“环球时报”和中国鹰派的仇恨交易贸易[1]
Nguyễn Văn
Mấy năm gần đây, tờ Hoàn cầu thời báo (HCTB) nổi lên như là cơ quan ngôn luận của những “con diều hâu” China. (Cũng có thể mượn cách nói của tác giả Vũ Cao Đàm, HCTB là tiếng nói của những con diều hâu Trung Cộng). Việt Nam là một trong những đối tượng của HCTB. Mới tuần vừa qua, những con diều hâu China còn lớn tiếng lặp lại điệp khúc đe dọa Việt Nam khi Bộ trưởng Hilary Clinton viếng thăm Việt Nam. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem HCTB là ai mà tỏ ra hung hãn và lưu manh như thế?
Thử đọc qua vài bản tin và câu chữ sau đây:
“Trung Quốc có nhiều cách để dạy cho Philippines một bài học nhưng chúng ta không được phép dễ dãi sử dụng các cách này”.
“Philippines và Việt Nam đáng bị trừng phạt. Nếu tiếp tục khiêu khích chống Trung Quốc, các nước có thể bị trừng phạt bằng nhiều biện pháp, trong đó có tấn công quân sự”.
"Hà Nội sẽ cảm thấy đau đớn nếu giúp Mỹ trở lại"
Không có chữ nào khác ngoài tính từ “du côn” và “lộng ngôn” để mô tả cách hành xử trên. Trong năm gần đây, những cái tít và câu chữ trên hay tương tự như trên càng ngày càng xuất hiện với cường độ dày đặc hơn.
Ai là tác giả của những câu chữ du côn như trên? Xin thưa: Hoàn Cầu thời báo. Tờ báo này còn có tên tiếng Anh là Global Times. Có lẽ thấy người ta có New York Times, nên mấy người chủ trương tờ báo mới bắt chước đặt tên Times. Nhưng bắt chước mà còn quen thói trịch thượng với mộng hoàn cầu – Global. Vậy chúng ta cũng cần tìm hiểu qua lai lịch và chủ trương của những kẻ đứng đằng sau những phát biểu có thể nói là vô giáo dục như trên.
Lai lịch của HCTB rất thú vị. Nó là “con đẻ” của tờ Nhân dân nhật báo. Xin nói thêm, Nhân dân nhật báo của China, chứ không phải tờ báo có cùng tên ở Việt Nam [ở Việt Nam tên tờ báo là Nhân dân không có thêm cái đuôi nhật báo – BVN]. Ai cũng biết Nhân dân nhật báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản China. Do đó, có thể nói rằng HCTB cũng là một tiếng nói chính thức khác của Đảng Cộng sản China. Tiếc thay, đó là tiếng nói du côn và lộng ngôn.
Bối cảnh ra đời của HCTB là nhằm cân bằng cán cân thông tin về China. Giấy khai sinh của HCTB cho thấy nó được tờ Nhân dân nhật báo đẻ ra từ năm 1993, nhưng mãi đến gần đây nó mới gây tiếng vang qua phiên bản tiếng Anh. Năm 2008, khi Hồ Cẩm Đào ghé thăm tòa soạn tờ Nhân dân nhật báo, Hồ ta thán rằng sức mạnh của phương Tây cũng là thế yếu của China. Sức mạnh đó là truyền thông. Kết luận ngay từ chuyến thăm đó là: hình ảnh của China do các cơ sở truyền thông phương Tây tô vẽ không tích cực, và báo chí China cần phải được đáp ứng một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Thế là Tháng Tư năm 2009, tờ Global Times ra đời.
Sứ mệnh của HCTB là gióng lên những tiếng nói của một China đang lên và tự tin. Do đó, nó tập trung vào những vấn đề quốc tế và quốc nội có thể gây tranh cãi. Dĩ nhiên, nó phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản China và nhóm lợi ích trong Đảng.
HCTB khoe rằng nó có nhiều độc giả thuộc tầng lớp tinh hoa. Trong phần About us, HCTB cho biết độc giả bao gồm các đại sứ quán, lãnh đạo doanh nghiệp, chính khách, giới trí thức, và những nhà lãnh đạo tương lai của China. Theo thống kê, phiên bản tiếng Hoa bán được 1.5 triệu bản mỗi ngày, nhưng không ai biết con số này cho phiên bản tiếng Anh, và có bao nhiêu trong số người ngoại quốc đọc.
HCTB là một tờ báo khá đặc biệt, có lẽ giống như chính quyền khai sinh ra nó – có hai bộ mặt. Bộ mặt nói tiếng Anh thì có vẻ văn minh, ngôn ngữ chừng mực, và có phần nhẹ nhàng. Nhưng bộ mặt nói tiếng Hoa thì rất hung hãn một cách hoang dã, ngôn ngữ hiếu chiến, như những kẻ du côn trong chính trường. Như thế, phải coi Global Times và Hoàn cầu thời báo là hai bản chứ không phải báo song ngữ, nếu không thì đó là kiểu “lá mặt lá trái”. Chính phiên bản tiếng Hoa của HCTB có những bài đòi tấn công Việt Nam và các nước lân cận. “Cha nào con nấy”, cha có hai bộ mặt thì con cũng thế. Ngoài mặt thì nói chuyện nghĩa nhân (16 chữ vàng và 4 chữ tốt gì đó), nhưng đằng sau là một chùm dao găm sẵn sàng triệt hạ Việt Nam.
Mô hình thương mại của HCTB là buôn bán chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ngoài ra, HCTB còn kinh doanh những “mặt hàng” liên quan, như những phát ngôn lưu manh. Để buôn bán chủ nghĩa dân tộc cực đoan có hiệu quả, thủ đoạn kinh doanh của HCTB là sản xuất ra những bài hỗn hợp giữa quyền lợi quốc gia, lợi ích truyền thông, và lợi ích độc giả. Lợi ích quốc gia xem như an toàn, vì chẳng ai dám chất vấn, mà còn có hiệu quả bơm thêm nhiên liệu cho tinh thần đại Hán. Lợi ích truyền thông ở đây phải và nên hiểu là những bài viết mang tính giật gân, cạnh tranh. HCTB không giấu giếm là nó sẵn sàng cạnh tranh với mẹ của nó (tức Nhân dân nhật báo). Lợi ích độc giả đối với HCTB là quảng bá chủ nghĩa người hùng. Lâu lâu in hình những ông tướng vận quân phục với sao lấp lánh, trông rất oai (nhưng khi bị thất sủng như Lâm Bưu thì có thể sống như thú vật). Mô hình này, nói cho ngay, cũng khá thành công trong việc thu hút độc giả.
Nghiên cứu trên 173 bản tin / bài viết của Chengju Huang (Đại học RMIT, Úc) cho thấy 72% những bài viết có nội dung tranh cãi. HCTB rất thích trả đũa Mỹ: trong số 33 bài viết về Mỹ thì 80% là chỉ trích và đe dọa (xem Bảng 1). Đe dọa bằng những ngôn từ rất trẻ con.
Bảng 1: Phân tích 173 bản tin và bài viết trên Hoàn cầu thời báo
Phân loại bài viết | Số bài (Phần trăm) |
Địa lý | |
Quốc nội | 86 (49%) |
Quốc tế | 73 (42%) |
Hỗn hợp | 16 (9%) |
Trong số bài quốc tế | |
Viết về Mỹ hay trả đũa | 33 (45%) |
Ngoài Mỹ | 40 (55%) |
Chủ đề | |
Gây tranh cãi | 125 (72%) |
Không gây tranh cãi | 48 (28%) |
Mới tuần vừa qua, HCTB đe dọa Việt Nam rằng "Hà Nội sẽ cảm thấy đau đớn nếu giúp Mỹ trở lại" khi Bộ trưởng Ngoại giao Hilary Clinton ghé thăm. Những cây viết HCTB còn không quên nhắc rằng China đã từng “dạy Việt Nam một bài học” (ý nói cuộc chiến năm 1979). Nhưng điều đáng tiếc là những con diều hâu núp trong HCTB mau quên lịch sử. Chúng quên rằng trong trận đánh 1979 chính China mới bị Việt Nam dạy cho một bài học. Hình như những con diều hâu trong HCTB cũng quên rằng China tuy là nước lớn nhưng chưa bao giờ thắng ai, lại còn có thời bị Nhật đánh cho tơi bời mà còn chưa tởn.
Trong thực tế, người Nhật và cả người Việt rất khinh những con diều hâu trong HCTB. Đó là những con người lưu manh, sẵn sàng bóp méo lịch sử, và hèn.
Nhìn như thế để thấy sự hiện diện của Hoàn Cầu thời báo là hoàn toàn có thể đoán được. Thật ra, tôi thấy trong bối cảnh báo chí nhàm chán (như Nhân dân nhật báo của Trung Quốc toàn nói chuyện phải đạo), sự xuất hiện của HCTB cũng có cái hay. Hay ở chỗ chúng ta biết được trong những cái đầu của một số người China (hy vọng là thiểu số) những tế bào não nghĩ gì về thế giới chung quanh họ. Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn; trong rừng hơn 1 tỉ cái đầu, thì chắc chắn có những ý kiến và quan điểm khác nhau, và chúng ta cần biết những khác biệt đó. Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao Việt Nam chúng ta không có một thời báo như Hoàn Cầu (làm ơn đừng bắt chước đến cái tên của họ!) để cho người dân bày tỏ cảm tình thật nhưng chắc chắn văn minh hơn HCTB. Mong lắm thay! Trong khi Việt Nam chưa có một diễn đàn để người dân có tiếng nói thật thì xin các bạn hãy xem bài này như là một tiếng nói thật của một người Việt Nam.
HCTB muốn bắt chước hệ thống truyền thông Fox của Mỹ. Nhưng chỉ khác một điều là Fox thì văn minh hơn HCTB nhiều. Mà, kỳ vọng văn minh từ một đất nước với lịch sử và truyền thống luôn muốn bành trướng đó thì có lẽ đánh giá họ quá cao. Không ngạc nhiên khi chúng ta thấy những ngôn từ hung hãn và đầy tính trịch thượng, giống y chang như tổ tiên, cha ông của họ đã như thế với vua chúa Việt Nam trước đây. Nói cách khác, trải qua bao thế hệ mà nhóm lãnh đạo ấy chưa tiến hoá để hành xử văn minh hơn. Jack Cafferty của CNN (Mĩ) từng nói về China rằng “Tôi nghĩ rằng về cơ bản, họ là một nhúm người đần độn và du côn. Họ đã như thế trong suốt 50 năm qua”. Có lẽ chúng ta phải sửa câu đó thành: họ đã hành xử du côn như thế trong suốt 10 thế kỷ qua.
N.V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
[1] Đầu đề tiếng Trung là lời dịch của BVN để giúp người Trung Quốc tìm hiểu bài viết nàyBVN
No comments:
Post a Comment