http://youtu.be/Z3Cd-oEvEog
Srdja Popovic (TED)
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Chào các bạn, tôi hãnh diện có mặt ở đây ở TEDxKrakow này, nơi hôm nay tôi sẽ cố gắng nói sơ qua về một hiện tượng mà có thể thay đổi thế giới, và thực sự đang thay đổi thế giới. Hiện tượng ấy có tên Sức mạnh Nhân dân (People Power).
Tôi sẽ mở đầu bằng một câu chuyện... Câu chuyện như sau. Hôm ấy là ngày 15 tháng Mười Hai, 2010. Có người đề nghị với ta như thế này:
Ta sẽ nhìn vào quả cầu pha lê, và ta sẽ thấy được tương lai; tương lai sẽ chính xác. Nhưng ta cần cho thế giới biết trước tương lai ấy. Đồng ý, dù tò mò quá chỉ thiệt thân, ta chấp nhận đề nghị ấy. Ta nhìn vào quả cầu pha lê. Một giờ sau, ta ngồi ở tòa nhà truyền hình quốc gia, trong một chương trình đông khách, và ta nói về tương lai như sau:
"Vào cuối năm 2011, Ben Ali và Mubarak và Gadhafi sẽ bị lật đổ, và bị xét xử. Saleh ở Yemen và Assad ở Syria hoặc là sẽ bị chống đối hoặc là sẽ bị khuất phục. Osama bin Laden chết, còn Ratko Mladic sẽ bị xử ở tòa án quốc tế Hague." Bấy giờ người dẫn chương trình nhìn ta chăm chăm với khuôn mặt và ánh mắt lộ vẻ kinh ngạc. Và rồi, thêm vào đó, ta nói tiếp: "...và hàng ngàn người trẻ ở Athens, Madrid và New York sẽ biểu tình đòi công bằng xã hội và tuyên bố những người Ả Rập đã khích lệ họ xuống đường." Bỗng bất chợt hai người mặc áo choàng trắng xuất hiện, bắt ta mặc áo phông kỳ lạ, giải ta đến nhà thương điên gần nhất.
Cho nên tôi muốn nói sơ qua về hiện tượng đằng sau năm đã rất xấu cho những kẻ xấu xa. Hiện tượng này có tên là Sức mạnh Nhân dân.
Thật ra, Sức mạnh Nhân dân, đã tồn tại từ lâu. Sức mạnh ấy đã giúp Gandhi đã đuổi người Anh ra khỏi Ấn Độ, sức mạnh ấy đã giúp Martin Luther King trong cuộc đấu tranh chủng tộc lịch sử. Sức mạnh ấy cũng giúp một người địa phương ở đây, Lech Walesa, đã đuổi được một triệu lính Xô Viết ra khỏi Ba Lan, để từ đấy Liên Xô như chúng biết không còn tồn tại. Vậy sức mạnh ấy ngày nay có gì mới? Điều hình như rất mới, chính là điều tôi muốn chia xẻ với các bạn hôm nay, đó là một loạt những nguyên tắc và kỹ năng mà ta có thể học và dạy để thực hiện thành công cuộc đấu tranh bất bạo động. Nếu điều này đúng, chúng ta có thể giúp đỡ những phong trào này.
Trước hết, kỹ năng đầu tiên-kỹ năng phân tích. Tôi sẽ thử phân tích Trung Đông nơi các phong trào này đều xuất phát. Trong suốt nhiều năm trời, chúng ta đều sống với một nhận thức hoàn toàn sai lầm về Trung Đông. Trung Đông trông giống như vùng bị đóng băng. Đúng ra là một tủ lạnh. Trong tủ lạnh ấy trước đây chỉ có hai món. Bò bít tết, tượng trưng cho chế độ độc tài cảnh sát và quân đội kiểu Mubarak-Ben Ali. Hay khoai tây, tượng trưng cho độc tài thần quyền kiểu Tehran. Nhưng mọi người kinh ngạc khi tủ lạnh bật mở ra: hàng triệu những người trẻ tuổi, hầu hết thế tục, bước ra để thực hiện thay đổi. Hãy đoán thử xem- họ không theo dõi thống kê về dân số. Tuổi trung bình của người Ai Cập là bao nhiêu? 24. Còn Mubarak nắm quyền lực bao nhiêu năm? 31. Như vậy, chế độ này đã quá lỗi thời, đã hết đát. Còn người trẻ trên khắp thế giới một sáng mai thức dậy hiểu ra rằng quyền lực nằm trong tay mình. Và những gì còn lại là năm trước mặt chúng ta. Và các bạn hãy đoán thử? Vẫn Thế hệ Y(1), với các nguyên tắc, cộng cụ, trò chơi, và ngôn ngữ mà hơi xa lạ với tôi. Tôi hiện nay 38 tuổi... Và hãy thử nhìn tuổi của người dân trên đường phố Châu Âu? Ơ đấy hình như là thời của Thế hệ Y.
Bây giờ, tôi nói đến trường hợp khác. Tôi có dịp gặp gỡ nhiều người khác nhau trên thế giới; và như các bạn biết, họ là các viện sĩ và giáo sư, và bác sĩ. Và họ đều luôn luôn nói về điều kiện này điều kiện nọ. Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu chế độ không trấn áp quá mức." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân thành công, nếu thu nhập hằng năm của quốc gia là giữa X và Z." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu có áp lực nước ngoài." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu không có dầu hỏa." Ở đây, tôi muốn nói rằng, điều kiện thì rất nhiều.
Tuy nhiên, thông tin mới ở đây là trong cuộc đấu tranh kỹ năng dường như quan trọng hơn các điều kiện. Cụ thể, kỹ năng đoàn kết, kế hoạch và duy trì sự tuân thủ bất bạo động. Để tôi kể cho các bạn một trường hợp. Tôi đến từ quốc gia tên Serbia. Chúng tôi phải mất mười năm mới đoàn kết được các nhà lãnh đạo của 18 đảng đối lập, mà người nào cũng có cái tôi lớn, đằng sau một ứng cử viên duy nhất ra tranh cử với Slobodan Milosevich. Các bạn hãy đoán xem chuyện gì xảy ra? Ngày họ đoàn kết là ngày thất bại của nhà độc tài.
Ta nhìn sang những người Ai Cập, họ đấu tranh trên Quảng trường Tahrir, họ dẹp bỏ hết những biểu tượng cá nhân riêng tư, để họ xuất hiện chung trên đường phố với chỉ lá cờ Ai Cập. Tôi sẽ nêu ra ví dụ ngược hẳn lại. Ta đã thấy chín ứng cử viên tổng thống ra tranh cử với Lukashenko. Kết quả thế nào thì ai cũng biết. Cho nên đoàn kết là điều rất quan trọng. Và ta có thể đạt được sự đoàn kết chung ấy. Tương tự với việc kế hoạch. Ai nói cách mạng bất bạo động thành công tức thì là kẻ nói láo. Chuyện như thế trên thế giới chẳng bao giờ có. Bất kỳ khi nào ta thấy những người trẻ tuổi ở trên hàng đầu cố gắng thân thiện như thể anh chị em với cảnh sát hay quân đội, thì người nào đấy đã suy nghĩ trước điều đó. Bây giờ, cuối cùng, là sự tuân thủ bất bạo động. Đây có lẽ chính là điều then chốt quyết định sự thành bại. Nếu ta duy trì được sự tuân thủ bất bạo động, ta nắm chắc phần thắng. Ta có 100.000 người tuần hành bất bạo động, chợt một kẻ ngu ngốc hay một tên nào đấy trà trộn vào dòng người để khiêu kích bằng cách ném đá. Các bạn hãy đoán chuyện gì xảy ra trước tất cả các máy quay phim. Đó chỉ là một tên. Chỉ một hành động bạo lực thôi cũng đủ có thể tiêu diệt cả phong trào của ta.
Bây giờ cho phép tôi chuyển sang phần khác. Đó là sự chọn lọc các chiến lược và chiến thuật. Trong cuộc đấu tranh bất bạo động có những nguyên tắc nào đấy ta có thể tuân theo.
Hãy khởi đầu từ những chuyện nhỏ. Thứ hai, ta hãy chọn những trận đánh nào ta có thể thắng. Trong phòng này chỉ có 200 người chúng ta. Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể nào kêu gọi cả triệu người tuần hành. Nhưng nếu chúng ta tổ chức được việc vẽ graffiti suốt đêm ở khắp mọi nơi trong thành phố Cracow này. Cả thành phố đều biết. Cho nên, chúng ta chọn những chiến thuật phù hợp với việc làm, nhất là chiến thuật chúng tôi gọi chiến thuật phân tán mỏng này. Những chiến thuật như thế rất hiệu quả trong hoàn cảnh trấn áp khốc liệt. Chúng ta đều thực sự đang chứng kiến hình ảnh của một trong những chiến thuật tuyệt vời nhất từng được xử dụng. Hình ảnh này ở Quảng trường Tahrir, nơi cộng đồng quốc tế luôn luôn rất lo sợ những người Hồi giáo sẽ chiếm đoạt cuộc cách mạng. Điều họ đã tổ chức được... những người Công giáo bảo vệ những người Hồi giáo khi những người Hồi giáo cầu nguyện, một đám cưới ngưòi Công giáo được hàng ngàn người Hồi giáo hoan hô chúc mừng. Thế giới đã vừa thay đổi sau hình ảnh ấy, nhưng người nào đấy đã suy nghĩ trước đó điều này.
Cho nên có rất nhiều điều ta có thể thực hiện thay vì phải tập trung tại một nơi, la hét và ra vẻ hiên ngang ta đây trước lực lượng an ninh.
Còn có một động lực khác rất quan trọng. Đây là động lực các chuyên gia thường không thấy. Đó là động lực giữa một bên là sợ hãi và thờ ơ và bên kia là say mê và hài hước. Động lực này hoạt động giống như trong video game vậy. Ta sợ nhiều thì thực trạng vẫn như cũ, còn ta say mê nhiều thì sợ hãi bắt đầu tan biến. Ngày thứ hai, ở Ai Cập ta thấy mọi người chạy ùa tới cảnh sát thay vì chạy tránh xa ra cảnh sát. Ta biết điều gì đó đang diễn ra ở đấy.
Rồi về hài hước. Hài hước là một điều rất then chốt quyết định sự thành bại, và tất nhiên hài hước đóng vai trò rất lớn ở Ba Lan. Như các bạn biết, chúng tôi chỉ là một nhóm sinh viên cuồng nhiệt ở Serbia khi chúng tôi thực hiện trò nghịch ghê gớm này. Chúng tôi đặt thùng dầu lớn có chân dung của tổng thống dán trên thùng ngay giữa đường phố chính. Trên đầu thùng có cái lỗ. Ta có thể bước đến, bỏ đồng xu vào lỗ, nhặt lấy cây bóng chày, và đập mạnh vào mặt y. Đập như thế tiếng vang rất to. Còn chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong quán cà phê gần đấy, và chỉ độ vài phút sau đã có nhiều người xếp hàng chờ đến phiên mình đập cho sướng tay. Nhưng đó chỉ là màn đầu. Tấn hài kịch thật sự bắt đầu khi cảnh sát xuất hiện. (Cười) "Họ làm gì được nào?" Bắt chúng tôi ư? Chả thấy ai đâu mà bắt. Từ quầy cà phê cách đó khoảng ba khu phố chúng tôi quan sát mọi sự. Bắt giam khách qua đường có con nít ư? Tất nhiên là chẳng hợp lý. Cảnh sát lại làm điều ngu ngốc nhất. Họ bắt giam cái thùng! Bấy giờ khuôn mặt trên thùng đã bị đánh tả tơi, cảnh sát chỉ còn cách kéo lê thùng lên xe. Ngày ấy là ngày huy hoàng nhất cho những người chụp hình cho các báo.
Điều tôi muốn nói ở đây là ta có thể làm được nhiều việc, và ta có thể luôn luôn xử dụng hài hước. Còn có một điều quan trọng khác về hài hước. Hài hước làm cho kẻ bị chế giễu đau đớn. Vì những kẻ này vốn coi mình là rất quan trọng. Vì vậy khi ta bắt đầu chế giễu họ, họ cảm thấy đau đớn.
Hiện nay, mọi người đang nói về Hoàng đế của mình, tức Internet, và nó là một kỹ năng rất ích lợi. Nhưng đừng vội vàng dán nhãn hiệu "Cách mạng Facebook", "Cách mạng Twitter" lên mọi sự. Đừng lầm lẫn giữa công cụ và thực chất. Đúng là Internet và các phương tiện truyền thông mới rất ích lợi vì khiến thông tin truyền nhanh hơn và rẻ hơn. Đồng thời internet làm cho những người tham gia cảm thấy an toàn hơn một chút vì nó che dấu phần nào danh tính họ. Chúng ta đang nhìn thấy một ích lợi lớn lao khác mà Internet có thể làm được. Nó có thể dán cái giá của bạo lực do nhà nước bảo trợ đối với những người phản kháng bất bạo động. Đây là trường hợp nhóm nổi tiếng "Tất cả chúng ta là Khaled Said", do Wael Ghonim và các bạn anh ở Ai Cập lập ra. Đây là khuôn mặt bị biến dạng của người bị cảnh sát đánh chết. Do đấy mọi người đều biết đến anh nhưng đây có lẽ cũng trở thành cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà. Tuy nhiên tin xấu cũng ở đây. Cuộc đấu tranh bất bạo động chiến thắng trong thế giới thực, trên đường phố. Ta sẽ không bao giờ thay đổi xã hội theo chiều hướng dân chủ hay thay đổi kinh tế nếu ta cứ ngồi nhà gõ phím. Có nhiều rủi ro chúng ta phải chấp nhận, và chỉ có những người đang sống mới giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.
Còn đây là câu hỏi đáng giá ngàn vàng. Điều gì sẽ diễn ra trong thế giới Ả Rập?
Tuy những người trẻ tuổi trong thế giới Ả Rập đã khá thành công trong việc lật đổ được ba nhà độc tài, làm rung chuyển cả khu vực, và về mức độ nào đấy đã thuyết phục các vị vua thức thời ở Jordan và Morocco thực hiện những cải cách căn bản, nhưng vẫn còn sớm để thấy kết quả sẽ như thế nào. Liệu những người Ai Cập và Tunisia sẽ thành công trong thời gian thay đổi chính trị, hay rốt cuộc sẽ chìm đắm trong cuộc xung đột đẫm máu về tôn giáo và sắc tộc, liệu những người Syria còn duy trì được sự tuân thủ bất bạo động một khi hàng ngày phải đối mặt với bạo lực tàn bạo đã sát hại cả hàng ngàn người, hay sẽ rơi vào cuộc đấu tranh bạo lực rồi biến thành cuộc nội chiến xấu xa. Những cuộc cách mạng này sẽ tiếp tục suốt trong thời gian thay đổi chính trị và dân chủ hay bị quân đội và những kẻ quá khích đủ loại chiếm đoạt? Chúng ta không thể nói được.
Những điều trên cũng đúng cho khu vực Phương tây, nơi ta có thể thấy tất cả những người trẻ tuổi đầy phấn khích biểu tình trên toàn thế giới, chiếm nơi này chiếm nơi nọ. Liệu họ sẽ trở thành làn sóng toàn cầu? Liệu họ sẽ tìm được kỹ năng, niềm say mê, và chiến lược của họ để tìm ra được điều họ thật sự muốn và đẩy mạnh cải cách, hay họ sẽ cứ tiếp tục than phiền mãi dựa trên bảng liệt kê vô tận về những điều họ ghét?
Đây là sự khác biệt giữa hai con đường.
Còn thống kê cho ta biết gì. Sách của bạn tôi Maria Stephan bàn nhiều về đấu tranh bạo động và bất bạo động; và có vài số liệu đáng kinh ngạc. Nếu ta nghiên cứu các cuộc thay đổi xã hội khác nhau suốt trong 35 năm vừa qua, từ độc tài đến dân chủ, ta sẽ thấy rằng trong số 67 trường hợp khác nhau, thì trong 50 trường hợp cuộc đấu tranh bất bạo động là sức mạnh thay đổi chủ chốt. Đây là một lý do nữa để nghiên cứu hiện tượng này. Đây là một lý do nữa để nghiên cứu Thế hệ Y. Dù sao cũng đủ cho tôi để thừa nhận công lao của họ, và hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy kỹ năng và lòng can đảm để áp dụng cuộc đấu tranh bất bạo động và nhờ thế sửa lại ít nhất phần nào sự hỗn loạn thế hệ chúng ta đang gây ra trên thế giới này.
(1)Thế hệ Y là thế hệ sinh sau năm 1980 (chú thích của người dịch).
Nguồn: Từ video của tổ chức TEDxKrakow, Ba Lan, tháng 11, 2011
www.ted.com/talks/srdja_popovic_how_to_topple_a_dictator.html
Trần Quốc Việt dịch
http://danlambaovn.blogspot.fr/2012/07/srdja-popovic-lam-nao-lat-o-nha-oc-tai.html
Trần Quốc Việt dịch
http://danlambaovn.blogspot.fr/2012/07/srdja-popovic-lam-nao-lat-o-nha-oc-tai.html
No comments:
Post a Comment