Saturday, 23 June 2012

Việt Nam đang cố vô hiệu hóa công hàm ông Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc

Trân Văn, thông tín viên RFA
2012-06-22
Cuối tháng trước, trên trang web của Chương trình Nghiên cứu biển Đông thuộc Học Viện Ngoại giao Việt Nam, có một bài viết bằng tiếng Anh, khẳng định, trong giai đoạn 1954-1975, Việt Nam đã từng có hai quốc gia riêng biệt và cũng vì vậy, công hàm do ông Phạm Văn Đồng – Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, gửi ông Chu Ân Lai – Thủ tướng Trung Quốc, thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, không có chút giá trị nào về mặt luật pháp quốc tế.
RFA file

Công hàm ông Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc
Đây là lần đầu tiên, một trang web thuộc chính quyền Việt Nam nêu chính kiến theo hướng này. Vì sao? Trân Văn – thông tín viên của Đài chúng tôi đã phỏng vấn ông Dương Danh Huy - một tiến sĩ đang sống tại Anh, thành viên sáng lập Qũy Nghiên cứu biển Đông – và cũng là người đã từng khuyến nghị chính quyền Việt Nam nên làm như thế, để tìm câu trả lời.

Thể diện chính quyền phải nhường chỗ cho chủ quyền quốc gia

Trân Văn: Thưa ông, trong các cuộc tranh luận kéo dài suốt nhiều năm qua về chủ quyền trên biển Đông, tuy Trung Quốc luôn dùng công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký hồi 1958 như một trong những bằng chứng để chứng minh rằng, Việt Nam đã chính thức thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, song gần như chưa bao giờ chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – hậu thân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nêu quan điểm của họ về công hàm đó.

Bản đồ Việt Nam trước 1975 chia làm hai tại vĩ tuyến 17: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa. RFA file
Cũng vì vậy, việc trang web của Chương trình Nghiên cứu biển Đông, thuộc Học Viện Ngoại giao Việt Nam, đăng một bài viết xác nhận sự tồn tại của công hàm này, cũng như phân tích về giá trị của công hàm đó rõ ràng là một sự kiện rất đáng chú ý.
Là một người chuyên nghiên cứu, theo dõi và phân tích các sự kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ông nghĩ thế nào về sự kiện vừa xảy ra ấy?
Tiến sĩ Dương Danh Huy: Trong tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa (HSTS), Trung Quốc mặc nhiên cho rằng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN VN) là hậu thân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VN DCCH) và chỉ của VN DCCH. Trên phương diện chính trị, có thể nói rằng, khi Việt Nam thống nhất ngày 2/7/1976 thì ý thức hệ và lãnh đạo của CHXHCN VN chủ yếu là từ VN DCCH. Nhưng trên phương diện pháp lý, thì CHXHCN VN là hậu thân của hai quốc gia: Môt quốc gia phía Bắc vĩ tuyến 17 với tên VN DCCH và một quốc gia phía Nam với tên Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CH MNVN) mà trước đó có tên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Trên phương diện chính trị, có thể nói rằng, khi Việt Nam thống nhất ngày 2/7/1976 thì ý thức hệ và lãnh đạo của CHXHCN VN chủ yếu là từ VN DCCH. Nhưng trên phương diện pháp lý, thì CHXHCN VN là hậu thân của hai quốc gia: Môt quốc gia phía Bắc vĩ tuyến 17 với tên VN DCCH và một quốc gia phía Nam với tên Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam mà trước đó có tên Việt Nam Cộng Hòa.
» Tiến sĩ Dương Danh Huy
Đúng là cho tới gần đây truyền thông của Việt Nam tránh nói về vấn đề công hàm Phạm Văn Đồng (CH PVĐ) và tránh câu hỏi, trước khi Việt Nam thống nhất vào ngày 2/7/1976 thì phía Bắc và phía Nam vĩ tuyến 17 là mấy quốc gia (?), từ thời VNCH đến CH MNVN, có phải là một quốc gia khác biệt với VN DCCH hay không.
Tôi cho rằng việc một trang mạng thuộc chính phủ Việt Nam đăng một bài phân tích về CH PVĐ với quan điểm trước khi Việt Nam thống nhất thì phía Bắc và phía Nam vĩ tuyến 17 là hai quốc gia khác biệt, là một bước đi đúng, theo hướng “công khai, công pháp quốc tế và công luận” mà một số nhà luật học Việt Nam đã đề cập đến. Tôi hy vọng rằng việc Học viện Ngoại giao đăng bài đó, cũng như việc tạp chí Tia Sáng đăng một bản tiếng Việt vào tháng 11 năm ngoái, sẽ góp phần mở rộng thêm không gian tranh luận, phân tích công khai về CH PVĐ.

Việt Nam Cộng hòa là “lõi” của kế hoạch vô hiệu hóa

Trân Văn: Bài viết bằng tiếng Anh, mới đăng trên trang web của chương trình Nghiên cứu biển Đông thuộc Học Viện Ngoại giao Việt Nam, chỉ là bản dịch của một loạt ba bài do bà Nguyễn Thái Linh viết và đã từng được tạp chí Tia Sáng của Việt Nam, đăng hồi giữa tháng 11 năm 2011.
Sau sự kiện đó chừng một tuần, hôm 25 tháng 11 năm 2011, lần đầu tiên, một trong những viên chức cao cấp nhất của chính quyền CHXHCN VN - ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, chính thức tuyên bố tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam, rằng chính phủ VNCH, đã từng thay mặt Việt Nam, duy trì chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, rằng năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền VNCH,…

Ông Phạm Văn Đồng và ông Chu Ân Lai (source chouenlai.lafeng.net)
Theo dõi tình hình thời sự tại Việt Nam, chúng tôi không nghĩ rằng, tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng nhắm vào mục tiêu hòa hợp, hòa giải, mà đơn thuần chỉ là chuẩn bị luận cứ, nhằm vô hiệu hóa các bằng chứng mà Trung Quốc đã, đang cũng như sẽ còn tiếp tục sử dụng để chứng minh rằng, Việt Nam đã từng chính thức thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong số các bằng chứng này, có công hàm mà ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958.
Đối chiếu tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng hồi cuối năm ngoái và sự kiện trang web của chương trình Nghiên cứu biển Đông, thuộc Học Viện Ngoại giao Việt Nam, mới vừa minh định về sự hiện hữu của VNCH trong giai đoạn 1954-1975, với bài viết “Trong cuộc chiến 1954-1975, có một hay hai quốc gia trên hai miền Bắc, Nam?”, đã được ông công bố hồi giữa năm ngoái, chúng tôi có cảm giác, những khuyến nghị của ông qua bài viết ấy, đang được chính quyền Việt Nam hiện nay áp dụng để có thể ứng dụng hữu hiệu luật pháp quốc tế, vào việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Bài viết của ông rất cặn kẽ, nhiều chi tiết, trong khi thời gian cho cuộc trao đổi này lại có giới hạn, ông có thể giải thích thật ngắn gọn, nhằm giúp thính giả của chúng tôi dễ hình dung rằng, tại sao, cần phải thừa nhận, trong giai đoạn 1954-1975, Việt Nam từng có hai quốc gia riêng biệt?
Tiến sĩ Dương Danh Huy: Trước hết, tôi xin nêu quan điểm của tôi là trong thời kỳ Việt Nam chia đôi thì “Việt Nam là VN DCCH và VNCH” chứ không phải “Việt Nam chỉ là VN DCCH”.
Việc miền Bắc và miền Nam là hai quốc gia cho đến ngày 2/7/1976 là rất quan trọng cho việc phản biện Trung Quốc, vì nó có nghĩa CH PVĐ và các hành vi bất lợi khác của VN DCCH sẽ không gây phương hại cho chủ quyền đối với HSTS mà một quốc gia khác, tức là miền Nam, đang duy trì lúc đó.
» Tiến sĩ Dương Danh Huy
Đúng như ông nói, có lẽ chính phủ Việt Nam cảm thấy khó có thể làm ngơ trước việc Trung Quốc đang sử dụng vấn đề CH PVĐ trong việc tuyên truyền, họ cảm thấy Việt Nam phải phản biện nhiều hơn, và họ có thể cảm thấy rằng lập luận mạnh mẽ nhất để phản biện là dựa trên các tuyên bố và hành động của VNCH về HSTS. Nhưng để dựa trên các tuyên bố và hành động của VNCH về HSTS thì phải dựa trên việc lúc đó miền Bắc và miền Nam là hai quốc gia.
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã viện dẫn các tuyên bố và hành động của VNCH về HSTS từ lâu, thí dụ như trong sách trắng của Việt Nam về HSTS năm 1981. Nhưng, có lẽ trên phương diện đối nội thì họ ngại, không dám công nhận thẳng thừng là miền Bắc và miền Nam đã từng là hai quốc gia, mặc dù đó là quan điểm mà cả ba chính thể: VN DCCH, CH MNVN và CHXHCN VN đã từng đưa ra với thế giới.
Việc miền Bắc và miền Nam là hai quốc gia cho đến ngày 2/7/1976 là rất quan trọng cho việc phản biện Trung Quốc, vì nó có nghĩa CH PVĐ và các hành vi bất lợi khác của VN DCCH sẽ không gây phương hại cho chủ quyền đối với HSTS mà một quốc gia khác, tức là miền Nam, đang duy trì lúc đó.
...nếu sự thống nhất đó là VN DCCH và CH MNVN cùng đồng ý thống nhất lại thành một quốc gia thì sẽ có lợi cho Việt Nam, vì sẽ không có vấn đề gì cản trở việc CHXHCN VN, thừa kế danh nghĩa chủ quyền đối với HSTS từ quốc gia phía Nam vĩ tuyến 17, tức là VNCH hay CH MNVN.
» Tiến sĩ Dương Danh Huy
Nói cách khác, nếu chính phủ Việt Nam cho rằng luôn luôn chỉ có một quốc gia, thì CH PVĐ và các hành vi bất lợi khác của VN DCCH sẽ gây phương hại cho chủ quyền Việt Nam đối với HSTS.
Ngoài ra, vấn đề không chỉ là miền Bắc và miền Nam đã từng là hai quốc gia, mà còn là cả tính cách pháp lý của sự thống nhất ngày 2/7/1976. Nếu sự thống nhất đó là VN DCCH mở rộng lãnh thổ về phía Nam, hấp thụ quốc gia phía Nam vĩ tuyến 17 thì sẽ bất lợi cho tranh cãi pháp lý về HSTS. Ngược lại, nếu sự thống nhất đó là VN DCCH và CH MNVN cùng đồng ý thống nhất lại thành một quốc gia thì sẽ có lợi cho Việt Nam, vì sẽ không có vấn đề gì cản trở việc CHXHCN VN, thừa kế danh nghĩa chủ quyền đối với HSTS từ quốc gia phía Nam vĩ tuyến 17, tức là VNCH hay CH MNVN.
Điểm cuối cùng ở đây là điểm có thể gây tranh cãi giữa người Việt. Trên phương diện chính trị, có thể có quan điểm cho rằng CHXHCN VN chính là VN DCCH đã hấp thụ miền Nam và đổi tên thành CHXHCN VN. Nhưng, trên phương diện thủ tục pháp lý, theo quan điểm của các quốc gia khác lúc đó, bao gồm cả Trung Quốc, và của các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, thì sự kiện Việt Nam thống nhất ngày 2/7/1976 là hai quốc gia thống nhất lại thành một quốc gia mới.
Trân Văn: Xin cám ơn ông.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment