Thursday, 28 June 2012

Sơ lược về bản thân và quá trình đấu tranh của BS. Quế


- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sinh năm 1942 tại Hà Nội. Ông mồ côi cha từ nhỏ vì cha ông, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị Cộng Sản sát hại năm 1945. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam sau hiệp định Geneva chia đôi đất nước. Ông lớn lên ở miền Nam và theo học Đại Học Y Khoa Sàigòn. Tốt nghiệp Y khoa Bác Sĩ năm 1966. Phục vụ tại Bệnh Viện Chợ Rẫy, đồng thời là Giảng Sư tại Đại Học Y Khoa Sàigòn. 
 
- Được học bổng của Tổ Chức Y Tế Quốc Tế (WHO) Bác Sĩ Quế đã đi tu nghiệp về ngành Y khoa Nội Tiết ( Endocrinology) tại Bỉ năm 1968, tại Pháp năm 1969 và tại Anh Quốc năm 1972. Hoàn tất chương trình tu nghiệp năm 1974, Bác Sĩ Quế đã từ chối đề nghị làm việc cho Tổ Chức Y Tế Quốc Tế, để trở về nước tiếp tục phục vụ tại bệnh viện Chợ Rẫy, và giảng dậy tại trường Đại Học Y Khoa Sàigòn.
- Tháng 4-1975, vài ngày trước khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, Bác Sĩ Quế từ chối chạy ra ngoại quốc cùng gia đình. Ông ở lại tiếp tục phục vụ khám bệnh cho dân nghèo và các nạn nhân chiến cuộc. Năm 1976, vì chỉ chích chế độ y tế bất công đối với người nghèo; chính sách “hồng hơn chuyên” và lề lối làm việc độc tài, chuyên chế của đảng Cộng Sản, ông bị cách chức Trưởng Khu Nội Khoa tại bệnh viện Chợ Rẫy.

- Trong những năm 1976-1977, ông cùng một số những người đồng chí hướng tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ và phát hành hai tờ báo chui: Tờ “ Vùng Dậy” dành cho sinh viên và giới trẻ, và tờ “ Toàn Dân Vùng Dậy” dành cho đại chúng. Tháng 2-1978, ông bị bắt giữ cùng 47 thành viên của tổ chức và bị giam cầm 10 năm không xét xử cho đến năm 1988. Năm thành viên đã bị chết trong tù. Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Hội Ân Xá Quốc Tế và áp lực rộng lớn của dư luận khắp nơi trên thế giới, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế được trả tự do nhưng vẫn bị theo dõi và ngăn cấm hành nghề.

- Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì tiếp tục tranh đấu. Sau khi thành lập Cao Trào Nhân Bản vào tháng 2, ngày 11-5-1990 Bác Sĩ Quế đã đại diện Cao Trào này đưa ra lời kêu gọi các lực lượng đấu tranh cho tự do, dân chủ đa nguyên ủng hộ cho công cuộc tranh đấu bất bạo động đòi hỏi Cộng Sản phải tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam, phải chấp nhận sinh hoạt chính trị đa nguyên và nhất là phải trả cho người dân Việt Nam quyền lựa chọn một thể chế chính trị phù hợp với nguyện vọng của mình qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Lời Kêu Gọi của Cao Trào Nhân Bản được phổ biến rộng rãi và hưởng ứng khắp nơi trong cũng như ngoài nước.
- Sợ uy tín và ảnh hưởng của BS Quế ngày càng gia tăng trong lòng dân chúng Việt Nam, Cộng Sản đã bắt giữ BS Quế lần thứ hai vào ngày 14 tháng 6 năm 1990, với tội danh “ có những hành động chống đối chính phủ và âm mưu lật đổ chính quyền”. Sau đó, vào ngày 29-11-1991, trong một phiên tòa chớp nhoáng, không có luật sư biện hộ và không cho công chúng tham dự, Bác Sĩ Quế đã bị Cộng Sản Việt Nam kết án 20 năm tù và 5 năm quản thúc tại gia sau khi mãn hạn tù. Từ 1991 đến 1998 Bác Sĩ Quế đã bị chuyển qua nhiều nhà tù khác nhau. Mặc dù sức khỏe yếu kém, kết quả của những năm dài tù đầy, Bác Sĩ Quế vẫn bị ép làm lao động khổ sai và thường bị biệt giam. Trước áp lực và vận động mãnh liệt của thế giới, Cộng Sản đã phải thả BS Quế vào ngày 3-9-1998, nhưng vẫn quản thúc ông tại gia.

- Cộng Sản tiếp tục theo dõi, quấy nhiễu, gây khó khăn cho Bác Sĩ Quế. Điện thoại của ông bị cắt, ông bị cấm không được sử dụng fax, internet. Ông bị cô lập và không được quyền tiếp các ký giả ngoại quốc. Vượt qua mọi khó khăn, ông vẫn tìm cách lên tiếng chỉ trích chính sách độc tài, đảng trị và thiếu khả năng của nhà cầm quyền Hà Nội. Ngày 13-3-2003, ông lên tiếng bác bỏ luận điệu xuyên tạc về tự do thông tin của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, và ông khẳng định là ở Việt Nam không có tự do về thông tin. Bốn ngày sau đó (17-3-2003), Bác Sĩ Quế bị nhà cầm quyền bắt giữ lần thứ ba, với tội danh: “Sử dụng internet phổ biến tin tức bất lợi cho chính quyền, và tội danh gián điệp." Kể từ khi BS Quế bị bắt giữ, không một ai được tiếp xúc với ông. Việc ông bị bắt giữ đã gây nên một làn sóng phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở khắp mọi nơi trên thế giới. 

- Ngày 29 tháng 7 2004 dưới áp lực của dư luận quốc tế, Cộng Sản Hà Nội đưa BS Quế ra xử tại Sài Gòn. Trước tòa, BS Quế lớn tiếng chỉ trích nhà cầm quyền Cộng Sản, ông phủ nhận hệ thống pháp luật và quyền xét xử của tòa án Cộng Sản và ông tuyên bố ông không phạm tội gì ngoài tội yêu nước. Phiên tòa bị gián đoạn ba lần và cuối cùng Cộng Sản phải dẫn BS Quế sang phòng bên cạnh và bắt loa một chiều để tuyên đọc bản án: Ông bị xử 30 tháng tù với tội danh: “Lạm dụng quyền tự do dân chủ để làm phương hại đến lợi ích và an ninh của quốc gia”.
- Ngày 22 tháng 9, 2004, Cộng Sản âm thầm chuyển BS Quế đến một nhà tù hẻo lánh ở Thanh Hóa.
- Ngày 1 tháng 2, 2005 dưới áp lực nặng nề của Quốc Tế Cộng Sản Hà Nội phải thả BS Quế lần thứ ba nhưng tiếp tục canh giữ và quản thúc ông.
- Tuy bị canh giữ nghiêm ngặt, hai tháng sau ngày được thả, BS Quế đã đưa ra lộ trình 9 điểm nhằm dân chủ hóa Việt Nam một cách ôn hòa vào ngày 25 tháng 3, 2005 trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình VOA on the line (Tiếng nói chính thức của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ). Lộ trình này đã gây sôi nổi và được sự ủng hộ của đa số người Việt trong cũng như ngoài nước, của các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ và các viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Kể từ đó Cộng Sản gia tăng canh gác và giới hạn mọi sinh hoạt của BS Quế.

- Bác Sĩ Quế đã được Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế công nhận là “tù nhân vì lương tâm” và được mời là hội viên danh dự suốt đời cuả tổ chức này. Vì suốt đời tranh đấu liên tục, bất chấp hiểm nguy để vận động tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam, ông được gọi là “Sĩ Phu”, một danh hiệu đặc biệt dành cho những người trí thức đã cống hiến đời mình cho dân tộc và tổ quốc. Thượng Nghị Sĩ J. Robert Kerry coi ông là một Vaclav Havel của Việt Nam; Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công và Lao Động Hoa Kỳ (AFL-CIO) Lane Kirkland so sánh ông với Andrei Sakharov, Lech Walesa và Nelson Mandela; Bác Học Torsten Wiesel, khôi nguyên giải Nobel về Y Khoa, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền của các Hàn Lâm Viện Quốc Gia Hoa Kỳ cũng coi ông là một Sakharov của Việt Nam.

- Để bầy tỏ sự ủng hộ đối với công cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, và để bầy tỏ sự ngưỡng mộ trước công cuộc tranh đấu kiên trì đầy gian khổ của BS Quế, ngày 5-5-1994, Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua với đại đa số tuyệt đối Nghị Quyết Chung SJ 168, sau đó Tổng Thống Bill Clinton đã ký thành Đạo Luật (Public Law) 103-258 ngàỵ 25-5-1994 chọn ngày 11-5, ngày BS Quế đưa ra lời kêu gọi tranh đấu bất bạo động đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam, là Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam (Việt Nam Human Rights Day). Kể từ năm 1994, hàng năm lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam được tổ chức trọng thể tại trụ sở Thượng Viện Hoa Kỳ. 

- Bác Sĩ Quế đã được các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Mỹ thuộc lưỡng đảng đề cử nhiều lần là ứng viên cho giải Nobel về Hòa Bình, lần mới nhất là 2005. Bác Sĩ Quế đã được trao tặng giải Nhân Quyền Raoul Wallenberg 1994, giải Nhân Quyền Robert Kennedy 1995, giải Hellman /Hammett của Human Rights Watch 2002, giải Nhân Quyền dành cho các Khoa Học Gia Heinz R. Pagels của Hàn Lâm Viện Khoa Học New York 2004, giải Nhân Quyền 2004 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và Award For Distinction in Civil Courage 2004 của North Parkinson Foundation.


Trả lời cuộc phỏng vấn mới đây của đài RFA, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam trong hơn 30 năm nay, đã đánh giá chuyến viếng thăm Mỹ của chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết là một thất bại nặng nề cho Bộ chính trị đảng CSVN. Theo bác sĩ Quế, trong chuyến đi này chính quyền Hà Nội hy vọng ký được nhiều tỷ đô la đầu tư và buôn bán, trong khi vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền và dân chủ. Nhưng, vì phản ứng quá mạnh của cộng đồng người Việt ở Mỹ và lập trường không cương nhượng của chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ đã làm tiêu tan hy vọng lợi dụng tiền tư bản để củng cố độc tài đảng trị.

Bác sĩ Quế cũng cho biết, những người đang tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ trong nước rất vui mừng và phấn khởi khi thấy đồng bào hải ngoại đã nhanh chóng đoàn kết lại vận động dư luận quốc tế phản bác, đánh bại mọi luận điệu chủ quan và những tuyên truyền dối trá của phái đoàn ông Triết trong chuyến viếng thăm vừa qua. Đề cập đến việc ông Nguyễn Minh Triết trong chuyến đi Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi người Việt ở hải ngoại hãy xóa bỏ hận thù để cùng nhau bắt tay xây dựng đất nước, bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói rằng: Đảng CSVN không còn tư cách gì, mà cũng không có tư thế gì kêu gọi đoàn kết sau khi đã gieo rắt không biết bao nhiêu khổ đau cho dân tộc, từ cải cách ruộng đất đến Tết Mậu Thân rồi đến hàng triệu người Việt phải bỏ nước đi v.v...

Trước khi kêu gọi Việt kiều xóa bỏ hận thù thì ông Triết và chính quyền của ông hãy sám hối, xin lỗi dân tộc Việt Nam và có thái độ tử tế, khoan hòa với người dân trong nước đã. Chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến, thả tức khắc và vô điều kiện tất cả tù chính trị, tôn giáo và sắc tộc. Bác sĩ Quế nói thêm: "Theo thiển ý chúng tôi, lời kêu gọi xóa bỏ hận thù của ông Triết không những đã thất bại nặng nề mà còn khơi dậy nỗi buồn khôn nguôi trong lòng hàng triệu gia đình người Việt khắp nơi trên thế giới. Người dân trong nước và người Việt ngoài nước mong rằng những gì tai nghe mắt thấy trong suốt chuyến đi để giúp cho ông Triết và Bộ chính trị đảng CSVN nhận ra sự thật và lẽ phải, từ đó có nhận thức đúng đắn và hành động thức thời hơn."
Cách mạng hoa lài đang kéo sập một loạt các chế độ độc tài Trung Ðông, Bắc Phi, đồng thời khiến Trung Quốc cũng phải điều động lực lượng an ninh khổng lồ để phòng ngừa một cuộc biểu tình xảy ra tại nước họ.

Nhưng còn Việt Nam thì sao?
Một cuộc cách mạng hoa lài có thể sẽ hoặc không sẽ xảy ra tại Việt Nam, nhưng ngay bây giờ cả chính quyền cộng sản lẫn người dân - nhất là dân trên cộng đồng mạng - rất xôn xao với đề tài này. Chính quyền lên tiếng dằn mặt - trực tiếp và gián tiếp những ai chuẩn bị biểu tình. Và ngược lại, người dân Việt trên cộng đồng mạng đưa hàng loạt thông tin, không kiếm được trên truyền thông lề phải, về các cuộc cách mạng tại Bắc Phi và họ còn gởi đi một lời kêu gọi cùng tụ tập tại trung tâm một loạt thành phố lớn trong nước.
Chính quyền quan tâm là vì chính quyền phải lo bám cái ghế. Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc rục rịch, nhà LS Lê Trần Luật bị đột nhập bởi một nhóm người hung hăng theo kiểu được miêu tả là “côn đồ,” máy tính của luật sư bị tịch thu. Một số blogger bị mời lên làm việc.
Blogger Mẹ Nấm, một khôi nguyên giải nhân quyền Hellman/Hammett, cũng bị mời lên. Sau đó cô viết trên Facebook ngày 23 tháng 2: “Lo rằng hoa lài, hoa sen, hoa súng hay hoa gì gì đó nở là việc của các anh. Còn em đi đâu là việc của em, đừng để em nghĩ là việc đi lại của em có ảnh hưởng đến an ninh ‘theo ý các anh’ em thấy em có lỗi lắm ạ!”
Cũng ngày 23 tháng 2, Bộ Công An Việt Nam sắp xếp một cuộc “diễn tập” với 500 công an, với chủ đề được báo Công An Nhân Dân ghi lại là “xử lý tình huống 'Biểu tình, phá rối an ninh trật tự tại cổng trụ sở UBND tỉnh'.” Cuộc diễn tập có sự thị sát của cả Trung Tướng Trần Ðại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, thứ trưởng Bộ Công An. Thông điệp duy nhất gởi ra từ bản tin báo Công An Nhân Dân, là:
* Chưa gì hết, đoàn biểu tình (giả) chưa làm gì, chưa đụng gì đến ai, thì phó bí thư trường trực Tỉnh Ủy đã yêu cầu “khẩn trương triển khai các biện pháp cứng rắn,” và chủ tịch tỉnh thì tiếp thu ý kiến chỉ đạo của tỉnh ủy và “cho phép Công An tỉnh được sử dụng biện pháp mạnh để trấn áp, giải tán đám đông quá khích.”
* Khi đoàn biểu tình (giả) dùng tới gậy gộc và biểu ngữ thì công an tăng cường quân số gấp đôi đoàn biểu tình, thêm đàn chó, rồi dùng xe vòi rồng phun nước xịt đám đông.

Người biểu tình cầm hình bông hoa lài trước văn phòng đại diện chính quyền Trung Quốc trung ương, ở Hong Kong. Chính quyền Việt Nam đang lo ngại vụ này, trong khi cộng đồng mạng thì xôn xao. (Hình: AP Photo/Vincent Yu)
Trên trang Facebook của nhà báo Trần Ðông Ðức, một người tên Phúc Trần nhận xét, “Họ lo sợ hương thơm hoa Lài lan tỏa sang VN nên tập dượt trước và để khủng bố tinh thần người dân thôi.”
Những lời bàn tán qua lại trên Facebook không qua được con mắt của giai cấp thống trị. Tờ tạp chí Cộng Sản (“cơ quan lý luận và chính trị của Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam”) ngày 25 tháng 2 tung bản tin với tựa lớn: “Facebook - Công cụ bí mật của Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ.”
(Một du học sinh tại Mỹ thốt lên, trên Facebook: “Thôi chết tôi rồi! Tôi đã tiếp tay cho CIA.”)
Bài báo này cảnh báo rằng chính quyền của Tổng Thống Mubarak bị sụp đổ vì người biểu tình dùng Twitter, Facebook và khi Facebook bị chặn thì họ “chuyển sang sử dụng máy điện thoại di động và các mạng thông tin khác.”
Ðối với cộng đồng mạng Việt Nam, một trong những “mạng thông tin” này là trang web DCVOnline.net. Hôm 25 tháng 2, trang web này đăng tải một lời “Kêu gọi mít tinh cải cách xã hội Việt Nam (Cách Mạng Hoa Nhài).”
Ðược cho biết là do một “nhóm bạn trẻ trong và ngoài nước” gởi tới, bức thư kêu gọi tất cả các tầng lớp dân chúng trong nước không phân biệt ngành nghề, tuổi tác, vị trí xã hội cùng “tụ tập phát biểu và hô vang khẩu hiệu cho đến khi có kết quả” vào 2 giờ chiều Chủ Nhật hàng tuần tại các trung tâm các thành phố như Sài Gòn, Nha Trang, Huế, Hải Phòng, Hà Nội...
DCVOnline phỏng vấn một tác giả bức thư này, được cho biết là hiện đang sống tại Sài Gòn, lên tiếng: “Việt Nam có quá nhiều vấn nạn về môi trường, kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng... nói chung là trên tất cả mọi mặt của cuộc sống, thế thì tại sao chúng ta lại không có một cuộc ‘cách mạng hoa lài’ như các bạn Tunisia, Ai Cập?”
Các khẩu hiệu được đưa ra từ những vấn nạn cụ thể như đòi cơm ăn, chỗ ở, việc làm đến việc đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận, sửa đổi Hiến Pháp.
Bài này được đăng trên DCVOnline chưa bao lâu thì được đăng lại trên Facebook của nhiều người, thì trên Facebook của Joyce Anne Nguyễn (tác giả “Bài viết không có tựa” được Bùi Tín cho là làm “15 bác đỉnh cao líu lưỡi trước em gái 16 tuổi”), một người tên Peter Ng phê hai câu thơ:
“Uống vô một ngụm Trà Lài
Tâm hồn sảng khoái bằng hai... Trà Tầu”


Dưới đây là nguyên văn tờ kêu gọi xuống đường:
Bạn đã từng bức xúc về cảnh kẹt xe hàng giờ trên đường. Bạn không tin tưởng về vấn đề vệ sinh cho thức ăn nước uống hàng ngày. Bạn bị nghẹt thở bởi bầu không khí ô nhiễm trong thành phố. Bạn thất vọng vì môi trường trước mắt bị tàn phá.
Bạn là người công nhân làm nghề xây dựng, là người nông dân. Bạn là học sinh, là sinh viên, là giáo viên, là công chức, là cán bộ về hưu, là đảng viên. Bạn là người buôn bán bên đường luôn có sự lo toan. Bạn là chủ doanh nghiệp nghĩ đến sự sống còn của công ty.
Bạn đã từng bất mãn vì không được đền bù thỏa đáng trong các chính sách giải phóng mặt bằng của nhà nước. Bạn đã từng khiếu kiện về đất đai nhưng không được lắng nghe. Quanh khu vực nhà bạn ở bị làm ồn bởi những âm thanh ngoài ý muốn và nay bạn không còn muốn nghe những thứ âm thanh đó nữa.
Bạn cũng đã từng quan tâm đến những vấn đề to lớn hơn của đất nước như Vinashin hoặc Bauxít ở Tây Nguyên. Bạn từng tức giận vì đồng tiền trong tay bị mất giá quá nhanh. Những người tham nhũng thì biết tích trữ đô la và vàng để không luôn luôn nắm được những tài sản giàu có.
Bạn thường ước mơ muốn có một hệ thống pháp lý rõ ràng để mọi người trong xã hội đều có điểm xuất phát công bằng. Bạn không muốn con cái của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thay cha vào Bộ Chính Trị và sẽ làm lãnh tụ Việt Nam đến các đời con cháu của bạn sau này.
Bạn là người có niềm tin vào Ðức Phật, Ðức Chúa Trời, thờ cúng Tổ Tiên. Thậm chí bạn không có niềm tin vào một tôn giáo nào rõ ràng. Nhưng bạn và tôi chắc đều có chung một niềm tin vào công lý và có niềm hy vọng vào đất nước sẽ có một ngày mai tươi sáng cho đất nước Việt Nam của chúng ta.
Chúng ta hãy hẹn nhau đến những trung tâm thành phố tham dự cuộc mít tinh nhằm kêu gọi sự cải thiện xã hội một cách toàn diện. Chúng ta yêu cầu những người lãnh đạo hãy dũng cảm đối diện với những vấn đề mà họ chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Nếu có ai cho rằng những động lực cải thiện xã hội của chúng ta là sai trái mà có những hành vi phá rối gây sự thì chúng ta chọn con đường ứng xử lịch sự nhã nhặn. Chúng ta kêu gọi lương tâm và đạo đức của con người. Chúng ta có động lực chân chính và nhu cầu cấp thiết để đòi hỏi quyền tự do cơ bản của công dân bằng cuộc mít tinh kêu gọi cải cách xã hội.
Vào mỗi Chủ Nhật vào lúc 2 giờ chiều, mọi người sẽ tụ tập phát biểu và hô vang khẩu hiệu cho đến khi có kết quả.

Các khẩu hiệu sẽ thống nhất như sau:
“Chúng tôi muốn công ăn, chỗ ở, việc làm
Chúng tôi cần môi trường trong sạch
Chúng tôi cần an toàn giao thông
Yêu cầu luật pháp công minh
Yêu cầu thả các tù nhân chính trị
Yêu cầu sửa đổi hiến pháp
Yêu cầu chấm dứt chế độ đảng trị
Tự do báo chí
Tự Do Dân Chủ Muôn Năm
Thời Gian: 14:00 giờ chiều Chủ Nhật, bắt đầu từ ngày 27 tháng 2, 2011
Ðịa điểm:
Hà Nội: Khu vực cột cờ ở quảng trường Ba Ðình.
TP.HCM - Sài Gòn: Khu vực nhà thờ Ðức Bà, cửa trước trung tâm Diamond Plaza.
Huế: Khu vực Phú Văn Lâu.
Ðà Nẵng: Cửa trước chợ Ðống Ða.
Hải Phòng: Quảng trường trung tâm thành phố, khu tượng đài Lê Chân.
Nha Trang: Trung Tâm Văn Hóa, đường Trần Phú.
Các thành phố không nằm trong danh sách, các bạn có thể đến công viên hay quảng trường trung tâm thành phố để tụ tập.
Xin hãy phổ biến lời kêu gọi này bằng mọi phương tiện truyền thông, tờ rơi, email, blog, facebook, twitter...
http://vanghe.blogspot.fr/2011/09/bac-si-nguyen-que.html 

No comments:

Post a Comment