20/6/12
Tác giả : Vi Anh
Nhớ lần đầu vào năm 2008, phái đòan Thủ Tướng Việt Cộng, Ông Nguyễn tấn Dũng đến khoá họp thứ 12 của cái gọi là Quốc Hội của CS Hà nội, trình bày một số vấn đề. Một số “đại biểu nhân dân” hỏi. Một vài bộ trưởng trả lời vài việc, không trả lời đôi điều, viện lý do an ninh hay bí mật quốc gia. Thế là “báo đài” của Đảng Nhà Nước đua nhau tô lục chuốt hồng: Quốc Hội chất vấn, chánh phủ điều trần công khai, cởi mở; chế độ “chuyển hoá”; dân chủ tiến bộ.
Nếu nhìn năm mươi mấy năm lịch sử của cái gọi là Quốc Hội của CS Hà nội, và hàng chục nhiệm kỳ của “đại biểu nhân dân” của cái tổ chức CS Hà nội gọi là Quốc Hội do Đảng cử dân bầu ấy, thì thấy chẳng có gì thay cũ, đổi mới cả. Vẫn “trước sau như một”, Quốc hội là của Đảng, vì Đảng, do Đảng CSVN. Lúc nào Đảng cũng “cơ cấu” trên 90% “đại biểu nhân dân” phải đảng viên CS. Nhiệm vụ Đảng giao cho cơ quan này là sơn lớp sơn nhân dân lên ý và quyết định của Đảng để cai trị tòan dân. Đại biểu nhân dân vì thế phải cúc cung tận tụy trung hiếu với Đảng, phục vụ Đảng là cha sanh mẹ đẻ, tương lai sự nghiệp của mình. Lúc nào cũng làm gia nô CS, ngậm miệng ăn tiền, bám chức, bám quyền. Thì những cái gọi là Quốc Hội chất vấn, chánh phủ điều trần là một bi hài kịch CS Hà nội tự biên, tự diễn đầy kịch tính.
Nếu so sánh tập tục chất vấn và điều trần lành mạnh của các Quốc Hội đại diện dân, của dân, vì dân, do dân thì không khỏi buồn cười những trò hề của cái gọi là Quốc hội đảng cử dân bầu của CS Hà nội. Một cách đại tổng, phổ thông và giản dị, chất vấn là quyền của Quốc Hội nhơn danh quyền được biết của quốc dân, quyền giám sát ngăn chận để Quốc Hội có đủ yếu tố làm luật, để quyền làm chủ của dân được thể hiện trong sinh hoạt quốc gia. Quốc Hội chẳng những có quyền chất vấn hành pháp mà còn có quyền chất vấn các tổ chức quần chúng. Điều trần là nhiệm vụ của Hành Pháp phải trả lời. Cuộc đối thoại này được ghi vào biên bản công chứng. Câu trả lời có giá trị hữu thệ, tức nếu trả lời gian dối sẽ bị tội bội thệ như khai gian trước toà.Chất vấn của Quốc Hội và điều trần của hành pháp có thể đưa đến những khuyến nghị, quyết nghị, quyết định có tính cưỡng hành với hành pháp, từ bất tín nhiệm thành phần chánh phủ đến khuyến cáo, quyết nghị sửa đổi đường lối điều hành chánh sách của nội các.
Chẳng những Quốc Hội khoáng đại có quyền chất vấn mà Ủy Ban Quốc Hội cũng có quyền này đối với các bộ đồng nhiệm. Chỉ có nhân viên chánh phủ, thành phần được quyền họp hội đồng nội các như Thủ Tướng, Phó thủ Tướng, Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, Đổng Lý là những chức vụ chánh trị then chốt của nội các và các bộ có quyền họp hội đồng nội các mới có quyền điều trần. Chớ phụ tá, tổng giám đốc, giám đốc là những công chức của bộ hay phủ dù chuyên môn thật, nắm vững vấn đề thật, nhưng ít khi Quốc Hội hay Uy ban Quốc Hội cho điều trần vì không có thẩm quyền trong nội các. Quốc Hội có quyền hỏi, nội các có nhiệm vụ trả lời, chớ nội các không có quyền hỏi Quốc Hội.
Quốc Hội có quyền lớn như vậy vì Quốc Hội đại diện cho quốc dân được quốc dân ủy quyền làm luật, quyết định hành thu, hành chi qua ngân sách bản chất là một đạo luật phải làm hàng năm và giám sát hành pháp. Nên người ta thường nói Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhứt.
Hiến pháp của CS Hà nội cũng nói Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhứt. Nhưng CS nói vậy mà không phải vậy. Hiến pháp CS Hà nội chỉ hữu danh mà vô thực. Quyền hạn của nhân dân và của Quốc Hội chỉ có trên danh nghĩa mà không thực chất, không có trên thực tế, trong thực tiễn của việc điều hành việc nước, chuyện dân. Tất cả quyền lực nằm gọn trong tay Đảng CS mà bộ Chánh Trị của Đảng Nhà Nước là cơ quan quyền lực tối cao. Nhưng trớ trêu thay, đó là một bộ mà trình độ văn hoá thấp kém nhứt so với mấy chục bộ của Đảng Nhà Nước CS Hà nội.
Vài thí dụ về trò tung hứng của Đảng viên CS chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc Hội CS. “Đại biểu nhân dân” do Đảng cử dân bầu tung chất vấn, và chánh phủ cũng do đảng cử Quốc Hội thông qua hứng điều trần – tuy hai mà một—mới đối đáp mấy câu về việc mở rộng phạm vi Hà nội sẽ tốn kém vô số tiền thuế của dân, di dời bao nhiêu nhà cửa của dân trong qui hoạch, hai bên mới nói đôi câu, thì Quốc Hội biểu quyết thông qua một cái rụp. Quốc Hội chấp thuận kế hoạch của chánh phủ, trọn gói với đa số áp đảo 90% ngang với tổng số đảng viên mà Bộ Chánh trị Đảng đã “cơ cấu” trong Quốc Hội!
Về những vấn đề có thể đưa đến khủng khoảng kinh tế tài chánh làm dân nghèo nước mạt, như vật giá gia tăng, lạm phát phi mã, việc nhà nước tuồng công quỹ cho Tổng Công Ty Kinh Doanh Đầu Tư Vốn Nhà Nước, SCIC làm lợi cho nhà giàu hại cho dân nghèo khi thị trường chứng khoán bên bờ vực thẳm, làm cho dân quá khổ, bộ trưởng không buồn trả lời, không nói ra con số lời lổ, viện lý do bí mật”, coi dân biểu như những người không đáng tin, không đáng kể.
Nhưng các “đại biểu nhân dân” làm gì hơn được. 90% là đảng viên. Kỷ luật đảng CS là kỷ luật sắt. Chống lại đảng là tiêu sinh mạnh cá nhân, gia đình trên phương diện chánh trị, và sự sống vật chất. Tuân lịnh Đảng thì còn giữ được đảng quyền, quyền hành chánh, làm chức này chức nọ với xe hơi nhà lầu. Đại biểu nhân dân CS được quyển kiêm nhiệm chức vụ trong đảng và trong guồng máy công quyền, ai cũng kiêm nhiệm hai ba chức, hai ba bên.
Trong khi Bộ Chánh trị có thể vẽ voi vẽ chuột đường lối, chánh sách, mà tại sao CS Hà nội phải mất thì giờ, công sức dàn dựng trò hề cho gia nô đại biểu nhân dân cùng diễn với bên nhà nước như vậy? Không phải để mà con mắt các nhà quan sát ngoại quốc đâu, họ quá rành CS rồi. Điều CS Hà nội muốn là lập lờ đánh lận con đen VN. Đối với người Việt trong nước, CS Hà nội cho làm thế là để xì sú páp bất mãn của dân trước cảnh vật giá gia tăng, lạm phát phi mã, dân oan và công nhân mới mấy tháng đầu năm mà đã biểu tình, đình công trên 1000 vụ. Dân thấy đại biểu nhân dân giáng thập điều chánh phủ, coi như có người nói dùm mình rồi, yên trí lớn chờ “đèn trời soi xét”, thế là nồi sốt de bất mãn từ dân chúng đối với Đảng Nhà Nước CS bị xì hơi, áp suất giảm. Tạo cảm giác cho người Việt hải ngoại, rằng Đảng Nhà Nước sẽ đổi mới chánh trị, dân chủ hoá dần dần. Tạo điều kiện cho tuyên truyền quốc ngoại lôi kéo hải ngoại về cùng Đảng “xây dựng quê hương”. Tạo hy vọng cho những chánh khách ít kinh nghiệm CS mà nhiều tham vọng chia ghế tham chánh qua con đường bầu cử, dùng Quốc Hội cải tiến chế độ. Nhứt là đối với lớp trẻ ở hải ngoại chưa có kinh nghiệm CS, sống trong chế độ dân chủ từ nhỏ tới lớn, tưởng đâu CS cũng tổ chức chánh quyền tam lập, Quốc Hội có quyền như ở Tây Phương, dân chủ từ từ “chuyển hoá”./.
No comments:
Post a Comment