Nguyễn Bắc Truyển (Danlambao) - Sau tháng 4/1975, miền Nam Việt Nam đã được tuyên truyền như là hang ổ của những tệ nạn xã hội do tàn dư chế độ cũ để lại. Tất cả những thói hư tật xấu của xã hội, mặt trái của sự phát triển đều được đổ thừa cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa gây ra. Thậm chí những văn hóa truyền thống tôn trọng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín; nền giáo dục nặng về lễ hơn chữ, nền kinh tế thị trường đúng nghĩa... cũng được xem là sản phẩm của xã hội phong kiến, tư sản... cần phải dẹp bỏ sạch để thay vào đó là những giá trị xây dựng xã hội chủ nghĩa nặng về tuyên truyền, hình thức và không tưởng.
Vào thời điểm đó rất nhiều sách, truyện phải bị tiêu hủy vì cho là phản động, đồi trụy, trong đó có cả những quyển sách học làm người của tác giả Nguyễn Hiến Lê, sách luật học, sách quản trị và ngoại ngữ (Anh, Pháp), truyện giáo dục giải trí cho trẻ em... Cũng như nhiều gia đình khác tại miền Nam Việt Nam, gia đình tôi cũng có nhiều sách và quý trọng sách, thay vì tiêu hủy, bán ve chai, chúng tôi chọn bằng cách bỏ vào thùng đạn chôn xuống đất. Khi đó tôi luôn đặt câu hỏi những tác phẩm này có tội tình gì mà phải bị đốt bỏ? Giờ đây tôi có thể đã tìm được câu trả lời, tất cả là do thói kiêu binh, phủ nhận sạch trơn của cái gọi là "giải phóng". Bây giờ các tiệm sách tràn ngập những loại sách này mà không còn những thắc mắc nên hay không về sự có mặt của chúng trên kệ sách gia đình. Các ngôi trường cũng đã chấp nhận "Tiên học lễ Hậu học văn". Những giá trị của sự thât đã được trả về đúng cho nhân loại, nhưng còn phải mất rất nhiều thời gian để lấy lại những gì tốt đẹp đã mất.
Năm 2005, khi mạng internet bắt đầu phát triển tại Việt Nam, lần đầu tiên qua trang báo điện tử Đối Thoại, tôi được nhìn thấy công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng, thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gởi đến ông Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Hoa lục địa, nội dung công hàm đó thì bây giờ chúng ta đã rõ mười mươi. Đã có lúc những người có trách nhiệm của nhà nước cộng sản Việt Nam không công nhận công hàm 1958 là sự thật hay đó không phải là văn bản ngoại giao (công hàm). Đến khi không thể thoái thác về sự tồn tại của công hàm 1958 thì họ lại ngụy biện cho rằng nội dung trong công hàm không liên quan đến chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa, hành động đó có thể là muốn che dấu sự thật hay là yếu kém về luật pháp quốc tế?
Sáng nay, RFA đưa tin trên trang web của Chương trình nghiên cứu biển Đông của Học viện ngoại giao Việt Nam đăng bài viết bằng tiếng Anh khẳng định "công hàm 1958 của thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng ký công nhận chủ quyền của Trung quốc tại biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, là không có giá trị về mặt pháp luật quốc tế". Trong một chế độ toàn trị tại Việt Nam, Học viện ngoại giao công bố xác nhận sự tồn tại công hàm 1958 thì không thể nói rằng không thể thiếu vai trò định hướng của Đảng. Chúng ta có thể hiểu rằng việc công khai phản bác giá trị pháp lý của công hàm 1958 là một trong những giải pháp tranh chấp các quần đảo trong vùng biển Đông. Sự phản bác giá trị pháp lý công hàm 1958 còn mặc nhiên công nhận một chế độ đã từng chủ quyền lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào trong đó có cả hai quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc và một số quốc gia khác. Một sự thật mà cách đây vài tháng những người có trách nhiệm không muốn thừa nhận, cho đến khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tại Quốc hội Việt Nam "Trung quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 từ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa". Công nhận một quốc gia đã từng tồn tại không có nghĩa là khôi phục lại chế độ đã từng quản lý quốc gia đó nhưng nó khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong trường hợp xãy ra tranh chấp như hoàn cảnh của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đây là điều cần thiết phải làm vì đó chính là giá trị của sự thât.
Việc không công nhận giá trị pháp lý của công hàm 1958, chắc chắn là sẽ làm cho những tên gây hấn, âm mưu bá quyền tại biển Đông sẽ càng thêm tức tối, xem như bị mắc quả lừa. Tuy nhiên, đó là sự thật không thể chối cãi vì không ai bán hay cho một đồ vật không thuộc sở hữu của mình, hành vi đó là vi phạm pháp luật, người tiếp nhận phải biết rõ điều này. Sự che dấu sự thật đã làm cho nhà cầm quyền khó ăn khó nói với người dân vì danh không chính thì ngôn không thuận.
Mọi việc ngày càng sáng tỏ khi sự thật được trả về đúng nơi. Vào những ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội Việt Nam cũng vừa thông qua luật Biển, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân trong việc xác nhận chủ quyền và bảo vệ vùng lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam tại vùng biển Đông, đây cũng không phải là đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân hay tổ chức nào có thể chi phối, khuynh đảo theo ý riêng của họ. Những công dân yêu nước còn nhiều việc phải làm trong quá trình đòi lại Hoàng Sa, một phần Trường Sa và bảo vệ phần đất còn lại của Trường Sa, trong đó có cả việc vạch mặt với những ai muốn dâng, bán lãnh thổ cho ngoại bang.
No comments:
Post a Comment