Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Sáng 25 tháng 7 năm 2012 buổi Phát thanh Quân đội Nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi một bài khá dài của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng Bộ Quốc phòng – nói về chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Bài viết nhấn quá mạnh đến chủ trương hòa bình, đến nỗi người nghe hiểu rằng Việt Nam không cần, không nên, không được nghĩ đến đấu tranh vũ trang để bảo vệ tổ quốc.
Không tìm được bài viết đó để bình luận, tôi tìm đọc lại một vài bài trả lời phỏng vấn của ông này và thấy không thể không phát biểu ý kiến.
Những nhận thức kỳ lạ của vị Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam
Xin dẫn ở đây một số ý kiến phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi trao đổi với báo Tuổi trẻ sau khi trở về từ Hội nghị Đối thoại Shangri-La:
- Với những diễn biến gần đây trên biển Đông, theo ông, đâu là giải pháp ngắn hạn và dài hạn cần thiết cho Việt Nam?
Đối với những vấn đề cụ thể như sự kiện ngày 26/5 (tàu Trung Quốc vào cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam), chúng ta phải nhìn nhận đúng bản chất trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây là vụ việc nghiêm trọng về tính chất cũng như hệ lụy lâu dài. Việc tàu chấp pháp của nước ngoài vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để hoạt động mang tính chất pháp luật là hiếm có trong quan hệ trên biển. Việc này vừa gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam, vừa là một hành động bạo lực dưới danh nghĩa dân sự (1).
- Nếu bạo lực đó không được kiềm chế thì sẽ phát triển leo thang. Trung Quốc dựa trên cơ sở nào để có hành xử như vậy?
Nếu về luật quốc tế thì chỉ có duy nhất “đường 9 khúc” mà Trung Quốc tự đưa ra, mà theo tôi được biết chưa có nước nào hay tổ chức quốc tế nào thừa nhận và chưa có chứng lý nào khả dĩ để chứng minh. Như vậy, phải chăng Trung Quốc đang đi những bước đầu tiên để hiện thực hóa “đường 9 khúc”? Nếu vấn đề này là có thật thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác (2).
… Chúng ta tin rằng có thể giải quyết được trong hòa bình và vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ. Quá khó khăn nhưng nếu phân tích dưới góc độ lợi ích, chúng ta hi vọng. Hi vọng đó xuất phát từ sự tin tưởng vào lãnh đạo các nước lớn tính toán lợi ích chiến lược của chính họ... Muốn giải quyết được những vấn đề tương tự, chúng ta phải bằng chính nỗ lực, nội lực của mình và giải quyết với chính nước có vấn đề với Việt Nam, cụ thể ở đây là Trung Quốc. (3)
Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề...
Tiếp theo, chúng ta giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và chúng ta có cơ sở để kiên trì giải pháp hòa bình trên tinh thần tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong thế giới toàn cầu hóa, Trung Quốc cần một hình ảnh tốt đẹp để phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội...
Trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?
Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được vấn đề này….
...... Điểm cuối cùng là chúng ta cần quan tâm xây dựng quân đội tinh gọn, hiện đại. Không trang bị vũ khí có tính chất tấn công mà chỉ mang tính tự vệ. Không tham gia các liên minh quân sự…….(7)
- Sự phối hợp giữa các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư... như thế nào để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh an toàn cho ngư dân?
Chủ trương của ta trong các va chạm dân sự thì các chủ thể dân sự giải quyết với nhau trên cơ sở giám sát của các cơ quan pháp luật, cơ sở luật pháp quốc tế và nước mình. Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ không để vụ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết….(8)
- Ông đánh giá thế nào về khả năng ra đời COC (Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông)?
COC là văn kiện cần thiết cho ASEAN và Trung Quốc, được nhiều nước quan tâm để cải thiện mối quan hệ trên biển Đông. ASEAN cam kết thực hiện tốt DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông) và tiến tới COC. Như Indonesia tuyên bố cố gắng cuối năm nay có được COC. Thủ tướng Campuchia Hun Sen mong muốn năm sau kỷ niệm mười năm DOC tại Phnom Penh sẽ ký luôn COC. Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN.5 cũng khẳng định cần khẩn trương xây dựng COC...(5)
- Đã có người ví ASEAN cần như bó đũa?
Tôi rất mong có COC nhưng không coi COC là trang bị pháp lý tuyệt đối, đầy đủ để giải quyết mọi vấn đề ở biển Đông. Cái mà chúng ta chờ đợi là hành động của chính mình, giải quyết trực tiếp với những quốc gia có khác biệt, tranh chấp với chúng ta như đã đề cập. Không thể trông chờ vào một nước nào đó, một diễn đàn đa phương nào đó bởi những yếu tố này chỉ là hỗ trợ. Ngay cả Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển họ còn coi thường thì cũng không lấy gì đảm bảo COC giải quyết được vấn đề (6).
- Những vụ việc gần đây trên biển Đông cho thấy giữa tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc với hành động thực tế rất khác biệt, nói không đi đôi với làm, thậm chí việc làm đi ngược lại với lời nói. Ông nghĩ sao về việc này?
Cái đó thời gian sẽ trả lời. Bộ trưởng Lương Quang Liệt phát biểu tại Shangri-La rất tầm cỡ, rất hòa hiếu, thiện chí. Chúng ta chờ những hành động cụ thể thể hiện thiện chí đó. Còn với một đất nước có một sự quản lý chặt chẽ như Trung Quốc, việc cấp dưới đi ngược lại ý kiến cấp trên là điều khó xảy ra (4).
Bình luận
1 - Phải chăng, do quá dè dặt, ông Vịnh đã sử dụng một số thuật ngữ không đúng. Dù nể nang mấy đi nữa, câu (1) ít nhất lẽ ra phải là:
“ … Việc tàu chấp pháp của nước ngoài vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để hoạt động là phạm pháp nghiêm trọng, không thể có trong quan hệ trên biển …”
Câu (2) phải sửa là:
“ … Hiển nhiên là Trung Quốc đang đi những bước đầu tiên để hiện thực hóa “đường 9 khúc”? Nếu vấn đề này trở thành hiện thực thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác”.
2 - Trong câu (3), nói “ … chúng ta hi vọng. Hi vọng đó xuất phát từ sự tin tưởng vào lãnh đạo các nước lớn tính toán lợi ích chiến lược của chính họ..”, sau đó lại nhắc lại: “Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được vấn đề này…” chứng tỏ ông Vịnh rất mơ hồ, phi thực tế khi không nhìn vào những việc họ đang làm; phi lịch sử khi không nhớ những việc họ đã làm (đàn áp Thiên An Môn, kéo quân sang dạy cho Việt Nam một bài học …)
3 – Là trùm tình báo nhưng ông không tiên liệu được mà ngây thơ khẳng định như đinh đóng cột: “Thủ tướng Campuchia Hun Sen mong muốn năm sau kỷ niệm mười năm DOC tại Phnom Penh sẽ ký luôn COC” (câu 5).
4 - Tệ hại đến mức ông ta còn ca ngợi bọn kẻ cướp gian trá như một vĩ nhân thánh thiện: “Cái đó thời gian sẽ trả lời. Bộ trưởng Lương Quang Liệt phát biểu tại Shangri-La rất tầm cỡ, rất hòa hiếu, thiện chí. Chúng ta chờ những hành động cụ thể thể hiện thiện chí đó …” câu (4).
5 – Nói: “Muốn giải quyết được những vấn đề tương tự, chúng ta phải bằng chính nỗ lực, nội lực của mình và giải quyết với chính nước có vấn đề với Việt Nam, cụ thể ở đây là Trung Quốc” (câu 3),
sau đó nhấn mạnh “Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề.…”;
rồi lại nói thêm như trong câu (6): “không coi COC là trang bị pháp lý tuyệt đối, đầy đủ để giải quyết mọi vấn đề ở biển Đông. Cái mà chúng ta chờ đợi là hành động của chính mình, giải quyết trực tiếp với những quốc gia có khác biệt, tranh chấp với chúng ta như đã đề cập”
là mắc mưu Trung Quốc, ngây thơ tự trói mình.
Một thằng kẻ cướp khổng lồ có vũ khí hiện đại hơn đã xông vào nhà rồi, chủ nhà gầy yếu, lại chỉ có vũ khí thô sơ mà không biết hô hoán lên cho thiên hạ trợ giúp thì không chỉ mất của mà còn phải nạp mạng cho nó.
6 - Không thể hiểu sao một ông Thứ trưởng Quốc phòng mà lại nói: “ ….chúng ta cần quan tâm xây dựng quân đội tinh gọn, hiện đại. Không trang bị vũ khí có tính chất tấn công mà chỉ mang tính tự vệ. Không tham gia các liên minh quân sự……. (7), ngạc nhiên hơn, ông ta còn nói: “Chủ trương của ta trong các va chạm dân sự thì các chủ thể dân sự giải quyết với nhau trên cơ sở giám sát của các cơ quan pháp luật, cơ sở luật pháp quốc tế và nước mình. Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ không để vụ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết…”(8).
Khi bị tấn công, muốn tự vệ phải phản công, phản công cũng cần vũ khí tấn công chứ. Nó chiếm đảo của mình rồi, đuổi bằng mồm mãi mà nó không đi thì phải tấn công chứ.
Bộ đội phải bảo vệ nhân dân. Đâu phải đã một lần họ bắt bớ, đánh đập, bắn giết ngư phủ mình mà họ đang dự tính trang bị vũ khí cho tất cả ngư phủ của họ đặng tiệt diệt ngư phủ mình mà quân đội cứ nhất quyết không tham gia giải quyết ư?
Vả chăng chính ông Vịnh đã phải thừa nhận việc Trung Quốc xông vào thềm lục địa cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Việt Nam hôm 26-5-2011 là: “Việc này vừa gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam, vừa là một hành động bạo lực dưới danh nghĩa dân sự” (1) kia mà.
Rõ ràng: một mặt Trung Quốc sử dụng sách lược “hòa bình” để gặm dần đảo, biển của ta, rồi câu dầm để biến thành chuyện đã rồi (mưa lâu cứt trâu hóa bùn), mặt khác tung chiêu đàm phán song phương để cô lập ta. Đấy là những âm mưu nham hiểm rất hại cho ta. Vậy mà, lãnh đạo quân đội ta như tướng Vịnh vô tình hay cố ý lại nối giáo cho giặc, như một nội gián?!
Phải làm gì?
Trung Quốc đã và đang xâm lược Việt Nam ngày càng trân tráo rồi. Họ đã đánh chiếm Hoàng Sa và mặc nhiên coi vùng biển xung quanh là của họ rồi. Họ đã cướp một số đảo ở Trường Sa và đang gấp gáp tiến tới chiếm toàn bộ quần đảo này. Họ ngang nhiên đánh bắt hải sản, thăm dò khai thác khoáng sản trên vùng biển của ta và đánh đuổi tàu thăm dò Địa vật lý của ta, ngư phủ của ta, như trong ao nhà của họ rồi. Ngày 13.7.2012 họ đưa 30 “tàu đánh cá”, gồm một tàu hậu cần có trọng tải 3.000 tấn và 29 tàu cá trọng tải 140 tấn. Từ trưa hôm qua, theo tin chính thức từ Trung Quốc, 8.994 tàu thuyền cùng 35.611 người Trung Quốc đã ồ ạt tràn sang Biển Đông của ta để ăn cướp. Ngày 19.7.2012, họ đưa tàu đổ bộ xuống khu vực Trường Sa. Đây là con tàu chở lính và thiết bị hậu cần Trung Quốc thuộc lớp Ngọc Đình, có số hiệu No. 934, mang theo 3 súng hạng nặng, cần cẩu và có bãi đỗ trực thăng. Cuối tháng sáu vừa qua, Bắc Kinh loan báo thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa (với tổng diện tích lên tới 2,6 triệu kilomet vuông), chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 20.7.2012 Tân Hoa Xã đã đưa tin về việc quân đội Trung Quốc thông qua kế hoạch lập Bộ chỉ huy quân sự Tam Sa đóng tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã giao cho Bộ chỉ huy này trách nhiệm huy động các đơn vị quốc phòng và lực lượng dự bị cho thành phố Tam Sa.
Cấp trên ra lệnh hẳn hoi chứ đâu như ông Vịnh nói: “việc cấp dưới đi ngược lại ý kiến cấp trên là điều khó xảy ra” (4).
Cứ đà này, cung cách này thì không lâu nữa ta chỉ mất Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa mà mất đứt toàn bộ Biển Đông.
Làm gì còn hòa bình khi họ đã nổ súng bắn chết ngư phủ của ta, đâm chìm tầu thuyền, đưa tàu quân sự tung hoành ngang dọc và sắp tập trận bắn đạn thật trên biển của ta...
Giặc đã vào nhà chẹn cổ chủ nhà lấy của cải, lại cho lính gác không cho ai ra vào nhưng không chỉ hàng xóm mà con cháu trong nhà vẫn thấy im ắng chỉ vì chúng ta nhẫn nhục quá, hèn hạ quá, không dám chống cự để bảo vệ mình và quyền lợi con cháu mai sau.
Làm gì còn hòa bình mà cứ rêu rao mãi “16 chữ vàng” và “bốn tốt”!
Cho nên, không thể khác được nữa. Không thể cứ ru ngủ nhân dân một cách tội lỗi bằng hai chữ hòa bình. Hòa bình là cứu cánh chứ không phải phương tiện. Muốn có hòa bình phải chiến đấu. Đổ máu ra để giữ lấy giang sơn cũng đành. Trước đây chỉ vì nửa phần lãnh thổ (320. 000 km2) mà ta đã hè nhau đốt cháy cả dãi Trường Sơn cũng quyết thì phần lãnh hải này còn lớn gấp chục lần (hơn 3 triệu km2) và trong tương lai không xa sẽ đóng góp non nửa GDP cho toàn quốc.
Không tuyên chiến với Trung Quốc nhưng phải đánh bọn kẻ cướp. Phải đánh đuổi những tầu thuyền sang đánh bắt hải sản của ta. Phải tiêu diệt cái Bộ Chỉ huy Quân sự nước ngoài đóng trên đảo Phú Lâm của ta. Phải tấn công những tầu quân sự dám xâm phạm vùng biển của ta.
Chưa nên và chưa thể làm ngay như vậy nhưng phải có dự lệnh. Phải hạn định thời gian buộc họ rút về và không được ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của ta nữa. Thời hạn dự lệnh cần tính toán đủ để ta làm được những việc sau đây: (1) tăng cường nội lực, (2) tố cáo mạnh mẽ với quốc tế và Liên Hiệp Quốc, (3) phát động tinh thần quyết tâm chống ngoại xâm của nhân dân ta, (4) thiết lập được quan hệ đồng minh chiến lược và liên minh quân sự với Hoa Kỳ, (5) thỏa thuận để Hoa Kỳ trở lại quân cảng Cam Ranh, (6) lập kế hoạch hợp đồng tác chiến với Nhật Bản, Phillipines …
Có làm được như vậy không?
Phillipines làm được, sao ta không làm được.
Không liên minh quân sự để làm nhiệm vụ quốc tế (như trước đây chiến đấu vì Chủ nghĩa Xã hội) nhưng liên minh quân sự để tự vệ là cần thiết. Không liên minh với A để chống B, vì A; nhưng liên minh với A để đánh đuổi B, bảo vệ chủ quyền của mình là không thể không làm.
Không phải như ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói: “nếu có xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông thì sẽ không bên nào thắng”.
Nhất định ta thắng, nếu thực hiện được bước chuẩn bị như trên.
Vả chăng, chỉ xét riêng tương quan lực lượng trên biển giữa ta với Trung Quốc hiện nay cũng đủ bảo đảm ta có thể thắng.
Số tầu mặt nước, tầu ngầm, máy bay Trung Quốc nhiều hơn nhưng không hiện đại hơn ta bao nhiêu, thậm chí kém ta nếu ta có sự yểm trợ (ngầm) của Hoa Kỳ và các nước tiên tiến.
Với tàu tên lửa tốc độ cao “Molniya-12418” và tàu ngầm “Kilo- 636”, hải quân Việt Nam có thể đương đầu ngang ngửa với hải quân Trung Quốc.
Với tên lửa siêu âm “Brahmos” (của ấn Độ) và “Yakhont” (của Nga), chỉ trong vài giờ ta có thể phá tan sân bay Trung Quốc vừa xây dựng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Khi đó, không quân ta được trang bị máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” và “Su- 27SK/UBK” sẽ chiếm ưu thế. Máy bay Trung Quốc cất cánh từ sân bay tại đảo Hải Nam, phải vượt một khoảng cách đường thẳng đối với 29 đảo bãi Việt Nam đang kiểm soát lên đến 1.200 – 1.300 km, trong khi khoảng cách của ta chỉ 400 – 600 km. Có dãi Trường Sơn ngăn chặn, máy bay “Su- 27SK” và “J- 10A” của Trung Quốc, sau khi tham chiến, trên đường bay trở về căn cứ tại đảo Hải Nam hay căn cứ Toại Khê, Quế Lâm (Quảng Tây), đều phải bay trong tầm tác chiến của máy bay chiến đấu “MiG- 21Bis” của Không quân Việt Nam cất cánh từ các căn cứ không quân Nội Bài, Phú Bài … chặn đánh tan tác trong trạng huống máy bay Trung Quốc đã hết vũ khí và thiếu nhiên liệu.
Không tỉnh táo cách mạng nhận thức mà cứ tiếp tục chìm đắm trong sự phỉnh phờ lừa đảo của Trung Quốc thì không chỉ chắc chắn mất mất đảo, mất biển mà còn mất nước. Không thể không đánh cho nên, muốn không phải đánh lớn, không phải đánh lâu dài và đánh thắng thì phải chuẩn bị đánh ngay, vì:
Nếu đánh ngay, chỉ phải đánh nhỏ trên đảo và trên biển. Trung Quốc chưa thể mở rộng chiến tranh, phần vì chưa đủ lực, phần vì chưa muốn tự xé toạc tấm màn che để lộ sớm trước thế giới bộ mặt sắt máu Đại Hán. Vả chăng, Trung Quốc ngày nay đang run sợ rằng chiến tranh quy mô Trung Việt xảy ra sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự thành lập chính thức tập đoàn “NATO biển Đông”. Từ sau năm 1995, Mỹ cùng 6 nước ASEAN là Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Bruney hàng năm đã thường xuyên tổ chức những cuộc diễn tập quân sự mang tên “Karat”, (được mệnh danh là “Tập đoàn Karat”), và trên thực tế đã trở thành quan hệ “chuẩn đồng minh”. Hiện nay, tại khu vực này, đã tồn tại “Hiệp ước đồng minh Mỹ – Singapore – Australia”.
Biển Đông quẫy sóng còn làm cho Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản có thể thực hiện chương trình Nam tiến. Hoa Kỳ được khuyến khích và có căn cứ hợp pháp để can thiệp quân sự trực tiếp.
Trong lâu dài, nếu Trung Quốc vươn lên ngang tầm với Hoa Kỳ thì rất có thể họ phải đàm phán, nhân nhượng, nhường Biển Đông và Việt Nam cho Trung Quốc để giữ quyền lợi của mình ở những nơi khác. Kinh nghiệm cho thấy, Mỹ đã từng giốc sức cho Miền Nam Việt Nam nhưng đến hồi mệt mỏi thì đã xảy ra chuyến đi đêm của Nixon với Tàu. Trong khi đó, hiện nay, Hoa Kỳ đang gấp rút trở lại Châu Á với ý đồ chiến lược ngăn chặn hiểm họa bành trướng Đại Hán. Trước mắt Hoa Kỳ rất cần cộng hưởng thực hiện chủ trương này.
*
Tóm lại:
Nhận định rằng Trung Quốc dứt khoát không trả Hoàng Sa, không buông tha Trường Sa và Biển Đông.
Nếu không muốn phải đánh lớn và đánh lâu dài thì phải chuẩn bị đánh ngay, sau một hạn lệnh nhất định mà Trung Quốc vẫn ngang nhiên xâm chiếm.
Muốn đánh thắng phải liên minh quân sự với Hoa Kỳ và hợp đồng tác chiến với Nhật Bản, Singapore... Thỏa thuận để Hoa Kỳ trở lại quân cảng Cam Ranh.
Ý kiến khác lạ cần được đón nhận bằng cách mạng tư duy, tha thiết mong các vị lãnh đạo điềm tỉnh suy xét và cho thảo luận công khai (như buổi Diên Hồng) để vận nước được toàn dân cùng định đoạt.
Hà Nội 2 tháng 8 năm 2012
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm - Hà Nội
Mobi: 0984 724 165
*
Nếu xung đột xảy ra thì không bên nào thắng
Nếu có xung đột trên biển Đông thì không bên nào thắng, thiệt hại trước hết cho các nước tham gia xung đột và ảnh hưởng đến những nước có lợi ích ở khu vực.
Tàu Hải quân Việt Nam tập luyện. Ảnh: Đất Việt.
Vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lại chuẩn bị chuyến công du Indonesia dự Hội nghị quốc phòng khu vực ASEAN vào ngày 7/6. Dành cho báo Tuổi Trẻ cuộc trao đổi tối 6/6, ông nói:
Có hai lý do: Thứ nhất là lợi ích trên biển Đông ngày càng phát triển, can dự của các nước lớn vào đây ngày càng nhiều. Thứ hai, tuy cho rằng tình hình biển Đông về cơ bản là ổn định, các nước đều mong muốn hòa bình để phát triển, nhưng những sự kiện gần đây cho thấy biển Đông là khu vực không hề yên tĩnh.
Về phía nước ta đã mang đến Đối thoại Shangri-La thông điệp rất rõ ràng. Trước hết bày tỏ mong muốn biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam giải quyết các vấn đề trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình và công khai, minh bạch. Việt Nam cũng đề nghị cần phải chấm dứt, không để tái diễn các sự kiện trên biển Đông có thể dẫn đến leo thang về tranh chấp, đặc biệt có thể làm ngòi nổ cho các cuộc xung đột.
Nếu có xung đột trên biển Đông thì không bên nào thắng, thiệt hại trước hết cho các nước tham gia xung đột và ảnh hưởng đến tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.
Trên cơ sở quan điểm chính thống như vậy, đoàn Việt Nam đã nêu sự kiện ngày 26-5 (sự kiện tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - PV) như là một báo động cho việc không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Quan điểm của Việt Nam là các nước có xung đột giải quyết với nhau trên tinh thần cùng lợi ích nhưng công khai, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế. Không nước nào, không thế lực nào được quyền tự đặt ra những luật lệ riêng của họ, không có nước nào được bước qua luật lệ quốc tế đã được thừa nhận hoặc là những thông lệ trong hành xử của thế giới hiện đại ngày nay.
-Với những diễn biến gần đây trên biển Đông, theo ông, đâu là giải pháp ngắn hạn và dài hạn cần thiết cho Việt Nam?
Đối với những vấn đề cụ thể như sự kiện ngày 26/5, chúng ta phải nhìn nhận đúng bản chất trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây là vụ việc nghiêm trọng về tính chất cũng như hệ lụy lâu dài. Việc tàu chấp pháp của nước ngoài vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để hoạt động mang tính chất pháp luật là hiếm có trong quan hệ trên biển. Việc này vừa gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam, vừa là một hành động bạo lực dưới danh nghĩa dân sự.
Nếu bạo lực đó không được kiềm chế thì sẽ phát triển leo thang. Trung Quốc dựa trên cơ sở nào để có hành xử như vậy?
Nếu về luật quốc tế thì chỉ có duy nhất “đường 9 khúc” mà Trung Quốc tự đưa ra, mà theo tôi được biết chưa có nước nào hay tổ chức quốc tế nào thừa nhận và chưa có chứng lý nào khả dĩ để chứng minh. Như vậy, phải chăng Trung Quốc đang đi những bước đầu tiên để hiện thực hóa “đường 9 khúc”? Nếu vấn đề này là có thật thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác.
“Điều tôi mong muốn nhất là làm sao người dân hiểu chỉ có dựa vào chính mình mới giải quyết được việc của mình, không thể dựa vào ai để giải quyết được vì đó chỉ là nhân tố bên ngoài.
Chúng ta tin rằng có thể giải quyết được trong hòa bình và vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ. Quá khó khăn nhưng nếu phân tích dưới góc độ lợi ích, chúng ta hi vọng. Hi vọng đó xuất phát từ sự tin tưởng vào lãnh đạo các nước lớn tính toán lợi ích chiến lược của chính họ...
Người có quyền quyết định là người lãnh đạo, nhưng người có tiếng nói lại là nhân dân. Như lời đại tướng Lê Đức Anh (nguyên chủ tịch nước - PV) nói tôi rất phục, đối tượng ta cần tuyên truyền đầu tiên chính là nhân dân ta và người dân Trung Quốc”.
Muốn giải quyết được những vấn đề tương tự, chúng ta phải bằng chính nỗ lực, nội lực của mình và giải quyết với chính nước có vấn đề với Việt Nam, cụ thể ở đây là Trung Quốc. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đóng cửa.
Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của Việt Nam ngay trong lãnh hải nước ta. Ảnh: TTXVN
Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề. Nhưng chúng ta công khai, minh bạch, ví dụ như những phát biểu tại Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ làm cho cộng đồng thế giới hiểu được ai đúng, ai sai và họ sẽ phán quyết về mặt lương tâm là lẽ phải thuộc về bên nào.
Tiếp theo, chúng ta giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và chúng ta có cơ sở để kiên trì giải pháp hòa bình trên tinh thần tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong thế giới toàn cầu hóa, Trung Quốc cần một hình ảnh tốt đẹp để phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội...
Trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?
Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được vấn đề này. Trên cơ sở nhận thức như vậy, nhưng giải pháp của chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và lợi ích cho chính Trung Quốc, và có thể sẽ được hiện thực hóa trong tương lai, tất nhiên nó sẽ vô cùng lâu dài và khó khăn, nhưng phải kiên trì.
Vấn đề cần thiết nữa là chúng ta phải tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc. Chúng ta muốn hòa bình, hòa hiếu, chỉ muốn giữ mảnh đất, vùng biển của chúng ta theo điều luật quốc tế quy định, và chúng ta cần giữ được độc lập tự chủ về đường lối.
Khi nói để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm và là nét đặc trưng. Chúng ta phải tăng cường các hoạt động đánh cá vùng biển xa, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hình thành lực lượng kiểm ngư, phát triển Trường Sa ngày càng tốt lên, giao lưu giữa biển đảo và bờ...
Một điểm nữa là tuyên truyền trong nhân dân. Nhân dân ta rất yêu nước, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ Tổ quốc. Cần tuyên truyền để dân ta hiểu Công ước Luật biển 1982 là thế nào, biển Đông của chúng ta đến đâu, chúng ta phải hành xử thế nào, các nước hành xử ra sao... để mỗi người đều có tinh thần đấu tranh nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, đấu tranh chính xác để các nước tâm phục khẩu phục, chứ không phải chỉ là những lời nói suông. Chúng ta cũng phải tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng thế giới biết ai đúng ai sai.
Trở lại câu chuyện tại Đối thoại Shangri-La, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:
- Có người hỏi tôi: “Ngài có thất vọng không trước phát biểu của một số nước năm trước rất cứng rắn, năm nay dịu giọng khác hẳn?”. Tôi đáp: “Tôi nhận thấy điều đó, nhưng tôi không thất vọng. Trước hết là vì chúng tôi không đặt cược vào phát biểu của các nước đó. Thứ hai, tôi nghĩ do sự kiện ngày 26-5 mới diễn ra ngay trước thềm hội nghị nên thông tin về vụ việc cũng như hệ lụy của nó chưa được hiểu đầy đủ. Tôi tin một thời gian nữa khi họ hiểu đầy đủ, họ sẽ nhắc lại vấn đề này”.
Trong thế giới mở, toàn cầu hóa hiện nay, khi có xung đột, không nước nào đứng ngoài được. Không nước nào trục lợi được cả, có chăng là trục lợi cục bộ, trục lợi tham lam. Còn nếu muốn tìm kiếm lợi ích thật sự cho đất nước mình một cách chính đáng và lâu dài thì xung đột không đem lại lợi ích cho ai cả.
Tàu Bình Minh 02 lại ra khơi. Ảnh: Nguyên Huy.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta luôn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh ấy là sức mạnh chính nghĩa, được thế giới thừa nhận và ngay chính nội bộ, nhân dân đất nước gây hấn với chúng ta cũng đồng tình với chính nghĩa của chúng ta. Đó là quyền lực mềm, trong thế giới ngày nay điều đó vô cùng quan trọng. Quyền lực mềm ấy chi phối mọi hành động từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, xã hội...
Điểm cuối cùng là chúng ta cần quan tâm xây dựng quân đội tinh gọn, hiện đại. Không trang bị vũ khí có tính chất tấn công mà chỉ mang tính tự vệ. Không tham gia các liên minh quân sự. Đặc biệt không gây lo ngại cho bất kỳ quốc gia nào về đe dọa sử dụng vũ lực. Vừa rồi chúng ta mua tàu ngầm, máy bay... hoàn toàn là để phòng thủ.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La nói rằng tàu ngầm của chúng tôi chỉ hoạt động ở vùng biển Việt Nam. Đó là điều rất hiếm, rất đặc sắc Việt Nam.
- Năng lực quân sự hiện nay đã đủ đáp ứng yêu cầu về phòng thủ biển Đông, thưa ông?
Tôi xin nói ngay với tư cách chuyên gia quân sự, rằng không bao giờ là đủ đối với trang bị quân đội bất kỳ nước nào. Trang bị quốc phòng bao giờ cũng ở tình thế cần phát triển. Chúng ta trang bị vũ khí vừa đủ theo đường lối quân sự Việt Nam, cách đánh của Việt Nam. Tin rằng với sức mạnh tổng hợp như đã nói, chúng ta có thể giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
-Nhưng vấn đề là chúng ta kiểm soát toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền của ta ra sao để có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập và xâm nhập rất sâu vào vùng chủ quyền Việt Nam để gây hấn của tàu nước ngoài?
Việc kiểm soát vùng biển của mọi quốc gia đều vô cùng khó khăn. Chúng ta đang cố gắng kiểm soát tốt nhất vùng biển của mình. Nhưng như sự việc ngày 26-5 vừa qua, việc lưu thông vô hại là quyền của các nước, ta không có quyền ngăn cấm, ngược lại ta còn phải bảo vệ họ. Tàu hải giám Trung Quốc vi phạm là khi bắt đầu lao vào tàu Bình Minh 02 cắt cáp.
- Sự phối hợp giữa các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư... như thế nào để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh an toàn cho ngư dân?
Chủ trương của ta trong các va chạm dân sự thì các chủ thể dân sự giải quyết với nhau trên cơ sở giám sát của các cơ quan pháp luật, cơ sở luật pháp quốc tế và nước mình. Quân đội theo dõi, giám sát chặt chẽ không để vụ việc leo thang nhưng không tham gia giải quyết. Như vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 vừa rồi, ta không đưa hải quân trở thành chủ thể giải quyết. Khác nhiều nước ở chỗ ấy.
Có người hỏi tôi: sao ngư dân ta bị các nước bắt thì bị phạt tiền, xử nặng nhưng khi ngư dân họ vi phạm pháp luật, chủ quyền của ta, ta không hành xử như thế? Ngư dân các nước cũng là người lao động, là dân nghèo. Lỗi của họ chỉ là phần nhỏ. Lỗi chính là ở người quản lý họ. Nếu vi phạm mình lập biên bản, bắt viết cam kết không tái phạm, nếu tái phạm sẽ xử lý trước pháp luật. Rồi mình cung cấp dầu, nước, lương thực mời họ ra. Cái đó là truyền thống dân tộc mình.
Nếu ngư dân mình vi phạm luật pháp nước khác, mình đồng tình xử lý theo pháp luật, nhưng một điều không chấp nhận được là đối xử vô nhân đạo với ngư dân. Cắt dầu, cắt nước, cắt lương thực, tháo dỡ các phương tiện đi biển, phương tiện thông tin liên lạc... Đó là cách hành xử thô bạo, gây nguy hiểm tính mạng ngư dân. Chúng ta kiên quyết phản đối nhưng ta cũng không lấy hành động tương tự để trả đũa.
-Liệu cách hành xử của Philippines có giá trị tham khảo đối với Việt Nam: lập hồ sơ những vụ việc để đưa lên Liên Hiệp Quốc?
Ở đây có hai câu hỏi: câu hỏi một, Philippines đưa hải quân, không quân ra, sao Việt Nam không đưa ra? Tôi nói quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục đích, đó là mời tàu vi phạm luật pháp về. Tàu Bình Minh 02 được bảo vệ để tiếp tục khảo sát thăm dò chính ở vùng biển ấy.
Và chúng ta phản ứng ở các kênh với Trung Quốc và công khai minh bạch với các nước khác để thấy đúng sai. Như vậy mục đích đạt được, không cần huy động lực lượng quân sự. Cái đó mới lâu bền, thể hiện sự kiềm chế của chúng ta, quyết tâm không để xảy ra xung đột.
Câu hỏi hai, xây dựng hồ sơ đưa lên tòa án quốc tế cũng là một lựa chọn. Nhưng xét cho cùng, Việt Nam và Trung Quốc vẫn phải giải quyết với nhau. Tòa án quốc tế đem lại chính nghĩa về mặt lương tâm, tiếng nói của cộng đồng thế giới để Trung Quốc tự nhìn nhận lại mình.
Còn về thực địa, không ai “sờ” vào được. Mình không cự tuyệt lựa chọn này. Nhưng chủ trương của ta hiện nay, theo tôi là đúng đắn, chưa cần thiết tới sự lựa chọn ấy.
-Ông đánh giá thế nào về khả năng ra đời COC (Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông)?
COC là văn kiện cần thiết cho ASEAN và Trung Quốc, được nhiều nước quan tâm để cải thiện mối quan hệ trên biển Đông. ASEAN cam kết thực hiện tốt DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông) và tiến tới COC.
Như Indonesia tuyên bố cố gắng cuối năm nay có được COC. Thủ tướng Campuchia Hun Sen mong muốn năm sau kỷ niệm mười năm DOC tại Phnom Penh sẽ ký luôn COC. Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN.5 cũng khẳng định cần khẩn trương xây dựng COC.
Tuy nhiên còn nhiều khó khăn. ASEAN và Trung Quốc chưa xác định được lộ trình tiến đến COC, còn tùy thuộc vào sự thống nhất trong ASEAN và sự đồng tình tham gia của Trung Quốc. Nhưng trước hết, việc tạo được sự đồng thuận trong ASEAN về cố gắng xây dựng COC cũng là sức mạnh để đấu tranh.
-Đã có người ví ASEAN cần như bó đũa?
Chúng ta không thể trông chờ ASEAN đồng thuận trong mọi vấn đề. Sự can dự của các nước vào ASEAN rất khác nhau. ASEAN chọn những vấn đề chung nhất để tạo sự đồng thuận và rất may mắn trong đó có vấn đề biển Đông, vấn đề hòa bình ổn định, DOC...
Tôi rất mong có COC nhưng không coi COC là trang bị pháp lý tuyệt đối, đầy đủ để giải quyết mọi vấn đề ở biển Đông. Cái mà chúng ta chờ đợi là hành động của chính mình, giải quyết trực tiếp với những quốc gia có khác biệt, tranh chấp với chúng ta như đã đề cập.
Không thể trông chờ vào một nước nào đó, một diễn đàn đa phương nào đó bởi những yếu tố này chỉ là hỗ trợ. Ngay cả Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển họ còn coi thường thì cũng không lấy gì đảm bảo COC giải quyết được vấn đề.
-Việc đầu tư nghiên cứu biển Đông, xây dựng Luật biển có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Chúng ta phải luật hóa, dân sự hóa, kinh tế hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa các hoạt động kinh tế xã hội trên vùng biển của chúng ta. Cái đó là biện pháp cơ bản, lâu dài khẳng định chủ quyền của chúng ta.
***
- Nguoicaonguyen
- Oigioioi
- Changkho_thuychung12345632
- Cù Huy Hà Bão
- 123
- Nguyên Thạch
- Thê thảm
- Hưng
- SOSVN
- Công
- BA ĐUA.
- Vạch mặt Nguyễn Chí Vịnh Thu gọn lại
No comments:
Post a Comment