Nường Lý chuyển ngữ
Từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, rất nhiều người Mỹ nhẹ nhõm vì trút bỏ được kinh nghiệm bỏng cháy khó chịu sau lưng, đã cố tình lẩn tránh không suy nghĩ sâu xa hay phân tích đúng đắn về cuộc chiến này. Ùa vào khoảng trống tri thức ấy, nhiều loại hoang tưởng về chiến tranh Việt Nam - động lực, hành động, sự thất bại, sự thành công của người Mỹ - đã tràn lan. Hậu quả chung của các điều giả tưởng này, theo phát biểu cuả vị Tổng Thống Mỹ thứ 37, tạo thành một hiện tượng “tê liệt hậu chiến tranh Việt Nam” mà ông tin đã không cho phép Hoa Kỳ giữ vai trò xứng đáng của mình trên sân khấu chính trị thế giới.
Viết “Đừng Lập Lại Kinh Nghiệm Việt Nam- No More Vietnam”, Richard Nixon - với cái nhìn cá biệt của một người từng đóng vai trò Lãnh Đạo Hoa Kỳ trong giai đoạn sôi bỏng nhất của chiến tranh Việt, đã quyết tâm xóa tan các hoang tưởng sai lầm về cuộc chiến Việt Nam, cho thấy tại sao người Mỹ thua trận, và mong góp phần vào sự phát triển chính sách đối ngoại hầu tránh các thất bại tương tự trong tương lai. Khi làm công việc này, Cựu Tổng Thống Nixon đã phân tích vai trò của bốn vị Tổng Thống, Quân Đội, Quốc Hội, Truyền Thông, và Phong Trào Phản Chiến trong sự thảm bại đột ngột tại Việt Nam.
Quyển sách này là tổng quan lịch sử về trận chiến dài nhất của Hoa Kỳ viết bởi những người đóng vai chính trong giai đoạn lịch sử ấy. Richard Nixon tham dự Hội Đồng Cố Vấn của Tổng Thống Eisenhower vào giai đoạn Điện Biên Phủ năm 1954; làm quyết định cực kỳ khó khăn khi ra lệnh tấn công vào nơi ẩn náu của Cộng Sản tại Cambodia năm 1970, và thả bom Hà Nội năm 1972, cũng như đưa đến Hiệp Định Paris năm 1973, để chấm dứt sự tham chiến của Hoa Kỳ và đem nhiều tù nhân chiến tranh hồi hương. Trong tác phẩm này, ông đã trộn lẫn kiến thức lịch sử sắc bén với một cái nhìn bên trong mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được.
“Đừng Lập Lại Kinh Nghiệm Việt Nam” gửi gấm nhiều tâm sự hơn là đơn thuần ôn lại một trang sử đau buồn trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng Thống Nixon cũng hướng đến tương lai bằng cách vạch ra một chiến thuật cho Hoa Kỳ áp dụng vào cái ông gọi là “Thế Chiến Thứ Ba” - cuộc xung đột cao độ giữa các ý thức hệ đang diễn ra tại các quốc gia chậm tiến giữa phương Tây và phương Đông. Quyền lực quân đội, và khả năng sử dụng nó khi cần thiết trong cuộc chiến tự vệ cho Tự Do, là những góc cạnh quan trọng trong chiến thuật này, nhưng chắc chắn không phải là ý tưởng duy nhất. Nixon thúc giục Hoa Kỳ và các đồng minh nên kiểm soát khả năng Kinh Tế, Văn Hoá, và các nguồn năng lực sáng tạo trong một nỗ lực rộng lớn để chia sẻ phương tiện phong phú của người Mỹ với các quốc gia đang phát triển. Chúng ta chỉ có thể tránh không lập lại kinh nghiệm Việt Nam bằng cách đưa cho những dân tộc đang tranh đấu này sự lựa chọn khác hơn là giữa Cộng Sản và tình trạng nghèo đói hiện thời.
Richard Nixon đã xuất bản năm tác phẩm, gồm tập Hồi Ký của ông, và gần đây nhất, tác phẩm “Hòa Bình đích thực” [Real Peace]
Các tác phẩm khác của Richard Nixon:
Six Crises (1962)
RN: The Memoirs of Richard Nixon (1978)
The Real War (1980)
Leaders (1982)
Real Peace (1984)
*
Kính tặng những ai đã phụng sự trong cuộc chiến.
*
Nội Dung
1. Những hoang tưởng về chiến tranh Việt Nam.
2. Cuộc chiến Việt Nam khởi đầu thế nào.
3. Tại sao và như thế nào mà Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chiến Việt Nam.
4. Chúng ta thắng trận như thế nào.
5. Chúng ta đánh mất hòa bình như thế nào.
6. Thế Chiến Thứ Ba.
Phụ chú của tác giả
*
1.
Những hoang tưởng về chiến tranh Việt Nam
Không biến cố nào trong lịch sử Hoa Kỳ bị hiểu lầm nhiều hơn là cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến này bị tường thuật sai lầm ngay lúc nó đang xảy ra, và cho đến hôm nay, vẫn còn bị nhớ đến một cách rất sai lầm. Hiếm khi nào một số đông người đến thế đã sai lầm nhiều đến thế. Chưa bao giờ những hiểu lầm này lại tạo ra các hậu quả bi thảm đến vậy.
Chiến tranh Việt Nam đã là đề tài cho hơn 1,200 quyển sách, hàng ngàn bài báo, và hàng tá phim ảnh cùng phim tài liệu. Đa số các tác phẩm này đưa ra ít nhiều các kết luận sau như sự thực:
1. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến.
2. Hồ Chí Minh trước tiên là một người yêu nước, thứ đến mới là người Cộng Sản, và đã được sự hỗ trợ của đa số dân Việt Nam cả hai miền, Bắc và Nam.
3. Ngô Đình Diệm là bù nhìn của thực dân Pháp.
4. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là phong trào kháng chiến không thuộc quyền chỉ huy của Bắc Việt.
5. Việt Cộng chiếm được trái tim và trí óc của dân làng bằng những chính sách nhân đạo.
6. Hiệp định Geneva năm 1954 theo pháp lý buộc chính phủ Diệm và Hoa Kỳ phải thống nhất hai nửa Việt Nam bằng cuộc tổng tuyển cử.
7. Hiệp ước năm 1962 “trung lập hóa” Lào đã giúp ngăn chặn sự bành trướng của chiến tranh.
8. Sự đấu tranh của Phật Giáo năm 1962 với chính phủ Diệm bắt nguồn từ sự đàn áp tôn giáo.
9. Chính quyền Johnson là chính quyền đầu tiên gửi quân Mỹ vào chiến đấu tại Việt Nam.
10. Đa số lính Mỹ tham chiến đều hút sách, nghiện ngập, có mặc cảm tội lỗi về vai trò của họ trong cuộc chiến, và đã sử dụng nhiều chiến thuật dã man, vô nhân đạo.
11, Lính Hoa Kỳ da đen tử thương nhiều hơn trong chiến trận.
12. Hoa Kỳ thất trận trên chiến trường.
13. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Sản là một thất bại nặng nề về mặt quân sự cho Hoa Kỳ.
14. Việc Mỹ bí mật thả bom năm 1969 và tấn công các căn cứ Cộng Sản tại Cam bốt năm 1970 là nguyên ủy chính mang đến chuyện đảng Cộng Sản cầm quyền tại Cam Bốt năm 1975.
15. Việc Hoa Kỳ ném bom vào các làng dân sự tại Bắc Việt nằm trong một chính sách có cân nhắc và tính toán.
16. Con số tử vong của dân thường trong chiến tranh Việt Nam có phần trăm cao hơn các cuộc chiến khác.
17. Tù nhân chiến tranh Hoa Kỳ được Bắc Việt đối xử nhân đạo.
18. Các cuộc biểu tình phản chiến tại Hoa Kỳ rút ngắn chiến tranh Việt Nam.
19. Hiệp định Paris 1973 là một cố gắng cay đắng nhằm cho Hoa Kỳ một cơ hội khỏi bị “mất mặt” giữa thời gian rút quân với lúc miền Nam chính thức sụp đổ.
20. Hoa Kỳ có thể làm điều này (hiệp định Paris) từ năm 1969, thay vì 1973.
21. Thuyết Domino đã được chứng minh là sai.
22. Sau khi người Hoa Kỳ rút lui, đời sống ở Đông Dương trở nên tốt đẹp hơn.
Tất cả các phát biểu trên đều SAI.
* * *
Mười năm trước, vào tháng Tư 1975, một nền hòa bình đầy bạo động đã nuốt chửng Việt Nam theo sau cuộc triệt thoái của người Mỹ và chiến thắng của Cộng Sản. Những người lính Bắc Việt lái xe tăng Nga Xô vào đường phố Sài Gòn đem lại điềm báo trước sự độc tài và khốn khổ cho dân chúng Đông Dương, sự thiếu định hướng và bất lực của Hoa Kỳ, và từ chiến thắng này sang chiến thắng khác của Nga Xô Viết trong cuộc vận động ráo riết để chinh phục và thống trị các nước thứ ba. Hình ảnh tuyệt vọng của những người đàn ông, đàn bà, trẻ em lếch thếch lê bị gói chạy trốn bọn xâm lăng Cộng Sản là một thí dụ không tiền khoáng hậu về sự phản bội và thất bại của Hoa Kỳ.
Sự triệt thoái của Hoa Kỳ và chiến thắng của Cộng Sản là thảm họa không lường trước cho 40 triệu người dân Việt Nam, Cambodia, và Lào. Trước khi chúng ta rút lui, họ có cơ hội cho một đời sống tốt đẹp hơn dưới các chính quyền được Hoa Kỳ hỗ trợ. Ngày hôm nay (1985), vì chúng ta không giữ được sự cam kết với họ, các dân tộc này đã chịu đựng khốn khổ dưới những chính thể tàn bạo nhất thế giới.
Những kẻ phản chiến từng tuyên bố rằng sẽ không có cuộc tắm máu tại Nam Việt Nam nếu Cộng Sản thắng trận. Nhưng trong khi chính bàn tay họ không nhuộm máu, họ cũng không thể nào ngủ yên nếu họ nghĩ đến 600.000 người Việt chết đuối trên biển Đông trong cố gắng vượt thoát ngục tù Cộng Sản bạo ngược; nghĩ đến hàng chục ngàn người khác bị cầm tù trong những “Trại Cải Tạo”; và hàng triệu triệu người buồn khổ phải sống tủi nhục dưới sự thống trị của Cộng Sản. Trước khi Cộng Sản nắm quyền, còn có ít tự do báo chí; ngày hôm nay hoàn toàn không. Trước kia còn có các đảng đối lập; hôm nay hoàn toàn không. Trước kia còn có chút hy vọng về một đời sống tốt đẹp hơn; hôm nay hoàn toàn không. Tiền lương trên đầu người của miền Nam Việt Nam trước kia là $500 Mỹ Kim; hôm nay còn ít hơn $200, một trong những con số thấp nhất thế giới.
Thảm hại hơn nữa là các điều xảy ra tại Cam Bốt, một trong những con cờ domino đã ngã theo tại Đông Nam Á. Khi chúng ta ngưng hỗ trợ chính quyền chống Cộng tại Cam Bốt năm 1975, có 7 triệu người sống tại Cam Bốt, bằng con số dân cư tại Úc Châu ngày nay (1985). Ba năm sau đó, chính quyền Pol Pot đã giết hại hay bỏ đói trên 2 triệu người.
Cuộc thảm sát gần 1/3 dân số Úc Châu chắc chắn sẽ làm cả thế giới văn minh khóc thét kinh hoàng và rúng động đến vài thập niên. Sau trận tàn sát thảm sầu tại Cambodia, chỉ là tiếng thì thào. Hai triệu vong hồn lạc lõng không ai thương tiếc trong khi bọn phản chiến Hoa Kỳ từng vỗ ngực tự xưng nhân đạo thì cắn càng cắn quẩn trong nỗ lực tuyệt vọng tìm cách đổ lỗi cho người khác. Họ cho rằng sự thối nát và đàn áp của chính quyền chống Cộng Lon Nol gây ra cớ sự khiến Cộng Sản lên cầm quyền. Ngay hôm nay, họ vẫn lố bịch kết tội các lực lượng Hoa Kỳ từng chiến đấu chống Cộng Sản xâm lăng Cam Bốt là đã biến các nông dân Cam Bốt thành những tên Cộng Sản khát máu.
Những kẻ phản chiến này không đủ can đảm nhìn chính họ trong gương, vì nếu làm như thế, họ sẽ nhìn thấy kẻ phải nhận lời mắng chửi: những kẻ chống đối nỗ lực tham chiến chống Cộng sản của Hoa Kỳ, và như vậy đã hỗ trợ Cộng Sản Cam Bốt - những kẻ mà khi lên cầm quyền đã nổ súng và đào mồ chôn tập thể.
Đào sâu vấn đề Việt Nam hôm nay chính là thử nghĩ xem Việt Nam đã có thể ra sao nếu Việt Cộng không chiến thắng. Có phải những người dân miền Nam Việt Nam, Cam Bốt, và Lào sẽ tránh được bao khổ nạn? Có phải những kẻ khủng bố tại những nơi có vấn đề trên toàn thế giới sẽ gặp phải nhiều sức kháng cự của người Âu Tây? Như vậy, nỗ lực chống Cộng tại Đông Dương có phải là một nỗ lực chính đáng?
Lời đáp cho mỗi câu hỏi trên là VÂNG, đúng vậy, và chính vì thế mà các câu hỏi hiếm khi được đặt ra. Chúng ta phải nêu lên các câu hỏi này, ngày hôm nay, nếu Tự Do còn tồn tại và một nền Hoà Bình chân chính còn là mục đích chung của thế giới.
(Còn tiếp)
http://www.diendantheky.net/2010/08/ung-lap-lai-kinh-nghiem-chien-tranh.html
***
Jan 29, 2011
Nhiều năm sau đó, đài CBS phần tin tài liệu tuyên bố rằng sự thành công của địch quân trong dịp Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân một phần nhờ bởi sự dàn xếp do Tướng Westmoreland đứng đầu, nhằm ém nhẹm các tin tình ...
Aug 26, 2010
Viết “Đừng Lập Lại Kinh Nghiệm Việt Nam- No More Vietnam”, Richard Nixon - với cái nhìn cá biệt của một người từng đóng vai trò Lãnh Đạo Hoa Kỳ trong giai đoạn sôi bỏng nhất của chiến tranh Việt, đã quyết tâm xóa tan ...
Oct 26, 2010
Chưa bao giờ trong lịch sử có quá nhiều năng lực bị tiêu phí một cách vô ích như tại chiến tranh Việt Nam. Ít khi nào một quốc gia lại ở thế thượng thừa về vũ lực hơn là trường hợp Hoa Kỳ so với Bắc Việt năm 1959.
Nov 15, 2010
ĐỪNG LẬP LẠI KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM (NO MORE VIETNAM). at 11/15/2010 12:50:00 PM. Richard Nixon. Nường Lý chuyển ngữ. Kỳ 8 (Tiếp theo). Cuộc chiến do Bắc Việt khởi xướng có thể có chính nghĩa nếu nó dựa theo ...
Dec 14, 2010
ĐỪNG LẶP LẠI KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM (NO MORE VIETNAMS). at 12/14/2010 12:00:00 AM. Richard Nixon. Nường Lý chuyển ngữ. Kỳ 10 (Tiếp theo). Sự thất bại của chúng ta trong việc ngăn ngừa Bắc Việt Nam thành lập ...
Dec 27, 2010
Tổng thống Diệm đã ổn định miền Nam Việt Nam như một tảng đá chủ chốt giữ vững cả một vòm trời. Các lực lượng chính trị đồng quy tụ về ông từ mọi hướng khác biệt, nhưng vì có thể dùng lực lượng này để cân bằng lực ...
Dec 20, 2010
ĐỪNG LẶP LẠI KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM (NO MORE VIETNAMS). at 12/19/2010 11:59:00 PM. Richard Nixon. Nường Lý chuyển ngữ. Kỳ 11 (Tiếp theo). Trong một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về lời cáo buộc Tổng ...
Jan 01, 2011
Johnson cố tình giảm thiểu sự quan trọng của các hành động ông làm trong cuộc chiến tại Việt Nam. Ông tuyên bố rằng ông ra lệnh cho không quân Hoa Kỳ tham dự cuộc chiến trong một lời mở đầu ngắn ngủi của một cuộc ...
Oct 01, 2011
ĐỪNG LẶP LẠI KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM (NO MORE VIETNAMS). at 1/10/2011 11:07:00 AM. Richard Nixon. Nường Lý chuyển ngữ. Kỳ 14. Các cố vấn dân sự đã thuyết phục Johnson rằng Hoa Kỳ nên theo đuổi chiến lược ...
May 10, 2010
Hiệp định Geneve năm 1954 đã tạm thời đưa ra câu trả lời cho thắc mắc “Ai sẽ kế nghiệp người Pháp tại Việt Nam”? Quyết nghị của Hiệp ước này chia Việt Nam thành hai nước riêng biệt: Cộng Sản Bắc Việt Nam và Miền ...
Feb 12, 2010
Tại Việt Nam, sự nổi dậy không phải là một cuộc cách mạng dân tộc, vì người dân Việt không nổi dậy chống chính quyền. Cuộc chiến thực sự là cuộc xâm lăng từ Bắc Việt đội lốt nổi dậy qua quân du kích. Trong khi chúng ta ...
Jun 20, 2012
Cuộc chiến nầy là cuộc chiến phức tạp nhất trong lịch sử Việt Nam, xen lẫn nhiều yếu tố chính trị quốc tế lồng trong chiến tranh lạnh toàn cầu giữa hai khối tư bản và cộng sản. ... (Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 29-8-1949.) ... Bảo Đại thương thuyết với Pháp, đưa đến kết quả là cựu hoàng Bảo Đại ký kết với tổng thống Pháp Vincent Auriol hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam (QGVN), chống lại VNDCCH.
No comments:
Post a Comment