Ngô Nhân Dụng Tại hội nghị Thành Ðô giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, Nguyễn Văn Linh, Lê Ðức Anh và Ðỗ Mười đã “tuyên bố đầu hàng,” tình nguyện đem cả đảng và nhà nước “chui đầu vào thòng lọng” cho Trung Cộng thao túng, lũng đoạn. Hà Sĩ Phu nhận định: “Từ đấy trở đi, chỉ cần 4 năm một lần Trung Quốc khống chế người cầm đầu Việt Nam, tức tổng bí thư đảng, là đủ cho kế hoạch xâm lược tiến hành trôi chảy.” Thực ra, đảng Cộng sản Trung Hoa đã nắm lấy cái đầu của Cộng sản Việt Nam từ năm 1950. Sau đó, họ tiếp tục nắm cái đầu “bằng con đường đi qua bao tử” trong suốt thời chiến tranh xâm chiếm miền Nam. Trong thời gian đó, mỗi năm ông Lê Thanh Nghị sang Bắc Kinh đưa một danh sách những món cần “chi viện” kinh tế; từ cơm sấy, cá khô cho đến từng cây kim, sợi chỉ. Bởi vậy khi Lê Duẩn trở mặt quay sang thần phục Liên Xô hoàn toàn, chống “Trung Quốc xâm lược,” gọi Ðặng Tiểu Bình là “Ðặng Lưu Manh,” thì Bắc Kinh nổi giận, cho “bọn phản phúc” một bài học năm 1979. Bài học đó được trả bằng xương máu của dân và bộ đội bị quân Tàu giết. Lê Duẩn đã gieo tai họa cho đám đàn em, cả bọn bơ vơ sợ hãi khi nhìn cảnh Liên Xô sụp đổ cùng với các đảng cộng sản chư hầu Ðông Âu. Vì thế, sau cùng họ phải quay đầu 180 độ, quy phục Trung Cộng. Nước cờ ngoại giao liều lĩnh và tai hại của Lê Duẩn có thể được thúc đẩy vì chứng kiến “Bác” lúi cúi theo Trung Cộng quá đáng cũng cảm thấy nhục lây; lại vì ông ta muốn chứng tỏ mình giỏi hơn họ Hồ.
Sở dĩ Hồ Chí Minh trung thành với các đường lối của Mao Trạch Ðông từ năm 1950 cho tới khi chết là vì ông muốn chứng tỏ mình là một người cộng sản trung kiên. Từ thập niên 1930, Hồ Chí Minh về Moscow (MatxCơva) đã bị Stalin nghi ngờ, và suýt bị xử tử, thì mối lo lớn nhất của Hồ Chí Minh là sợ bị ông Trùm Ðỏ thanh trừng. Hồ đã có kinh nghiệm cá nhân: Chính mình lập ra đảng Cộng sản Việt Nam nhưng ngay lập tức bị Stalin bắt đổi tên, và đặt Trần Phú lên thay làm tổng bí thư. Những năm 1930, Hồ Chí Minh ở thủ đô Nga cũng chứng kiến cảnh Stalin đã lần lượt giết hết các đồng chí trong Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô. Và sau đó, còn biết Stalin đã cho tay chân đuổi theo Trotsky khắp thế giới, sau cùng ám sát được nhà lãnh tụ Cộng sản Ðệ tứ Quốc tế. Năm 1946 sở dĩ Hồ Chí Minh phải sai giết những nhà cách mạng Cộng sản Ðệ tứ Việt Nam như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, vân vân, cũng vì nếu để cho những người yêu nước này sống thì lại lo sẽ bị Stalin nghi ngờ ăn ở hai lòng.
Cho nên, năm 1950, khi Stalin nói giao đảng Cộng sản Việt Nam cho Mao Trạch Ðông chỉ đạo, thì từ đó Hồ Chí Minh hoàn toàn tuân theo chỉ thị này. Ðến lúc Stalin chết, năm 1953, thì Mao Trạch Ðông đã nắm được cái đầu của đảng Cộng sản Việt Nam trong thòng lọng từ lâu rồi. Tháng Giêng năm đó, Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh; thấy Mao Trạch Ðông đã đi Moscow rồi, nên xin Lưu Thiếu Kỳ giúp đỡ di chuyển sang Nga. Ở thủ đô Nga, Hồ Chí Minh bị Stalin tỏ vẻ khinh thường: Không đến dự tiệc do ông Hồ tổ chức khoản đãi; không có một hình thức tiếp đón chính thức để chụp hình. Stalin lại từ chối không viện trợ, và lắc đầu khi Hồ Chí Minh xin cho ký một thỏa hiệp hữu nghị, như Stalin đã ký với Mao Trạch Ðông. Hồ Chí Minh chỉ xin được Stalin ký tên trên một bức hình xé từ một tạp chí hình ảnh; làm kỷ niệm. Stalin ký tên cho, nhưng sau đó sai mật vụ KGB bí mật đến tận phòng, lục va li, lấy lại. Mỗi lần Hồ Chí Minh ngỏ ý xin chi viện, Stalin đều nói: các đồng chí Trung Quốc hiểu rõ người Châu Á hơn; mọi việc hãy hỏi họ, tôi sẽ ủng hộ. Stalin đã gán Hồ Chí Minh cho Mao Trạch Ðông từ đó.
Trên xe lửa trở về Bắc Kinh, Hồ đã nhắc với Mao về việc bị Stalin bỏ rơi, và nói: Chúng tôi chỉ còn dựa và Trung Quốc. Từ năm đó, các đoàn cố vấn Trung Cộng bắt đầu xâm nhập nước ta từ trên xuống dưới, trong chiến trận cũng như trong chính trị, đặc biệt là cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu hoàn toàn theo khuôn mẫu của các cố vấn. Khi tái lập đảng Cộng sản dưới tên mới là đảng Lao Ðộng, Hồ Chí Minh cố chứng tỏ mình là một con người cộng sản hoàn toàn. Tạp chí Học tập Liên khu 4, Tháng Tư năm 1951 đã viết (trang 1 đến trang 8) bài tường thuật “Ðại hội Ðảng Toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc vào tháng 3 năm 1951, do một phóng viên của tờ Học tập ghi lại.
Hồ Chí Minh tán dương các chiến sĩ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó; nhưng ông không đề cao lòng yêu nước của họ mà lại giải thích họ hy sinh chỉ vì chủ nghĩa Cộng sản. Bài báo ghi nguyên văn lời ông Hồ giải thích các hành động anh dũng của các người lính Việt Nam:
“Ðó là vì đâu? Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi mặt công tác khác, Ðảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa (Hồ-Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine) Sau khi chỉ tay lên hình Staline (tên viết theo lối Pháp), Hồ lại ca ngợi công ơn đảng Cộng sản Trung Quốc “đã thấm nhuần chủ nghĩa Marx-Lénine...” Hồ Chí Minh biện minh: “Nếu không thấm nhuần như thế, thì sao lại có bộ đội nhịn đói hơn 4 ngày, vẫn cứ bám lấy giặc mà đánh và đánh thắng giặc! (Ðại hội vỗ tay dài). Thì sao có những cử chỉ oanh liệt như ở một trận đánh nọ có chiến sĩ bị thương ở tay nói với người bên cạnh “Cậu chặt tay cho mình cái” vì thấy cánh tay gãy vướng, chặt đi cho dễ đánh, thế rồi lại cứ xung phong? Nếu không thấm nhuần chủ nghĩa Marx-Lénine thì làm sao có được những cử chỉ oanh liệt như thế?” (Ðại hội vỗ tay).” Hồ Chí Minh lại giải thích tiếp: “Chúng ta lại nhờ có ông anh này! (Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí Mao-Trạch-Ðông) (Ðại hội vỗ tay vang dậy - và đứng dậy hô lớn đồng chí Mao-Trạch-Ðông muôn năm!)
Ðó là nguyên văn những lời ông Hồ đã nói. Không nói gì đến lòng yêu nước của người Việt Nam; không hề nói đến Tổ tiên đã noi gương tranh đấu chống xâm lăng. Chỉ biết ơn ông Xít, ông Mao. Hồ Chí Minh nộp dân Việt Nam lên bàn thở chủ nghĩa cộng sản. Muốn chứng tỏ công ơn của MaoTrạch-Ðông đối với cuộc kháng chiến của người Việt Nam, Hồ Chí Minh kể lể: “Ông Mao ở cách đây mấy nghìn dặm... Ông theo dõi từng bước cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta. Như lúc quân đội và nhân dân ta giải phóng biên giới, như lúc chúng ta mở chiến dịch Trung-du có thể đêm ông không ngủ mà chờ tin tức...” Như các cố vấn Trung Cộng ở Việt Nam lúc đó thuật lại, thì Mao-Trạch-Ðông đã chỉ thị đến từng chi tiết các trận đánh; vì Mao cũng là một lý thuyết gia quân sự, và ông rất thích điều khiển để thí nghiệm các khẩu hiệu trong binh pháp của ông.
Tinh thần lệ thuộc của Hồ Chí Minh đối với Cộng sản Trung Quốc đã rõ ràng, không ai chối cãi được. Sau đó, những gì xẩy ra thì chúng ta đã biết. Năm 1958, khi Phạm Văn Ðồng ký văn thư đồng ý với chính phủ Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải, mặc nhiên công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc, lúc đó Hồ Chí Minh vẫn còn nắm toàn quyền, sau khi Trường Chinh đã mất chức, mà Lê Duẩn thì mới lên.
Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết một bài ca tụng “40 năm vẻ vang, 40 năm thắng lợi”... “viết những trang lịch sử vĩ đại của Ðảng Cộng sản Trung Quốc,” đăng trên nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội ngày 1 Tháng Bảy năm 1961. Trong bài báo đó (in lại trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập X, NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 2000, trang 365-368), Hồ Chí Minh đã kể rõ công ơn của Cộng sản Trung Quốc đối với đảng Cộng sản Việt Nam. Công ơn đầu tiên là “Ảnh hưởng Cách Mạng Tháng Mười Nga và lý luận Mác-Lênin phần lớn kinh qua Trung Quốc mà truyền đến Việt Nam.” Nói cách khác, ngay trên mặt lý thuyết căn bản, cộng sản nước ta chịu ơn của cộng sản Tầu dạy dỗ.
Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, cuốn số 11, từ trang 64 đến trang 76, có đăng bốn bài diễn văn của Hồ Chí Minh khi đón tiếp Lưu Thiếu Kỳ tới Hà Nội năm 1963. Trong lời chào đón phái đoàn Lưu Thiếu Kỳ và Trần Nghị ở sân bay Gia Lâm, Hồ Chí Minh đã đọc hai câu thơ: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa; Vừa là đồng chí vừa là anh em.” Trong bài diễn văn tại buổi tiệc chiêu đãi phái đoàn nước đàn anh, ông Hồ đã nhắc lại một câu ngạn ngữ của người Tầu để nói tới “...tình đoàn kết như môi mới răng giữa hai nước và hai đảng chúng ta...” Ðây là những bản văn chính thức được Hồ viết ra, đăng trên báo Nhân Dân, đặt tiền lệ cho các khẩu hiệu “đồng chí-anh em” và “như môi với răng.”
Hai khẩu hiệu đó được hai đảng cộng sản dùng mãi sau này, chỉ ngưng dùng mươi năm sau cuộc chiến biên giới 1979 khi răng cắn môi chẩy máu. Nhưng sau cuộc đầu hàng ở Thành Ðô năm 1992, các khẩu hiệu đó lại được các đồng chí Trung Quốc nhắc nhở. Vì chính ông Hồ đã nói những khẩu hiệu đó trước, cho nên đảng Cộng sản Việt Nam không thể từ chối được! Trung Cộng bèn “triển khai” ra 16 cái chữ vàng để cái thòng lọng thắt chặt hơn.
Hiện nay ở trong nước, các tay đầu sỏ trong đảng cũng không mấy khi nhắc đến Hồ Chí Minh nữa, trừ mấy dịp lễ lạt. Các “cháu” chắc cũng biết cái bùa đó hết thiêng rồi. Hà Sĩ Phu tiết lộ: “Một blogger tối thân cận với trùm chuyên chính vô sản đã gọi Hồ Chí Minh là ‘Ku Nghệ’ mà không bị khiển trách; thì đủ biết trong hậu trường họ đối với cụ Hồ cũng chẳng thành kính gì.” Vì họ biết Ku Nghệ là người đầu tiên dẫn cả đảng, cả nước chui đầu vào cái thòng lọng Tân Ðại Hán.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=153594&zoneid=7 | | | | | | |
No comments:
Post a Comment