Thursday, 12 July 2012

Hiện tượng chệch chuẩn trong một số câu ca dao, tục ngữ “chế” hiện nay

Thứ năm, 05 Tháng 7 2012 05:57 Kiều Nga

NGÔN ngữ nghệ thuật là chất liệu tạo nên tác phẩm văn chương. Một nhà văn lớn của dân tộc nào, trong điều kiện bình thường, cũng sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình để sáng tác. Dù là ngôn ngữ của dân tộc nào, khi trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, nó đều được gọt giũa theo mục đích riêng của người viết, không còn cái nguyên xi của ngôn ngữ thông thường. Chính ngôn ngữ phong cách này là thứ “ngôn ngữ riêng”, ngôn ngữ tác giả.

Hiện tượng “lệch chuẩn” ngôn ngữ chỉ có được ở những nhà văn lớn, những nhà văn có phong cách. Đó là sự sáng tạo ngôn ngữ chứ không phải là chống lại chuẩn mực của ngôn ngữ dân tộc. Sự lệch chuẩn ngôn ngữ góp phần làm giàu bằng cách làm hoàn thiện hơn hoặc tạo ra những chuẩn mới, mở rộng hệ chuẩn của ngôn ngữ. Bởi vì sự sáng tạo chân chính trong lời nói nhà văn xét đến cùng đều bắt nguồn từ khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ, từ những qui luật sâu xa của hệ thống. Thế nhưng, một bộ phận giới trẻ hiện nay đã lạm dụng hiện tượng này để tạo ra sự “mới lạ”, “phá cách”, “sáng tạo” ra một kiểu ngôn ngữ mang phong cách “phi chuẩn mực”, dí dỏm, hài hước mà người ta gọi là “chệch chuẩn riêng”. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến “công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và nếu không có sự điều chỉnh sớm sẽ có tác hại đến chuẩn mực ngôn ngữ dân tộc.

Ca dao, tục ngữ là loại văn chương truyền khẩu, biểu hiện nhiều mặt sinh hoạt của người Việt Nam, nhất là về đời sống tinh thần, tình cảm. Ngày nay, với một xã hội sôi động trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều giá trị có thể bị đảo lộn, giễu nhại trở thành một thái độ phổ biến, người Việt đang chứng kiến sự xuất hiện của những câu nói có vần vè, thường được coi là của giới trẻ, chế tác từ các sáng tác dân gian truyền thống (có người gọi là ca dao tục ngữ hiện đại). Trong những “tác phẩm” chế đó, cũng không khó để nhận ra sự xâm nhập của ngôn ngữ nước ngoài vào đời sống ngôn ngữ dân tộc. Sự “hiện đại” thể hiện ngay ở hình thức sáng tạo:

+ Sáng tạo theo kiểu chêm xen (thay đổi) quy tắc ngữ âm, thậm chí còn pha trộn ngôn ngữ theo trào lưu “Tây hóa”:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Mai sau có lúc ngoài đường “on sale”.
"Trời mưa bong bóng phập phồng/ Má đi lấy chồng con ở dzí boy
"Đi đâu cho thiếp theo cùng/No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp… bye
"Ai  xứ Nghệ thì /Còn tao… tao cứ Thủ đô tao dzìa”…

+ Chệch theo kiểu thay đổi một từ ngữ bằng một yếu tố mới:         
"Học, học nữa, hộc máu
"Gần mực thì… bia, gần đèn thì… hút

+ Chệch theo lối thêm (bớt) cấu trúc của câu ca dao tục ngữ cũ:
"Học, học nữa, học mãi… đúp học tiếp
"Học đi đôi với hành, hành đi đôi với tỏi
"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Chặt cây nhớ coi cảnh sát
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều/Chờ hoài chờ mãi chẳng thấy mẹ yêu/Sao giờ chưa thấy mẹ yêu gửi tiền
Thiếu nụ cười sẽ dễ chuyển sang hành xử bạo lực, mà tác hại của nó thì không thể lường hết được. Những câu ca dao tục ngữ “chế” đã phản ánh một phần nào đó của cuộc sống xã hội hiện nay, có thể là:

+ Bệnh tật hoành hành:      
“Ta về ta tắm ao ta/Bây giờ bệnh SARS lây ba bốn đường
“Cá không ăn muối cá ươn/Con không ăn muối... thiếu Iot rồi con ơi

+ Là giá cả leo thang:
"Qua cầu ngả nón trông cầu/Cầu bao nhiêu nhịp tốn xăng dầu bấy nhiêu
"Nhà sạch thì mát/Bát sạch tốn xà bông


+ Tệ nạn xã hội:
“Làm trai cờ bạc rượu chè/Vợ có lè nhè thì ghè nó luôn
“Ăn trông “mồi”/Ngồi trông phong bì
"Trời mưa bong bóng phập phồng/Mẹ đi lấy chồng con cũng theo trai/ Em út ba gửi dì hai/Để ba có cớ ba qua thăm dì
“Làm trai cho đáng nên trai/Đi đâu cũng vác bộ bài sau lưng
“Chớ chê e xấu, em già/Em đi sửa lại, đẹp ra bây giờ
 "Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời chơi Nét mà không vương tơ tình
“Con ơi nhớ lấy câu này/ Thức đêm chơi Nét có ngày gặp ma
“Lên cao mới biết non cao/ Chơi ghẹ mới biết rất là hao đô
 ”Hoa hồng thì phải có gai/Con gái thì phải phá thai đôi lần
“Làm trai cho đáng nên trai/Lang beng cũng trải giang mai đôi lần
 "Sáng trăng chiếu trải hai hàng/Bên anh "xập xám”, bên nàng “tiến lên

+ Tiêu cực học đường:
“Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/Sinh viên thi lại là điều hiển nhiên
 "Học làm chi, thi làm chi?/Tú Xương còn rớt huống chi là mình
 "Học cho lắm cũng ăn mắm với cà/ Học tà tà cũng ăn cà với mắm/ Học cho lắm cũng đi tắm cởi truồng/ Học luồn xuồn cũng cởi truồng đi tắm
 ”Ước gì môi em là cái đít bút/ Anh ngồi học bài cắn đít bút hun em”...

+ Và thậm chí cái người ta gọi là "ca dao tục ngữ sex” cũng được thể hiện rõ, đó là bằng chứng cho thấy sự đe dọa tới văn hóa Việt Nam:
“Ước gì em biến thành trâu/ Để anh là đỉa anh bâu vào đùi/ Ước gì anh biến thành chầy/Để em làm cối anh giã ngày giã đêm”

Đi “chệch” với một số câu ca dao tục ngữ cũ, thêm bớt làm cho nó dí dỏm, vui nhộn, thể hiện cái tôi sáng tạo của lớp trẻ,… cũng từ đây ngôn ngữ này dường như phản chiếu một mặt nhỏ nào đó trong xã hội Việt: bệnh tật đe dọa con người (SARS, bị Biếu cổ do thiếu I-OT); hậu quả các tệ nạn mại dâm, Sida (HIV/AIDS), lang beng, giang mai; dân số đông làm cuộc sống con người không đảm bảo; tình trạng cờ bạc rượu chè, nguyên nhân đánh vợ của một bộ phận “nam giới”; hiện đại - đi đôi với nó là khoa học kỹ thuật phát triển, con người càng quan tâm hơn vẻ đẹp hình thể bên ngoài của mình, muốn xóa đi vẻ ngoài không “hoàn hảo” thay vào đó là “môi xinh, dáng chuẩn, mũi dọc dừa, mắt bồ câu…” thì sự xuất hiện các trung tâm thẩm mỹ (sửa đổi) vóc dáng là cần thiết, bạn sẽ có (vóc chuẩn hay eo thon và thậm chí là làn da trắng, khuôn mặt xinh…) để rồi có thể tự tin nói rằng: “Chớ chê em xấu, em già/ Em đi sửa lại, đẹp ra bây giờ”; hơn hết đó là tình trạng buông lỏng của gia đình, không quan tâm con cái dẫn đến tệ nạn chơi “Game, chát...” quên học hành của giới trẻ, xem việc học là điều không cần thiết, sự suy đồi đạo đức, ham chơi, xem thi lại là điều bình thường và hiển nhiên (Không thi lại không phải là sinh viên),…

Từ đây, những câu ca dao tục ngữ “chế” thông qua ngôn ngữ đã có vai trò “là một tấm gương phản chiếu xã hội”, giúp xã hội có thể nhìn nhận một cách thiết thực hơn, cần làm gì và phải hành động như thế nào để có hướng khắc phục những hiện trạng trên. Nhưng chính hiện tượng sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện, phóng tác theo trào lưu, theo cảm tính của một bộ phận giới trẻ, cách thể hiện riêng mà theo họ đó là độc đáo - cách tân mới lạ của mình đã làm tiếng Việt mất đi vẻ đẹp  trong sáng vốn có, cách sử dụng từ ngữ trái quy tắc ngữ âm tiếng Việt: Ziệt Nam, zôzới, hok, nhìu chiện…, sự pha tạp ngôn ngữ Tây - Ta trong sử dụng một cách vô lối: Boy (trai), on sale (bán), no (không)…

Tình dục là một khía cạnh văn hóa, một sắc thái rất đặc trưng, một vấn đề rất đời thường và luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của con người. Ca dao Việt Nam là một loại văn chương bình dân rất giản dị, thẳng thắn, trung thực không màu mè, chải chuốt, có một sức mô tả rất sinh động tất cả nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán xã hội của đại đa số dân chúng. Xã hội hiện đại hóa, sự phát triển của Internet đã tạo ra bước đột phá trong nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến cách sống, cách nghĩ của cả thế giới. Vấn đề tình dục, sex trên các phương tiện thông tin đại chúng lại càng phổ biến rộng khắp, thậm chí còn đi ngược lại với nét văn hóa truyền thống Việt Nam được gìn giữ từ bao đời. Vẫn biết rằng hiện đại thì cái đẹp có quyền phô ra, cái tôi cá nhân được tự do, thoải mái trong tất cả mọi mặt; “chế” trong ca dao tục ngữ sẽ tạo ra sự rung động về tình yêu, sự khao khát và nỗi đam mê về thân xác là rất thật, “rất người”, “rất đời” của con người trong thời đại mới. Nhưng cũng chính nó đã làm mất đi sự e ấp, nồng nàn. “Chế” sáng tạo mới đã đánh mất những đằm thắm, những dịu dàng, những tinh tế của con người. Nền văn minh lúa nước đúc kết bao kinh nghiệm, lưu truyền từ người này sang người khác. Thế là ca dao tục ngữ được hình thành. Nói đến ca dao tục ngữ người ta thường nghĩ ngay đến vẻ đẹp tinh thần của truyền thống dân tộc. Nhưng nhìn lại một cách toàn diện, những câu “ca dao tục ngữ “chế” hiện nay còn mang đầy đủ giá trị đó chăng?

Từ “chệch chuẩn” để nhìn về “chuẩn”, trong các chuẩn của đời sống xã hội thì chuẩn ngôn ngữ là rất quan trọng. Trường học cần đặc biệt coi trọng mục tiêu đào tạo những thiếu niên, thanh niên có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, với ý thức về chuẩn ngôn ngữ. Nhưng rõ ràng là chuẩn ngôn ngữ không đơn giản mà khá phức tạp. Bởi hoạt động ngôn ngữ, con người chịu những bó buộc mà cũng có khả năng lựa chọn. Trong giáo dục ngôn ngữ chúng ta gặp rất nhiều trường hợp “chệch chuẩn”, ở cương vị người thầy, nên có ý kiến trước các chi tiết này. Tuy nhiên, cũng thận trọng vì nó dễ sinh ra không nhất quán, giáo dục ngôn ngữ không thể nào cắt đứt mối liên hệ giữa hệ thống với thực tiễn đời sống và văn chương. Mà văn chương thì biến đổi từ xưa tới nay, và nó rất đa dạng.

Là ngôn ngữ quốc gia của nước Việt Nam mở cửa và hội nhập, tiếng Việt đã và đang đứng trước một thách thức mới: với chức năng phản ánh, là “tấm gương phản chiếu xã hội”; tiếng Việt phải phản ánh được và thực hiện được chức năng giao tiếp của đất nước đang ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vậy, khi sử dụng ngôn ngữ cần đảm bảo “tiếng Việt là tiếng Việt”. Việc sử dụng ồ ạt các ngôn ngữ thiếu chọn lọc vào trong lời ăn tiếng nói, theo mốt, theo cảm tính (nhất là giới trẻ hiện nay) là một cảnh báo và là nguyên nhân làm tiếng Việt phát triển theo hướng tiêu cực. Vì vậy, mỗi người cần có một cái nhìn động đối với ngôn ngữ, sử dụng các từ vay mượn, các từ ngoại lai sao cho phù hợp bản sắc ngôn ngữ, phù hợp điều kiện ngôn ngữ - xã hội của đất nước. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A, Công trình khoa học được công bố:
1. Hồ Thế Hà, Nghĩ về sáng tạo và tiếp nhận văn học hiện naynhoc-ngonngu.edu.vn
2. Hoàng Tuệ, Tuyển tập ngôn ngữ học, Nxb Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 2001.
B, Nguồn dẫn liệu trên mạng:
1. www.hoibi.net/truyen-cuoi/tong-hop-ca-dao-tuc-ngu-tho-che.html
2. www.free4vn.org
3. http://tinhoc2.net/tho-vui-tho-che
4. http://canthoit.info/Ca-dao-tuc-ngu-thoi-hien-dai
http://vanhoanghean.vn/van-hoa-va-doi-song/cuoc-song-quanh-ta/4748-hien-tuong-chech-chuan-trong-mot-so-cau-ca-dao-tuc-ngu-che-hien-nay.html 

No comments:

Post a Comment