Logic là một từ chỉ sự suy luận có lý dựa trên những định luật khoa học, những điều con người hiểu biết. Ví dụ một hạt giống tốt được gieo vào đất, được chăm sóc đầy đủ điều kiện sống: nước, nhiệt độ, độ ẩm,…thì chúng sẽ phải nảy mầm, phát triển, lớn lên thành cây đại thụ, một hạt sạn sẽ không có điều như vậy.
Triết học là môn khoa học của những vấn đề lớn; về triết lý nhận thức thế giới của con người mang tầm vĩ mô. Đây là một môn khoa học lâu đời của nhân loại, khởi nguồn từ thời cổ đại với những triết gia có bộ óc xuất chúng thích luận bàn nhân tình thế thái. Tuy nhiên vì thời đó sự hiểu biết khoa học của con người chưa phát triển nên nhiều điều các vị đó luận mang tính chủ quan, duy ý chí và sai lầm. Điển hình cho điều này là những minh triết về Chúa trời, vũ trụ, con người,…thời trung cổ. Thời đó nhiều triết gia cho rằng trái đất là trung tâm vũ trụ, từ đó các vị luận ra tùm lum điều ăn theo và phần nhiều trong đó là sai. Đó là triết học duy tâm và không theo nguyên tắc suy luận khoa học.
Khoa học thực nghiệm của Galileo đã cung cấp một công cụ rất tốt cho triết học; đó là bám vào thực tế, luận từ logic. K.Marx và F.Engels đã sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật. Tức là nói năng phải có chứng cớ từ thực tế, lập luận có lý.
Từ một thực thời đại ông sống là sự bùng nổ của chủ nghĩa tư bản, tức là nền sản xuất công nghiệp; từ một xã hội khép kín, nghèo đói phong kiến, dưới sự tháo cũi của chủ nghĩa tư bản con người lao vào sản xuất, kinh doanh để có của cải, có tiền, để giàu có. Lòng tham con người đã sổ lồng mà chưa có khuôn khổ cho nó đi. Điều đó thật kinh khủng. Xã hội có nhiều thảm cảnh đau lòng. Suy cho cùng bao tai họa cho loài người mà do con người gây ra cũng là do lòng tham: cướp của, giết người, hãm hiếp, chiến tranh, diệt chủng,….
Từ trăn trở cho một điều là làm sao xây dựng được xã hội tốt đẹp cho mọi người, Marx đã nhọc công nghiên cứu tàn thư lịch sử ở thư viện Anh quốc suốt mấy chục năm. Cuối cùng ông đã phát hiện ra một chứng cớ: lịch sử xã hội loài phát triển là do đấu tranh giai cấp, phần lớn xã hội (tầng lớp lao động) khốn khổ là do bóc lột. Chứng cớ ông đưa ra vô cùng thuyết phục trong cuốn Tư bản luận.
Con người là động vật có trí tuệ và lý trí nên sẽ bị thuyết phục nếu điều gì đó là hợp lý, là logic (tôn giáo là một sự hợp lý, logic của hệ thống thánh thần, chúa trời dùng để biện giải cho những hiện tượng trong cuộc sống). Mark đã biện giải sự phát triển và tai họa do chủ nghĩa tư bản mang lại là từ chủ nghĩa cá nhân, lòng tham và động cơ lợi nhuận. Tư bản là nhơ nhớp, là xấu xa, tư bản làm mọi chuyện mất đạo đức chỉ để có “tiền, tiền và tiền”. Lòng tham đưa ông chủ lập nhà máy, mướn công nhân, trả lương thấp nhất có thể, bán hàng cao nhất có thể để có nhiều tiền nhất, lợi nhuận cao nhất (lý luận thặng dư, bóc lột), lòng tham đưa ông chủ cạnh tranh nhau, thâu tóm nhau kiểu cá lớn nuốt cá bé, cuối cùng là cá mập ra đời. Cá mập là giai đoạn Marx gọi là tư bản độc quyền. Cá mập theo nguyên lý lòng tham sẽ không muốn làm nữa mà dùng quyền lực của mình để lũng đoạn, rồi lũng đoạn vẫn chưa đủ vì lòng tham vô đáy nên các cá mập sẽ đánh nhau. Giai đoạn cá mập đánh nhau Marx gọi là chiến tranh đế quốc. Rủi thay cho loài người lại xuất hiện tên độc tài Hitle, tên bạo chúa Staline cộng với sự ươn hèn của các lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ lúc đó để chiều theo suy luận của Marx: chiến tranh thế giới 2. Thiệt là hoàn hảo từ lý luận đến thực tiễn, làm sao nhân loại không bái phục Marx được.
Theo logic thì tên cướp khi ra khỏi nhà với dao trong tay sẽ đi giết người để có tiền nhưng có một điều ít người biết là hắn ta có thể cân nhắc lại mà đổi ý trên đường đi; nghĩa là thay vì giết người, hắn có thể vứt dao và đi làm mướn nếu hắn nhận ra điều đó có lợi hơn so với việc giết người. Đó là hai mặt của một vấn đề mà ta ít chú ý khi suy luận.
Chủ nghĩa cá nhân, động cơ lợi nhuận, lòng tham là bản chất của chủ nghĩa tư bản, điều này thì không cần phải bàn nữa. Điều Marx không ngờ là con người ngoài tham lam thì nó là một động vật có lý trí. Từ lý trí nó sẽ biết hành động làm sao có lợi nhất cho mình. Thí dụ nếu giết người cướp của mà án phạt 3 năm ngồi tù thì có thể nó sẽ giết người để có tiền nhưng nếu án phát là tử hình thì nó sẽ không làm. Lòng tham đưa ông chủ đến sự khốn nạn như Marx suy luận nhưng thực tế lại khác vì các ông chủ còn bị chi phối nhiều lực từ nhiều hướng và từ sự tính toán làm sao có lợi nhất cho mình về lâu dài. Đó là khi ông chủ mở rộng kinh doanh, khi nhiều ông chủ xuất hiện thì nhân công khan khiếm nên buộc phải tăng lương mới có người làm, khi nhiều ông chủ xuất hiện thì có muốn bán hàng giá cắt cổ cũng không được mà phải giảm giá. Tức là ông chủ có quyền lực đến mấy, có tham lam đến mấy cũng không thoát khỏi vòng kim cô của qui luật thị trường tự do cương tỏa. Rồi các ông chủ nhận ra cuộc chiến tiêu diệt lẫn nhau sẽ không có lợi nên sẽ tính hướng khác; đó là qui định về thương hiệu, sở hữu trí tuệ và qui định chống độc quyền (luật chống độc quyền của Mỹ có từ đầu thế kỷ 20-năm 1911, trước khi Lenin hô hào cách mạng vô sản-điều này một lần nữa lột cái mặt nạ gian hùng, giả dối của những con quỷ Satan hô hào nhuộm đỏ quả địa cầu),….Khi đó để có tiền thỏa mãn lòng tham thì chỉ còn cách duy nhất là phải làm tốt, phải sáng tạo, phải nhã nhặn, lịch thiệp, phải đối xử tốt với nhân viên, phải cho công nhân cùng sở hữu nhà máy với mình (cổ phần), phải bảo vệ môi trường, phải chiều khách hàng, phải có đạo đức, phải giữ uy tín,…..nói tóm lại là muốn tham lam bao nhiêu cũng được, nhưng phải làm như vậy mới có tiền, mới thỏa mãn được lòng tham. Lòng tham mà như vậy thì có gì phải lên án, phải đòi tiêu diệt, phải chửi rủa? Càng tham thì xã hội càng nhờ, cuộc sống càng tốt tươi, văn minh. Rồi thiết chế chính trị dân chủ do các ông chủ đặt ra phải chấp nhận lực lượng công nhân vào chơi khi họ có sức mạnh đủ tầm, bất cứ ai có đủ tầm đều tham gia cuộc chơi này: phụ nữ, người da đen, thậm chí là thổ dân,….Rồi báo chí tự do ngôn luận tha hồ phê phán, bơi móc cái xấu xa, cái độc ác để nhân dân biết mà tẩy chay.
Cái tuyệt vời của chủ nghĩa tư bản là ở chỗ đó, nó đã rẽ nhánh để thỏa mãn lòng tham theo hướng khác, hướng mà Marx sẽ hoàn toàn bất ngờ. Nếu lấy hình ảnh lòng tham như dòng sông thì nó luôn biết cân nhắc nơi cao thấp để chảy về chỗ trũng hơn. Đó là lý do vì sao CNTB bị Marx đóng đinh là xấu xa, giãy chết, bị Lenin kêu gọi đào mồ chôn,…nhưng nó vẫn cứ sống phây phây và ngày càng thịnh vượng. Nó là dòng sông chân lý, là bản ngã con người nên dù có nhiều quanh co, thác ghềnh nó vẫn cuộn chảy ra đại dương như là một sự tất yếu.
Con đường Marx luận rất logic nhưng logic của cái sai. Logic của Marx dẫn đến sự giết nhau tàn khốc vì đấu tranh giai cấp, dẫn đến độc đoán chính trị vì chuyên chính vô sản, dẫn đến kiệt quệ đói nghèo vì kiểu kinh tế tập thể cha chung không ai khóc với hệ quả tham nhũng khủng khiếp. Nhìn khắp năm châu từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam,…một kết quả như nhau dù chủng tộc, văn hóa, trình độ dân trí khác nhau.
Hãy tưởng tượng xem, nếu toàn nhân loại theo con đường đó thì hôm nay thế giới sẽ như thế nào? Kinh đô ánh sáng Paris sẽ tối tăm như Bắc Hàn, người NewYork sẽ bơi xuồng trên phố khi có mưa như người Hà Nội.
Con đường của Marx là con đường bi đát, quả không sai! Bất hạnh cho dân tộc ta là chọn con đường đó để đi và bất hạnh hơn nữa khi “hoàng đế” của dân Việt lại nói đó là khát vọng của dân tộc và kiên trì lập trường đi tiếp. Kinh hãi!
© Nguyễn Văn Thạnh
http://www.danchimviet.info/archives/61721
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
- Lữ Phương bảo vệ Marx, chống độc tài toàn trị
- Cần trở về với Marx-Engels để thoát khỏi cái tròng Mác-Lênin
- Marx-Lenin, chủ trương diệt chủng
- Chủ nghĩa Marx – Lenin
- Ngày mở đầu Đại hội XI: lội ngược dòng thác
- Nền “chính trị ngoại tình” [2]
Ông Nguyễn Văn Thạnh là một kỹ sư như có lần ông tự giới thiệu. Điều ghi nhận là ông kỹ sư Thạnh rất có nhiệt tình về các vấn đề xã hội thời sự và những bài viết của ông có những ý nghĩa, những giá trị, và những đóng góp nhất định. Kỹ sư là chuyên viên thuộc lãnh vực về cấu trúc cơ chế vật chất, cơ giới, thiết kế. Thế nhưng ông Thạnh lại có nghiên cứu, học hỏi thêm và tỏ ra si mê, có ý thức về các vấn đề ngoại vi của ông như các vấn đề về khoa học xã hội là điều rất nên khuyến khích và trân trọng. Thế nhưng trong bài viết “Con đường của Marx” trên đây, ông kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh lại hơi bạo gan, bạo phổi khi nói những gì mình chưa hoàn toàn nắm chắc, tưởng cũng là điều cần được nên góp ý.
Ông Thạnh viết : “K.Marx và F.Engels đã sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật. Tức là nói năng phải có chứng cớ từ thực tế, lập luận có lý”. Viết như vậy là ông Thạnh hơi bé cái lầm. Bởi ông chỉ mới nhận thức được sự việc trên lô-gích hình thức của ngôn ngữ, chưa phải trên lô-gích nội dung của lôgích thực tại, lôgích sự việc. Vì nếu chỉ nội dung như thế cũng chẳng có gì đáng nói. Đằng này cái sai chính là ở chỗ chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng. Có nghĩa cái gọi là phép biện chứng của Mác thực chất chỉ là sự phiên dịch cẩu thả hay ẩu tả từ cái gọi là biện chứng luận (Dialektik) của Hegel. Mác hoàn toàn không phê phán hay nhận xét gì về cái gọi là nguyên lý hay quy luật biện chứng của Hegel cả. Điều này có thể do Mác bất chấp, phớt lờ, hay vượt quá năng lực phê phán của Mác. Thế nhưng bản chất quy luật biện chứng của Hegel là bản chất duy tâm. Mác lại phiên dịch bản chất duy tâm đó sang thành bản chất duy vật của lý thuyết Mác là một điều mang tính giả tạo, nghịch lý, trái khoáy, sai trái, nếu không muốn nói là quỷ biện, bất chính hay xảo thuật. Đó là chuyện râu ông nọ cằm bà kia. Râu mang nguồn gốc kích thích tố nam, chuyển qua nữ là một điều hoàn toàn phi lý. Tức là bảo vật chất (Materie, matière, matter) là yếu tố vô cơ hoàn toàn, trần trụi hoàn toàn, trì lực hoàn toàn, lại có quy luật “biện chứng” nội tại, quả là điên loạn nếu không cũng là sự nhận thức phi lô-gích, non trẻ, không bình thường, hoặc hoàn toàn yếu kém trong suy lý và lập luận.
Cũng từ đó cái được gọi là “biện chứng duy vật” tức duy vật biện chứng của Mác cũng phải có vấn đề. Bởi tiền đề sai lầm, kết luận không thể bao giờ có giá trị hay đúng đắn được. Từ đó cũng kéo theo ý niệm “duy vật lịch sử” cũng cùng chung số phận. Có nghĩa chỉ là sự huyền hoặc, phóng đại, dự báo ẩu tả, sự phịa đặt chủ quan, không đủ cơ sở, dữ kiện, lập luận khách quan phải có. Đó chính là ý nghĩa của quan niệm về năm hình thái xã hội, là xã hội cộng sản nguyên thủy, xã hội nô lệ, xã hội quân chủ phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa, xã hội cộng sản khoa học, mà Mác đã suy diễn ra. Cách suy diễn này rõ ràng là để phù hợp với cái lô-gích hình thức, tư biện mà Mác mà Mác cố ép vào cho hợp với cái khuôn biện chứng đã làm nền tảng ban đầu, không phải là sự quy nạp mang tính khách quan khoa học nào cả. Cũng may mà ông kỹ sư còn chưa kịp nói đến duy vật lịch sử, chỉ mới nói đến duy vật biện chứng của Mác.
Một điều cũng nên nói thêm. Cái gọi là xã hội cộng sản nguyên thủy do Mác đưa ra chỉ là một phiên diễn lệch lạc. Bởi chỉ có thực tế xã hội loài người nguyên thủy, không có cái gọi là cộng sản nguyên thủy được lén đưa vào đây một cách giả tạo, sai sự thật. Điều đó cũng chằng khác gì ý niệm kinh tế thị trường hiện nay lại được móc thêm vào cái đuôi “định hướng XHCN”. Đó là hai khái niệm hoàn toàn ngược nhau như nước với lửa, làm sao mà móc ngoéo vào nhau một cách giả tạo như thế được. Đã là kinh tế thị trường thì không thể “XHCN” theo kiểu Mác quan niệm, đó là điều hoàn toàn chắc chắn như đinh đóng cột. Cho nên xã hội loài người nguyên thủy hoàn toàn chưa có ý niệm về tài sản, vậy mà Mác dám gắn ý niệm cộng sản vào cho xã hội nguyên thủy này, quả là một kiểu thiết lập một tiền đề tự chế, hoàn toàn chủ quan, nhằm để phù hợp với tiền đề trong cái gọi là phép biện chứng của Hegel. Tức tiền đề, phản đề, hợp đề. Chung quy chẳng qua Mác muốn lập luận, đã có cộng sản nguyên thủy, tất phải có xã hội cộng sản khoa học.
Đấy cái mơ hồ, huyền hoặc, hoang đường và hoang tưởng của Mác chính là như thế. Trong cuốn “Cương lĩnh Gotha” Mác mô tả xã hội cộng sản khoa học là xã hội không dùng tiền tệ, không có nhà nước, không có pháp luật kiểu tư sản, không có phân công xã hội kiểu tự phát, không còn hoạt động thương mại, không còn giai cấp, tất cả đều theo mô hình sản xuất tự nguyện, tự giác, công nhân có thể buổi sáng đi câu cá, buổi chiều vào nhà máy sản xuất, sản phẩm hoàn toàn phân chia theo hiện vật, không sao cả. Giai đoạn thấp mọi người làm theo lao động hưởng theo sản phẩm, giai đoạn cao mọi người làm theo lao động, hưởng theo nhu cầu. Quả đúng là một bản chất xã hội ma quái, trên mây mà chính đầu óc không tưởng, mang chất thần kinh của Mác tạo ra. Có nghĩa Mác không hiểu các nguyên tắc về khoa học kỹ thuật, về kinh tế xã hội, về tâm lý cá nhân cũng như xã hội là gì cả. Hoặc có hiểu mà Mác lờ đi, chỉ lập luận một cách ngụy biện, lừa dối.
Ông kỹ sư Thạnh còn viết : “Con đường Marx luận rất logic nhưng logic của cái sai”. Thật ra cái gọi là lô-gích này của Mác chỉ là thứ lôgích hoàn toàn hình thức, lôgích tư biện, tức hoàn toàn biện luận trên tư duy ngôn ngữ không hơn không kém. Bởi vậy cái gọi là “đấu tranh giai cấp” của Mác thực chất cũng chỉ là sự phiên dịch máy móc, giả tạo từ cái gọi là phép biện chứng của lịch sử hay sử quan duy vật. Bởi lẽ mọi sự đấu tranh trong xã hội là hoàn toàn có thật. Đấu tranh giữa cá nhân với cá nhân, nhóm với nhóm, giữa cái sai và cái đúng, cái tiêu cực và cái tích cực, cái tốt và cái xấu, cái hữu lý và cái phi lý v.v… không thể nói hết và ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào cũng đều có. Thế mà Mác đã phịa ra thành đấu tranh giai cấp theo kiểu phổ quát hóa thành ra hai cực đối lập trong xã hội theo đúng với ý nghĩa của phép biện chứng ban đầu mang tính duy tâm của Hegel.
Sau hết tác giả còn viết : “Marx đã nhọc công nghiên cứu tàn thư lịch sử ở thư viện Anh quốc suốt mấy chục năm. Cuối cùng ông đã phát hiện ra một chứng cớ: lịch sử xã hội loài phát triển là do đấu tranh giai cấp, phần lớn xã hội (tầng lớp lao động) khốn khổ là do bóc lột. Chứng cớ ông đưa ra vô cùng thuyết phục trong cuốn Tư bản luận”. Viết như vậy là không chính xác. Bởi vì Mác quả có đến thư viện London để nghiên cứu hay đúng ra là đọc các lý thuyết của A. Smith, Ricardo, là những nhà kinh điển của Anh về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lúc bấy giờ, trong vẻn vẹn chỉ có hơn một năm. Nói khác đi, Mác không được đào tạo chính quy khoa kinh tế học hay khoa học xã hội, mà Mác chỉ đậu tiến sĩ triết học thời còn rất trẻ, và cũng không được đào tạo chuyên ngành nào khác về khoa học xã hội. Cho nên cuốn Tư bản luận (das Kapital) được coi là cuốn thánh kinh nền tảng của CNM, thật ra cũng giống như chuyện gọt chân cho vừa giầy. Điều này khiến các nhà khoa bảng, các nhà nghiên cứu kinh tế học đọc vào không hiểu gì ráo trọi, bởi vì không phải Mác phân tích kinh tế vì kinh tế, mà thực chất mác chỉ triết lý hóa theo kiểu duy vật biện chứng và duy vật lịch sử về kinh tế học. Cho nên nếu cả duy vật biện chứng và duy vật lịch sử không có căn cơ, cơ sở khách quan, khoa học, thì lý thuyết kinh tế xã hội trong tư bản luận của Mác tất yếu cũng được kéo theo giống như thế.
Đấy một vài điều cơ bản như vậy để bổ sung hay đính chính thêm cho bài viết của ông kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh. Bởi ông kỹ sư chỉ rành về thiết chế về cơ chế sự vật, nhưng chưa rành lắm về các ý nghĩa của khoa học xã hội, nhất là về triết học đúng nghĩa. Nói như vậy không phải kê tủ đứng vào thiện chí và nổ lực của ông kỹ sư, nhưng là để khuyến khích ông kỹ sư nên tìm hiểu kỹ hơn mọi điều mình muốn lên tiếng. Bởi những sự lên tiếng nào đó, nếu chưa hoàn toàn chính xác, thật sự cũng có thể mang lại nhiều ngộ nhận, hiểu lầm ở các người đọc vẫn còn những chỗ nhìn phiến diện. Trong ý nghĩa như thế, người viết bài ngắn này cũng mong muốn sẳn sàng được tranh luận với bất kỳ người mác xít mới mẽ nào hiện nay để làm sáng tỏ hơn vấn đề vốn đã cũ mềm này. Bởi các quan điểm như của Lữ Phương gần đây, hay của Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu trước kia, coi như cũng chẳng còn gì hấp dẫn để đáng phải nói thêm nữa.
VÕ HƯNG THANH
(16/7/12)
Trân trọng
Nguyễn Văn Thạnh
Kỹ sư tinh nhạy hơn đời
Nghe qua một tí rõ thời biết ngay
Logíc ấy mới thật hay
Còn phi lô-gích tháng ngày phôi pha
NON NGÀN