Wednesday, 22 August 2012

THÁNG 8 MÙA THU LU BÙ THỨ CHUYỆN

Tuần kí số 15
Aug 5 - 2009
Nhạc sĩ Tô Hải

THÁNG 8 MÙA THU LU BÙ THỨ CHUYỆN

Mỗi lần tháng 8 đến, tớ lại nghĩ về cái tháng 8 năm 1945, nghĩ về những ngày hào hùng đi theo Việt Minh quyết giải phóng đất nước. Có hàng ngàn câu chuyện từ quá khứ hiện về có thể kể cho các bạn trẻ nghe suốt ngày không hết. Vậy mà tháng 8 năm nay, tớ bị "bội thực" về đề tài mà sức khỏe không cho phép. Thư kí lại bắt đầu đi học nếu không tớ đã đổi tuần kí thành nhật kí. Có thể trong tháng 8 này tớ sẽ viết tăng năng suất nếu thời giờ của thư kí riêng mới vào năm học cho phép. Vẫn bắt đầu bằng một chuyện nóng xốt của  ngày mùng 1/8 năm nay.

Đêm 31/7, trên VTV1, người ta đưa lên hình ảnh hoành tráng về 1 cơ quan được tổ chức cách đây 79 năm. Đứa trẻ lên 5 cũng biết là nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, tức là cơ quan thành lập trước khi nhà nước này ra đời 36 năm. Nó có tên là Ban tuyên giáo! Tiếc thay cho đến hôm nay chẳng còn ai là người còn sống để làm nhân chứng. Lí do đơn giản là nếu ai còn sống thì đến nay cũng phải hơn tuổi đại tướng Võ Nguyên Giáp?! Thực tế là chẳng còn một ông nào của ban tuyên giáo với quá trình hoạt động 79 năm được trao một huân chương, bằng khen mà chỉ có ông Đào Duy Quát, “nguyên” phó ban tuyên giáo trung ương đứng ra nhận huân chương độc lập hạng nhì. Các ông tuyên giáo lão thành như Hoàng Tùng, Lê Liêm, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần xuân Bách…đã “theo nhau về cõi” (May ra còn ông Hoàng Tùng thì lại mắc vào cái hồi ký “10 nỗi đau của Hồ Chủ Tịch”. Thậm chí một số đã bị đảng khai trừ, ra đi chẳng còn tước hiệu đảng viên chứ chưa kể đến chuyên có công trong  “Tuyên” hay “Giáo gì nữa.

Cũng trong dịp long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 79 năm thành lập cái Ban này, người ta động viên ngành tuyên giáo phải “phát huy truyền thống. vẻ vang của ngành hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” và lại kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê Nin! Cuối cùng họ động viên mọi cán bộ tuyên giáo phấn đấu không ngừng, “vừa hồng vừa chuyên”. Hồng thì là cái chắc rồi. Nhưng chuyên là cái gì thì quả là chính tớ có quá trình 30 năm làm việc trực thuộc ban tuyên giáo cho đến ngày về hưu cũng chưa hiểu được cái nghề tuyên giáo có bài vở gì, kĩ thuật gì ngòai việc nói lại những gì mà bộ chính trị, ban bí thư đã nói, không thêm bớt một chữ. Riêng về vấn đề lãnh đạo tư tưởng thì càng ù càng cạc vì làm sao có thể nắm bắt được những gì ở trong đầu và trong con tim của hàng chục triệu con người.

Tóm lại tuyên giáo chỉ là tuyên truyền những gì Đảng muốn tuyên truyền hoặc là không tuyên truyền những gì Đảng không muốn tuyên truyền. Còn giáo dục thì căn bản là giáo dục chủ nghĩa Mac lê nin (mấy năm nay lại có thêm tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh) nhưng chẳng hiểu sao gần đây lại bỏ mất hai chữ “tư tưởng”? Vậy thì “chuyên” đây là chuyên cái gi? có gì đâu mà chuyên? ai dạy chuyên cho ai? ai giáo cho ai cái gì để có cái chuyên? học cái gì khi cái sự “chuyên” lại nằm ở phạm trù vô hình vô ảnh? Viết đến đây tớ lại nhớ một đoạn trong “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải: “Những người cộng sản phải tự tin và kiêu ngạo lắm mới có tham vọng kiểm soát tâm hồn con người, cho dù đó là cái thứ rất không cụ thể lại cực kì vi điệu, biến thái khôn lường…. Vì chính những cái này mới làm con người người thành Người.”

Còn tớ thì tớ không lí luận dài dòng, sâu sắc như Nguyễn Khải mà chỉ đưa ra  trong một entry cách đây hơn một năm kể một câu chuyện có thật trong một gia đình nhỏ bé của một cán bộ tuyên giáo  cỡ… khơ khớ mà ông đi đường ông, bà đi đường bà, ba đứa con đi ba con đường, ông thích cải lương, bà thích phim Hàn Quốc, ba đứa con thì thích Rock, Rap…” để đưa ra một lời khuyên: “Lãnh đạo tư tưởng? Khó lắm các vị tuyên giáo ơi!”. Vậy thì làm sao có thể uốn nắn tư tưởng cho cả mọi người phải đi theo ông bố. Chưa kể có những mâu thuẫn ngay trong một gia đình của một cán bộ cao cấp mà tớ biết. Bố hàng ngày đi lên lớp ở trường Đảng, con thì ngày sinh nhật, rút đô-la ở ví mẹ đi mua một lúc 9 xe máy loại xịn cho 8 bạn cùng rú ga phóng bạt mạng trên đường phố Hà Nội .Còn 1001 chuyện con “kê tủ đứng” vào mồm bố bằng những hành động lời nói, bằng những chuyện ăn chơi, thác loạn trong cũng như ngoài nước mà các friends trẻ có thể còn biết hơn tớ nhiều…

Vậy thì giáo dục con chả nổi lại đòi giáo dục tư tưởng Mác xít, Lên nin nít cho cả 80 triệu dân thì quả đúng là… chuyện hoang tưởng. Phải chăng trường hợp Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi nằm ngay ở đầu não của các  cơ quan tuyên giáo đã sớm nhận ra cái  lý tưởng cần “tuyên” và “giáo” cho toàn dân này là phản khoa học, là hoang tưởng, là vô đạo lý khi cố tình  kiểm soát cả triệu triệu con tim, tỉ tỉ tâm hồn  phải có cùng một suy nghĩ, phải cùng một nhịp đập trái tim, phải yêu, ghét vui buồn theo lời dạy của một hai ông Tây râu xồm (mà chính những nước trót sản sinh ra các nhà “chết học gia” này đã vùi sâu chôn chặt từ khuya rồi) là đi ngược lại lịch sử, là ảo vọng  điên khùng  mà rời bỏ hàng ngũ, xin thành lập một đảng khác?

Phải chăng cái sự “chuyên” trong nghề “giáo” của cái cơ quan ra đời trước nhà nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa  và Công hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, (thiếu một năm đày một thế kỷ) được kỷ niệm hoành tráng, trao tặng huân chương, kỷ niệm chương búa xua giữa bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng  bị “nhẹ” đi cái đuôi xã hội chủ nghĩa  mà người ta thấy cần khẳng định lại: “Đừng tưởng bở! Vẫn có cái cơ quan kiểm soát tư tưởng và con tim của cả nước đây! Tuyên truyền và giáo dục cho hơn 80 triệu dân Việt nam này phải theo chủ nghĩa Mác Lê Nin bách chiến bách thắng là nhiệm vụ vinh quang và trước sau như một của Đảng đã giao. Ai không đồng ý thì đã có luật 88!”

Mở đầu tháng 8 đầy ắp sự kiện, tớ đã vấp phải một chuyện đáng buồn… cười nhưng phải viết ngay kẻo để lâu nó nguội. Tuần sau tớ hứa sẽ tiếp tục “kể chuyện xưa” cho các friends nghe nhé.
Prev: tuần kí số 14(27 tháng 7/009 năm nay có gì lạ?)
Next: tuần kí số 16 (cách mạng mùa thu bắt đầu từ bao giờ?)

No comments:

Post a Comment