Song Chi/Người Việt
Không chỉ kéo lùi sự phát triển của một quốc gia đến hàng thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ so với các quốc gia tự do dân chủ, tác hại lớn hơn của một chế độ độc tài là sự phá hoại về mặt văn hóa, xã hội, con người.
Báo chí chính thống ở VN chưa bao giờ là một quyền lực thứ tư, độc lập, khách quan, đứng về phía lẽ phải. (Hình: Francois May/AFP/GettyImages) |
Việt Nam cũng không thoát khỏi bi kịch đó.
Sau 67 năm giành được chính quyền ở miền Bắc và 37 năm độc quyền lãnh đạo cả nước, những “thành tích” phá hoại mà đảng và nhà nước cộng sản đã gây ra cho đất nước, dân tộc VN về mọi mặt quả là kinh hoàng. Nhưng cái đáng nói nhất, như vừa đề cập ở trên, là sự phá hoại tận gốc rễ về mặt đạo đức xã hội, văn hóa, nhân cách con người.
Riêng về tính cách, nhân cách con người - cái làm nên phẩm chất, khí lực của dân tộc, chế độ độc tài ngu dân đã biến dân tộc VN thành một dân tộc với rất nhiều “căn bệnh mãn tính.”
Trong khuôn khổ của một bài báo ngắn, đồng thời nhân một vài sự kiện xảy ra gần đây, chỉ xin đề cập đến hai trong vô số “căn bệnh” phổ biến nhất: thói bạc nhược và tính hoài nghi.
Bàn tay sắt của nhà cầm quyền sau nhiều thập kỷ đã bào mòn tinh thần dũng cảm, bất khuất, ý chí bảo vệ sự thật, cả phẩm cách của mỗi con người. Khiến người dân trở nên bạc nhược, bàng quan, vô cảm với những cái xấu, cái ác đang diễn ra hàng ngày, với chính cái mô hình hệ thống chính trị đang là nguyên nhân đẻ ra những cái xấu, cái ác đó.
Cũng có nghĩa là vô cảm với chính vận mệnh của đất nước và dân tộc.
Ngày Báo Chí cách mạng 21 Tháng Sáu năm nay là một dịp để nhiều nhà báo, trí thức và cả người dân chua chát nhận ra cả một nền báo chí “lề phải” dưới sự lãnh đạo, kìm kẹp của đảng và nhà nước, đã trở nên hèn yếu như thế nào.
Thật ra, từ bao lâu nay, báo chí chính thống ở VN chưa bao giờ là một quyền lực thứ tư, độc lập, khách quan, đứng về phía lẽ phải, sự thật, nhằm góp phần kiểm soát, hạn chế quyền lực của ba hệ thống: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp như trong một xã hội dân chủ.
Báo chí, như chính đảng cộng sản đã tuyên bố, là công cụ của đảng để “tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của đảng....” Nhiệm vụ của báo chí là phải bảo vệ đảng và nhà nước, bảo vệ chế độ trước hết.
Nhưng càng ngày, khi những sự thối nát của chế độ càng lộ rõ, khi quyền lợi của đảng và nhà nước càng lúc càng mâu thuẫn với quyền lợi của nhân dân. Khi con đường mà đảng và nhà nước cộng sản đang bắt ép cả dân tộc đi theo càng ngược chiều với khát vọng của nhân dân và sự phát triển đúng hướng của nhân loại, thì báo chí càng bị nhà nước kiểm soát, khống chế, can thiệp một cách thô bạo.
Trong tình hình như vậy, đa số báo chí bèn chọn con đường yên thân. Hoặc bám sát chủ trương đường lối của đảng mà ca tụng, hoặc chỉ viết về những gì đảng và nhà nước cho phép, vô thưởng vô phạt. Hoặc chạy theo những đề tài vừa không bị “thổi còi” vừa ăn khách như cướp, giết, hiếp...
Kết quả là báo chí Việt Nam ngày càng trở nên nhạt nhẽo, lạc hậu, không bắt kịp với nhu cầu của thời đại và nguyện vọng của người dân. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, còn làm nhiễu thông tin, bóp méo, làm sai lệch sự thật, góp phần vào chính sách ngu dân của nhà nước. Hoặc làm vẩn đục thêm môi trường xã hội bởi những bài báo rẻ tiền, lá cải xuất hiện nhan nhản.
Những nhà báo có lương tâm thì luôn luôn day dứt vì tình trạng này và tìm mọi cách để có thể lách qua cái kính lúp soi chiếu của nhà cầm quyền, tự an ủi viết được một phần sự thật còn hơn là biết mà không viết.
Cũng may còn có báo chí ở bên ngoài, sự ra đời của các trang blog cá nhân, diễn đàn độc lập... đã tạo nên cả một nền báo chí “lề trái” sôi động, phong phú. Luôn bám sát mọi tình hình diễn biến tâm tư của người dân, vạch ra những sự thật mà báo chí chính thống không nói được.
Từ những cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, những vụ án nổi bật của những người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm, những vụ đàn áp tôn giáo, cưỡng chế đất đai giải phóng mặt bằng... và hàng trăm sự thật khác. Nếu không có báo chí “lề trái” hay “lề dân” đưa tin kịp thời, nhanh nhạy, với đầy đủ hình ảnh, video clip làm chứng cớ, người dân làm sao biết được?
Tất nhiên nhà cầm quyền không để yên. Mọi biện pháp từ chặn tường lửa, sách nhiễu, bôi nhọ, gây khó dễ mọi mặt đời sống cho đến bắt giam... các blogger được áp dụng.
Chính từ đội ngũ blogger - nhà báo nhân dân này, niềm tin của chúng ta về sự dũng cảm của một dân tộc tưởng như đã bị bào mòn chỉ còn lại trạng thái bạc nhược, bàng quan, vô cảm là phổ biến, đã phục hồi được phần nào.
Cũng như thói bạc nhược, sự hoài nghi đã trở thành thường trực trong suy nghĩ, tâm tư của người Việt. Không chỉ mất lòng tin vào đảng, nhà nước, luật pháp, người dân cũng không tin nhau, không tin vào điều tốt đẹp, cái tử tế, không tin vào mọi thứ.
Gần đây có một sự kiện xảy ra đã tạo ra nhiều phản hồi trái chiều từ mọi người, đó là lời kêu gọi về phong trào “Con Ðường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long. Một trong bốn người bị xử trong vụ án chính trị năm 2010 cùng với Luật Sư Lê Công Ðịnh, kỹ sư-doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung. Cũng là người chịu bản án nhẹ nhất và được thả ra sớm trước thời hạn 6 tháng hôm 4 Tháng Sáu.
“Cũng như thói bạc nhược, sự hoài nghi đã trở thành thường trực trong suy nghĩ, tâm tư của người Việt. Không chỉ mất lòng tin vào đảng, nhà nước, luật pháp, người dân cũng không tin nhau, không tin vào điều tốt đẹp, cái tử tế, không tin vào mọi thứ.”
Khi vừa ra tù, ông Lê Thăng Long đã đưa ra lời kêu gọi “Con Ðường Việt Nam” mà nội dung của nó, mọi người có thể tìm đọc ở đây: http://movementcdvn.wordpress.com
Ðồng thời gửi thư mời rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau tham gia vào phong trào.
Phản ứng của những người được mời và cả những người ở bên ngoài nhìn chung nghi ngờ, cho đó là một “cái bẫy,” là có bàn tay dàn dựng của nhà nước cộng sản VN ở phía sau, hoặc có những sự thỏa hiệp, thông đồng nào đó từ phía người khởi xướng với nhà cầm quyền. Hoặc nếu không cũng là một sự ngây thơ, nóng vội, do chưa hiểu hết mưu sâu của nhà cầm quyền và tâm lý đám đông...
Có những người đã phản ứng dữ dội, thậm chí nhục mạ ông Lê Thăng Long và Con Ðường Việt Nam. Có những người xử sự điềm tĩnh hơn, đã trình bày sự từ chối tham gia của họ bằng những lời lẽ khách quan hơn. Bên cạnh đó, một số lượng khiêm tốn hơn hẳn, là những người lên tiếng ủng hộ phong trào.
Bản thân ông Lê Thăng Long cũng đã giải trình về lời kêu gọi của mình và khẳng định không có bất cứ cạm bẫy hay bàn tay phía sau nào của chính quyền.
Không có gì lạ khi phản ứng chung của nhiều người là sự hoài nghi. Bởi như đã nói, căn bệnh hoài nghi này đã ăn sâu vào trong tư duy nếp nghĩ của con người VN dù chúng ta có tự ý thức về điều đó hay không.
Bên cạnh sự cai trị hà khắc của nhà cầm quyền luôn tìm cách bóp chết mọi mầm mống phản kháng, mọi phong trào dân chủ từ trong trứng nước. Chính sự hoài nghi từ trong mỗi người dân đã là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao phong trào dân chủ ở Việt Nam không thể phát triển nổi, dù với cộng đồng trong hay ngoài nước.
Từ một sự kiện nhỏ này để thấy, với người VN bây giờ, khó khăn hay trở ngại lớn nhất trên con đường đấu tranh giành lại quyền làm người, giành lại tự do dân chủ cho đất nước chưa hẳn đã là làm thế nào để tìm được đường đi, xây dựng được phong trào...
Mà là làm thế nào để vượt qua những “bức tường” tự dựng lên bên trong mỗi người từ sự sợ hãi, thói nghi kỵ, mất niềm tin vào mọi thứ hay sự vô cảm... trước khi có thể đến được với người khác và cùng nhau làm được điều gì đó cho tương lai chung của đất nước, dân tộc.
No comments:
Post a Comment