Cập nhật lúc :6:22 AM, 24/06/2012
Thái độ của Mỹ xung quanh tranh chấp Hoàng Nham/Scarborough là câu trả lời cho phép thử của Trung Quốc.
(ĐVO) Đó là nhận định của Walter Lohman, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Châu Á tại quỹ Heritage.
Ông Walter Lohman cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thử mức độ liên kết giữa Mỹ và các đồng minh của nước này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua tranh chấp bãi Scarborough/Hoàng Nham.
Dưới đây là bài viết của tác giả được đăng trên The Diplomat:
Với vai trò “người lính chốt” giữ gìn an ninh trên Thái Bình Dương, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ gần đây là nhằm khẳng định vị trí “anh cả” của mình trong công việc điều phối và gìn giữ trật tự, an ninh khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo một cách thức mới.
Cho đến thời điểm này, có rất nhiều biện pháp đã được Mỹ thực hiện nhằm khẳng định vai trò của mình như việc thúc đẩy hợp tác quân sự với Australia hay cử các tàu tuần duyên qua Singapore, nhưng hành động gây tiếng vang hơn cả là thái độ của Mỹ xung quanh tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham giữa đồng minh Phillipines và Trung Quốc.
Trong thời gian qua đã có những lúc căng thẳng leo thang khiến khu vực xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham dậy sóng song không ai đả động đến cụm từ “chiến tranh” trên biển biển Đông.
Thật vậy, việc Mỹ vẽ một “đường vạch đỏ” bao quanh Phillipines giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang bởi các lãnh đạo Trung Quốc không phải là những người không biết cân nhắc thiệt hơn.
Trung Quốc nhìn thấy rõ mối liên kết chặt chẽ giữa Mỹ và Phillipines thể hiện trong các cam kết thuộc hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phillipines, dù Mỹ không có “lợi ích và liên quan trực tiếp” đến vụ tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham.
Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phillipines (MDT) tuyên bố rằng: "Nếu có “một cuộc tấn cống vũ trang trong khu vực Thái Bình Dương nhằm vào một trong hai bên tham gia hiệp ước, nó sẽ bị coi là mối nguy hiểm cho hòa bình và an toàn cho bên còn lại và bên còn lại sẽ có hành động đáp trả thích đáng” đối với kẻ thù chung".
Bản hiệp ước cũng đã đặt ra 3 tình huống mà bên còn lại sẽ có hành động đáp trả:
1. Cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Phillipines hoặc Mỹ;
2. Cuộc tấn công nhằm vào vùng đảo trực thuộc lãnh thổ Phillipines hoặc Mỹ trên Thái Bình Dương;
3. Cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng quân sự (không quân, hải quân) hay dân sự (tàu bè) của Phillipine hoặc Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương.
Hiệp ước Mỹ - Phillipines đã không bị dội gáo nước lạnh
Trong tình thế hiện nay, ít nhất có hai điểm Trung Quốc đã minh bạch:
Thứ nhất, sẽ không có cách nào khác để thay đổi hành động của Mỹ trong tranh chấp hiện tại.
Thứ hai, Mỹ rõ ràng không cho rằng tuyên bố của Phillipines là vượt ra ngoài ranh giới theo hiệp ước MDT, nghĩa là Mỹ sẽ không “đứng ngoài, trung lập” nếu có một cuộc tấn công vào Phillipines.
Với hoàn cảnh hiện tại của tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham, nội dung thứ 3 được nhấn mạnh phía trên sẽ là một trong các quy tắc mà Mỹ và Phillipines đặt nặng nhất.
Năm 1979, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance khẳng định trong một thư tín chính thức gửi tới ngoại trưởng Phillipines Carlos P. Romulo rằng Hiệp ước phòng thủ chung coi “một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng quân đội, tàu thuyền dân sự hay máy bay của Phillipines” dù diễn ra ở thủ đô hay tận ngoài vùng hải đảo thuộc quyền tài phán của Phillipines sẽ đều bị coi là mối nguy hiểm chung cho cả hai nước. Tuyên bố này nhằm tách bạch giữa khái niệm các cuộc tấn công nhằm vào Phillipines với các xung đột tranh chấp lãnh thổ.
Tiếp đó, năm 1999, Đại sứ Mỹ tại Phillipines, Thomas Hubbard tái khẳng định rằng Mỹ coi vùng biển Đông là một phần thuộc Thái Bình Dương. Những luận điểm trên cho thấy rằng nếu có bất cứ tàu bè dân sự hay quân sự nào của Phillipine bi đốt cháy dưới làn đạn của Trung Quốc tại khu vực Scarborough/Hoàng Nham, một hành động đáp trả quyết liệt sẽ được thi triển, phía Mỹ sẽ coi đó là một hành động “nguy hiểm cho hòa bình và sự an toàn chung của hai nước và cần thiết phải đáp trả để chống lại mối nguy hiểm chung.”
Hiệp ước phòng thủ chính thức đã ký kết với Phillipines đòi hỏi Mỹ phải có những hành động từ vận động ngoại giao cho đến trang bị vũ trang để bảo vệ cho Phillipines.
Các quyết định và phản ứng cụ thể của Mỹ sẽ được điều chỉnh dựa trên tình hình diễn tiến của xung đột tại khu vực, tuy nhiên, việc công khai tuyên bố và chỉ trích những “mối đe dọa nguy hiểm trên vùng biển Đông” đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động ngoại giao của Mỹ.
Chắc chắn sẽ không thể có một viễn cảnh hòa hảo, tươi sáng cho mối quan hệ Mỹ - Trung khi Mỹ chính thức tuyên bố quan điểm của mình trong việc ủng hộ Phillipines trong tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham.
Do đó, Trung Quốc đang tiến hành phép thử đối với sức bền của sợi dây liên kết Mỹ - Phillipines và để xem cách mà chính quyền Mỹ giải quyết các vấn đề thách thức trong khu vực. Phép thử ấy không chỉ để nắn gân Mỹ mà còn thăm nhằm cố ý “rút dây động rừng” tới các đồng minh trong khu vực của Mỹ.
Nếu Mỹ “bỏ rơi” Phillipines, Mỹ sẽ làm xói mòn lòng tin của các đồng minh thân cận khác như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, hay xa hơn nữa là Ấn Độ, nơi mà Mỹ đã mất khá nhiều uy tín trong việc giải quyết các vấn đề của Afghanistan.
Và nếu vậy, Mỹ sẽ không thể nào giữ các đồng minh của mình như “những người lính chốt quân” cho "anh cả" Mỹ trên bàn cờ quân sự thế giới.
Lê Hương (theo The Diplomat)
Nguồn: quocphong.baodatviet.vn
No comments:
Post a Comment