Sunday, 1 July 2012

Biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn


Như đã đưa tin, một lời kêu gọi khởi phát từ trang Nhật ký Yêu nước sau đó được nhiều trang mạng, blog lề trái và Facebook loan tải về việc xuống đường chống Trung Quốc ngày 1/7/2012.
Ghi nhận từ trong nước, sáng hôm nay, hàng trăm người ở Sài Gòn và khoảng 1000 người ở Hà Nội đem theo nhiều băng rôn, biểu ngữ rầm rộ xuống đường. Tinh thần của cuộc biểu tình là để “ủng hộ Luật Biển Ðảo Việt Nam” và “phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa”.
Theo những tin tức thời sự mới nhất, Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong việc độc chiếm biển Đông qua việc gọi thầu quốc tế với 9 lô khai thác dầu khí trên vùng biển xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa.
Thành phần đa dạng
Một tham dự viên tại Sài Gòn cho biết, khoảng 300 tới 500 người, đa phần là các bạn trẻ nhưng cũng có nhiều khuôn mặt quen thuộc của giới trí thức nhân sĩ. Trong đó, học sinh sinh viên có, doanh nhân trí thức có và cả các cụ, các bác hưu trí…
Qua những hình ảnh được các trang mạng xã hội và Facebook loan tải, có thể thấy luật sư Lê Hiếu Đằng, giáo sư Tương Lai, nhà thơ Đỗ Trung Quân,  Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Thị Từ Huy, Trần Quốc Thái.v.v.
Đặc biệt, người luôn có mặt trong top đầu đoàn biểu tình là ông Andre Menras Hồ Cương Quyết với một biểu ngữ tự tạo hết sức ấn tượng. Ông Andre là người Pháp có quốc tịch Việt Nam. Trong những năm gần đây ông đã có nhiều bài viết về chủ quyền biển đảo, đã sát cánh cùng ngư dân Lý Sơn và cho ra bộ phim về cuộc sống của như dân nơi đây.
Đáp lại sự vặn vẹo của công an Việt Nam về tấm biểu ngữ trên tay, ông Andre nói: “Anh tưởng tôi là thế lực thù địch nước ngoài à ? Tôi là công dân Việt Nam mà”.
Đoàn biểu tình tiến tới Lãnh sự quán Trung Quốc nhưng bị chặn cách đó vài trăm mét. Họ tiếp tục tiến về phía dinh Thống Nhất rồi giải tán trong trật tự.
Theo tường thuật trực tiếp của ông Nguyễn Ngọc Già thì 70% là nam nữ thanh niên dưới 40 tuổi. Lực lượng biểu tình nghiêng về Nam – 75%, Nữ 25%. Theo đánh giá của ông: “Đây là tín hiệu cho thấy giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm và ưu tư với hiện tình đất nước. So với cuộc biểu tình năm ngoái, lớp tuổi dưới 40 chỉ chiếm khoảng 40%. Đó là tín hiệu đầy lạc quan và hy vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam.
Hà Nội, theo các đánh giá khác nhau, khoảng trên dưới 1000 người có mặt, bất chấp thời tiết xấu, cơn mưa tầm tã từ nửa đêm và nhiều tuyến phố chìm trong nước. Dòng người mang theo ô, áo mưa đã kiên quyết không từ bỏ kế hoạch biểu tình đã định trước.
Trong số người tham dự, thấp thoáng những gương mặt quen thuộc như cụ bà Lê Hiền Ðức, người chơi vĩ cầm Tạ Trí Hải.  Ông Hải từng kéo đàn violin trong cuộc biểu tình năm ngoái, lần này ông ôm theo đàn gói trong bao ny lông vì trời mưa. Bà Hiền Đức, người chống tham nhũng nổi tiếng xuất hiện trên chiếc xe lăn. Trong lần theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tới sở Truyền thông- Thông tin, bà đã bị nhốt, sau đó bị mảnh kính vỡ đâm vào chân, phải khâu 6 mũi.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cùng một số trí thức khác cùng có mặt.
Đoàn biểu tình đã đi vòng quanh bờ hồ, tượng đài Lý Thái Tổ, Tràng Thi, Điện Biên (khu vực gần Đại sứ quán Mỹ) và sau đó giải tán tại Bờ hồ Hoàn Kiếm.
Bắt bớ, ngăn chặn
Những thành phần bị cho là nhạy cảm đã bị công an chốt chặn từ trước, giữ tại nhà không cho đi hoặc ép đi uống cafe.
Trong số những người bị canh giữ tại gia có hòa thượng Thích Quảng Độ. Hàng chục công an, mật vụ vây giáp chùa Giác Hoa, Sài Gòn để hòa thượng không thể gia nhập đoàn biểu tình. Vài ngày trước đó, hòa thượng đã có lời kêu gọi người dân xuống được chống Trung Quốc.
Nhiều blogger tên tuổi như Trăng Đêm, Uyên Vũ cũng bị giám sát tại gia chặt chẽ. Bùi Hằng bị chặn tại ga Sài Gòn và áp tải trở lại địa phương, nới bà cư trú. Nguyễn Chí Đức- người từng bị công an đạp mặt hồi năm ngoái- và cô Trịnh Kim Tiến cũng ở trong tình trạng tương tự.
Sau khi bị nhốt tại nhà, cô Tiến đã giăng biểu ngữ biểu tình tại gia. Trên Facebook cá nhân, Kim Tiến chia sẻ: “Vừa đặt chân xuống taxi, trước cổng nhà thờ Đức Bà, 2 người lạ mặt tự xưng là an ninh mặc thường phục tiến đến, tóm tay tôi yêu cầu tôi về đồn làm việc. Tôi phản đối yêu cầu trên và yêu cầu họ xuất trình giấy tờ vì không có lý do gì để họ có quyền giữ tôi cả. Nhưng họ đã không chịu đưa giấy tờ ra và cứ nằng nặc ép tôi, kéo tôi, bắt tôi phải về đồn. Tôi phản đối kịch liệt vì hành vi của họ, sau đó họ gọi rất nhiều công an, an ninh khác kéo đến, cả thường phục lẫn mặc sắc phục, nói rằng nghi ngờ tôi tàng trữ hàng cấm.”
Đặc biệt, có một gia đình mà hầu hết các thành viên đều bị bắt giữ. Trong bức thư vội vã gửi tới Ban biên tập, ông Huỳnh Ngọc Tuấn khẩn thiết kêu cứu về trường hợp của các con gái, con trai của mình.
Ông Tuấn cho biết, cả 3 con, Thục Vy, Khánh Vy và chồng, Trọng Hiếu và bạn gái đều đã bị công an bắt đi và đưa mỗi người một nơi. Ông đã cố liên lạc nhưng chỉ có thể nói chuyện được vài câu với Hiếu. Hiếu cho biết đang bị giam giữ tại đồn công an, nhưng không rõ đồn nào.
Tin cuối cùng cho biết, Khánh Vy và Đức đã được thả. Trước ngày biểu tình Thục Vy đã nhận được giấy mời với mục đích ngăn chặn sự có mặt của cô tại nơi biểu tình. Tuy vậy, Vy đã không đến theo lời mời mà quyết định tới nhập đoàn biểu tình.
Một số hình ảnh:
Hà Nội



Bà Hiền Đức ngồi xe đẩy

Blogger Phương Bích

Mưa gió không ngăn được lòng yêu nước

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Sài Gòn


"Tôi là người Việt Nam mà"

Cảnh bắt bớ tại Sài Gòn


Luật sư Lê Hiếu Đằng đi đầu.
Ảnh Facebook. Đàn Chim Việt tổng hợp.
http://www.danchimviet.info/archives/60837 



***
Tường trình từ trong nước: Diễn biến xuống đường ngày 1-7 : nhà báo Ng Khăc Toàn - Hanoi
http://www.baocalitoday.com/index.php?option=com_content&view=article&id=6900:tng-trinh-t-trong-nc-din-bin-xung-ng-ngay-1-7&catid=2:vit-nam&Itemid=50
***
 

No comments:

Post a Comment