Quốc “tuy hai mà một”, cả hai đều muốn mở rộng chủ nghĩa cộng sản xuống toàn vùng Đông Nam Á. Giả định này không hoàn toàn vô lý nếu nhìn từ nội tại, vì miền Bắc Việt Nam đã thực hiện việc cải tạo xã hội theo mô hình Mao Trạch Đông, tiếp tục các chính sách đã tiếp nhận từ Trung Quốc khi còn kháng chiến: thực hiện “cải cách ruộng đất” để tước đoạt thành quả mà nông dân đã có được trong thời cách mạng dân tộc dân chủ, nhân danh một thứ lý thuyết không tưởng được cho là chân lý duy nhất để lãnh đạo, căn cứ vào đó thủ tiêu mọi hứa hẹn trước đây về quyền tự do tư tưởng cho trí thức và áp đặt lên đời sống một hình thái văn hoá chuyên chính ngu dân, lạc hậu.
Nhưng từ một góc nhìn rộng lớn hơn thì lập luận ấy chỉ là kết quả của suy diễn. Bấy giờ Trung quốc dù có muốn “xích hoá” Đông Nam Á thì cũng cũng không đủ sức, nếu có thì cũng chỉ xúi giục Việt Nam, nhưng chỉ trong giới hạn nào đó có lợi cho mình. Còn Việt Nam thì lại chỉ theo đuổi dự định thiết thân: trong khi quyết tâm chống Mỹ để thống nhất đất nước thì cũng cưỡng lại Trung Quốc, không chấp nhận kéo dài nhùng nhằng. Rốt cuộc mặc dù không vừa ý, nhưng Trung Quốc vẫn ủng hộ Việt Nam, ngoài việc muốn sử dụng Việt Nam như một công cụ, còn vẫn giữ chính sách thù địch với Mỹ do vấn đề Đài Loan và sau chiến tranh Triều Tiên. Nhưng khi sự tranh giành vị trí bá quyền với Liên Xô trong phong trào cộng sản quốc tế lên cao dẫn đến xung đột vũ trang, Trung Quốc đã xem Liên Xô như một “đế quốc xã hội”, nhanh chóng chuyển sang hợp tác với Mỹ để chống lại. Ngoài việc nắm lấy thời cơ để phân hoá kẻ thù, Mỹ còn muốn qua việc hợp tác này, nhờ Trung Quốc áp lực với Việt Nam hỗ trợ Mỹ trong giải pháp rút lui chủ động hơn khỏi cuộc sa lầy ở Đông Nam Á.
Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam trong tay chế độ Sài gòn năm 1974, trước sự án binh bất động của Hạm đội 7 của Mỹ đang lảng vảng ngoài Biển Đông. Mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt khi Việt Nam bất chấp những cuộc đi đêm giữa Mỹ và Trung Quốc bất lợi cho mình, nhất quyết thực hiện việc thống nhất đất nước bằng quân sự. Sau đó không lâu khi Đặng Tiểu Bình chủ trương hiện đại hoá Trung Quốc bằng thủ đoạn “lòn trôn”, trắng trợn ve vãn Mỹ để du nhập khoa học và công nghệ thì Việt Nam đã được Trung Quốc sử dụng một lần nữa như một con chốt.
Để đối phó, thay vì nhanh chóng bình thường hoá quan hệ với Mỹ để hoá giải cuộc cờ, Việt Nam quá ảo tưởng về mình sau khi thắng Mỹ, lại đưa điều kiện bồi thường chiến tranh để đàm phán, không gặt hái được kết quả gì, cuối cùng để chống trả thái độ thù địch ngày càng hung hãn của Trung Quốc, đã phải ngả hẳn sang Liên Xô, với niềm xác tín rằng Liên Xô “xã hội chủ nghĩa” đích thực hơn. Sự thách thức ấy đã được Trung Quốc trả đũa bằng cách sử dụng Khmer Đỏ tăng cường khuấy phá biên giới phía Nam; khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia để trừng trị, năm 1979 Trung Quốc đã vận động tranh thủ sự tán đồng của Mỹ, mở cuộc tấn công đánh phá tan tành một số tỉnh miền Bắc để “dạy” cho tên “côn đồ Việt Nam” một bài học.
Bị tổn thất nặng nề, không buộc được Việt Nam rút khỏi Campuchia ngay, nhưng Đặng Tiểu Bình cũng thành công trong việc làm cho Việt Nam bị cô lập và kiệt quệ trong một thời gian dài. Trong khi đem máu của binh sĩ hai nước ra chứng minh với Mỹ rằng mình không còn nằm trong phe cộng sản nữa ( Việt Nam là một Cuba ở châu Á cần trừng trị), Trung Quốc đã nhận được từ Mỹ một món quà mà nội dung là một khoảng thời gian yên bình gần 30 năm để tiếp nhận công nghệ và khoa học phương Tây, cần thiết cho việc thực hiện chủ trương “bốn hiện đại hoá”, hy vọng thoát khỏi lạc hậu, mau chóng trở thành cường quốc. Còn Việt Nam thì sau cả chục năm trì trệ vì quá tin vào Liên Xô, đến khi Liên Xô sụp đổ, không biết bám víu vào ai để tồn tại như một chế độ chuyên chính nên nghe theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ (1991) vội vã quay về với người bạn Trung Quốc để nối lại mối quan hệ “đồng chí tốt” đã có từ lâu. 4.
Ngày nay các cuộc chiến tranh chống các thế lực thực dân, đế quốc phương Tây coi như đã lui vào dĩ vãng. Cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe chia đôi thế giới cũng đã lụi tàn. Cương lĩnh gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo mô hình Stalin-Mao cũng đã tan vỡ theo sự sụp đổ của cái hệ thống quốc tế đã cổ xuý nó. Để tồn tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều phải thích ứng chuyển đổi đường lối, đường lối này thường được gọi là “chủ nghĩa Lenin-thị trường”, với những cải biến xa hơn về mặt lý luận: đuổi hàng hoá và thị trường ra khỏi sự phê phán của Marx về chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn lén lút bám chặt vào mấy chữ “chuyên chính vô sản” của ông về thời kỳ quá độ, cốt chỉ để duy trì cho được sự thống trị độc quyền vĩnh viễn của Đảng cộng sản đối với đời sống chính trị của đất nước. Nói cách khác là làm kinh tế thị trường nửa vời bằng một nhà nước độc tài tuyệt đối. Không có gì gọi là “chủ nghĩa xã hội” thật sự ở đây để phải bận tâm tranh cãi thêm về mấy chữ “định hướng” hay “tiến lên” đi theo nó cả.
Với đường lối nói trên, Đảng Cộng sản Việt Nam cố giữ thói quen nhún nhường đối với người láng giềng phương Bắc, hy vọng tạo ra một động lực mới và một không khí hoà bình để đuổi kịp nhịp phát triển của các nước trong khu vực. Nhưng kết quả lại không như mong muốn. Chính sách của Đặng Tiểu Bình, lấy Việt Nam làm con chốt thí để chiếm lòng tin của giới lãnh đạo Mỹ (dạy Việt Nam một bài học 1979), đồng thời quyết liệt dùng bàn tay sắt đập tan mọi ý hướng canh tân dân chủ hoá (sự kiện Thiên An Môn 1989), sau 30 năm thực hiện một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước chuyên chế, nếu đã đưa được Trung Quốc lên thành một cường quốc thì cũng với những cố gắng sửa chữa sai lầm để thực hiện chính sách “đổi mới” đặt nền trên trấn áp chính trị, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam lại tạo ra những kết quả trái ngược. Theo chân Trung Quốc mở cửa chào đón chủ nghĩa tư bản quốc tế, cho phép giai tầng trung lưu nội địa hoạt động trở lại, sự lãnh đạo đó vẫn không đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, tụt hậu để “hoá rồng” mà vẫn chìm ngập trong vũng lầy nhược tiểu, thối nát, tầm nhìn không thoát khỏi những toan tính lợi ích bè phái trước mắt, vì đó đã đưa toàn xã hội vào cảnh chụp giật hỗn loạn, đất nước lệ thuộc bên ngoài nhiều mặt.
Trước tình hình rối ren ấy, mối quan hệ giữa Việt Nam với người bạn phương Bắc lại rẽ sang một khúc quanh đầy nguy hiểm: dựa vào những kết quả đạt được trong 30 năm phát triển, Trung Quốc đã tạo ra được sức mạnh đủ để mưu tính trở thành một siêu cường mới ở châu Á, thách thức và đi đến chỗ muốn thay thế vai trò bá quyền của Mỹ đã suy yếu trong những năm gần đây. Toan tính ấy mang tính hiện thực đến mức nào thì còn phải chờ xem, nhưng trước mắt Trung Quốc đã gieo rắc tham vọng đó khắp nơi bằng hàng loạt những biện pháp tham lam của một đế quốc không cần giấu mặt. Quan trọng nhất là đã tập trung tăng cường sức mạnh quân sự, dựa vào sức mạnh này, hăm doạ độc chiếm Biển Đông, khống chế vùng Đông Nam Á.
Riêng đối với Việt Nam âm mưu đó được thực hiện một cách toàn diện, vì từ vị trí địa chính của mình Việt Nam chứa đựng tiềm năng tiếp tục trở thành một cái nút chặn lộ trình đi xuống phía Nam của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Vì thế, ngoài việc liên tục quấy phá, cướp đoạt, lấn chiếm, bắn giết ngoài Biển Đông, Trung Quốc tìm cách xâm nhập vào nội bộ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, tình báo để thao túng, biến Việt Nam thành một quốc gia phên giậu, phụ thuộc để khai thác và sai khiến.
Một câu hỏi khắc nghiệt không thể không đặt ra: phải chăng không muốn nhưng một lần nữa người Việt Nam lại phải bắt đầu một cuộc đối kháng mới với kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mình, giống như cha ông chúng ta đã phải đương đầu từ hàng nghìn năm về trước? Phải chăng nói như một nhà nghiên cứu: mọi cuộc chiến đấu chống các đế quốc phương Tây để gìn giữ chủ quyền của Việt Nam đều trở nên “thứ yếu” so với cuộc đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán phương Bắc? (Marvin Ott: “Thế kẹt trước Trung Quốc: Bản lĩnh và sự khôn khéo của Việt Nam”, Nghiên cứu Biển Đông 1.6.2012). Dù cho thông tin hiện nay chưa cung cấp cho chúng ta đầy đủ yếu tố để trả lời các câu hỏi này bằng một khẳng định có tính chất đại chiến lược cho cả một thế kỷ, nhưng căn cứ vào những sự kiện đã diễn ra hơn 50 năm qua cho đến ngày nay, bất cứ người Việt Nam nào có chút ưu tư đều cảm thấy cái tai hoạ từ phương Bắc đang đè nặng lên số phận đất nước, ngày càng lộ rõ, ngày càng trắng trợn.
Trước tình hình nguy ngập nói trên, chúng ta đều trông đợi thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị từng dính líu quá sâu vào ý thức hệ mao-ít trong thời kỳ chống thực dân và hiện nay đang là đảng cầm quyền tự cho mình là người duy nhất chịu trách nhiệm trước dân tộc về mối đe doạ bành trướng của Trung quốc. Chúng ta hy vọng Đảng Cộng sản sẽ công bố đường lối của mình trước toàn dân, như trước đây đã từng công bố nhiều lần trước những biến cố quan trọng của đất nước. Trong khi chờ đợi, ở đây chúng ta chỉ căn cứ vào những gì đã trình bày ở trên để rút ra một số kết luận có tính chất hiển nhiên, dựa vào đó hình dung một chiến lược ứng phó có thể có cho dân tộc mà nội dung gồm những điều chủ yếu như sau:
· Ý thức hệ gọi là “xã hội chủ nghĩa” mà Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng trong thời kỳ chống xâm lược nếu có tác dụng tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, khi đem ra thực hiện trong xây dựng đã hiện nguyên hình là một mô hình không tưởng chuyên chế, đi ngược lại mọi viễn cảnh canh tân trong dân chủ, không tạo đoàn kết mà chỉ gây chia rẽ dân tộc và đưa dân tộc vào con đường lệ thuộc tinh thần. Chủ nghĩa “Mác-Lênin” cơ sở xây dựng “chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam chỉ là một sản phẩm du nhập mang tính chất chính trị tình thế, có nội dung Stalin được Mao Trạch Đông Trung Quốc hoá.
· Trên thực tế, nhất là trên mặt quan hệ quốc tế, Đảng Cộng sản Trung quốc đã từ bỏ ý thức hệ gọi là “chủ nghĩa xã hội” từ lâu. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa hiện nay là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia, không thể lấy quan hệ đồng nhất về ý thức hệ để xử lý các vấn đề có liên hệ đến quyền lợi của hai nước. Nếu sử dụng khái niệm này để quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ rơi vào cái bẫy tâm lí chiến gọi là “ vì đại cuộc”do Trung Quốc giăng ra.
· Qua tất cả những diễn biến của lịch sử quan hệ giữa hai nước suốt cả nửa thế kỷ đã qua, Trung Quốc không lúc nào ngừng o ép Việt Nam dựa trên những lợi ích của một quốc gia theo chủ nghĩa bành trướng nước lớn, đến nay đã trở nên trắng trợn hơn bao giờ hết trong toan tính biến Việt Nam thành một thứ phên giậu, phụ thuộc, để sử dụng, khống chế. Không có gì gọi là “hữu nghị” hoặc “đồng chí tốt”, “láng giềng tốt” biểu hiện trong mối quan hệ ấy.
· Chỉ có một thể chể chính trị mạnh về mọi mặt, bên ngoài có chỗ dựa của sự đồng tình quốc tế, bên trong là một nhà nước có được sự hậu thuẫn của nhân dân, mới tạo ra được sức mạnh tổng hợp ngăn chặn sự gây hấn của một Trung Quốc đang trở thành đế quốc. Vì vậy một đường lối ngăn chặn chủ nghĩa Đại Hán phương Bắc ngày nay tất yếu cũng phải trở về cội nguồn của cuộc đấu tranh chống thực dân từ đầu thế kỷ 20: chống xâm lược bên ngoài phải đi cùng với việc canh tân và dân chủ hoá xã hội bên trong. ***
Trong viễn cảnh hiện đại hoá, vấn đề ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Đại Hán như vậy không đơn thuần chỉ là việc bảo vệ một cõi “Nam quốc sơn hà” như ông cha chúng ta đã làm trước đây: thực chất đó là việc phủ nhận một mô hình phát triển không những không đưa đất nước hội nhập vào thế giới hiện đại một cách đích thực mà còn đẩy dân tộc vào vòng lệ thuộc. Suốt một thời gian dài, vì nhu cầu bức thiết của công cuộc đấu tranh chống các hình thức thực dân phương Tây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị cuốn hút vào cái ý thức hệ ngoại lai đặc biệt đến từ phương Bắc đó, coi như một sự trợ giúp cần thiết mà không ý thức hết cũng như không lường hết được hậu quả trầm trọng và lâu dài của nó. Ngày nay trước nguy cơ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang chuyển mình thành chủ nghĩa thực dân hiện đại, những người cộng sản không thể không tìm về giai đoạn đấu tranh trong tự lực và tự chủ của mình như một điểm tựa truyền thống phi-mao-ít để thoát khỏi sự không chế của nó, do đó cần thiết cũng phải nhìn lại các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực ý thức hệ, qua các giai đoạn đấu tranh khác nhau, một cách khách quan, đúng như đã diễn ra một thời trong lịch sử. 1.6.2012
L.P.
Tác giả trực tiếp gửi BVN
_____________________________ Tham khảo:
36 nhân sĩ, trí thức Việt Nam hiện ở nước ngoài: “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm hoạ ngoại bang và sức mạnh dân tộc” (ngày 21.8.2011), Viet-Studies tháng 8.2011
Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981
Brocheux, P.: “Những suy tưởng về Việt Nam”, Thời Đại Mới số 24, tháng 3.2012
Chanda, N.: Brother Enemy, The War after the War, Harcourt Brace Jovanovich, Publishers, San Diego New York London, 1986
Giáp Văn Dương: “Thoát Trung luận”, Blog Giápvăn, 13.8.2011
Kissinger, H.: On China, Chapter 13 “Touching the Tiger’s Buttocks, The Third Vietnam War”, The Penguin Press, Kindle Edition, 2011
Lữ Phương: Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh – Sự hình thành một chọn lựa, “Đặc trang Lữ Phương”, Viet-Sudies
Nguyễn Kiến Giang: “Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam” (LP sưu tầm, hiệu đính và giới thiệu), talawas.org, 14.4.2006
Nhiều người ký tên: “Kiến Nghị về Bảo Vệ và Phát Triển Đất Nước”, (10.7.2011) boxitvn.blogspot.com
Nhóm tác giả: “Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” (8.9.2011), Thời Đại Mới số 23, tháng 11.2011
Trần Đình Hượu: Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1988
Trần Quang Cơ: “Hồi ký” tháng 7.2005, Diễn Đàn 12.7.2008
Vũ Hồng Lâm: “Lịch sử quan hệ Việt-Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược”, Thời Đại Mới số 2, tháng 7.2004
Vũ Quang Việt: “Phải chăng quan hệ Việt Nam với Trung Quốc còn mang tính bá chủ-chư hầu?”, Thời Đại Mới số 23, tháng 11.2001.
Theo: Bauxite Việt Nam
http://chauxuannguyen.wordpress.com/2012/06/30/lich-su-thu-nhin-lai/
Các vấn đề được đề nghị nhìn lại ở đây đều xoay quanh hai nhu cầu liên hệ chặt chẽ với nhau trong lịch sử hiện đại của Việt Nam – một “hệ vấn đề” theo cách nói của Nguyễn Kiến Giang – đó là độc lập dân tộc và canh tân xã hội (Nguyễn Kiến Giang: “Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam”, talawas.org, 14.4.2006). “Hệ vấn đề” này hiện nay vẫn còn đè nặng lên số phận đất nước, nhưng xét từ cội nguồn, nó đã bắt đầu từ khi Việt Nam bị thực dân Pháp, một ngoại bang xa lạ, từ thế giới phương Tây đến xâm lược và thống trị, khác hẳn với kẻ xâm lược cũ đến từ phương Bắc quá quen biết từ mấy nghìn năm. Vì thế, như một nghịch lý nhưng là hiện thực, có thể nói rằng quá trình thức tỉnh để sinh tồn của Việt Nam đã bắt đầu từ cuộc đối đầu xương máu đó, để từ đó đặt những bước chân đầu tiên vào thời hiện đại đầy sóng gió, bất trắc. Với ý nghĩa là một cuộc thúc đẩy mò mẫm không tự sinh nhưng lại là tất yếu cho việc hình thành một ý thức mới về lịch sử. 1.
Tuy thời thế đã chuyển biến dữ dội, nhưng do xã hội cổ truyền Việt Nam xây dựng trên mô hình Trung Hoa phong kiến, quen chìm đắm trong cách nhìn nhận thế giới dựa trên hệ thống giá trị tiền hiện đại, nên sự đan cài khắng khít giữa hai vấn đề nói trên chưa được thế hệ những nhà yêu nước chống thực dân buổi ban đầu nhận thức đầy đủ. Chỉ khi phương pháp đấu tranh cũ tỏ ra bất lực, mà kết quả là vô vọng, thì thế hệ những nhà yêu nước kế tiếp mới nhận ra được lý do thất bại của cha anh: thực dân phương Tây không cùng tầm cỡ với người láng giềng phương Bắc “đồng văn” mà là sức mạnh của một hình thái phát triển xã hội đã vượt khỏi chúng ta bằng cả một thời đại, vì đó không thể chiến thắng nó bằng cách huy động vốn liếng cũ, dù dựa trên một lòng yêu nước nồng nàn. Một nhận thức mới cũng đã nẩy sinh từ đó, không nhất quán, rõ rệt nhưng dần dần hình thành với những nét chính sau đây: muốn đánh đổ chủ nghĩa thực dân giành lại độc lập cho đất nước, tất yếu phải hình dung được một thể chế đưa được đất nước phát triển cùng thế giới hiện đại mà nội dung chủ yếu của nó là công nghiệp hoá và dân chủ hoá với những hệ quả về tư duy mà quá trình này mang đến. Mối quan hệ giữa hai vấn đề ấy từ đó đã trở thành cương lĩnh của các phong trào yêu nước về sau: công cuộc giải phóng dân tộc phải mang chở trong bản thân một quá trình canh tân xã hội, làm mới tinh thần.
Đây cũng là các vấn đề mà các quốc gia châu Á phải đối mặt trước sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhưng do nội lực của Việt Nam (cũng như của nhiều nước bấy giờ) thiếu hẳn những nhân tố nội sinh về văn hoá để tự canh tân, dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng về đường lối lãnh đạo, nên lớp người yêu nước của thế hệ mới đều nhất loạt đề xuất phương pháp đi ra ngoài để cầu viện hoặc cần đến một kích động của một hệ thống khác để tư duy của Việt Nam chuyển biến. Phan Châu Trinh hướng về những giá trị tích cực của ngay nước Pháp mà thực dân đã nhân danh để “khai hoá” Việt Nam. Phan Bội Châu quay sang nhờ sự giúp đỡ của nước Nhật đã hoàn thành sớm cuộc canh tân. Nguyễn Ái Quốc lại hướng về nước Nga với viễn cảnh cuộc cách mạng đem lại quyền làm chủ cho những người lao động. Xét về một khía cạnh nào đó, đây chính là điều hay vì là một cuộc hội nhập về tư tưởng có tác dụng phá vỡ bức tường tù hãm của một xã hội khép kín: lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Việt Nam đã có điều kiện để thấy thế giới rộng lớn hơn nhiều lần cái chân trời Trung Hoa mà mình tưởng rằng đó là trung tâm của vũ trụ.
Nhưng tính chất đa phương phức tạp và mới mẻ của thế giới đó cũng đã là nguồn gốc sinh ra nhiều khác biệt trong hàng ngũ những người Việt Nam yêu nước mà mở đầu là cuộc tranh luận giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Cần chú ý rằng ở đây không có vấn đề về tình tự yêu nước, cũng không có bất đồng về sự cần thiết phải canh tân hay không, mà chỉ là sự biện giải khác nhau về các phương pháp đặt ra trong tranh đấu, cụ thể là vào thời điểm bấy giờ, giữa hai vấn đề độc lập và canh tân phải ưu tiên cho vấn đề nào, nhu cầu về dân chủ ở Việt Nam phải đặt ra thế nào trước tình hình yếu kém và bị đô hộ của đất nước, và trong một xã hội đang chuyển mình khó khăn có nên đương đầu trực tiếp với thực dân bằng bạo lực hay không.
Về Phan Châu Trinh, chúng ta đều nhớ những đề xuất táo bạo của ông: không dùng bạo lực chống đối mà ưu tiên cho dân chủ hoá, nâng cao dân trí theo văn minh Tây Âu và để thực hiện nhiệm vụ đó, không cần nhờ vả các nước ngoài xa lạ, mà nên yêu cầu chính quyền thực dân cho tiến hành những cải cách. Những ý kiến của Phan Châu Trinh đã đụng chạm đến tận nền tảng xã hội Việt Nam truyền thống, làm nổi bật lên sự đối lập giữa hai thế giới quan, một phát triển, văn minh, năng động và một chậm tiến, lạc hậu, bưng bít. Dưới những chuẩn mực của các xã hội phát triển tập trung nơi nền văn minh phương Tây, Phan Châu Trinh đã vạch trần một cách không thương tiếc căn bệnh trầm kha của con người Việt Nam thời phong kiến, hủ bại, sùng bái quá khứ, sùng bái Trung Hoa, và cho rằng nếu không biết tập trung tẩy trừ cho hết những tác nhân gây nên căn bệnh ấy mà cứ lao vào chiến đấu bằng bạo lực, kết quả nếu không vô vọng thì dù cho có chiến thắng cuộc chiến thắng cũng vô nghĩa.
Chúng ta cũng biết những ý kiến trên đây có nhiều điều không được Phan Bội Châu hoàn toàn tán đồng. Thí dụ nổi bật nhất là vấn đề dân chủ được Phan Châu Trinh coi là toa thuốc cứu nước vạn năng, nhưng đối với Phan Bội Châu lại không thiết thực bao nhiêu, đơn giản chỉ vì giải pháp ấy thiếu đi một cái nền nâng đỡ mà không có cái nền đó thì dân chủ chỉ là hư vô, không có chỗ tựa. Nước đã mất thì dân không còn. “Dân không còn nữa, mà chủ với ai?” (Phan Bội Châu: “Thư gửi Phan Châu Trinh”1907, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1990, tr. 23).
Chưa kể đến việc thực hiện lại phải đặt quá nhiều kỳ vọng vào thiện chí của chính quyền thực dân, và điều đó đã được Trần Đình Hượu một nhà nghiên cứu sau này cho là không thích hợp:
“Phan Châu Trinh coi dân chủ còn cấp bách hơn độc lập và tưởng rằng có thể dùng luật pháp, cách cai trị có quy củ theo kiểu Âu Mỹ – dù là do thực dân nắm giữ – để quét sạch những rác rưởi thối tha đó (…). Do ảnh hưởng sách vở, ông tin tinh thần “yêu giặc như bạn” của người Pháp, tin “Nã Phá Luân là người sứ giả Trời sai xuống rắc cái hoa tự do” cho Châu Âu. Ông tưởng thực tế cũng giống như trong sách vở, tưởng thực dân cũng tôn trọng tinh thần Cách mạng 1789, sợ hãi không đám vi phạm nó!” (Trần Đình Hượu: Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Chương III, Mục III, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1988).
Sự khác nhau giữa Phan Châu Trinh với Phan Bội Châu là quá cách biệt: một bên “dựa Pháp đánh đổ vua” còn một bên “bài Pháp phục Việt”, chủ trương của Phan Châu Trinh rất cấp tiến nhưng không tránh khỏi ít nhiều mộng tưởng, trong khi đó thì chương trình của Phan Bội Châu, tuy nấn ná hoài cổ nhưng lại có vẻ gần thực tế hơn. Trật tự tam cương ngũ thường vẫn còn là tơ tưởng của nhiều người, bây giờ không phục hồi lại như cũ mà nên noi gương một số nước chuyển sang thể chế quân chủ lập hiến. Lực lượng vũ trang của phong trào Cần vương sau những thất bại thảm hại vẫn còn những tàn dư có thể tập hợp lại phục vụ cho ngọn cờ canh tân do một lớp thanh niên mới đi du học từ Nhật về lãnh đạo.
Nhưng cuộc vận động của ông không tiến triển được thêm bước nào, tất cả đã cũng trở thành ảo tưởng không kém, do Nhật Bản câu kết với thực dân Pháp chận đứng mọi chương trình của ông. Cuối cùng nhà chí sĩ bị trục xuất khỏi Nhật, phải chuyển sang Trung quốc; 1912 lập Việt Nam Quang Phục Hội để tiếp tục hoạt động, đến 1924 mô phỏng Quốc Dân Đảng của Trung Hoa (do Tống Giáo Nhân, một đồng chí của Tôn Dật Tiên thành lập năm 1912), đổi Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Từ quân chủ lập hiến chuyển hẳn sang cộng hoà nhưng tôn chỉ đấu tranh của Phan Bội Châu vẫn như cũ: dùng bạo động gây tiếng vang và tạo sức ép với chính quyền thực dân.
Công việc đang dự định thì giữa năm 1925, ông bị Pháp bắt, bị đưa về Việt Nam kết án và an trí ở Huế, tổ chức mới vừa thành lập cũng tan rã. Nhưng tinh thần của cuộc tranh đấu mà ông phát khởi vẫn được nhiều tổ chức chính trị khác kế thừa, hoặc trong nước hoặc lưu vong, tất cả đều có thiên hướng dùng bạo lực khuấy động trật tự thực dân bằng những cuộc ám sát, ném bom, nổi dậy… thể hiện qua hoạt động của những đảng phái mà sau này người ta thường gọi là “dân tộc chủ nghĩa”, “quốc gia”, “không cộng sản” như Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Cách mệnh Đồng Minh hội của Nguyễn Hải Thần, v.v. hầu hết đều hướng về lý thuyết “tam dân” của Tôn Trung Sơn trong cách mạng Tân Hợi làm nguồn cảm hứng đấu tranh và tổ chức.
Phương thức tranh đấu đó khác hẳn với chủ trương của Phan Châu Trinh được kế thừa và phát triển thành các xu hướng hoạt động nâng cao dân trí bằng những chương trình văn hoá ở các thành thị, hoặc qua các đảng phái chính trị thành lập công khai, chủ trương vận động thay đổi thực tế theo lối cải lương dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân. Chúng ta hãy đọc ý kiến sau đây của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu để hiểu thêm ý nghĩa của nhận xét đó:
“Ở vào thời điểm xuất hiện, tư tưởng cải cách dân chủ của Phan Châu Trinh là yêu nước, chưa thuộc xu hướng cải lương. Ý đồ của ông là “cùng với nhân nhân, chí sĩ ba kỳ thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đông tây sao mà chẳng vỗ nên bộp” (Thư Phan gửi cho Nguyễn Ái Quốc năm 1922). Lúc đó giai cấp tư sản chưa thành một lực lượng, nếu tán thành các chủ trương tư sản hoá thì cũng chỉ là với tư cách quần chúng đi theo các nhà khoa bảng. Lúc đầu thực dân tưởng có thể lợi dụng chủ trương cải cách đề làm đối trọng với phong trào bạo động chống Pháp, gần gũi với Trung Quốc, Nhật Bản. Khi thấy quần chúng đông đảo, thật sự thiết tha với độc lập và dân chủ tham gia, lái phong trào sang cách mạng thực sự thì thực dân Pháp mới can thiệp vừa bắt giam những người yêu nước cầm đầu, vừa tổ chức trường Quy thức, ban Tu thư, hội Khai trí tiến đức, cho ra báo Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí… đề xướng con đường Pháp Việt đề huề, hợp với giai cấp tư sản vừa phát đạt trước sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Đó là chủ nghĩa cải lương. Phan Châu Trinh cũng như các nhà yêu nước khác chống lại chủ trương đó. Nhưng trong tư tưởng “không bạo động, bạo động thì chết” của ông lại có chỗ cho những người thân Pháp và sợ chết dựa vào để chống phong trào yêu nước và cách mạng, biện hộ cho chủ nghĩa cải lương”. (Trần Đình Hượu: như trên) 2.
Có một xu hướng khác xuất phát từ mảnh đất đấu tranh nói trên nhưng cuối cùng đã chuyển sang một con đường mới mẻ hoàn toàn: đó là xu hướng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ xướng. Nguyễn Ái Quốc là người hợp tác chặt chẽ với Phan Châu Trinh khi mới bắt đầu gia nhập đời sống chính trị ở Pháp. Chính người thanh niên này đã cùng nhóm Phan Châu Trinh thảo ra “Yêu sách của nhân dân An Nam” ( còn gọi là “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam”) gồm 8 điểm, tự tay gửi đến hoà hội Versailles (1919) yêu cầu thực thi những đề xuất của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cải cách tình hình chính trị ở các nước thuộc địa, trong đó có những thuộc địa của Pháp tại Đông Nam Á, nhưng chờ đợi không thấy kết quả gì, nên ngả sang con đường mới với mong mỏi tìm được một lực lượng bên ngoài có khả năng giúp được Việt Nam thoát khỏi xiềng xích của thực dân một cách thiết thực và hiệu nghiệm hơn (Xem Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, trong “Đặc trang Lữ Phương”, Viet-Studies).
Lực lượng mới này tuy được gọi chung là “cộng sản” lấy học thuyết Marx làm kim chỉ nam, thống nhất trong việc chống đế quốc tư bản, xây dựng nên một xã hội tương lai không còn cảnh người bóc lột người, nhưng trong thực tế học thuyết đó lại có nhiều biến dạng với nhiều trường phái, cách mạng có, cải lương có, tranh luận nhau bất phân thắng bại. Bây giờ chúng ta biết rõ lý luận mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận thuộc trường phái gọi là “Marx-Lenin”, được những nhà nghiên cứu phân tích như một thứ học thuyết đặc thù về Marx (vốn là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản phương Tây) do Lenin giải thích lại để vận dụng vào việc chống tư bản và xây dựng xã hội mới cho những nước phụ thuộc và thuộc địa, nơi chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển.
Tuy do Đệ Tam quốc tế chỉ đạo dưới sự chi phối của Liên Xô, nhưng qua các Đại hội, qua sự khác biệt về quyền lợi của từng quốc gia, đường lối không phải lúc nào cũng thống nhất, vì đó cũng gây ra chia rẽ, công kích nhau rất căng thẳng. Hồi mới tập tễnh làm chính trị, Nguyễn Ái Quốc không hiểu hết lý luận và những phức tạp của nó nhưng ông vẫn nhanh chóng chấp nhận vì thấy Đệ tam Quốc tế ủng hộ rất tích cực phong trào giải phóng dân tộc, chứ không thờ ơ như những thế lực quốc tế khác. Đây là điểm quan trọng xuyên suốt tiểu sử chính trị của ông: vấn đề giải phóng dân tộc phải được xem là mối quan tâm hàng đầu bên cạnh những vấn đề khác của cách mạng vô sản. Vì thế đặt trong bối cảnh đấu tranh của Việt Nam vào tiền bán thế kỷ 20, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam theo xu hướng của Nguyễn Ái Quốc không khác gì bao nhiêu những tổ chức yêu nước có nội dung canh tân khác.
Đường lối khái quát do Nguyễn Ái Quốc phác hoạ là vào tháng 2 năm 1930 khi ông hợp nhất được các phe phái cộng sản đang xâu xé lẫn nhau, đường lối này – không lâu sau đó bị xu hướng quá khích trong đảng (đại biểu cho Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 6, năm 1928) đem ra chỉ trích nặng nề khiến ông bị giữ lại ở Liên Xô suốt 7 năm, đến 1938 mới được phép trở ra hoạt động lại – nội dung thật sự chỉ là đường lối mà các cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở những nước thuộc địa hoặc phụ thuộc chủ nghĩa thực dân trên thế giới vạch ra: chống đế quốc để giải phóng dân tộc, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng cùng với các quyền tự do dân sự cho một xã hội công dân độc lập.
Như vậy là trong hai vấn đề chống xâm lược và canh tân xã hội, vấn đề thứ nhất đã được Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng ưu tiên, chính diện, không khác gì bao nhiêu với chủ trương của Phan Bội Châu (trong vấn đề đó). Việc sử dụng bạo lực mà Phan Bội Châu đặt ra trong tranh đấu thì được phát triển theo quan điểm cách mạng của đông đảo quần chúng (dù dưới hình thức khởi nghĩa hay chiến tranh) và được kết hợp với nhiều phương thức đấu tranh khác (chính trị, văn hoá…), công khai/bí mật, ôn hoà/bạo lực tuỳ theo tình thế mà ứng biến, chứ không chỉ loay hoay trong những cuộc bạo động gây tiếng vang hoặc chỉ giới hạn cuộc vận động vào từng lớp bên trên như nhiều đảng phái khác.Tính chất dân chủ mà phong trào cộng sản hay nói đến đã được thể hiện qua những biện pháp vận động rộng rãi này.
Những mục tiêu đó đã là cơ sở để Đảng Cộng sản có thể hợp tác với những đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc khác. 1925, từ Nga sang Trung quốc hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã có quan hệ tốt với Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm… là những người đấu tranh chống thực dân theo đường lối Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, lãnh tụ cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc. Ngay cả khi thành lập chính phủ lâm thời năm 1946, vẫn có nhiều thành phần của phe “quốc gia”, đối lập về chính kiến, từ Trung Quốc về nước chia quyền như Nguyễn Hải Thần… trong Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… trong Việt Nam Quốc Dân Đảng … Vì lúc bấy giờ cuộc liên minh giữa các cường quốc (trong đó có Liên Xô) vẫn còn hiệu lực để thực hiện cuộc tấn công cuối cùng đè bẹp chủ nghĩa phát xít và thanh toán tàn dư của nó, nên vấn đề quốc/cộng ở Việt Nam vẫn chưa bùng nổ. Và đó cũng là nguyên nhân làm cho cuộc khởi nghĩa 1945 thành công dễ dàng, trong đó có việc khai thác chính xác kết quả của liên minh chống phát xít trên thế giới khiến Nhật đầu hàng.
Nhưng tất cả đều đảo ngược khi Chiến tranh Thế giới 2 vừa chấm dứt, cho phép quân Tưởng Giới Thạch từ phía Bắc, quân Anh từ phía Nam tràn vào giải giới quân Nhật, tạo điều kiện cho thực dân Pháp giành lại quyền lực đã bị sự chiếm đóng của Nhật vô hiệu hoá từ 1940. Sách lược liên hiệp các thành phần khác nhau thể hiện trong chính phủ lâm thời, trước sự hiện diện của các thế lực quốc tế chống cộng sản và đòi hỏi phục hồi vị thế của thực dân Pháp, kéo dài được một thời gian ngắn ngủi, đã đi đến chỗ tan vỡ hoàn toàn (sự kiện phố Ôn Như Hầu tháng 7.1946). Sau một thời gian thương lượng tìm một giải pháp hoà bình với Pháp không xong, chính phủ Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc khi ra công khai) đã chủ trương rút lui vào bưng biền kháng chiến. Cuộc liên minh chống phát-xít giữa Liên Xô và các cường quốc phương Tây cũng hạ màn, cuối cùng dẫn đến cuộc Chiến tranh Lạnh do Mỹ và Liên Xô cầm đầu, phân chia thế giới thành hai phe theo hai đường lối, hai ý thức hệ đối lập nhau gọi là tư bản và cộng sản.
Thật sự thì Chiến tranh Lạnh đã manh nha trước khi Chiến tranh Thế giới 2 chấm dứt do nhiều bất đồng của các cường quốc phương Tây với Liên Xô, nhưng phải đợi tiếng súng im đi, mới bộc lộ rõ hơn, trong việc phân chia vùng ảnh hưởng và chiếm đóng giữa hai bên, cùng với việc Mỹ viện trợ tái thiết một số nước châu Âu để không rơi vào tay cộng sản, từ đó hình thành học thuyết gọi là “be bờ” (containment) “ngăn chặn làn sóng đỏ” của tổng thống Mỹ Truman năm 1947, khởi đầu từ châu Âu rồi lan khắp thế giới. Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam cũng bị hút vào ngay sau cách mạng 1945, khi Pháp được Mỹ yểm trợ tái lập chế độ thuộc địa. Sự can thiệp của Mỹ càng ngày càng sâu hơn và mạnh mẽ hơn vào Việt Nam khi Mao Trạch Đông đẩy Tưởng Giới Thạch ra biển vào năm 1949 để sau đó đụng độ trực tiếp với Mỹ trong chiến tranh Triều tiên (1950). Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh không có cách nào khác là ngả hẳn về “phe xã hội chủ nghĩa” nhờ chi viện, trong đó Trung Quốc được Stalin giao cho vai trò trực tiếp, để tiếp tục cuộc chiến đấu của ông.
Trung Quốc bấy giờ vẫn liên minh với Liên Xô, nên cũng hết sức giúp đỡ Việt Nam, nhờ đó Việt Nam tạo ra một chiến thắng cuối cùng tại lòng chảo Điện Biên ác liệt. Nhưng chính sự giúp đỡ dần dà của Trung Quốc đưa đến chiến thắng quyết định này đã đẩy Việt Nam vào vòng phụ thuộc “người anh em” của mình hết sức nặng nề. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy bên ngoài danh nghĩa là những nước thuộc cùng một chiến tuyến chống đế quốc, chia sẻ cùng một ý thức hệ quốc tế vô sản, nhưng quyết định chính sách đối ngoại của hai bên vẫn là những quyền lợi thiết thân của một quốc gia và đối với Việt Nam thì Trung Quốc đương nhiên bao giờ cũng là một “đại ca”.
Nhiều tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết khi được mời tham dự hoà hội Genève 1954, vừa chiếm được quyền lực trên lục địa, Trung Quốc đã thông qua việc dàn xếp một cách bất lợi cho Việt Nam để khẳng định sự hiện diện của mình trên chính trường quốc tế. Khi tiếp tục giúp Việt Nam về sau, Trung Quốc vẫn xem Việt Nam như một công cụ để sử dụng vào lúc thích hợp. Theo dư luận trong Đảng, Hồ Chí Minh không phải không biết điều này nhưng mọi thứ đã an bài vì với ông không có gì quan trọng bằng sự đoàn kết “bầu bạn” khắp nơi để giành lại độc lập từ sự thống trị của thực dân. Không biết ông có lường được hết hậu quả hay không, nhưng thực tế cho biết rõ là càng dựa vào “phe xã hội chủ nghĩa” để chống thực dân thì khái niệm này càng ngày càng mất đi ý nghĩa phổ quát mà ông đã hình dung khi lựa chọn để mang những thuộc tính riêng biệt và cụ thể: một mô hình “xã hội chủ nghĩa” đặc trưng mà Mao Trạch Đông đã sáng tạo cho Trung Quốc.
Vì thế, theo một nghĩa nào đó cũng có thể coi sự thành công của cách mạng cộng sản ở Việt Nam chính là kết quả của cuộc nội chiến ở Trung Quốc: nếu Mao Trạch Đông không đánh bại được Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc thì có lẽ tình hình sẽ hoàn toàn có lợi cho phe thân Tưởng nằm phục lâu năm ở đây và số phận của Việt Nam cũng vì đó mà có thể khác đi rất nhiều. Nhưng những gì diễn ra trong lịch sử đã không cho phép chữ nếu này tồn tại. Với sự cận kề về địa lý, phụ thuộc về văn hoá truyền thống, huyễn hoặc về ý thức hệ, dựa vào Mao Trạch Đông để chiến thắng thực dân Pháp, Việt Nam rất khó thoát khỏi sự thao túng của chủ nghĩa cộng sản mao-ít. 3.
Như vậy là từ việc cùng tồn tại chung, qua nhiều lần hợp tác, phân hoá, với nhiều xu hướng chính trị yêu nước khác, phong trào cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo ngày càng chiếm được vai trò chủ đạo trong công cuộc chống thực dân giành chủ quyền cho dân tộc, nhưng ý nghĩa của nó cũng ngày càng phức tạp, không còn đơn giản như lúc ban đầu: điều này đã thể hiện rõ rệt qua hai giai đoạn khác nhau, như chúng ta đã biết, trong quá trình tranh đấu của nó.
Giai đoạn thứ nhất: từ ngày thành lập đến cuộc khởi nghĩa 1945 thành công, thiết lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong giai đoạn này, cương lĩnh tranh đấu tuy do Đảng đề xuất nhưng nội dung chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng tư sản dân quyền theo kiểu Tôn Trung Sơn. Do cương lĩnh có nội dung đó, dù khác nhau hoặc đối lập nhau về tư tưởng, những người cộng sản và các đảng phái phi cộng sản vẫn có thể hợp tác với nhau để hành động chung. Tình hình thế giới thuận lợi cho sự hợp tác đó vì trước hiểm hoạ phát-xít, đã có sự liên minh giữa các cường quốc để chống lại.
Sự hoàn tất của cuộc khởi nghĩa 1945 ở Việt Nam đã diễn ra trong bối cảnh đó với một ghi nhận quan trọng cần được nhấn mạnh: đó là một cuộc cách mạng hoàn toàn tự lực của Việt Nam, không hề có sự giúp đỡ trực tiếp của Đảng Cộng sản Liên Xô lẫn Đảng Cộng sản Trung quốc. Nội dung dân tộc và dân chủ trong đường lối đấu tranh tự lực của của Đảng Cộng sản trong giai đoạn này đã thể hiện rất rõ trong “Tuyên ngôn độc lập” và Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1946 như một cột mốc mang tính bản lề để đất nước vượt qua xã hội cổ truyền, hội nhập thế giới hiện đại và giải quyết những vấn đề căn bản cho một Việt Nam phát triển trong dân chủ mà lịch sử đã đặt ra từ đầu thế kỷ 20.
Giai đoạn hai: từ sau 1949 trở đi, khi cách mạng Trung Quốc thành công, do tình thế bất khả kháng phải dùng chiến tranh để bảo vệ thành quả đã đạt được trong cách mạng 1945, Hồ Chí Minh chuyển hẳn sang dựa dẫm Trung Quốc để chống thực dân. Tính chất dân tộc của cuộc tranh đấu đã bắt đầu nhuốm đậm màu ý thức hệ, không phải là ý thức hệ mác-xít nói chung mà là thứ đặc sản tinh thần mới của Trung Quốc mệnh danh là chủ nghĩa Mao, theo chân các đoàn cố vấn Trung Quốc cùng với súng đạn và lương thực tràn vào Việt Nam. Những cuộc đấu tố cải cách ruộng đất, những cuộc tẩy não tư tưởng diễn ra trong hàng ngũ cán bộ và quân đội ngay trong lúc chiến tranh chống Pháp đang tiếp diễn đã có tác dụng áp đặt cho Việt Nam một đường lối sẽ được khai triển toàn diện về sau này.
Vấn đề cộng sản và không cộng sản, trước đây nhạt nhoà trước nhu cầu chống thực dân, bây giờ đã trở thành tác nhân gây chia rẽ dân tộc, làm phân liệt cả hàng ngũ những người yêu nước chống Pháp, hoặc riêng biệt hoặc hợp tác với cộng sản, từ đó đã đưa cuộc đấu tranh của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, trong giai đoạn này sự chiếm lĩnh độc tôn về quyền lực của một thành phần cục bộ đã được đem ra thay thế cho sự hợp tác giữa những thực thể riêng biệt trong một toàn phần.
Sự rạn nứt đó đã vỡ oà ra cùng với cuộc Chiến tranh Lạnh đang tăng cường độ ở châu Á. Nhân danh chủ nghĩa chống cộng, Mỹ can thiệp vào Việt Nam để giúp thực dân Pháp duy trì thuộc địa càng đẩy Việt Nam rơi sâu vào ảnh hưởng của Trung Quốc, thể hiện ngày càng quyết liệt qua cuộc xung đột giữa hai miền Nam/Bắc sau 1954. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã cản trở Việt Nam thống nhất trong hoà bình. Miền Nam biến thành tiền đồn của “thế giới tự do” để Mỹ thực hiện chính sách ngăn chặn sự bành trướng của phe cộng sản theo học thuyết domino.
Điều đó cũng giả định Việt Nam và Trung Quốc “tuy hai mà một”, cả hai đều muốn mở rộng chủ nghĩa cộng sản xuống toàn vùng Đông Nam Á. Giả định này không hoàn toàn vô lý nếu nhìn từ nội tại, vì miền Bắc Việt Nam đã thực hiện việc cải tạo xã hội theo mô hình Mao Trạch Đông, tiếp tục các chính sách đã tiếp nhận từ Trung Quốc khi còn kháng chiến: thực hiện “cải cách ruộng đất” để tước đoạt thành quả mà nông dân đã có được trong thời cách mạng dân tộc dân chủ, nhân danh một thứ lý thuyết không tưởng được cho là chân lý duy nhất để lãnh đạo, căn cứ vào đó thủ tiêu mọi hứa hẹn trước đây về quyền tự do tư tưởng cho trí thức và áp đặt lên đời sống một hình thái văn hoá chuyên chính ngu dân, lạc hậu.
Nhưng từ một góc nhìn rộng lớn hơn thì lập luận ấy chỉ là kết quả của suy diễn. Bấy giờ Trung quốc dù có muốn “xích hoá” Đông Nam Á thì cũng cũng không đủ sức, nếu có thì cũng chỉ xúi giục Việt Nam, nhưng chỉ trong giới hạn nào đó có lợi cho mình. Còn Việt Nam thì lại chỉ theo đuổi dự định thiết thân: trong khi quyết tâm chống Mỹ để thống nhất đất nước thì cũng cưỡng lại Trung Quốc, không chấp nhận kéo dài nhùng nhằng. Rốt cuộc mặc dù không vừa ý, nhưng Trung Quốc vẫn ủng hộ Việt Nam, ngoài việc muốn sử dụng Việt Nam như một công cụ, còn vẫn giữ chính sách thù địch với Mỹ do vấn đề Đài Loan và sau chiến tranh Triều Tiên. Nhưng khi sự tranh giành vị trí bá quyền với Liên Xô trong phong trào cộng sản quốc tế lên cao dẫn đến xung đột vũ trang, Trung Quốc đã xem Liên Xô như một “đế quốc xã hội”, nhanh chóng chuyển sang hợp tác với Mỹ để chống lại. Ngoài việc nắm lấy thời cơ để phân hoá kẻ thù, Mỹ còn muốn qua việc hợp tác này, nhờ Trung Quốc áp lực với Việt Nam hỗ trợ Mỹ trong giải pháp rút lui chủ động hơn khỏi cuộc sa lầy ở Đông Nam Á.
Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam trong tay chế độ Sài gòn năm 1974, trước sự án binh bất động của Hạm đội 7 của Mỹ đang lảng vảng ngoài Biển Đông. Mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt khi Việt Nam bất chấp những cuộc đi đêm giữa Mỹ và Trung Quốc bất lợi cho mình, nhất quyết thực hiện việc thống nhất đất nước bằng quân sự. Sau đó không lâu khi Đặng Tiểu Bình chủ trương hiện đại hoá Trung Quốc bằng thủ đoạn “lòn trôn”, trắng trợn ve vãn Mỹ để du nhập khoa học và công nghệ thì Việt Nam đã được Trung Quốc sử dụng một lần nữa như một con chốt.
Để đối phó, thay vì nhanh chóng bình thường hoá quan hệ với Mỹ để hoá giải cuộc cờ, Việt Nam quá ảo tưởng về mình sau khi thắng Mỹ, lại đưa điều kiện bồi thường chiến tranh để đàm phán, không gặt hái được kết quả gì, cuối cùng để chống trả thái độ thù địch ngày càng hung hãn của Trung Quốc, đã phải ngả hẳn sang Liên Xô, với niềm xác tín rằng Liên Xô “xã hội chủ nghĩa” đích thực hơn. Sự thách thức ấy đã được Trung Quốc trả đũa bằng cách sử dụng Khmer Đỏ tăng cường khuấy phá biên giới phía Nam; khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia để trừng trị, năm 1979 Trung Quốc đã vận động tranh thủ sự tán đồng của Mỹ, mở cuộc tấn công đánh phá tan tành một số tỉnh miền Bắc để “dạy” cho tên “côn đồ Việt Nam” một bài học.
Bị tổn thất nặng nề, không buộc được Việt Nam rút khỏi Campuchia ngay, nhưng Đặng Tiểu Bình cũng thành công trong việc làm cho Việt Nam bị cô lập và kiệt quệ trong một thời gian dài. Trong khi đem máu của binh sĩ hai nước ra chứng minh với Mỹ rằng mình không còn nằm trong phe cộng sản nữa ( Việt Nam là một Cuba ở châu Á cần trừng trị), Trung Quốc đã nhận được từ Mỹ một món quà mà nội dung là một khoảng thời gian yên bình gần 30 năm để tiếp nhận công nghệ và khoa học phương Tây, cần thiết cho việc thực hiện chủ trương “bốn hiện đại hoá”, hy vọng thoát khỏi lạc hậu, mau chóng trở thành cường quốc. Còn Việt Nam thì sau cả chục năm trì trệ vì quá tin vào Liên Xô, đến khi Liên Xô sụp đổ, không biết bám víu vào ai để tồn tại như một chế độ chuyên chính nên nghe theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ (1991) vội vã quay về với người bạn Trung Quốc để nối lại mối quan hệ “đồng chí tốt” đã có từ lâu. 4.
Ngày nay các cuộc chiến tranh chống các thế lực thực dân, đế quốc phương Tây coi như đã lui vào dĩ vãng. Cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe chia đôi thế giới cũng đã lụi tàn. Cương lĩnh gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo mô hình Stalin-Mao cũng đã tan vỡ theo sự sụp đổ của cái hệ thống quốc tế đã cổ xuý nó. Để tồn tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều phải thích ứng chuyển đổi đường lối, đường lối này thường được gọi là “chủ nghĩa Lenin-thị trường”, với những cải biến xa hơn về mặt lý luận: đuổi hàng hoá và thị trường ra khỏi sự phê phán của Marx về chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn lén lút bám chặt vào mấy chữ “chuyên chính vô sản” của ông về thời kỳ quá độ, cốt chỉ để duy trì cho được sự thống trị độc quyền vĩnh viễn của Đảng cộng sản đối với đời sống chính trị của đất nước. Nói cách khác là làm kinh tế thị trường nửa vời bằng một nhà nước độc tài tuyệt đối. Không có gì gọi là “chủ nghĩa xã hội” thật sự ở đây để phải bận tâm tranh cãi thêm về mấy chữ “định hướng” hay “tiến lên” đi theo nó cả.
Với đường lối nói trên, Đảng Cộng sản Việt Nam cố giữ thói quen nhún nhường đối với người láng giềng phương Bắc, hy vọng tạo ra một động lực mới và một không khí hoà bình để đuổi kịp nhịp phát triển của các nước trong khu vực. Nhưng kết quả lại không như mong muốn. Chính sách của Đặng Tiểu Bình, lấy Việt Nam làm con chốt thí để chiếm lòng tin của giới lãnh đạo Mỹ (dạy Việt Nam một bài học 1979), đồng thời quyết liệt dùng bàn tay sắt đập tan mọi ý hướng canh tân dân chủ hoá (sự kiện Thiên An Môn 1989), sau 30 năm thực hiện một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước chuyên chế, nếu đã đưa được Trung Quốc lên thành một cường quốc thì cũng với những cố gắng sửa chữa sai lầm để thực hiện chính sách “đổi mới” đặt nền trên trấn áp chính trị, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam lại tạo ra những kết quả trái ngược. Theo chân Trung Quốc mở cửa chào đón chủ nghĩa tư bản quốc tế, cho phép giai tầng trung lưu nội địa hoạt động trở lại, sự lãnh đạo đó vẫn không đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, tụt hậu để “hoá rồng” mà vẫn chìm ngập trong vũng lầy nhược tiểu, thối nát, tầm nhìn không thoát khỏi những toan tính lợi ích bè phái trước mắt, vì đó đã đưa toàn xã hội vào cảnh chụp giật hỗn loạn, đất nước lệ thuộc bên ngoài nhiều mặt.
Trước tình hình rối ren ấy, mối quan hệ giữa Việt Nam với người bạn phương Bắc lại rẽ sang một khúc quanh đầy nguy hiểm: dựa vào những kết quả đạt được trong 30 năm phát triển, Trung Quốc đã tạo ra được sức mạnh đủ để mưu tính trở thành một siêu cường mới ở châu Á, thách thức và đi đến chỗ muốn thay thế vai trò bá quyền của Mỹ đã suy yếu trong những năm gần đây. Toan tính ấy mang tính hiện thực đến mức nào thì còn phải chờ xem, nhưng trước mắt Trung Quốc đã gieo rắc tham vọng đó khắp nơi bằng hàng loạt những biện pháp tham lam của một đế quốc không cần giấu mặt. Quan trọng nhất là đã tập trung tăng cường sức mạnh quân sự, dựa vào sức mạnh này, hăm doạ độc chiếm Biển Đông, khống chế vùng Đông Nam Á.
Riêng đối với Việt Nam âm mưu đó được thực hiện một cách toàn diện, vì từ vị trí địa chính của mình Việt Nam chứa đựng tiềm năng tiếp tục trở thành một cái nút chặn lộ trình đi xuống phía Nam của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Vì thế, ngoài việc liên tục quấy phá, cướp đoạt, lấn chiếm, bắn giết ngoài Biển Đông, Trung Quốc tìm cách xâm nhập vào nội bộ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, tình báo để thao túng, biến Việt Nam thành một quốc gia phên giậu, phụ thuộc để khai thác và sai khiến.
Một câu hỏi khắc nghiệt không thể không đặt ra: phải chăng không muốn nhưng một lần nữa người Việt Nam lại phải bắt đầu một cuộc đối kháng mới với kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mình, giống như cha ông chúng ta đã phải đương đầu từ hàng nghìn năm về trước? Phải chăng nói như một nhà nghiên cứu: mọi cuộc chiến đấu chống các đế quốc phương Tây để gìn giữ chủ quyền của Việt Nam đều trở nên “thứ yếu” so với cuộc đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán phương Bắc? (Marvin Ott: “Thế kẹt trước Trung Quốc: Bản lĩnh và sự khôn khéo của Việt Nam”, Nghiên cứu Biển Đông 1.6.2012). Dù cho thông tin hiện nay chưa cung cấp cho chúng ta đầy đủ yếu tố để trả lời các câu hỏi này bằng một khẳng định có tính chất đại chiến lược cho cả một thế kỷ, nhưng căn cứ vào những sự kiện đã diễn ra hơn 50 năm qua cho đến ngày nay, bất cứ người Việt Nam nào có chút ưu tư đều cảm thấy cái tai hoạ từ phương Bắc đang đè nặng lên số phận đất nước, ngày càng lộ rõ, ngày càng trắng trợn.
Trước tình hình nguy ngập nói trên, chúng ta đều trông đợi thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị từng dính líu quá sâu vào ý thức hệ mao-ít trong thời kỳ chống thực dân và hiện nay đang là đảng cầm quyền tự cho mình là người duy nhất chịu trách nhiệm trước dân tộc về mối đe doạ bành trướng của Trung quốc. Chúng ta hy vọng Đảng Cộng sản sẽ công bố đường lối của mình trước toàn dân, như trước đây đã từng công bố nhiều lần trước những biến cố quan trọng của đất nước. Trong khi chờ đợi, ở đây chúng ta chỉ căn cứ vào những gì đã trình bày ở trên để rút ra một số kết luận có tính chất hiển nhiên, dựa vào đó hình dung một chiến lược ứng phó có thể có cho dân tộc mà nội dung gồm những điều chủ yếu như sau:
· Ý thức hệ gọi là “xã hội chủ nghĩa” mà Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng trong thời kỳ chống xâm lược nếu có tác dụng tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, khi đem ra thực hiện trong xây dựng đã hiện nguyên hình là một mô hình không tưởng chuyên chế, đi ngược lại mọi viễn cảnh canh tân trong dân chủ, không tạo đoàn kết mà chỉ gây chia rẽ dân tộc và đưa dân tộc vào con đường lệ thuộc tinh thần. Chủ nghĩa “Mác-Lênin” cơ sở xây dựng “chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam chỉ là một sản phẩm du nhập mang tính chất chính trị tình thế, có nội dung Stalin được Mao Trạch Đông Trung Quốc hoá.
· Trên thực tế, nhất là trên mặt quan hệ quốc tế, Đảng Cộng sản Trung quốc đã từ bỏ ý thức hệ gọi là “chủ nghĩa xã hội” từ lâu. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa hiện nay là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia, không thể lấy quan hệ đồng nhất về ý thức hệ để xử lý các vấn đề có liên hệ đến quyền lợi của hai nước. Nếu sử dụng khái niệm này để quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ rơi vào cái bẫy tâm lí chiến gọi là “ vì đại cuộc”do Trung Quốc giăng ra.
· Qua tất cả những diễn biến của lịch sử quan hệ giữa hai nước suốt cả nửa thế kỷ đã qua, Trung Quốc không lúc nào ngừng o ép Việt Nam dựa trên những lợi ích của một quốc gia theo chủ nghĩa bành trướng nước lớn, đến nay đã trở nên trắng trợn hơn bao giờ hết trong toan tính biến Việt Nam thành một thứ phên giậu, phụ thuộc, để sử dụng, khống chế. Không có gì gọi là “hữu nghị” hoặc “đồng chí tốt”, “láng giềng tốt” biểu hiện trong mối quan hệ ấy.
· Chỉ có một thể chể chính trị mạnh về mọi mặt, bên ngoài có chỗ dựa của sự đồng tình quốc tế, bên trong là một nhà nước có được sự hậu thuẫn của nhân dân, mới tạo ra được sức mạnh tổng hợp ngăn chặn sự gây hấn của một Trung Quốc đang trở thành đế quốc. Vì vậy một đường lối ngăn chặn chủ nghĩa Đại Hán phương Bắc ngày nay tất yếu cũng phải trở về cội nguồn của cuộc đấu tranh chống thực dân từ đầu thế kỷ 20: chống xâm lược bên ngoài phải đi cùng với việc canh tân và dân chủ hoá xã hội bên trong. ***
Trong viễn cảnh hiện đại hoá, vấn đề ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Đại Hán như vậy không đơn thuần chỉ là việc bảo vệ một cõi “Nam quốc sơn hà” như ông cha chúng ta đã làm trước đây: thực chất đó là việc phủ nhận một mô hình phát triển không những không đưa đất nước hội nhập vào thế giới hiện đại một cách đích thực mà còn đẩy dân tộc vào vòng lệ thuộc. Suốt một thời gian dài, vì nhu cầu bức thiết của công cuộc đấu tranh chống các hình thức thực dân phương Tây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị cuốn hút vào cái ý thức hệ ngoại lai đặc biệt đến từ phương Bắc đó, coi như một sự trợ giúp cần thiết mà không ý thức hết cũng như không lường hết được hậu quả trầm trọng và lâu dài của nó. Ngày nay trước nguy cơ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang chuyển mình thành chủ nghĩa thực dân hiện đại, những người cộng sản không thể không tìm về giai đoạn đấu tranh trong tự lực và tự chủ của mình như một điểm tựa truyền thống phi-mao-ít để thoát khỏi sự không chế của nó, do đó cần thiết cũng phải nhìn lại các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực ý thức hệ, qua các giai đoạn đấu tranh khác nhau, một cách khách quan, đúng như đã diễn ra một thời trong lịch sử. 1.6.2012
L.P.
Tác giả trực tiếp gửi BVN
_____________________________ Tham khảo:
36 nhân sĩ, trí thức Việt Nam hiện ở nước ngoài: “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm hoạ ngoại bang và sức mạnh dân tộc” (ngày 21.8.2011), Viet-Studies tháng 8.2011
Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981
Brocheux, P.: “Những suy tưởng về Việt Nam”, Thời Đại Mới số 24, tháng 3.2012
Chanda, N.: Brother Enemy, The War after the War, Harcourt Brace Jovanovich, Publishers, San Diego New York London, 1986
Giáp Văn Dương: “Thoát Trung luận”, Blog Giápvăn, 13.8.2011
Kissinger, H.: On China, Chapter 13 “Touching the Tiger’s Buttocks, The Third Vietnam War”, The Penguin Press, Kindle Edition, 2011
Lữ Phương: Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh – Sự hình thành một chọn lựa, “Đặc trang Lữ Phương”, Viet-Sudies
Nguyễn Kiến Giang: “Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam” (LP sưu tầm, hiệu đính và giới thiệu), talawas.org, 14.4.2006
Nhiều người ký tên: “Kiến Nghị về Bảo Vệ và Phát Triển Đất Nước”, (10.7.2011) boxitvn.blogspot.com
Nhóm tác giả: “Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” (8.9.2011), Thời Đại Mới số 23, tháng 11.2011
Trần Đình Hượu: Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1988
Trần Quang Cơ: “Hồi ký” tháng 7.2005, Diễn Đàn 12.7.2008
Vũ Hồng Lâm: “Lịch sử quan hệ Việt-Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược”, Thời Đại Mới số 2, tháng 7.2004
Vũ Quang Việt: “Phải chăng quan hệ Việt Nam với Trung Quốc còn mang tính bá chủ-chư hầu?”, Thời Đại Mới số 23, tháng 11.2001.
Theo: Bauxite Việt Nam
http://chauxuannguyen.wordpress.com/2012/06/30/lich-su-thu-nhin-lai/
No comments:
Post a Comment