Saturday, 23 June 2012

Bản lĩnh còi của chính phủ

|
Tác giả của tái cơ cấu

Thế là cuối cùng cũng chẳng có ngân hàng nào bị phá sản, chẳng có công trình nào bị toi hẳn, không có cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước nào trở thành giấy vụn. Nền kinh tế này quay lại màu đục lờ nhờ và với hình ảnh lạm phát chực chờ phía sau.
Thế là, cuối cùng về lý luận cũng không có cực đoan. Nỗi niềm dân tộc vẫn tràn ngập một thứ khôn ranh, nhỏ mọn và vo tròn. Kỳ chất vấn tại quốc hội vừa rồi những “đại biểu của dân” luôn bắt đầu bằng những câu đầy nịnh bợ trước khi có một chút nhỏ gọi là chất vấn nằm phía sau chữ “tuy nhiên”. Chưa kể nhiều câu hỏi ngớ ngẩn đến lạ lùng mà thành viên chính phủ thừa biết nhưng cũng không đủ bản lĩnh để tấn công triệt để.

Làm trai nước hai mà nói
Cái kiểu “làm trai nước hai mà nói”; lập lờ ăn gian có vẻ như giờ đây được người ta ưa chuộng. Không chỉ cắt xén sự liêm sỉ, mà chúng ta còn tự kiểm duyệt và cắt luôn sự lương thiện và hồn nhiên của tư duy, của nhận thức rạch ròi và tranh luận thấu đáo.
Giờ đây, sau khi đã kết nạp USD vào đảng và nền kinh tế đã nuốt trọn 300 ngàn tỷ, rồi từ nay đến cuối năm cứ mỗi tháng ít nhất 71 ngàn tỷ nữa được công công bố bơm vào thị trường, bức tranh kinh tế sẽ trở nên vô cùng hổ lốn. Nó giống như một bức tranh kiểu trẻ con tô nhằng nhịt lên, sau đó còn đổ thêm màu nước, phá vỡ cả bố cục, khung sườn.

Với chính sách nửa vời và bản lĩnh kém cỏi của chính phủ hiện tại thì mình là người được hưởng lợi. Là một doanh nhân mình được lợi khi Chính phủ quyết định bơm tiền hỗ trợ doanh nghiệp; Là một nhà đầu tư có tích trữ, mình vui vì bất động sản sẽ khởi sắc, là một người đam mê chính trị, bất đồng chính kiến với ĐCS, mình biết chính phủ sẽ bị coi là tồi tệ hơn; mình sẽ ít bị chống đối hơn nếu hùa theo những trào lưu dân túy nửa vời của chính phủ và chắc chắn bị phản đối nhiều hơn khi cực đoan về tư tưởng.
Có lợi thật đấy nhưng vẫn thấy quá xót xa, không viết không được. Nghĩ mà thương dân Việt, nhất là sau này. Lạm phát chắc chắn sẽ tăng và nhân dân sẽ bị bần cùng hóa đầu tiên và dai dẳng nhất; cuối bữa Tiệc (Party) là khung cảnh tan hoang. Dưới gầm bàn của bữa tiệc tài nguyên và FDI sang trọng chỉ còn lại đồ thừa cho dân nghèo tranh nhau; 80 triệu đồng bào sẽ loay hoay quẫy đạp trong chiếc “bẫy thu nhập trung bình” và chăc chắn trần thu nhập 1,000 USD là làm bằng thủy tinh. Bẫy đó đã há miệng, bắt đầu từ hôm nay, bắt đầu từ bản lĩnh còi của Chính Phủ vốn không dám “quyết” vì sợ “liệt” luôn. Họ sống và làm việc trong một nền văn hóa của sự vo tròn, khép mình và ba phải. Nguy hiểm hơn là sự vô trách nhiệm với tiền đồ dân tộc.

Tái cơ cấu nửa vời vì đảng “rút lửa đáy nồi”
Trước đây khi nghe nói về chương trình “tái cơ cấu nền kinh tế” bằng 3 hướng: Ngân hàng, Đầu tư công và Doanh nghiệp Nhà nước mình đã hy vọng sẽ có 1/3 các ngân hàng bị phá sản, ít nhất 2,500 danh mục đầu tư công bị cắt bỏ như người ta thiến các khối u và Chứng khoán của nhiều doanh nghiệp Nhà nước phải thành tờ giấy loại bay lả tả ngoài đường. Những kẻ ăn bám phải bới đất nhặt cỏ mà sống rồi từ trong hoang tàn đổ nát, hy vọng sức sống tinh túy sẽ mọc mầm.
Thế nhưng khi các nhóm lợi ích lên tiếng, kết hợp với truyền thông vô trách nhiệm, khi doanh nghiệp yếu kém vừa đút lót vừa gào lên đầy ích kỷ; khi tính XHCN được đề cao thái quá và tệ hại nhất là khi những kẻ ăn không ngồi rồi “làm mình làm mẩy”. Thế là Chính phủ hùa theo đầy ân cần giả tạo, bỏ ngoài tai những lời khuyên có trách nhiệm nhất của WB, ADB và IMF. Kẻ ốm không lo đi uống thuốc mà lại lởn vởn ngồi cạnh giường của những kẻ lười nhác để giảng lời đạo đức và nịnh nọt. Làm sao mà cổ phần hóa được cả ngành điện, nước, than, dầu khí khi nghe giới bình dân nhao nhao lên giám sát cả giá xăng dầu.
Cái “tái cấu trúc” nền kinh tế ở đây rõ ràng là theo nghĩa “chưa chín”. Muốn luộc thịt nhưng lại sợ nước sôi làm bỏng người. Kẻ đứng ra “rút lửa đáy nồi” không ai khác là đảng cộng sản Việt Nam. Vì sự thỏa hiệp sặc mùi dân túy, mà đảng đã không vượt qua chính mình, không dám chơi cuộc chơi dài hơi, không đặt tổ quốc lên trên hết để rạch ròi tiếp tục bước đi.

Đảng là kẻ nịnh dân thay vì lãnh đạo dân
Một mặt Đảng hô cải cách, mặt khác duy trì sự hài hòa đầy bảo thủ; Vừa gào lên sự chỉnh đốn quyết liệt lại đòi hỏi sự thống nhất ôn hòa; Đảng hô các ngành thành mũi nhọn rồi biến tất cả thành cái gai quả mít; Đảng có một chỗ ngồi nhưng nhiều người, sợ mất lòng nên đành bê thêm ghế cho vừa; Vừa hô công nghiệp hóa hiện đại hóa vừa miệt mài gỡ vướng víu của những sợi rơm cây lúa mắc vào bánh xe. Đảng yêu nước yêu dân nhưng cả thèm chóng chán; thiếu năng lực nhưng lại muốn bao trọn. Đảng vừa muốn kinh tế tư nhân phát triển lại còn muốn Doanh nghiệp Nhà nước phải chủ đạo.

Thôi đi, đừng nói chính quyền mạnh, sức mạnh là sự khả lý và phương thức là tranh luận thấu đáo. Nó nằm ở bộ não chứ không phải ở cơ bắp. Thực tế nhốn nháo của xã hội cho thấy Đảng cộng sản không phải là một nhà độc tài mà là một kẻ nịnh bợ. Đảng nịnh dân vì sợ dân và để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Nhiều hôm đọc tài liệu và nghĩ đi nghĩ lại, thấy thấp thoáng đâu đó, hình như Chính Phủ cũng muốn làm một điều gì đó rất hay. Nhưng khổ nỗi tất cả các thành viên của Chính phủ đều là đảng viên đảng cộng sản. Họ lẫn lộn không chỉ tư cách đạo đức mà cả vai trò trong công việc. Một lúc nào đó họ như muốn trưởng thành, cả thể lý và tư duy, nhưng rồi vì yếu đuối, sợ mang tiếng, sợ chịu trách nhiệm nên vội vàng co vòi lại. Đôi lúc có vẻ như chực chờ để làm quyết liệt một điều gì đó đầy sự thật nhưng sợ “quyết” rồi đảng cho “liệt” luôn.
Mình đã từng mong ước có một Chính phủ có bản lĩnh, chấp nhận cực đoan hơn nữa, tới hạn hơn nữa trong ngôn ngữ và hành động. Nhưng giờ thì hiểu rằng họ có muốn cũng không được. Người chủ của trò chơi này là Đảng cộng sản và hình như là đảng viên thì bị vướng vào một mớ bòng bong mà họ cũng không thể hiểu nổi chính mình.

Họ bị nô lệ cho một thứ luẩn quẩn gì đó giữa tình yêu đất nước và tình yêu gia đình, giữa phục vụ trong sáng và đồng lương còm cõi; giữa một cái gì đó vừa thuộc về nguyên lý cơ bản và những trò sự vụ, lâm thời. Họ bị vướng giữa lý luận ảo tưởng và thực tiễn sinh động. Và khi đang loay hoay như gà mắc tóc thì làm sao có sự mạch lạc của tư duy để tranh luận rõ ràng và hành động quyết liệt hầu đưa đất nước đi lên.
Tóm lại là sau khi đọc rất nhiều tài liệu của đảng, với tất cả sự chân thành và lương thiện, tôi cũng lẫn lộn, không hiểu Đảng Cộng sản thực tâm muốn gì nữa cho Việt Nam hôm nay và mai sau.
Có thể đó là “tái”.
Hà Nội, chiều ngày 22/6/2012.
(Ngay khi trúng một hợp đồng “tái cơ cấu”)

http://www.danchimviet.info/archives/60274
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Nhất Linh nhà văn và Nguyễn Tường Tam nhà chính trị [kết]
  2. Nhất Linh nhà văn và Nguyễn Tường Tam nhà chính trị[1]
  3. ‘Túi khôn dân tộc’ bác bỏ hoàn toàn Cương lĩnh của Bộ chính trị
  4. Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh
  5.  

No comments:

Post a Comment