Thứ tư, 11 Tháng 7 2012 09:49 |
“...Tưởng như đây sẽ là một chỗ dựa đáng tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Ấy vậy nhưng, trớ trêu thay, câu lạc bộ lại bị trấn áp ngay từ khi còn trong trứng nước...” Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 29/6 tại Hà Nội vừa rồi, TBT Nguyễn Phú Trọng lại khiến dư luận bàn tán rôm rả khi công khai bày tỏ thái độ “sốt ruột” trước tệ nạn tham nhũng tràn lan khắp cả nước. Ông còn phát biểu: “Tinh thần chống tham nhũng trong Đảng quyết tâm rất cao, song phải dựa vào nhân dân, dựa vào đảng viên”!? Theo lẽ thường tình, khi một người “sốt ruột” trước hành vi của người khác thì hoặc là vì anh ta thấy hành vi đó nguy hại và nôn nóng ngăn chặn, hoặc là vì anh ta muốn làm như người ta mà không được. Vậy nên để xem ngài TBT “sốt ruột” theo kiểu gì, thiết tưởng chúng ta cũng cần phải xem Đảng và Nhà nước vẫn đang “dựa vào nhân dân” để “chống tham nhũng” như thế nào đã. Người Việt Nam vốn có truyền thống “kính lão”, đặc biệt là những bậc “cây cao bóng cả” có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam trước đây rất coi trọng tiếng nói của tầng lớp phụ lão, mà Hội nghị Diên Hồng năm 1284 (do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2) là một minh chứng điển hình. Trong lớp người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, có một bộ phận mà xã hội cũng như các cấp chính quyền xưa nay vẫn dành cho họ một vị trí đặc biệt. Đó chính là các vị “lão thành cách mạng” – những người đã cống hiến phần lớn cuộc đời của mình cho “sự nghiệp cách mạng” do Đảng CSVN khởi xướng và dẫn dắt, với những thành tích đáng nể trọng theo quan niệm chính thống của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng tác oai tác quái hiện nay, nhiều vị đã khảng khái lên tiếng đòi hỏi lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Không dừng lại ở đó, mới đây một số vị lão thành cách mạng đã tập hợp lại nhằm đi đến thành lập “Câu lạc bộ Học và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội. Theo lời của một thành viên sáng lập thì “thành phần là những người đã có quá trình hoạt động trong Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể cách mạng. Một số người gần như suốt cuộc đời hoạt động, cả lúc đã nghỉ hưu. Ba bốn người đã có những lúc gặp hoặc đã trực tiếp làm việc với Bác Hồ; có người đã tham gia những khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hay Quốc hội; có người đã từng có mặt trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Việt Bắc”. Rõ ràng, họ đều là những “công dân đặc biệt” trong cái chế độ vẫn suốt ngày ra rả là “của dân, do dân và vì dân” này. Tưởng như đây sẽ là một chỗ dựa đáng tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng và xứng đáng được khuyến khích, thậm chí nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống chính trị. Ấy vậy nhưng, trớ trêu thay, câu lạc bộ lại bị trấn áp ngay từ khi còn trong trứng nước. Vẫn theo lời của thành viên sáng lập câu lạc bộ nói trên thì người ta đã “trấn áp việc tìm các cách sao cho có hiệu quả để góp sức với Đảng, Nhà nước trước thực trạng hiện nay của Dân, của Nước, của Đảng” với đủ trò bẩn thỉu như (i) tung tin thất thiệt, (ii) doạ dẫm, tạo áp lực vào kinh tế của con cái, (iii) gây áp lực từ hệ thống Đảng, (iv) gây áp lực từ tổ chức cựu chiến binh, và (v) diễu võ dương oai. Trong hệ cơ chế chính trị hiện hành ở Việt Nam, việc trấn áp bài bản với đủ mọi chiêu thức đối với một câu lạc bộ mà thành viên của nó toàn là những bậc “đức cao vọng trọng” như thế chắc chắn phải bắt nguồn từ “quyết tâm rất cao” của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông cha ta vẫn có câu “miệng quan trôn trẻ”. Thực tế này hẳn không khỏi khiến người ta nghĩ rằng thái độ “sốt ruột” của ngài TBT dường như thể hiện tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” hơn là tâm trạng của một nhà lãnh đạo đang “trăn trở” vì vận mệnh của nước nhà ■ Lê Anh Hùng Nguồn: leanhhungblog.blogspot.be |
TL http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=1733:tng-bi-th-nguyn-phu-trng-st-rut-theo-kiu-gi-le-anh-hung |
13/7/12
'Không để người dân bị xúi giục, tụ tập biểu tình'
Tại phiên bế mạc HĐND chiều 13/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận, tình hình kinh tế thủ đô đang khó khăn hơn dự báo. Ông cũng đề cập tới một số vụ biểu tình phản đối Trung Quốc vừa diễn ra.
Đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, thực tế diễn ra còn khó khăn hơn dự báo. Mức tăng trưởng 7,6% của thành phố tuy chưa đạt mục tiêu, song đã gấp hơn 1,7 lần mức tăng chung của cả nước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10-10,5%, 6 tháng cuối năm Hà Nội phải tăng trưởng kinh tế 12-13%.
Tại phiên chất vấn hôm qua, nhiều đại biểu đã bức xúc về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Phát biểu trước HĐND hôm nay, ông Thảo thừa nhận là còn nhiều tồn tại, nổi cộm nhất là việc xây dựng trái phép, sai phép. Mức độ, tính chất vi phạm ở một số công trình rất nghiêm trọng (cố tình vi phạm, cố ý làm trái), trong khi xử lý vi phạm chưa nghiêm, có biểu hiện không chỉ nể nang, né tránh mà còn dung túng, thậm chí bị thao túng...
Ông Nguyễn Thế Thảo: "Việc giải quyết đơn thư, tiếp dân và tình hình khiếu kiện đông người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải quan tâm”. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Liên quan tới tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của thủ đô trong thời gian qua, ông Thảo cho rằng, về cơ bản được giữ vững. Công an thành phố đã tập trung các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; thành lập đội đặc nhiệm 141 để truy quét tội phạm, mang lại hiệu quả. Thành phố cũng đã xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, an ninh nông thôn.
Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng tập trung đông người kéo về Hà Nội khiếu kiện có tổ chức. Ngoài khiếu kiện về đất đai, trong hai tuần qua, vào ngày chủ nhật, tại trung tâm thành phố đã diễn ra việc tụ tập, biểu tình phản đối Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo.
Theo ông Thảo, nhiều người tham gia biểu tình là những người khiếu kiện về đất đai bị lợi dụng để gây phức tạp về an ninh - trật tự. Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, không bị các phần tử xấu, cơ hội lợi dụng xúi giục xuống đường, tụ tập biểu tình gây mất trật tự an ninh ở thủ đô.
Ông Thảo cũng nhấn mạnh, trong năm nay, việc giải quyết đơn thư, tiếp dân và tình hình khiếu kiện đông người là “nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải quan tâm”.
Nguyễn Hưng
***
25/6/12
No comments:
Post a Comment