Bùi Diễm (1923- ) là cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ. Ông quê ở Hà Nam, Việt Nam; cha ông là nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ, dòng dõi phó bảng Bùi Văn Quế và Bùi Ân Niên. Bùi Diễm gọi Trần Trọng Kim là cậu. Ông hoạt động chính trị trường từ thời học trường Bưởi, vận động cho chính phủ Trần Trọng Kim và đảng Đại Việt nhưng rồi rời chính trường cho tới khi nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam chấm dứt. Trong thời gian đó ông làm chủ nhiệm tờ Vietnam Post xuất bản ở Sài Gòn bằng Anh ngữ (1954-1963). Đây là tờ báo tiếng Anh đầu tiên ở Việt Nam. Ông cũng là người sản xuất cuốn phim Chúng tôi muốn sống, một tác phẩm lớn trong ngành Điện ảnh Việt Nam. Khi Thủ tướng Phan Huy Quát ra chấp chính, ông giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Ông cũng là đảng viên Đảng Đại Việt. Thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam ông được bổ làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Washington, D.C., thay thế đại sứ Vũ Văn Thái. Chức vụ này ông đảm nhiệm từ năm 1967 đến năm 1972 thì chuyển làm đại sứ lưu động cho đến năm 1975. Sau năm 1975, ông tỵ nạn tại Hoa Kỳ. (Nguồn: Wiki)
Trong những ngày này, Việt Nam thật chẳng khác nào một cô gái quê mùa bị những người chủ gian ác, bất cần liên tục hà hiếp. Pháp, Nhật và Tàu đều ngược đãi cô ta. Rồi trong lúc đang đau khổ tuyệt vọng, bỗng một hoàng tử hào hoa và đẹp trai hiện ra. Đối với Việt Nam thì Hoa Kỳ quả là một tiếng sét ái tình. Chẳng may, tình yêu này lại không bao giờ được đền đáp. Mặc dù thiếu tá Patti rất ngưỡng mộ các lãnh tụ Việt Minh, và mặc dầu những lãnh tụ này cố khoa trương sự chú tâm của Hoa Kỳ, rõ ràng sự móc nối với Hoa Kỳ vẫn hoàn toàn chẳng đi đến đâu. Vì lý do này hay lý do khác, Hoa Thịnh Đốn đã khoanh tay nhất định không làm bất cứ điều gì có thể thay đổi các biến cố đang ngày càng biến hóa và phức tạp tại Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chỉ phải bận tâm đương đầu với Tàu và Pháp, trong khi đó các đảng phái còn lại phải lo âu về những toan tính của cả Pháp, lẫn Tàu và Việt Minh. (Trích chương 6 - Anh, Tàu và Pháp)
Đã có nhiều quyển sách viết về Việt Nam trong những năm vừa qua, trong số này, không ít đã diễn tả tường tận những cảnh tượng đồi bại của chế độ cũ, những cuộc tranh chấp ngấm ngầm trong chánh phủ hay trên bàn đàm phán. Tất cả đều viết về những việc thật gần, thật cận, hoặc từ năm 1960–1975, hoặc từ những năm sau. Mỗi quyển đều nói lên cương vị của người viết hay về một giai đoạn đặc thù của lịch sử. Nhưng quyển Trong Gọng Kềm Lịch Sử, nguyên tác In The Jaws Of History của ông Bùi Diễm và David Chanoff có lẽ đã ám ảnh người đọc sâu xa hơn tất cả.
Chỉ nói riêng về chiều dài, tác giả đã đi ngược suốt từ thời Pháp Thuộc qua thời kỳ Bảo Đại, ông Diệm cho đến những ngày chót khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ và đề cập đến những nhân vật chìm, nổi trong chính trường từ lúc phôi thai như những học sinh ở trường Thăng Long cùng Ban Giảng Huấn cho đến những sảnh đường quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn. Trong suốt 343 trang sách, ông Bùi Diễm, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, con ruột học giả Bùi Ưu Thiên và cháu ruột sử gia Trần Trọng Kim đã thuật lại cuộc đời của mình cũng như cuộc đời của những người cùng lứa tuổi trong một thế khóa oái oăm của lịch sử. Từ ngày biết nhận xét cho đến lúc đã thực sự bị cắt rời khỏi đất nước, cuộc đời tác giả được mở ra gần như trọn vẹn trong 36 chương sách: “Gọng Kềm, Hội Kín, Khủng Bố, Lập Trường… Đảo Chánh…” Tất cả những danh từ nói về những cảm quan cũng như các biến cố quá khứ đều nằm gọn “trong gọng kềm lịch sử,” một bầu không khí khắc nghiệt, mang tính chất định mệnh (Historical Determinism) chẳng khác nào bầu không khí của Chiến Tranh và Hòa Bình, kiệt tác của Leo Tolstoy. Quyển sách dù nặng phần chính trị nhưng mang đầy tính chất văn chương trong lời viết. Có lẽ lối viết là do nỗ lực cố đem cảm quan của riêng người kể (hoặc thế hệ người kể như đã minh xác trong lời mở đầu) đến với người đọc nên mặc dù quyển sách được viết từ lối nhìn chủ quan, chính cảm quan của người kể đã mang lại tính chất văn chương trong lối diễn tả.
Trong cái thế xiết chặt của lịch sử thì một cá nhân dẫu có vùng vẫy cách nào cũng không thể thoát ra khỏi bước kềm tỏa. Một cá nhân dầu ở cương vị nào, dẫu phấn đấu thế nào cũng không thể chuyển lay cả toàn cục diện.
Những cái buông, bắt ở một tư thế nào đó không còn thuộc phạm trù của tầm với đã biến con người thành một con ốc trong bộ máy to lớn của lịch sử. Có những lúc lịch sử đã thoát thai, thành một quái vật khổng lồ đuổi bắt những người trong cuộc một cách nghiệt ngã. Lịch sử đã không cho phép những người trong cuộc giữ phần lèo lái. Khi bánh xe lịch sử chuyển hướng những người trong cuộc thường phải sững sỡ vì lịch sử không còn đứng về phía họ. Trong cơn loạn đả, lịch sử đã trong một phút giây nào đó, bằng cách này hay cách khác, trở nên một con vật khổng lồ dồn họ về ngõ cụt. Dầu muốn, đầu không, bất thình lình những mộng ước cao xa, tuyệt vời bỗng chuyển thành những tăm tối bắt buộc. Những cơn phong ba của lịch sử đã dồn dần đám người nghiệt ngã vào một hố thẳm không cùng của tuyệt vọng. Trong cơn phẫn nộ điên cuồng, lịch sử đã dẫm nát mọi chướng ngại vật. Danh dự hoặc lương tâm. Tâm hồn hay thể xác. Tất cả đều bị nghiền nát vì gọng kềm lịch sử. Giữa phút thăng hoa cuồng dại, lịch sử đã chẳng cần nhớ đến luận lý. Lịch sử đã hoàn toàn thoát khỏi phạm vi của lý trí. Những vết hằn của những con người bị nghiền nát đôi khi tản mát dần đi qua những tiếng thở dài bi phẫn, những cơn ủ dột triền miên, nhưng đôi khi những vết hằn đó, ở những góc độ khốc liệt nhất bỗng cô đọng, phát ra thành những tiếng kêu bi thảm. Tiếng kêu của lịch sử. Những vết hằn đó đã điểm tô lịch sử, không phải bằng những vương miện của chiến thắng, không phải bằng những ân sủng không ngừng của danh dự, mà là điểm tô bằng những giòng máu, những giọt nước mắt, những cực nhục của những hòn đá xanh cục cằn không ai nhắc đến trong các đoạn đường lịch sử.
Kể từ thời khi lịch sử phát sinh cho đến hiện tại, có lẽ lúc nào người ta cũng chỉ nhìn về hào quang của những lúc chiến thắng. Người ta thường quên số phận của những kẻ kém may mắn hơn, số phận của những vết hằn.
Nhưng có một lúc nào đó, những vết hằn bỗng tỏa ra những hấp lực lạ kỳ, bỗng nhiên óng ánh, thiêng liêng trong bản chất chân thật cố hữu. Khi những tiếng ngợi ca chiến thắng đã trở thành một thứ “Tiếng Trống” bập bùng vô nghĩa, người ta bỗng phát hiện ra rằng những viên đá xanh đã góp phần không kém vào việc tạo dựng lịch sử. Lịch sử đã chối bỏ vinh quang đối với những vết hằn, nhưng những vết hằn đã điểm tô cho lịch sử. Những vết hằn, những cái nhìn từ những tư thế thảm khốc nhất, chẳng những chỉ điểm tô mà hóa thân trong lịch sử. Chính những vết hằn là âm hưởng rõ rệt nhất, là hình ảnh sinh động nhất của lịch sử. Những vết hằn là… lịch sử.
Đã 13 năm qua, lịch sử vẫn tiếp tục bằng những kế hoạch năm năm, bảy năm, bằng những trại học tập cùng khắp các miền xa xôi hẻo lánh bên nhà, bằng những hàng người lũ lượt theo nhau tản cư, bằng những đứa bé lớn lên hoàn toàn ngơ ngác, bằng những người lớn quật quã kinh hoàng hằng đêm. Còn, Mất, Xảo Trá, Bất Cận Nhân Tình, Mù Quáng, Hẹp Hòi, U Mê…, tất cả chỉ là những tên gọi khác nhau của những con người lỡ đứng về phía hố thẳm của trốn chạy. Lịch sử đã theo sát họ để ám ảnh. Ở bất cứ tư thế nào họ cũng nhìn thấy gọng kềm của lịch sử đang khép lại và họ phải u buồn nhận chịu những kiếp sống của một vết hằn. Ám ảnh của lịch sử là ám ảnh của đời sống. Chẳng những về một mặt mà là về mọi mặt. Không phải chỉ là một lúc mà là mọi phút, mọi giây. Tâm hồn, thể xác, suy tư, nội tâm, ngoại cảnh. Số phận của những vết hằn là số phận của những phẫn khích truyền kiếp luôn luôn phải trốn tránh một sự thật hoàn toàn bất công.
Đã 13 năm qua lịch sử vẫn theo sát những kẻ sống sót, vẫn toan tính nghiền nát số phận của những kẻ bất hạnh. Bên nhà kẻ thắng cuộc nhất thời vẫn vẽ vời, tô son điểm phấn cho “Cuộc Đại Thắng Mùa Xuân.” Bên ngoài, từng loạt hồi ký của Neil Sheehan, của Frank Snepp, của David Halberstam, của… Khép giữa hai gọng kềm này là những vết hằn, những người khốn khổ trong cuộc đã ngàn đời im lặng hoặc vẫn thảm sầu trong im lặng của bất công. Hình như chẳng có gì đáng nhớ. Hình như chẳng có gì cao đẹp. Hình như tất cả chỉ là những thủ đoạn thần sầu của những người lãnh đạo đã mù quáng vì uy quyền, đã mất hẳn nhân tâm. Hình như… Chẳng có gì đáng cần biết thêm. Chẳng có gì cần để học hỏi. Tất cả đều chỉ là lỗi lầm và tất cả đều là những việc đã qua, sẽ qua hoặc nên cho qua. Đã có lần người ta tin rằng sự thật chắc chắn phải nằm trong những quyển sách viết dài dằng dặc, đổ hất trách nhiệm về phía những vết hằn đang câm lặng. Nhưng người ta đã quá hấp tấp, vì những vết hằn đã lên tiếng. Tiếng nói thống khổ của những nạn nhân một đời đi tìm lý tưởng. Tiếng nói của tủi cực phải ấm ức phát ra từ tiềm thức vì tai nạn xảy ra chập chồng đã đẩy lui vào ký ức tầm mức quan trọng của những tai ương lần trước.
Câu chuyện bắt đầu bằng một ngôi trường và người kể vốn là một học sinh. Câu chuyện kéo dài, vô lý như những cuộc chiến tranh dài đến gần như bất tận. Câu chuyện là chuyện của một ông thày đi ruồng bố, tiêu diệt ngay chính đám học trò của mình. Câu chuyện là chuyện của một nhóm bạn bè, sát cánh bên nhau ở những bước thập tử nhất sinh bỗng ra tay tàn sát lẫn nhau. Câu chuyện là chuyện của một bầu không khí yên lặng thôi miên trong lớp học khi học sinh ngồi lắng nghe những bài giảng ly kỳ dần dà biến chuyển thành một bầu không khí đe dọa của những cuộc mất tích mà trong đó mỗi học sinh đã quen với thói quen “đưa tay sờ báng súng.” Câu chuyện là câu chuyện lan man từ buổi giao thời của chế độ phong kiến cho đến lúc bước sang chế độ quốc gia dân chủ. Mọi vật đều xoay chuyển và xoay chuyển với một tốc độ bàng hoàng, kinh dị. Tất cả những quan niệm về cuộc đời, về chính trị, về luân lý và về những điều cơ bản nhất đều biến đổi. Tiết tháo của những nhà Nho bị quật ngã vì những sự lừa đảo của Realpolitik. Những quan niệm Lão, Trang khách quan, trung dung bị đẩy vẹt đi vì những tiếng vọng thôi thúc từ thế giới bên ngoài. Những tiếng kêu gọi của luận lý bị xô ngã nhào bởi những vận động khéo léo bạo động hóa tình cảm của những kẻ đã quá lâu phải chịu bất công. Những cơn sóng tạo thành do những sự xung đột kịch liệt của suy tư và hiện trạng loan ra cùng khắp từ Hà Nội cho đến tận những vùng rừng rú hoang sơ như Bái Thượng. Khung cảnh cứ biến dần, biến dần từ những bài học lịch sử của Napoleon, từ những nhì nhằng vớt vát của đế quốc Pháp khi chánh quyền thực dân đang ngã nhào cho đến những ngờ nghệch khiếp hãi của việc Hoa Kỳ can thiệp.
Câu chuyện thật dài là vì câu chuyện của một thế hệ, nhưng câu chuyện không thể kể một lúc mà phải chuyển thành hồi. Mỗi hồi mở ra và rồi từ từ khép lại. Không phải không còn gì để kể mà là vì câu chuyện phải khép lại để nhường chỗ cho những hồi kế tiếp. Thảm kịch to lớn nhất, ám ảnh nhất được đưa lên đầu và rồi màn ảnh to tát được khép dần, khép dần, đi sâu vào ký ức của người kể và lại từ từ mở ra nối kết điểm đầu với điểm cuối, từ thuở ấu thời cho đến những sự kiện sau cùng và rồi hình ảnh được hoàn toàn hợp nhất, hoàn toàn quyện lại với nhau như một bức tranh vĩ đại và bi thảm. Câu chuyện từ nhịp, từ nhịp như nhịp điệu của tâm hồn, của con tim. Câu chuyện vẽ qua vẽ lại như một đồ thị tuần hoàn của đời sống. Chuyện kể như ám ảnh của một bức tranh truyền thần khi đã ra khỏi tầm mắt thì để lại âm ba của một cái gì đứt đoạn. Đọc xong có lẽ không thể nhớ được chuyện được kể từ đoạn nào vì tất cả đều nối liền như một vòng tròn khép kín.
Có lẽ nhịp điệu tuần hoàn của người kể chứng tỏ người kể đã bị ám ảnh vì nhịp điệu tuần hoàn của sự bất công. Có lẽ người kể đã mong mỏi tìm kiếm một sự tuần hoàn của lịch sử trong suốt cuộc đời. Cuộc đời người kể luôn luôn phải đứng vào nghịch cảnh, phải tìm những gì không hiện hữu. Người kể đã đi tìm ảo ảnh trong suốt cuộc đời và dĩ nhiên ảo ảnh đó, nếu hiện hữu cũng không thực sự nằm trong tầm tay người kể. Có thể lịch sử sẽ đến cùng người kể trong tương lai, nhưng lịch sử đã không ở cùng người kể trong suốt cuộc đời. Có thể lịch sử sẽ tuần hoàn, nhưng chu kỳ tuần hoàn đó dài quá, dài hơn tầm với của thế hệ người kể. Câu chuyện của người kể là câu chuyện của một kẻ đi tìm và đã tìm suốt một cuộc đời. Mục tiêu của cuộc tìm kiếm có thể là ảo ảnh nhưng chính sự đi tìm đã tạo nên ý nghĩa.
Trong suốt cuộc đời người kể, dường như mỗi bước đi là mỗi bước gấp rút không thể trở về. Mỗi điều trông thấy là mỗi điều ám ảnh không quên. Những chỗ đi qua bỗng thình lình mất đi: “Phủ Lý không còn nữa… Nó đã bị chính dân làng đốt cháy trong một cuộc chiến tranh tiêu thổ, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.” Những người vừa mới trông thấy đã tự nhiên vĩnh viễn chẳng bao giờ còn được gặp: “Một khi chúng tôi đã ở hai bên làn ranh giới Pháp Việt thì không ai có thể quả quyết được ngày gặp lại… Định mệnh đã không bỏ qua cho gia đình chúng tôi cũng như đã không hề bỏ qua cho bao nhiêu những gia đình người khác.” Cuộc đời người kể là một cuộc đời luôn bị xô đẩy, dồn ép. Khi thì ngược mạn Lào Kay, lúc thì lênh đênh trên giòng sông Đáy. “Lúc đò lướt qua các vùng làng xóm, tâm sự của tôi cũng cay đắng như mùa đông bên ngoài… Mọi người đang tham gia trong một cuộc chiến mà chính tôi cũng rất muốn được góp phần. Nhưng 'họ' đã ép tôi… Je suis un Évadé… Tôi là kẻ phản bội.”
Trong khi vượt qua tất cả các đoạn đường tác giả đã không quên mà vẫn nhớ. Nhớ để kể. Từ chiếc máy bay P–38 năm 1945 cho đến cuộc tuyên án tử hình Việt Nam ở Capitol Hill. Từ thế giới tao nhã trừu tượng của những cơn đam mê toán học cho đến những xác chết đói dọc theo hai bên vỉa hè Hà Nội năm 44–45. Từ những mơ ước ngây thơ của những thiếu niên bên lửa trại bập bùng mơ tưởng về những luân lưu truyền thống lịch sử của dân tộc cho đến những cay đắng khi hoài bão dân chủ cuối cùng sụp đổ.
Trong cuộc chia cắt cuối cùng , người kể không còn dính liền được với đất nước. Đất nước trong cơn dãy chết đã xô đổ tan tành hoài bão của cuộc đời người kể. Như những vòng tuần hoàn bắt buộc, những giòng người lại đổ xô, dày xéo lên nhau, chẳng khác nào những giòng người tản cư đã xô đẩy nhau ra khỏi Hà Nội trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhưng lần này người kể không còn là người trong cuộc. Vẫn những quận lị nối tiếp theo nhau xóa tên trên bản đồ nhưng người kể đã chuyển thành một kẻ bàng quan bất lực ngồi lịm trước màn ảnh truyền hình. Người kể vẫn xem, nhưng xem ở phương vị tách rời, xem sự thật đang lên khuôn thành những màn bi kịch. Và lần này, cũng chẳng khác gì những lần trước đây, người kể lại bị hất vào những tư thế bàng quan bắt buộc.
Cả câu chuyện là câu chuyện của chết chóc. Cái chết của từng người như cái chết của Phúc, của Đặng Vũ Chu, của Trương Tử Anh. Cái chết của từng đoàn người như những đợt bạn bè người kể thi nhau ngã gục ở dọc sông Hồng Bắc Việt. Cái chết của các làng mạc, quận lị như Phủ Lý. Cái chết của những ước mơ, hoài bão trong tâm hồn các chính khách quốc gia như Bác Sĩ Quát. Cuộc đời của người kể dường như cuộc đời của một chứng nhân nhìn quê hương qua cơn hấp hối. Những giòng người xuôi Nam, những người cùng thế hệ, dường như tất cả đều chết, chỉ còn lại một nhân chứng khắc khoải với thời gian dài dằng dặc –Người Kể.
Câu chuyện ấp ủ một nỗi buồn triền miên vì là câu chuyện chết chóc của một thế hệ. Nhưng người kể luôn luôn tin tưởng ở tương lai. Cũng như những vòng tuần hoàn hoán chuyển trước mắt, người kể đã chờ, đã đỏ mắt tìm trông nhưng khi biết rằng việc chờ không nằm trong tầm với thì người người kể lại chấp nhận. Vì lẽ người kể tin rằng việc chờ sẽ xảy ra trong tương lai. Cũng như người kể không nắm rõ được những định mệnh trong quá khứ, người kể không thể cầm chắc trong tay việc xảy ra trong tương lai.
Trong gọng kềm lịch sử, máu và nước mắt của một thế hệ đã đổ ra thành một thiên bi kịch dài triền miên suốt một giòng đời và người kể kể lại bằng tâm thức từng cuộc sống của những vết hằn mà chính bản thân mình chứng kiến. Qua câu chuyện của người kể, những vết hằn quằn quại, di động trong khổ đau của hố thẳm im lặng, nhưng người kể không hề quên họ. Tất cả những gì đã mất, đã qua, đã khuất sâu trong âm ỉ của thời gian đều còn sống, mặc dầu chỉ còn sống trong ký ức và người kể vạch dần ký ức của mình để đưa ra những miểng đá hóa thạch cục cằn trong tâm tưởng. Trong thế kẹp ác liệt của lịch sử những vết hằn từ từ hiện rõ, chỗ đỏ ối, chỗ tím, chỗ thâm quầng, chỗ đen đủi, nhưng tất cả đều hiện diện. Và những vết hằn đứng đó mãi mãi điểm tô cho lịch sử.
Falls Church, Virginia, 1987.
Phan Lê Dũng
Liên kết đến sách, pdf: http://ebooks.neofob.org/JAWS/JAWS.pdf
No comments:
Post a Comment